Kim Loan có một giọng hát hơi khàn, hơi nghẹt mũi một chút. Cô đến ca trường nhạc giới giữa lúc Phương Dung, Hoàng Oanh, Hà Thanh, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh đang làm mưa làm gió khắp nơi trình diễn văn nghệ. Nhưng may mắn thay, cô vẫn có một chỗ ngồi riêng ở lãnh vực ca hát. Và càng may mắn hơn nữa, chỉ mới chân ướt chân ráo vào nghề mà cô đã nổi tiếng qua bài “Căn Nhà Ngoại Ô”.
Kim Loan có khuôn mặt đẹp, nụ cười thật tươi, sóng mũi thanh tú, vầng trán băng sương, mái tóc buông dài và cài nơ thật đẹp. Vóc mình cô cao lớn, nhưng không thanh. Bàn tay cô hơi thô, dáng đi cô không yêu kiều uyển chuyển. Nhưng cô ăn mặc đẹp, lộng lẫy mà không lố bịch. Tuy nhiên, ở cô, người đối diện nghĩ rằng nếu khéo trau chuốt thêm một chút nữa, nếu học cách đi đứng, ăn nói thêm một chút nữa, cô vẫn là cây bonsai được uốn cành tỉa lá để trở thành một thứ cây cảnh với những nét hài hòa ngoạn mục.
Phỏng Vấn Nữ Ca Sĩ Kim Loan
Nhà báo: Thay mặt bạn đọc báo Văn Hóa, chúng tôi chào mừng Nữ Ca sĩ Kim Loan. Xin cô cho biết cô sang Hoa Kỳ được bao lâu rồi và trong chuyến sang Mỹ này cô có những dự định họat động gì về văn nghệ?
Nữ Ca sĩ Kim Loan: Thưa anh, kính thưa quý vị độc giả, Kim Loan sang đây được 5, 6 ngày rồi. Ngày 10 Kim Loan bay từ bên Đức qua Houston, Texas, ngày 12 Kim Loan tới Cali đây. Kim Loan sang Mỹ lần này do lời mời của Trung Tâm Asia để hát trong chương trình của Trung tâm Asia mang tên “Huyền Thoại Lê Minh Bằng.” Xin nói thêm Tháng Tám này tình cờ lại đúng 40 năm ngày Loan được đi hát năm xưa ở Sài Gòn, nói đúng ngày đầu tiên Kim Loan đi hát như một ca sĩ là Ngày 8 Tháng 8 năm 1966.
Nhà báo: Như vậy Tháng Tám này là một tháng đáng ghi nhớ trong 40 năm ca hát của Nữ Ca sĩ Kim Loan. Đây là lần đầu tiên sau 40 năm người Việt yêu ca nhạc lại được nghe Tiếng Hát Kim Loan. Xin hỏi đôi câu về đời tư: cô ở thành phố nào bên nước Đức? Berlin hay một thành phố nào khác?
Kim Loan: Thưa Kim Loan ở Cologne.
Nhà báo: Ở bên đó đời sống của cô như thế nào? Cô có thể nói sơ về cuộc sống của cô và gia đình không?
Kim Loan: Thưa anh, ngày xưa, những ngày mới đến nước Đức, Loan học khoa Xã hội Sư phạm, Loan học chưa tốt nghiệp đã được Bộ Xã Hội của chính phủ Đức mời làm việc, Loan đã là nhân viên của Bộ Xã Hội Đức và nhiều cơ quan chính quyền Đức trong nhiều năm. Đồng thời Loan vừa đi làm vừa học thêm, nhờ học được mấy năm Khoa Cosmotology, Loan vào làm việc ở những mỹ viện, Loan đã mở Thẩm Mỹ Viện riêng của Loan từ 30 năm nay. Với Loan, việc đi qua Cali hay đi đâu để hát, là việc cần phải thu xếp chớ không dễ dàng.
Nhà báo: Kim Loan vẫn còn say mê nghệ thuật ca nhạc?
Kim Loan: Thưa vâng. Nếu được khán giả chấp nhận, cho là còn hát được, còn nghe được thì Loan sẽ dành nhiều thì giờ hơn để ca hát phục vụ quí vị đồng hương.
Nhà báo: Kim Loan đã xa Sài Gòn lâu rồi, những người Việt Nam phải sống xa quê hương thường có những kỷ niệm, những nỗi nhớ thương, cô nhớ nhất những gì của quê hương ta, của Sài Gòn và ngày xưa? Kỷ niệm nào đẹp nhất về những năm cô sống và ca hát ở Việt Nam, ở Sài Gòn?
Kim Loan: Kính thưa anh, kính thưa quý vị, Loan từ nhỏ sống trong gia đình, gia đình của Loan là một đại gia đình có ông ngoại, bà ngoại, dì, cậu… Ba Loan phải về ở rể trong nhà Mẹ của Loan. Thời trẻ, Loan đi đâu cũng đi cùng với mẹ, với dì, với cậu, không bao giờ Loan đi một mình. Loan sống như thế cho đến ngày Loan ra ngoại quốc. Khi ông Lê Huy Linh Vũ, và ông Đại tá Thọ, mời Loan đóng phim thì lần nào Loan đi đóng phim Dì Tám của Loan cũng đi theo. Loan thích hát từ nhỏ, Loan là học trò của Nhạc sĩ Nguyễn Đức từ lúc Loan mới 8-9 tuổi cho đến năm 17 tuổi rưỡi là năm Loan nổi tiếng. Kỷ niệm của Loan ở ngoài gia đình, ngoài đời rất ít
Nhà báo: Thời ông Nguyễn Văn Thiệu là Tổng Thống, có nhiều lần Kim Loan vào trình diễn ca nhạc trong Dinh Độc Lập, có phải không?
Kim Loan: Thưa anh, năm ấy tự dưng có chuyện đồn, rồi người ta nói đến ông Tổng Thống, người ta nói rằng Loan vào hát trong Dinh Độc Lập… Thực sự tới bây giờ Loan chưa biết Dinh Độc Lập ra làm sao. Còn cái chuyện đồn đại thì Loan nhớ là Loan sang Đức năm 1969, Loan lập gia đình ở Đức năm 1970, đến năm 1972 hay 1973, con trai của Loan bị bịnh, Loan cứ ra vào nhà thương lo cho con. Cùng lúc ấy, Loan được thư bà dì của Loan viết từ Việt Nam gửi sang, bà kể bà rất tức vì ở Sài Gòn người ta đồn bậy về đời tư của Loan. Loan không cho là quan trọng. Nhưng những người thân trong gia đình Loan, như Mẹ của Loan, những bà dì, bà thím của Loan, thì tức lắm. Còn anh Minh chồng Loan thì anh nói cái chuyện đó không có ảnh hưởng một tí nào đến hạnh phúc vợ chồng của anh và Loan. Ngày 6 Tháng 11 năm 1969 Loan qua Đức, ngày 6 Tháng 11 năm 1970 ở Đức, Loan với anh Minh làm đám cưới. Ngày lấy chồng Loan 21 tuổi. Từ năm 1970 cho tới bây giờ đã hơn ba mươi năm.
Nhà báo: Những năm 1970 ở Sài Gòn có chuyện đồn… Tôi xin lỗi trước, câu hỏi của tôi có thể làm cô khó chịu, nhưng vì cô vừa nói ra chuyện đó, chuyện ông Tổng Thống, nên tôi mới hỏi: Người ta đồn Nữ Ca sĩ Kim Loan được mời vào hát trong Dinh Độc Lập nhiều lần và từng có chuyện tình cảm thân thiết với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, chuyện đó có không?
Kim Loan: Như Loan nói trước đó, anh chưa hỏi Loan đã nói là tự dưng người ta bày ra cái chuyện kỳ cục ấy, Loan chắc những người bầy đặt chuyện đó có ý muốn làm mất uy tín của ông Thiệu lúc ông tranh cử độc diễn. Họ muốn ông ta mang tiếng lăng nhăng, bồ bịch với nữ ca sĩ, những nữ ca sĩ ở Sài Gòn thì họ đâu dám ghép với ông ấy, họ lựa người đi ngoại quốc không cãi được họ gán tội. Nếu năm ấy Loan còn ở Sài Gòn, nghe chuyện ấy chắc Loan đã làm toáng lên rồi. (cười…).
Nhà báo: Nhưng có lần nào Kim Loan vào hát trong Dinh Độc Lập không?
Kim Loan: Thưa không. Không. Loan đã nói với anh là Loan chưa một lần vào Dinh Độc Lập.
Nhà báo: Cô từng đến hát ở Câu-lạc-bộ Huỳnh Hữu Bạc, trong phi trường quân sự Tân Sơn Nhất?
Kim Loan: Loan đến hát nhiều lần ở Hội Quán Huỳnh Hữu Bạc. Không quân, Hải quân, tất cả các binh chủng, nơi nào mời Loan hát, Loan cũng đến, thân vui như anh em trong nhà, đâu có chuyện gì. Bấy giờ có ông Nguyễn Cao Kỳ và bà Nguyễn Cao Kỳ, thí dụ vậy, Loan thường hát trong Không quân, có lần gặp ông bà trong Hội Quán, Loan thấy bà Nguyễn Cao Kỳ bả đẹp quá — bả mặc cái áo gì mà chỉ có một bên tay áo, đẹp và lạ quá, Loan cứ mê mẩn nhìn ngắm bả hoài. Má của Loan cùng đi, ngồi bên Loan, nói nhỏ với Loan:
- Con đừng có nhìn bà ấy như vậy chứ! Bà ấy tưởng con mê ông chồng bả, con nhìn ông chồng bả, lôi thôi lắm đấy.
Có lần ở Hội Quán Không Quân, hát xong Loan định ra về thì nhiều ông xúm lại xin Má Loan đừng cho Kim Loan về. Loan hỏi “Tại sao vậy?” Có ông nói: “Ông Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ sắp đến.”
Loan nói:
- Ông ấy đến thì ông ấy đến. Sao lại không cho tôi về?
Một ông Đại úy nói với Mẹ của Loan:
- Con quỳ con lạy bác, bác ơi, bác đừng cho cô ấy về.
Ông Đại úy biểu Loan ngồi xuống. Loan vừa đứng lên định đi ra thì “Ổng” bước vào, thành ra tất cả mọi người cùng đứng lên để chào “ổng”. Kẹt rồi. Loan phải ngồi lại. Lần ấy Loan có nói chuyện với ông Phó Tổng thống một lúc.
Ổng hỏi Loan: “Nhà cô ở đâu?”. Ổng nói “Tôi hay ăn phở số 1 gì đó đường Trương Tấn Bửu…”
Chỉ có lần đó Loan được nói chuyện với một ông lớn trong chính quyền, chứ còn mình là người dân, làm sao quen được các ông ấy. Ngày xưa ở Sài Gòn, anh có cách nào gặp được ông Tổng Thống, anh nói tui nghe coi! (cười…).
Nhà báo: Từ ngày sang sống ở Đức có lần nào Kim Loan gặp ông Nguyễn Cao Kỳ hay ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không?
Kim Loan: Thưa anh, ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì Loan không có gặp lần nào hết. Mà nói thiệt, nếu Loan gặp ông Thiệu, Loan sẽ hỏi:
- Thưa Tổng thống, tôi không gặp ông lần nào, tại sao lại có chuyện kỳ cục vậy?
Bị oan, tức thì hỏi vậy thôi, Loan biết là ông Tổng thống cũng là nạn nhân của chuyện đồn với ác ý. Nhưng Loan nghĩ những người có trách nhiệm phải nói chuyện đó không có. Loan thấy bà Thiệu vô tình quá đỗi, là vợ của ông Tổng Thống, bả phải biết ông chồng bả có làm cái việc đó hay không! Đáng lý bả phải đính chánh cho ông chồng bả, bả phải giữ danh dự cho Loan, nhưng bả đã không làm việc đó. Vì thế Loan nói thiệt là Loan có sự thất vọng về bà Nguyễn Văn Thiệu.
Còn ông Nguyễn Cao Kỳ thì có một lần Loan gặp hai ông bà ăn phở ở Bolsa, Loan có lại chào Thiếu Tướng, ổng chào lại và.. ừ.. ừ, cười.. cười.. rồi thôi. Với ông Nguyễn Cao Kỳ, Loan không có chuyện gì đáng nói cả.
Tạp Chí VĂN HÓA Số 115, Tháng Tám & Tháng Chín 2006
.