Ánh Hồng và Ngọc Hương
Nghệ Sĩ Ánh Hồng Trên Kháng Đài Với Giải Thanh Tâm
Nghệ Sĩ Ngọc Hương Trên Kháng Đài Với Giải Thanh Tâm
Thêm một lần nữa giải Thanh Tâm lại bị chỉ trích nặng nề, hầu như bao nhiêu tờ báo có trang kịch trường thời bấy giờ đều chĩa mũi dùi vào ban tuyển chọn giải Thanh Tâm năm đó.
Thật vậy, chỉ trừ tờ Tiếng Dội của ông Trần Tấn Quốc là loan báo tình hình quá trình diễn tiến cũng như kết quả của giải, còn tất cả các tờ báo đồng nghiệp đã “đánh” thẳng tay, đặc biệt nhắm vào nữ nghệ sĩ Ngọc Hương, một trong 2 nữ đoạt giải Thanh Tâm 1962.
Về phần dư luận trong giới cải lương và luôn cả những khán giả khó tính cũng không ngần ngại chỉ trích, đã cho rằng ban tuyển chọn “thiên vị” nên mới chọn Ngọc Hương để trao giải, bởi đâu có thiếu gì đào kép trẻ xứng đáng đang ở các đoàn hát lớn nhỏ như đào A kép B... Vậy báo chí và dư luận đã căn cứ váo đâu để chê trách và đánh phá? Sau đây là những điểm được nói đến nhiều nhứt:
1) Rằng năm nay (1962) giải đã không đi đúng điều lệ, thay vì phát cho một nam một nữ, mà lại phát đến 2 nữ (Ngọc Hương và Ánh Hồng), không có nam.
2) Ngọc Hương là vợ mới cưới của soạn giả Thu An, mà Thu An thì đã có vợ con đùm đề ở quê nhà Ba Vát, Bến Tre, như vậy có phải Ngọc Hương đã “giựt chồng người ta”. Ðức hạnh là một trong 4 phương diện được chấm điểm của giải Thanh Tâm, ban tuyển chọn sao không xét vấn đề đạo đức này mà lại chấm cho Ngọc Hương.
3) Soạn giả Thu An là thành viên trong ban tuyển chọn, vợ đi thi mà chồng làm giám khảo thì công bình thế nào được, không lẽ cho người khác điểm cao hơn vợ của mình. Năm vừa qua soạn giả Ðiêu Huyền đã đứng ngoài ban tuyển chọn, vì có nghệ sĩ trong gánh hát của mình. Tại sao Thu An không làm như vậy chứ?
Ba điểm trên được ký giả Thanh Tâm giải thích trên tờ Tiếng Dội từng điểm một. Về điểm thứ nhứt thì việc phát cho 2 nữ, ban tuyển chọn xét năm đó không có nam nghệ sĩ nào đạt đủ điểm, và việc phát cho 2 nữ thì năm 1960 từng phát cho Bích Sơn và Ngọc Giàu đã có ai thắc mắc gì đâu. Tuy rằng tiêu chuẩn đặt ra nhưng cũng còn tùy tình hình hoạt động của cải lương trong năm mà ban tuyển chọn đã xét cho năm đó chớ không nhứt thiết phải theo đúng như vậy.
Vấn đề thứ hai theo ký giả Thanh Tâm thì trên giấy tờ Ngọc Hương là vợ chánh thức của soạn giả Thu An có hôn thú đàng hoàng, mà điều lệ của giải thì căn cứ trên giấy tờ, dù cho Thu An có vợ con nhưng không hôn thú thì kể như không chính thức, đàn ông nhiều vợ là chuyện thường trong xã hội Việt Nam xưa nay.
Về điểm thứ ba Thu An là thành viên ban tuyển chọn thì điều lệ không có cấm, ban tuyển chọn nhiều người chứ đâu phải có một mình Thu An, nếu như ông ta cho đậu mà nhiều thành viên khác đánh rớt thì sao? Phải nhiều người cho điểm thì mới chiếm giải, do đó việc Thu An có mặt trong ban tuyển chọn không thành vấn đề. Còn việc Thu An không rút khỏi ban tuyển chọn khi có vợ mình dự tranh thì đó là quyền của ông ta, ban tổ chức không thể yêu cầu ông đứng ngoài được. Tóm lại lập luận của ký giả Thanh Tâm tức ông Trần Tấn Quốc chủ giải khá vững vàng nên những điều chỉ trích đã không làm gì được.
Thế nhưng, dư luận và báo chí vẫn tiếp tục “bươi móc” những việc mà thiên hạ rất muốn nghe, chẳng hạn như có tờ báo nói rằng Thu An là người thân tín của ông Ba Bản, làm việc ở hãng dĩa hát Hoành Sơn nhiều năm, và đặc biệt tuồng của Thu An hát trên sân khấu đoàn Thủ Ðô, chia phần trăm bản quyền nhiều tiền đã trở nên khá giả, mua xe hơi, tậu biệt thự ở đường Hồ Biểu Chánh v.v... Dù rằng chẳng nghe nói ông có gởi gấm Ngọc Hương cho thành viên nào không, nhưng người ta thấy hằng bữa, trước và sau khi ban tuyển chọn họp thì Thu An thường lại mời các thành viên bạn đi ăn nhậu, đi uống cà phê, thì đó là đòn tâm lý khá cao mà Thu An áp dụng, chẳng lẽ các người kia khi cho điểm lại đánh rớt vợ của ông ta sao? Lại nữa hầu như tất cả thành viên trong ban tuyển chọn, đa số là ký giả nếu không thân thiết với Thu An thì cũng từng qua lại quen biết với nhau nhiều năm qua.
Báo chí và thiên hạ cũng nói rằng 4 năm qua Thu An không có tên trong ban tuyển chọn năm nay là năm đầu tiên ông tham gia, lại là năm Ngọc Hương được mang ra xét. Ðó là một trong những điều mà báo chí nêu lên để đã phá. Nhưng thiên hạ nói gì thì nói, giải Thanh Tâm 1962 vẫn tiếp tục chọn ngày phát giải.
Riêng nghệ sĩ Ánh Hồng thì không bị ai chỉ trích hay nói gì cả, người ta chỉ tập trung vào Ngọc Hương mà thôi.
Thành phần ban tuyển chọn giải Thanh Tâm 1962 gồm có 16 thành viên: Ðiêu Huyền, Kiên Giang, Hà Triều, Bạch Diệp, Thu An (5 soạn giả). Và các ký giả kịch trường: Tứ Lang, Ngọc Linh, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền, Phong Vân, Hoài Ngọc, Thiên Hương, Việt Ðịnh Phương, Sĩ Trung, Ngọc Ðỉnh và ông Trần Tấn Quốc (11 ký giả).
Ban cố vấn năm đó là các nghệ sĩ: Bảy Nhiêu, Năm Châu, Duy Lân và bà Phùng Há.
Lễ phát giải tổ chức tại rạp Quốc Thanh vào Tháng Tư năm sau. Và cũng như các năm trước, lễ phát giải có bán vé trình diễn tuồng cải lương do các nghệ sĩ từng đoạt giải những năm qua về tham dự hát giúp cho ban tổ chức.
Hai nữ nghệ sĩ Ngọc Hương và Ánh Hồng lãnh giải Thanh Tâm 1962 giữa thời kỳ cực thịnh của cải lương, coi như vừa được tiếng lại vừa được tiền lương hằng đêm tăng mà tiền ký giao kèo cũng tăng vọt.
Thời gian sau thì vợ chồng Thu An, Ngọc Hương lập gánh Hương Mùa Thu, một đại ban thời bấy giờ. Nhưng rồi Tết Mậu Thân gánh hát ngày một đi xuống, không còn trình diễn ở Thủ Ðô Sài Gòn mà phải đi về tỉnh lẻ để sống, đi đến Cù Lao Rồng và cuối cùng thì đành cho gánh hát rã tại đây.
Sau 1975 gánh Hương Mùa Thu sống trở lại được một thời gian rồi cũng chết. Thu An lại bị mang bệnh ngặt nghèo, tiền bạc không còn, nhà cửa xe hơi bán hết và ông chết trong cảnh nghèo. Ngọc Hương thì sau ngày Thu An chết cũng sống trong cảnh thiếu thốn, gặp lúc nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại, bà cũng được bầu sô mời sang Hoa Kỳ, nhưng vì ra đây hơi muộn nên chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, Ngọc Hương trở về nước không biết hiện giờ ra sao.
Còn đào Ánh Hồng thì sau 1975 có mở quán nghệ sĩ ở Long An, hoạt động chẳng bao lâu thì dẹp quán, và nghe nói đang sống với người con trong căn nhà chật hẹp trong hẻm gần rạp Long Phụng ở Sài Gòn.