Tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn sau thời gian dài xa cách và thật ngỡ ngàng trước cảnh đổi thay quá lớn ở quê mình. Con đường này, ngày xưa là lối mòn quanh co uốn khúc, giờ thì thênh thang thẳng tắp, nhựa đen bóng loáng dưới nắng hè. Cánh đồng trước mặt thuở ấu thơ tôi đào dế, bắt cào cào, giờ san sát công ty, xí nghiệp.
Xa hơn nữa, những thửa ruộng liền bờ mà tụi trẻ con chúng tôi thường mò cua, bắt ốc giờ tấp nập nhà máy, công trường. Đâu còn mái tranh chái bếp, chỉ thấy ngói lợp đỏ tươi, tường rào kín cổng.
Tôi bước đi, đi mãi đến khi chân mỏi, cổ khô mới tạt vào quán nước bên đường. Quán vắng, mình tôi thả hồn theo làn điệu dân ca. Tiếng hát Hương Lan sao bỗng ngọt ngào, đầm ấm, lời bài ca sâu lắng tự đáy lòng. Tôi đang khát khao tình thâm quyến thuộc, tôi đang thèm cái tình cảm quấn quít của ruột thịt, họ hàng thì hình ảnh của hai chị em ở tuổi xế chiều còn ngồi nhổ tóc bạc cho nhau sao mà đáng yêu đến thế. Mỗi lời của bài ca đều nói lên đúng tâm trạng của tôi – nhớ quê da diết, nhớ từng hình ảnh thân thương, từng kỷ niệm ấu thơ đã gìn giữ. Có lúc lại ao ước “Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ, ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương. Xin được làm gió, dặt dìu đưa điệu ca dao, chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau” và đôi khi cũng xốn xang “Ai cách xa cội nguồn ngồi một mình nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh...”.
Cô chủ quán chiều khách, quay lại cuốn băng cho tôi nghe bài hát đến ba lần. Chưa có ca khúc nào cuốn hút tôi mãnh liệt như bài Còn thương rau đắng mọc sau hè. Tiếng hát Hương Lan đã chuyển tải lời ca vào sâu tận tâm hồn tôi. Xin cảm ơn ca sĩ Hương Lan, xin cảm ơn nhạc sĩ Bắc Sơn đã cho tôi cảm xúc này. Tôi coi như mình chưa về quê, mãi mãi là người xa xứ, mãi mãi là kẻ ly hương để tôi còn có cội nguồn mà hoài tưởng, mà nhớ thương. Nhớ thương, hoài tưởng tôi sẽ nhẩm khúc ca này dù trong lòng đôi lúc cũng chạnh đau bởi còn đâu rau đắng mọc sau hè!
Sưu tầm.