1. romeo
    Avatar của romeo
    NHỮNG ĐÓNG GÓP ÂM THẦM: Đặng Vinh Quang - Viễn Trình là một nghệ sĩ có tài, đóng góp rất nhiều cho sân khấu cải lương. Mỗi sân khấu anh đi qua đều để lại những ấn tượng tốt đẹp về tư cách đạo đức, cũng như khả năng biểu diễn nghệ thuật, nhất là giọng ca. Đặng Vinh Quang có giọng ca ấm, âm vực rộng, cao, ảnh hưởng rất nhiều giọng ca của nghệ sĩ Thành Được Cái thời mà Thành Được làm mưa làm gió trên SK Cải lương, nổi tiếng là một nghệ sĩ tài sắc số một, ai ca giống, diễn giống Thành Được đều được các sân khấu trọng dụng, trong số đó có Đặng Vinh Quang (những người khác có: Hoài Trúc Phương, Phương Thanh, Viễn Sơn...).

    So với các nghệ sĩ trang lứa chịu ảnh hưởng của Thành Được, thì giọng ca của Đặng Vinh Quang phong phú, gần với nghệ thuật ca của Thành Được, nhất là những dấu sắc lên cao. Có lẽ vì vậy, có một thời gian, một số vai do Thành Được thủ diễn khi ông nghỉ đoàn, các đoàn hát có ông cộng tác đều mời Đặng Vinh Quang hát thay vai. Sân khấu nhà hát Trần Hữu Trang, từ những năm đầu tiên mới thành lập, Đặng Vinh Quang là một nghệ sĩ trẻ được nhiều kỳ vọng nhất, và anh đã có một vai diễn để đời trong vở Chim Việt Cành Nam, vai Nguyễn Thái Bình. Đặng Ouang Vinh hóa thân vào nhân vật ấn tượng đến nỗi thời ấy người ta gọi luôn anh là Nguyễn Thái Bình. Đến nay, vẫn chưa có nghệ sĩ trẻ nào đóng vai Nguyễn Thái Bình xuất sắc hơn Đặng Vinh Quang. Thành công trên sân khấu thì nhiều, nhưng danh phận thì cứ lận đận, lao đao, thậm chí cho đến bây giờ, anh vẫn chưa nhận được danh hiệu NSUT dù khả năng đóng góp, tư cách đạo đức, nhất là tài năng, anh xứng đáng hơn rất nhiều một số nghệ sĩ hiện nay đang mang danh hiệu NSUT. Nói như thế vì thấy anh thiếu may mắn để được nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác, đúng mức về tài đức của một nghệ sĩ có tầm cỡ. Mỗi khi nhắc đến sự kiện này, anh chỉ cười xòa chấp nhận như đó là lẽ thường của một nghệ sĩ không gặp may với anh, có danh hiệu cũng tốt mà không có danh hiệu cũng chả sao. Quan trọng là mình đã sống và làm nghề như thế nào, khi nằm nghĩ lại không thấy hổ thẹn với lương tâm, không ngượng ngùng với đồng nghiệp, không có lỗi với khán giả tri âm.


    CÓ MỘT NGÀY XƯA…

    Đặng Vinh Quang tên thật là Đặng Văn Trình, sinh năm 1945 tại Xã

    Song Lộc, Châu Thành, Trà Vinh. Thời thiếu niên là bạn cùng quê, cùng thầy, cùng đi chơi đờn ca tài tử, rồi lớn lên cùng đi theo gánh hát với nghệ sĩ Trương Hoàng Long. Sau này, họ lại cùng đứng chung trên sẩn khấu NH THT, cho tới ngày nay, khi đã nghỉ hưu, hai người vẫn sống gần nhau, đôi bạn già vẫn thường xuyên gặp gỡ, khi cà phê, khi chầu nhậu cùng với các bạn già hâm mộ cải lương, đờn ca hỉ hạ bên nhau.

    Năm 1960, khi bắt đầu rời gia đình, dấn thân vào nghiệp ca hát, anh theo đoàn Ngọc Hoa (Đào kép chánh là Ngọc Hoa - Thanh Hùng), mới đầu cũng tập làm quân, chạy cờ, dù rằng đã ca chắc nhịp, bài bản vững vàng, lại có làn hơi phong phú, ngọt ngào. Vì chưa biết diễn thì phải chấp nhận học từ thấp lên cao. Làm quân sĩ được vài tháng thì đoàn tập cho hát những vai lão có ca vọng cổ, giọng ca trẻ giống Thành Được đã không ít lần làm cho những anh kép hát chung đoàn kiêng nể. Mọi người đều có đánh giá chung, trong tương lai gần, đây sẽ là một anh kép chánh triển vọng. Quả nhiên, chưa đầy năm, tài năng của anh lọt vào cặp mắt nhà nghề của tác giả tài danh Hoa Phượng, khi ông cùng đoàn Trường Sơn ngang dọc miền Trung. Thuở ấy, mọi người vẫn gọi anh là kép Văn Trình.

    TỪ VĂN TRÌNH ĐẾN VIỄN TRÌNH

    Khi đoàn Trường Sơn khởi tập vở Luật Giang Hồ, vai Dương Phá Thiên do Hữu Nghĩa đóng, anh được ông Hoa Phượng lăng xê qua vai Dương Vỹ Long, con trai của Dương Phá Thiên, cha con thất lạc nhau từ nhỏ nên không ai biết ai. Sau này, lớn lên Dương Vỹ Long yêu một thiếu phụ trẻ lớn hơn mình vài tuổi tên là Lý Mạc Thu, không ngờ người thiếu phụ lại là hồng nhan tri kỷ của cha mình (Vỹ Long con của người vợ trước), một vai diễn hay, phù hợp và Hoa Phượng đã đặt tên cho anh là Viễn Trình với ngụ ý con đường đi đến thành công trong nghệ thuật là một chặng đường dài, một cuộc hành trình gian lan, vất vả đòi hỏi phải nỗ lực, bền chí và năng khiếu bẩm sinh, không có sự thành công nào đơn giản, dễ dãi, nhất là đối với cải lương. Sau đó, khi Hoa Phượng về cộng tác với đoàn Thái Dương với vai trò Giám đốc kỹ thuật thì Viễn Trình đầu quân cho đoàn Thanh Hương – Hùng Minh, đứng bên cạnh nghệ sĩ Hùng Minh đương thời xuân sắc. Rồi đoàn Minh Cảnh mời Viễn Trình về hát song đôi với NS Minh Cảnh, bởi Minh Cảnh dù đang là một danh ca ăn khách số một vẫn thích thú khi có một nghệ sĩ đàn em có làn hơi phong phú về hát bên cạnh mình. Bấy giờ, Viễn Trình trở thành một nghệ sĩ trẻ triển vọng, nhiều đoàn ngấp nghé mời anh về hát kép chánh.

    Khi NS Phương Thanh nghỉ hát đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, bà bầu Thơ đã chấm Viễn Trình là nghệ sĩ về hát thay thế. Từ lâu, bà bầu Thơ đã cho người ngầm theo dõi từng bước hoạt động nghệ thuật của anh. Bà thích cách ca diễn của anh kép trẻ này. Suốt thời gian về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga lưu diễn miền Trung, Viễn Trình là kép chánh hát với nghệ sĩ Thanh Nga. Thời gian này, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thường diễn nhiều kịch bản của Hà Triều - Hoa Phượng, những vở Đi Biến Một Mình Đời Phụ Anh Hùng, nhất là vở Giữa Chốn Bụi Hồng, anh là người được phân vai Duyên Căn đầu tiên, vai diễn đã nâng tầm Viễn Trình để sau đó khi Thanh Nga nghỉ hát ở đoàn thì Hương Lan được mời về cùng đóng chánh với anh trong vở Lời Thề Trước Mộ của soạn giả Quy Sắc. Giữa lúc đường sự nghiệp đang lấp lánh, sáng sủa, khi đoàn Thanh Minh - Thanh Nga diễn ở miền Tây thì đoàn bị ''chiến dịch vùng 4'' của chánh quyền Sài Gòn cũ bắt quân dịch hết 18 người, đoàn phải ngưng hoạt động, riêng anh được bà bầu Thơ thương mến, che chở cho khỏi bị bắt quân dịch, cho ra ở ngoài Nha Trang lánh thân một thời gian.

    VÌ SAO ĐỔI NGHỆ DANH THÀNH ĐẶNG VINH QUANG?

    Tưởng đã yên thân, trốn tránh quân dịch, chờ thời cơ trở lại đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Nhưng cơ hội đã không còn nữa, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã ngưng hoạt động hẳn. Vừa buồn, vừa nhớ nghề, sẵn dịp có đoàn Hoa Anh Đào – Kim Chưởng của bầu Be móc nối, vậy là anh rời khỏi chỗ trú ngụ ở Nha Trang trốn theo đoàn hát. NS Minh Cảnh vốn rất thương mến Viễn Trình, hay tin này ông cho mời Viễn Trình trở lại đoàn lần thứ 2, về hát chung với NS Ùt Trà Ôn , Ngọc Bích. Thuở ấy, Minh Cảnh rất thích tài tử Đặng Quang Vinh của Hongkong đóng trong series phim tình cảm của nữ nhà văn Quỳnh Dao cùng với nữ tài tử Chân Trân - một bộ đôi ăn khách khắp châu Á, Minh Cảnh mới nói rằng: ''Tên Viễn Trình của em do anh Hoa Phượng đặt hay, có ý nghĩa nhưng mà sao lận đận quá, thôi thì bên Hongkong người ta có Đặng Quang Vinh thì ở đây mình cũng có Đặng Vinh Quang vậy. Nghe NS Minh Cảnh bàn cũng hay hay, vậy là Viễn Trình quyết định đổi tên thành Đặng Vinh Quang thử coi có đổi thời đổi vận...

    (Còn tiếp)



    (Theo Đăng Minh - Báo sân khấu)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL