Nhen lửa cải lương
Đã quá trưa, tiếng đàn tiếng hát vẫn còn vang lên từ tầng hai của trụ sở Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. “Dừng lại, con ca bắc là phải dứt khoát. Nãy giờ ca mà chen nói tới hai lần. Ca diễn phải hài hòa.
Tiến sĩ - NSƯT Bạch Tuyết hướng dẫn học viên trong giờ học - Ảnh: Thuận Thắng
Sở dĩ bị chen nói là do con chưa nắm rõ cách ca. Làm lại đi!". Cậu học trò ngượng nghịu lẩm nhẩm ôm tờ giấy hát tới hát lui... Ðó chỉ là một trong số những trường hợp buộc phải..."hành" nhiều lần sau khi "học" mà các học viên lớp trung cấp chuyên nghiệp ngành nghệ thuật biểu diễn cải lương K30 (do Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức) phải trải qua.
Trên chiếc bàn nhỏ kê trên bục, người thầy - TS-NSƯT Bạch Tuyết chăm chú theo dõi các học trò ca diễn, bà để từng học viên hát diễn theo cách của mình, sau đó chỉnh lại cách hát theo đúng căn bản và yêu cầu học viên so sánh xem giữa hai cách hát cách nào hay hơn, đơn giản vậy thôi nhưng đã thuyết phục gọn ơ người trẻ tin rằng nếu nắm vững cơ bản thì sẽ hát hay một cách... có cơ sở! Cải lương quyến rũ người ta bởi cách ca cách diễn lả lướt của nghệ sĩ, nhưng với người thầy kỹ tính này thì trước khi phá cách, lả lướt, phải học theo khuôn mẫu để có nền móng vững chắc.
Bài học đầu tiên bà giảng dạy các học viên là sự tự tôn đối với bộ môn nghệ thuật quý giá này bởi cải lương bao hàm trong nó tính dân tộc, hiện đại, tinh tế và văn minh. Và bài tập phân tích những ý nghĩa tinh tế trong mỗi động tác ca diễn được cả lớp mổ xẻ ngay trong giờ tập trích đoạn Rạng ngọc Côn Sơn. Khi Nguyễn Thị Anh dùng nhiều cách để thao túng, lũng đoạn triều đình, một cái xoay phất tay của bà là hàm ý giết hết tất cả, tát tai người này nhưng thật ra là răn đe người kia, cái nắm tay quyết liệt là muốn thâu tóm quyền lực... Nếu nghệ sĩ không ý thức được sự tinh tế đó thì sao truyền được cảm xúc, nét đặc sắc đến cho khán giả?
Bởi thế suốt từ sáng đến quá trưa các học viên nhễ nhại mồ hôi chỉ để tập năm phút trong trích đoạn.
Khi học viên Minh Tiền tập vai Nguyễn Trãi vô câu xàng xê, bài học được vỡ ra từ đây và các học viên cùng ghi nhớ rằng vô câu xàng xê là rất khó, phải vô sao cho điêu luyện và làm... điên đảo người nghe, cũng từ đó "thầy Bạch Tuyết" nhắc tới nghệ sĩ Minh Chí, người có cách vô xàng xê hay đến mức được người đời tôn vinh là ông vua xàng xê. Một câu xàng xê nhỏ thôi nhưng thầy vừa kết hợp dạy được cách ca, kỹ thuật biểu diễn và cả lịch sử cải lương.
Chuông vàng vọng cổ 2011 Nguyễn Văn Mẹo cũng phải tập xoay tua từ vai vua tới... quân sĩ! Tốt nghiệp quản trị kinh doanh (ÐH Kinh tế TP.HCM) nhưng mê cải lương quá, Mẹo lại tiếp tục thi tuyển vào lớp học của Nhà hát Trần Hữu Trang. Anh chàng hào hứng chia sẻ: "Mới đầu chỉ muốn học để cuối tuần được hát giao lưu với bạn bè. Không ngờ gặp được những người thầy dạy quá tận tâm, cặn kẽ, giúp tôi thêm yêu quý, trân trọng bộ môn cải lương. Phải nói chính nhiệt huyết của cô Bạch Tuyết làm cho bọn tôi có thêm động lực dấn thân với nghề dù ai cũng bảo cải lương đang rất khó khăn".
Là khóa học được Nhà hát Trần Hữu Trang khởi động lại sau hơn 10 năm gián đoạn, lớp học ban đầu có 25 học viên và đến nay khi đi gần hết bốn học kỳ còn lại 20 học viên, nhưng đó là con số đáng khích lệ. TS - NSƯT Bạch Tuyết (cùng nghệ sĩ Tuấn Phương) đã kiên trì bám trụ dìu dắt các em từ những ngày đầu đến nay. Nghệ sĩ Bạch Tuyết bộc bạch: “Điều tôi tâm đắc ở lớp học này là phương pháp đào tạo vừa kết hợp hài hòa giữa truyền nghề và phương pháp sư phạm, nghĩa là truyền nghề trên cơ sở khoa học. Thầy dạy theo sát các em từ đầu đến cuối, nắm rõ khả năng và định hướng các em theo những dạng vai phù hợp như kép võ, kép văn, đào thương, đào lẳng, hài...”.
Kết thúc mỗi học kỳ, thầy còn tạo cơ hội cho học trò diễn các trích đoạn trên sân khấu của rạp Thủ Ðô để làm quen và cọ xát. Chính những bước chuẩn bị bài bản đó mà hiện nay trong 20 học viên có đến khoảng 2/3 số bạn đã nhận được các sô diễn, ca lẻ từ nhỏ đến lớn.
Ðã có những con người tâm huyết chung tay cùng nhen, hi vọng lửa sẽ cháy...
LINH ĐOAN