Giai Nhân Sân Khấu Mộng Tuyền
Mộng Tuyền – Kim Loan tên thật là Huỳnh Thị Kim Loan, sanh năm 1947 tại Cần Thơ. Hồi 10 tuổi, Kim Loan theo gia đình lên Saigon, học ở trường Bà Phước ở Cầu Ông Lãnh. Tới năm 13 tuổi, Kim Loan theo cha mẹ trở về Cần Thơ, cô học ca cổ nhạc với nhạc sĩ Ba Cứ.
Năm cô 14 tuổi (1961) cha cô, ông Huỳnh Hương Vị thành lập Ban Cổ nhạc Kim Loan, thường trình diễn trong chương trình tân cổ nhạc của Ty Thông Tin Cần Thơ và Hội Khổng Học ở tỉnh nhà. Nữ nghệ sĩ Diệu Hiền xem Kim Loan hát trong buổi hát ngoài trời của Ty Thông tin nên giới thiệu với ông Bầu Bảy Cao, đề nghi thu nhận cô Kim Loan.
Vai đầu tiên của Kim Loan trên sân khấu Hoa Sen là vai Huyền trong tuồng Nhà Chợ Một đêm Mưa, sau đó vai Huyển Hương trong vở tuồng “ Sanh Dưỡng Đạo Đồng”. Kim Loan nhờ có giọng ca và nhan sắc nên cô thành công ngay trong bước đầu trên sân khấu.
Cuối năm 1962, Kim Loan hát cho gánh hát Phương Nam tại rạp Nguyễn Văn Hảo, trong vai Phương Loan, tuồng Nửa Kiếp Oán Thù. Lúc đó đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát thường trực tại rạp Hưng Đạo, Nguyễn Phương và Kiên Giang đến Nguyễn Văn Hảo xem đoàn hát Phương Nam khai trương tuồng mới “ Nửa Kiếp Oán Thù ”, chúng tôi khám phá khả năng tiềm tàng của một ngôi sao sân khấu trẻ nên đề nghị bà Bầu Thơ thu nhận Kim Loan vào gánh hát Thanh Minh Thanh Nga.
Khi thi sĩ Kiên Giang và tôi vào hậu trường đoàn hát Phương Nam ở rạp Nguyễn Văn Hảo thì ông Huỳnh Hương Vị, phụ thân của cô Kim Loan đón chúng tôi lại, mời chúng tôi ra tiệm nước Vạn Toàn nơi ngả tư Quốc Tế để uống cà phê, trò chuyện.
Thinh sắc lưỡng toàn
Ông không muốn ông Bầu và người trong gánh hát biết ông tiếp xúc với ký giả và người của đoàn hát khác, ông nói : “Hiện nay Kim Loan ký contrat hai năm với đoàn Phương Nam 20.000 đồng, nếu con tôi được có số tiền 40.000 đồng để thối lại cho đoàn hát Phương Nam, tôi sẳn sàng để con tôi qua đoàn hát lớn, dù không có được thêm một đồng bạc nào, chúng tôi cũng chịu nghèo một thời gian để con tôi được học nghề hát một cách đàng hoàng hơn.”
Chúng tôi về nói cho bà bầu Thơ biết ý kiến của ông Vị, bà suy nghĩ một lúc rồi kêu Kiên Giang và tôi mời ông Vị tới nhà, hứa ký cho Kim Loan 90.000 đồng, contrat trong hai năm. Bà nói: “ Tôi tin là Bầu Long Kim Chung chắc cũng đã ngắm nghía đến Kim Loan rồi, vậy tôi muốn mời ông Vị tới nhà tôi để ký contrat ngay.”
Ông Bầu Phương Nam có lẽ đã cảm thấy có thể mất cô đào trẻ đẹp Kim Loan nên ông loan tin đoàn hát Phương Nam bán dàn để lưu diễn miền Trung, trạm hát đầu tiên là Nha Trang Thành.
Đêm đó khi đoàn Phương Nam vãn hát, công nhân hậu đài cuống phong màn, khiêng rương trấp ra xe hàng, tôi hỏi ông Vị : “ Ông tính sao?”. Ông nói nhỏ : “ Đoàn đi hát Cấp, rồi Bà Rịa chớ không có đi miền Trung, ông Bầu loan tin để đánh lạc hướng các đoàn hát nào muốn theo bắt đào kép của ổng. Anh ra Cấp sẽ gặp tôi, bây giờ tôi không thể đến gặp bà Bầu ngay được.”
Dù lúc đó đã rất khuya, tôi cũng đến báo cho bà Bầu Thơ biết, bà nhờ tôi và Kiên Giang đem tiền và giấy contrat đi Cấp cho ông Vị và Kim Loan ký để gia nhập Thanh Minh Thanh Nga. Bà biết khi hủy contrat trước khi hết hợp đồng thì phải bồi thường gấp đôi số tiền đã nhận của chủ cũ nên với số 90.000 đồng của bà trao cho thì ông Vị sẽ trả cho ông bầu Phương Nam 40.000 đồng, ông và Kim Loan còn 50.000. Như vậy không thế nào ông Vị từ chối, nhất là Kim Loan được hát ở đoàn hát Đại Ban Thanh Minh Thanh Nga.
Tết năm 1963, đoàn Thanh Minh Thanh Nga khai trương tuồng Mùa Xuân Còn Mãi của Nguyễn Phương và Kiên Giang, nữ nghệ sĩ Kim Loan thủ vai Sơn nữ Mộng Tuyền bên cạnh Thanh Nga tài sắc. Ký giả kịch trường nhiệt liệt ngợi khen nữ nghệ sĩ Kim Loan trong vai Mộng Tuyền Sơn Nữ. Có báo còn gọi Kim Loan Mộng Tuyền. Lúc đó bên tân nhạc có nữ ca sĩ Kim Loan nên ông Vị quyết định đổi tên nữ nghệ sĩ Kim Loan thành tên Mộng Tuyền.
Tiến bộ nhanh chóng
Nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền nhờ có thinh sắc lưỡng toàn, nhờ tuồng hay của nhiều soạn giả nên tiến bộ nhanh chóng về phương diện ca và diễn. Cô được báo chí kịch trường nhiệt liệt khen ngợi qua các vai Ái Liễu Thi Công Chúa trong tuồng Phương Dung Hoàng Hậu của Thiếu Linh, vai Tống Vân Trang công chúa trong tuồng Bao Công Xử án Trần Thế Mỹ của Nhị Kiều và Hoàng Lan nhóm Bông Lau, vai vũ nữ Thu trong tuồng Phu Tử Tòng Tử của Hà Triếu Hoa Phượng.
Mộng Tuyền được trao huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963 cùng lúc với các huy chương vàng khác như Bạch Tuyết, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tú.
Học ca cổ năm 1961, ca vọng cổ trong các buổi diễn ngoài trời của Ty Thông Tin tỉnh, Kim Loan gia nhập đoàn hát năm 1962, đến năm 1963, chỉ mới sau ba năm vào nghề hát, không theo một trường lớp nghệ thuật nào cả mà Kim Loan Mộng Tuyền nhận được huy chương vàng Giải Thanh Tâm giải diễn viên xuất sắc.
Phải nói là cô vừa có nhan sắc, vừa có thiên tư cổ nhạc lại được người cha tận tâm dìu dắt, được vào một đoàn hát có nhiều soạn giả tài ba, nhiều nghệ sĩ đàn anh đàn chị rất giỏi tay nghề, nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian vào nghề rất ngắn ngủi mà sự thành đạt của Kim Loan Mộng Tuyền thật là rực rỡ, quá sự ước mong của những nghệ sĩ đồng dạng với cô.
Năm 1965 Mộng Tuyền cộng tác với đoàn hát Kim Chung - Bầu Long, cô thành công trong vai Tô Ánh Nguyệt tuồng Mạnh Lệ Quân của soạn giả Ngọc Văn và vai Bạch Phù Dung trong tuồng Thượng Phương Bảo Kiếm.
Năm 1967, Mộng Tuyền trở về hợp tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga, cô đã có một vai diễn gây được tiếng vang lớn, đó là vai cô Nhã nữ sinh trong tuồng Chuyện Tình Chuyện Tiền tức Bọt Biển 3 của soạn giả Nguyễn Phương.
Sau năm 1968, Mộng Tuyền tham gia các ban cải lương và ban kịch truyền hình, được khán giả màn ảnh nhỏ yêu chuộng qua các vở tuồng Hồi Trống Vân Lâu của Thiếu Linh, Kiều Phong A Tỷ của Hà Triều Hoa Phượng, Chén Trà Của Qủy, Bóng Chim Tăm Cá của soạn giả Nguyễn Phương.
Ðạt được nhiều thành tích
Trên lãnh vực điện ảnh, Mộng Tuyền cũng đạt nhiều thành tích mà các nữ nghệ sĩ đều mơ ước. Cô được mời vào nhiều vai quan trọng trong :
phim 11 giờ 30 của đoạn diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện với các diễn viên Lê Quỳnh, Đoàn Châu Mậu, Trần Đổ Cung, Minh Đăng Khánh; phim Chân Trời Tím của Liên Ảnh Công Ty, đạo diễn Lê Hoàng Hoa với các diễn viên Hùng Cường, Kim Vui, Ánh Nga; phim Phận Má Hồng của Alpha phim, đạo diễn Thái Thúc Nha với các diễn viên Thanh Tú, Huỳnh Thanh Trà, Thanh Thanh Tâm; Phim Gánh Hàng Hoa, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, diễn viên La Thoại Tân, Huy Cường, Thanh Lan, Ngọc Tuyết; phìm Còn Gì Cho Nhau, đạo diễn Minh Đăng Khánh, diễn viên có Mai Lệ Huyền; phim Em Về Giữa Hoàng Hôn của Việt Nam Phim, đạo diễn Lưu Bạch Đàn, Mộng Tuyền diễn chung với Thẩm Thúy Hằng…
Sau năm 1975, Mộng Tuyền hát chánh cho gánh hát Trúc Giang, Phước Chung, Thanh Nga. Sau khi Thanh Nga bị sát hại, Mộng Tuyền hát thế vai Thái Hậu Dương Vân Nga rất thành công. Cô cũng thành công lớn qua vai Mẹ của Thái Tử Long Xưởng tuồngTô Hiến Thành xử án.
Bầu Xuân lập gánh hát Dạ Lý Hương - Mộng Tuyền đăng ký ở tỉnh Sông Bé (tức tỉnh Thủ Dầu Một cũ) nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền vẫn được khán giả trong cả nước ái mộ.
Đến năm 1988, Mộng Tuyền cùng gia đình xuất cảnh sang Pháp, tại Pháp Mộng Tuyền đóng vai chánh sơn nữ Clai trong tuồng Mưa Rừng, hát chung với Hữu Phước, Phương Thanh, Hà Mỹ Liên, quây vidéo do Thúy Nga thực hiện.
Về điện ảnh sau năm 1975, cô đóng vai chánh các phim : năm 1976 phim Cô Nhíp, năm 1979, phim Trang Giấy Mới, năm 1981, phim Tình Yêu của Em.
Mộng Tuyền là một nữ nghệ sĩ tài sắc, đẹp một cách tự nhiên, với phong cách dịu hiền của người phụ nữ miền sông nước Hậu Giang, Mộng Tuyền chẳng những chinh phục được sự ái mộ nồng nhiệt của khán giả bốn phương, cô còn được sự thương yêu chân tình của các thệ hệ nghệ sĩ nào có dịp được cộng tác cùng cô trên các sân khấu.
Khi đã đến ngưỡng cửa tuổi 60, Mộng Tuyền vẫn còn rất đẹp, nụ cười vẫn tươi mát và thu hút như ngày còn son trẻ, cô về thăm quê hương và được mời đóng trong một bộ phim tập dài sắp thực hiện ở trong nước.
Theo Soạn Giả Nguyễn Phương