Tự nhận lãnh trách nhiệm giữ gìn nghiệp tổ năm đời của dòng họ, cô gái mảnh dẻ với nụ cười hai lúm đồng tiền duyên dáng ấy từng trải qua những phút chao đảo, nhọc nhằn và đầy nước mắt. Từ bài học của cha: vinh quang luôn gắn liền với sự khổ luyện, Quế Trân đã hoà mình vào dòng chảy của một thế hệ trẻ sống có lý tưởng.
Kế tiếp danh hiệu Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất 2009, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009, năm 2011 dường như là một năm “nhuận sắc” với Quế Trân khi cô trở thành đại biểu HĐND thành phố, cùng hai giải Nữ nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất và Cống hiến của HTV Award lần thứ năm...
Trẻ trung, xinh đẹp, đa tài, có bao giờ chị bị những hấp lực của đời sống vật chất kéo xa khỏi con đường nghệ thuật truyền thống của gia đình, trong thời buổi mà cải lương đang tụt dốc, đời sống nghệ sĩ rất khó khăn?
Quả nhiều khi nghĩ cũng chạnh lòng. Tôi đã nhiều lần rơi lệ với câu hỏi tại sao cải lương không được khán giả đón nhận. Một vở diễn đầu tư bao nhiêu công sức, tiền bạc, mà diễn chỉ một hai buổi là phải xếp xó. Khán giả không còn ưu ái cho cải lương như xưa, sức sống của cải lương đang bị đe doạ từ nhiều phía: thiếu kịch bản hay, đạo diễn giỏi, thiếu rạp hát chất lượng, thiếu đầu tư... Để giữ được giá trị “thực và đẹp”, cải lương cần có một sức bật mới mạnh mẽ không chỉ từ người làm nghề, mà còn từ chính sách Nhà nước. Chứ nếu kéo dài tình trạng này, tôi e không còn ai tâm huyết để cống hiến cho cải lương. Đời sống nghệ sĩ cải lương hiện rất khó khăn, phải gồng mình dữ lắm, làm đủ mọi nghề tay trái mới nuôi được lửa nghề.
NS Quế Trân và Hoàng Quốc Thanh -trong vở Bến nước Ngũ Bồ tại hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc
Một người trẻ, năng động như tôi, nhiều lúc chưa hiểu hết giá trị của nghệ thuật, cũng có lúc chán nản, kiệt sức, muốn có một ngả rẽ khác. Nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, sự yêu mến của khán giả, khi yên tĩnh suy nghĩ, tôi thấy lòng mình ấm lại, hiểu được hạnh phúc lớn lao nhất của mình là gì. Khán giả cải lương đa phần là những người dân chân chất, bình dị, tình cảm của họ dành cho người nghệ sĩ mộc mạc lắm. Những đòn bánh tét, những giỏ trái cây miệt vườn, những cánh hoa đồng nội đạm bạc của chú bán vé số, chị lái đò trên sông... nhiều khi làm tôi ứa nước mắt. Khán giả đã đặt niềm tin, kỳ vọng như thế vào mình, làm sao mình có thể sống khác được. Tôi đã từng theo học đại học Sư phạm, cao đẳng Kinh tế đối ngoại, nhưng rồi tự nhận ra mình không có máu kinh doanh, vì con người mình quá nhạy cảm, lãng mạn, chỉ thích hợp để làm nghệ thuật.
Là con nhà nòi, vừa làm bầu, vừa diễn xướng, chị đã tiếp nhận được điều gì quý giá nhất từ truyền thống gia đình để làm hành trang cho mình khi đối diện với những chông gai trong cuộc sống?
Từ nhỏ xíu tôi đã mê hát, mới bốn tuổi đã được xuất hiện trên tivi. Suốt cả tuổi ấu thơ, đứng trong cánh gà coi cô Lệ Thuỷ hát với ba, tôi gần như thuộc hết các nhân vật nữ do cô thể hiện. Tám tuổi vào đội Đồng ấu của chú Bạch Long, tôi nổi trội vì lối diễn “không giống ai”. Mê hát quá nên cứ mỗi kỳ đi diễn là tôi học sút liền. Mẹ là người rất nghiêm khắc trong chuyện học tập của con cái. Mẹ ra điều kiện phải học giỏi mới được đi hát, sụt một hạng là bị đánh một roi. Nếu ba mẹ không nghiêm khắc, có lẽ tôi không thể vừa học tốt, vừa giữ được niềm đam mê với cải lương... Những kỷ niệm mà ba tôi – Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tòng, kể về cụ tổ Vĩnh Xuân, ông cố bầu Thắng, ông nội Minh Tơ... luôn là những bài học nhớ đời về sự tôn trọng khán giả, vai diễn, làm đúng vai trò của mình. Ngày xưa, khi còn là một cậu bé, ba rất ham chơi, có lần đảm nhận một vai diễn nhỏ trên sân khấu, ba tập tành chểnh mảng, ông nội lúc ấy đang cầm trống chầu giận quá đã ném chiếc dùi trống vào ba, để lại một vết sẹo trên tay. Ba hay chỉ vào vết sẹo ấy để nhắc nhở tôi về lòng đam mê, sống chết với nghiệp tổ. Ông nội dạy cha tôi theo kiểu “thương cho roi cho vọt”. Cha tôi thì không dạy con như vậy, nhưng những lời nhỏ nhẹ của cha còn thấm thía hơn. Cuộc đời ba chính là bài học lớn nhất cho tôi. Chị giống và khác cha ở những điểm nào? Sự khác biệt ấy có gây ra mâu thuẫn lớn giữa chị và cha trong tư duy về nhân vật và những quan niệm sống?
Ba chính là thần tượng của tôi, vừa ca hay, đàn giỏi, vừa viết kịch bản, dàn dựng luôn. Ngày nhỏ, xem ba diễn Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Pha lê và cát bụi... những cảnh ba bị đánh đập, hãm hại, tôi ngồi trong cánh gà khóc sướt mướt, không hề nghĩ là ba đang diễn. Mỗi vai diễn của ba là một sự khổ luyện, một quá trình tích luỹ, chắt chiu, nên khi ra sân khấu, khán giả vỗ tay rần rần. Chính điều đó đã hình thành trong tôi đường dây tình cảm xuyên suốt từ nhỏ đến nay. Tôi nhớ nhất những giải thưởng, những cuộc thi, lúc nào cũng có ba bên cạnh. Mười tám tuổi, tôi đoạt giải Trần Hữu Trang với vai Thiên Kiều công chúa, là có công rất lớn của ba. Hai cha con bàn luận về nhân vật say mê sáng đêm. Ba không áp đặt, mà luôn cởi mở. Tôi cứng đầu mà ba thì nóng tính, hai cha con hễ ráp vô một hồi là gây lộn. Lúc ấy tốt nhất là... đi ngủ, ngày mai tranh luận tiếp! Bù đầu về bài vở ở lớp, lại luyện tập liên miên, đầu óc tôi có lúc căng như sợi dây đàn. Ba dạy từng cách phát âm, từng vũ đạo, nhiều khi thấy theo được ba sao khó quá, tôi nản chí đòi nghỉ hát, bị ba la, ngồi khóc một mình. Mẹ lại là “chuyên gia hoà giải”. Mẹ chính là người khuyến khích tôi tham gia các công tác xã hội, công tác Đoàn, chiến dịch Mùa hè xanh... để rèn luyện kỹ năng sống hoà đồng với tập thể, biết giúp đỡ, yêu thương mọi người, hun đúc tinh thần trưởng thành và mạnh mẽ hơn.
Nghệ sĩ Quế Trân: "Bên cạnh người phụ nữ của xã hội, của nghệ thuật, tôi cũng muốn là người phụ nữ của gia đình, biết chăm sóc nuôi dạy con cái".
Gây ấn tượng với những vai công chúa đa dạng và đang hoá thân vào vai nhiếp chính Ỷ Lan trong vở Bài ca giữ nước, có phải con đường tìm kiếm để luôn làm mới mình trong những nhân vật cổ luôn ám ảnh chị?
Bình thường tôi có vẻ yếu đuối, nhưng khi cần bảo vệ chủ kiến, tôi mạnh mẽ lạ thường. Tôi cũng kiên nhẫn lắm khi cần thuyết phục ai đó. Nhu và cương uyển chuyển, sau những cao trào phải có những khoảng lặng cho người ta nhớ... đó là bí quyết tôi học được từ ba và cô Bạch Tuyết. Diễn những khoảng lặng là khó nhất. Tôi đã học được dấu lặng từ cô Bạch Tuyết, học lối diễn như không diễn của bà Bảy Nam và cô Kim Cương. Các bậc tiền bối ấy đã rất yêu thương tôi, rút ruột nhả tơ truyền đạt hết cho thế hệ tiếp nối. Tôi cũng cố gắng để không phụ lòng họ, và nguyện sẽ chia sẻ hết với các thế hệ sau.
Học những nét hay ở người đi trước và không sao chép là nguyên tắc sống còn trong nghệ thuật của tôi. Muốn tạo dựng được thần thái riêng cho từng nhân vật, phải bắt đầu từ tìm hiểu tính cách.
Nguyên tắc sống của chị là gì? Nổi tiếng từ khi còn rất nhỏ, làm thế nào để chị thoát khỏi “căn bệnh sao”, giữ được sự hồn nhiên, bình dị của chính mình?
Thắng không kiêu, bại không nản. Vinh quang đến với tôi từ sớm, nên ba rất sợ tôi quá đam mê chiến thắng mà đánh mất mình. Ba luôn nhắc nhở những thành quả đó không là gì so với người khác. Trong cuộc gặp gỡ những thanh niên tài năng của đất nước thuộc mọi lĩnh vực, tôi càng hiểu mình còn phải học hỏi, phấn đấu nhiều hơn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình làm được, nhưng tôi không tham vọng, và rất cân nhắc khi chọn con đường đi đến mục tiêu. Có rất nhiều con đường khác nhau, nhưng tôi không phải là người đạt mục tiêu bằng mọi giá, như thế dễ có những hành động không hay, làm tổn hại đến người khác. Phải nỗ lực bằng chính sức mình thì lương tâm mới thanh thản.
Gần đây, dư luận lên tiếng phản đối mạnh mẽ chuyện khai thác đời tư của nghệ sĩ quá “lá cải” của một số phương tiện truyền thông, chị có thấy bức xúc không?
Đời sống của các nghệ sĩ cải lương tương đối bình dị, khép kín, cũng không phải là những “đối tượng hot” mà khán giả quan tâm. Nhưng nhìn rộng ra hơn trong bạn bè mình, tôi thấy các bạn bức xúc lắm. Tôi biết có nghệ sĩ trẻ mới nổi từng đề nghị nhà báo: “Anh cứ “đánh” em đi”! Họ dùng tai tiếng để trở thành nổi tiếng, nhưng số này ít thôi, như “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong phiên họp mới nhất của giới nghệ sĩ với lãnh đạo thành phố, chúng tôi cũng kiến nghị vấn đề này. Hơn ai hết, các cơ quan quản lý báo chí phải nghiêm khắc hơn nữa với công việc xuất bản, phát hành, để giúp báo chí làm đúng chức năng của mình, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Không thể vì doanh thu của tờ báo mà bán rẻ mình, đăng tải những tin tức giật gân câu khách rẻ tiền làm băng hoại xã hội.
Chị đã tìm được cho mình một tình yêu như ý chưa? Chị suy nghĩ gì về tình yêu?
Trong cuộc đời, rất khó để tìm được một tình yêu như ý, với người làm nghệ thuật, người của công chúng, điều đó còn khó hơn nhiều. Nhìn ba mẹ, tôi chỉ ước sao mình cũng có một hạnh phúc như thế. Bên cạnh người phụ nữ của xã hội, của nghệ thuật, tôi cũng muốn là người phụ nữ của gia đình, biết chăm sóc nuôi dạy con cái. Tôi may mắn có được người yêu biết chia sẻ tình cảm, yêu thích nghề nghiệp của tôi, nhưng để có một hạnh phúc như ý, cần sự vun đắp của cả hai người. Trong tình yêu rất cần sự chung thuỷ, quan tâm, yêu thương nhau một cách chân thật. Tôi là người sống rất tình cảm, và đòi hỏi người yêu cũng tình cảm như thế, để tình yêu không bị vơi đi mà ngày càng bền chặt.
Theo chị, giá trị gia đình nào đang chịu sự thách thức lớn nhất trước làn sóng của chủ nghĩa cá nhân, sự thực dụng, vô cảm?
Sự quan tâm giữa cha mẹ và con cái ngày càng ít đi, ai cũng mải vùi đầu vào công việc, kiếm tiền, đến khi ngoảnh lại thấy chẳng còn ai bên cạnh. Tôi biết rất nhiều bậc cha mẹ mải mê làm ăn, khi nhìn lại thì con đã sa ngã, rơi vào nghiện ngập, đi đến tự sát, rất đau lòng. Việc cần làm ngay trong lúc này là mỗi thành viên phải ý thức được vai trò của mình trong gia đình, để gầy dựng lại nền tảng của yêu thương, lòng hiếu thảo. Phải sống có ích cho bản thân, cho gia đình mình trước đã, mới có thể sống có ích cho xã hội.
Chị ghét nhất điều gì? Sợ nhất điều gì?
Tôi ghét nhất sự giả dối, và sợ nhất sự chia ly.
Nếu như có một điều ước, chị sẽ ước gì?
Chỉ mong cho ba mẹ có nhiều sức khoẻ, để giúp được cho nhiều người hơn nữa, cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật, đào tạo thêm nhiều thế hệ tiếp nối cho sân khấu cải lương.
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, phó chủ tịch hội Sân khấu TP.HCM
“Một nghệ sĩ trẻ có trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn cao. Một truyền nhân, mạch nối trẻ nhất đủ sức đảm nhận vai trò giữ lửa lâu bền cho nghệ thuật cải lương. Khi giới trẻ đang lao vào những gì tân thời, thực dụng, Trân không bị đồng hoá, không lạc hướng, mà trái lại, đã thổi vào sân khấu tuồng cổ một sức sống mới, chinh phục giới sinh viên học sinh và tạo được sự đồng cảm, yêu thích. Trân đang được hội Sân khấu TP.HCM đề cử xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2011”.
Nguyễn Uyên Đam, sinh viên ngành Nhật Bản học ĐH KHXH&NV TP.HCM
“Với tôi, Quế Trân không chỉ là một nghệ sĩ thần tượng mà còn là một người chị thân thương và gần gũi. Tôi biết và thích chị từ các vai diễn trong những tuồng cải lương từ lúc tôi còn nhỏ. Tôi thích cách chị diễn như truyền cảm xúc của chính mình vào từng nhân vật. Nét diễn của chị hồn nhiên, chân thật mà sâu lắng. Tôi còn thích và thương chị khi chị xuất hiện trong một chương trình từ thiện nào đó nữa, chị làm việc không biết mệt mỏi, lại đa dạng trong mọi lĩnh vực”.
Thực hiện Kim Yến – Báo SGTT
Chân dung hội hoạ Hoàng Tường