Từ 8 tuổi đã lên sân khấu, trong 22 năm qua, cô liên tục đoạt được nhiều giải thưởng cao quý và đặc biệt, trong năm 2010, còn được vinh danh là một trong những công dân tiêu biểu của TPHCM. Đó là nghệ sĩ Quế Trân, con gái của NSND Thanh Tòng, một gia tộc có 5 đời theo nghiệp cầm ca.
° PV: Hiện nay, sân khấu cải lương không có nhiều vở diễn mới để các nghệ sĩ trẻ rèn nghề, giữ nghiệp, vậy Quế Trân làm thế nào để có thể thăng tiến và thỏa niềm đam mê cải lương của mình?
° Nghệ sĩ Quế Trân: Trong quá trình đi biểu diễn, chính khán giả luôn là những người đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho tôi. Cho nên, tôi hoàn toàn không có cảm giác bi quan hay tự ti về nghề nghiệp của mình. Mặc dù trên thực tế đúng là sân khấu cải lương đang ngày càng thiếu vắng những vai diễn, vở diễn hay. Hiện nay, ở TPHCM có một số rạp hát đang tu sửa, nâng cấp, chính vì thế các nghệ sĩ cải lương cũng ít có cơ hội biểu diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, các nghệ sĩ cũng có được nhiều show diễn và quay truyền hình ở khắp các tỉnh thành. Theo tôi, hiện nay, các nghệ sĩ cải lương đang hoạt động rộng khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Chưa kể các chương trình truyền hình trực tiếp vào những dịp lễ tết hay các chương trình từ thiện, cũng qui tụ đông đảo nghệ sĩ cải lương tham gia. Điều khá đặc biệt, mỗi khi tham gia các chương trình này, khi bước ra sân khấu hát 1 bài vọng cổ, các nghệ sĩ cải lương luôn nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả, mặc dù chương trình ấy chủ yếu là ca nhạc.
° Suốt nhiều năm diễn các trích đoạn, bản vọng cổ, hiếm khi tham gia vở tuồng trọn vẹn, Quế Trân có cảm thấy chạnh lòng?
° Thật ra, khi nói đến diễn trích đoạn thì cũng có cái hay riêng của nó. Trong 1 vở tuồng, nếu chọn trích đoạn thì các nghệ sĩ luôn chọn những đoạn hay nhất, trong đó có khi chứa đựng đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố để khán giả thưởng thức. Trong điều kiện chưa có những vở tuồng mới – hay để nghệ sĩ trẻ có thể học hỏi kinh nghiệm từ các cô chú đi trước, thì càng đòi hỏi những người trẻ như tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Những năm qua, tôi rèn nghề qua từng vai diễn trong các trích đoạn. Đặc biệt, mỗi khi đi lưu diễn ở bất cứ nơi nào, tôi cũng chú trọng đến không gian biểu diễn và “gu” thưởng thức của khán giả để có thể chọn lựa những trích đoạn, cũng như bài tân cổ giao duyên sao cho thu hút sự quan tâm theo dõi của khán giả nhiều nhất.
Có vẻ khán giả bây giờ thích xem những vở tuồng ngắn hoặc trích đoạn, bài cả lẻ, chứ ít mặn mà với những tuồng ca diễn dài lê thê nữa?
° Đúng vậy! Tôi có cảm nhận, khán giả hôm nay không có nhiều thời gian để có thể ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ xem trọn một vở tuồng. Ngay cả nghệ sĩ của mình cũng vậy. Tôi là một nghệ sĩ trẻ, tôi cũng không thích diễn những tuồng tích lề mề, chậm chạp. Cho nên tôi đồng cảm với những khán giả trẻ và không ngừng nỗ lực chọn lựa những trích đoạn, những bài ca cổ hay nhất để biểu diễn. Với những nghệ sĩ hoạt động riêng lẻ như tôi, điều kiện để khán giả đến với mình còn những hạn chế nên mình phải chủ động tìm đến khán giả. Chứ nếu chỉ tập trung ở TPHCM, các nghệ sĩ không đi về vùng sâu, vùng xa biểu diễn thì ngày qua ngày, liệu khán giả ở những nơi xa xôi có còn nhớ đến cải lương? Mỗi lần có dịp về những miền quê biểu diễn, tôi nhận thấy khán giả trẻ vẫn còn yêu thích cải lương lắm.
Dường như nhiều năm qua, những người làm cải lương thường dựng lại những vở diễn cũ, hiếm khi thực hiện các vở diễn mới, mang hơi thở thời đại. Quế Trân nhìn nhận vấn đề này thế nào?
° Khán giả có hai “gu” thưởng thức. Với những cô bác, từng một thời xem các thế hệ nghệ sĩ đi trước diễn các tuồng màu sắc, cảm động đến nỗi thuộc cả lời thoại, câu ca thì bây giờ họ muốn xem lại các trích đoạn ấy, chứ không thích xem những tuồng tích mới, xa lạ. Còn với những khán giả trẻ sau này, lại thích xem những vở diễn, trích đoạn mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Chính vì thế, muốn đáp ứng được tất cả khán giả, mình phải dung hòa hai “gu” thưởng thức này. Trong những chương trình mà tôi thực hiện trong thời gian qua, tôi luôn chú trọng đến việc chọn lựa những tiết mục biểu diễn sao cho phù hợp nhất.
° Mới đây, Quế Trân được giới thiệu là 1 trong 2 nghệ sĩ ứng cử đại biểu HĐND TPHCM sắp tới. Nếu được đắc cử, Quế Trân quan tâm nhất đến vấn đề gì?
° Trước giờ chỉ biết đi ca diễn, đâu biết mình được các cô chú, anh chị đi trước đánh giá như thế nào. Nhưng nhờ lần này được đề cử, được nhiều thế hệ nghệ sĩ đánh giá, đặt nhiều kỳ vọng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vinh dự. Đồng thời, đó cũng là một áp lực thôi thúc tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để không phụ lòng tin yêu ấy. Hiện nay, ngoài thời gian đi ca diễn, tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc trau dồi kiến thức của mình để có thể đáp ứng nhu cầu của công việc sắp tới. Nếu được đắc cử, vấn đề mà tôi quan tâm nhất là việc chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những nghệ sĩ già yếu, neo đơn không nơi nương tựa. Bên cạnh đó là việc chủ động đưa văn hóa nghệ thuật truyền thống của mình ra thế giới. Tôi nghĩ, trong thời buổi hội nhập và phát triển như hiện nay, chúng ta không chỉ tiếp cận những cái hay, cái đẹp của văn hóa nghệ thuật thế giới du nhập vào Việt Nam mà điều quan trọng là chúng ta mở rộng thị trường biểu diễn, giới thiệu những loại hình nghệ thuật truyền thống của mình với bạn bè thế giới.
° Cảm ơn và chúc Quế Trân thành công!
Ngoài ca diễn hàng trăm bài tân cổ giao duyên, vở tuồng cải lương, nghệ sĩ Quế Trân còn được khán giả yêu thích với nhiều bài tân nhạc mang âm hưởng dân ca. Những năm gần đây, Quế Trân thường được nhiều chương trình nghệ thuật, truyền hình của một số tỉnh thành mời làm người dẫn chương trình.
Theo Đỗ Hạnh – Báo SGGP