Nếu được sống giữa thời điểm hoàng hôn và bình minh của hai triều đại giao thoa, đặt mình vào thân phận của những người mà số phận và lịch sử đã trói chặt, bạn sẽ hành xử ra sao?
Trần Thủ Độ với tài trí, cơ mưu và cả thủ đoạn, vì cơ nghiệp của dòng họ và cả vì cái mong muốn thoả chí vẫy vùng của mình, đã dâng người yêu là Trần Thị Dung (Thu Ngừ) cho Thái tử Sảm, sau này là vua Lý Huệ Tông. Với nhà Trần và nong sông xã tắc, Trần Thủ Độ có công lao to lớn, nhưng với Thu Ngừ và dòng họ Lý ông lại là người quá ư tàn nhẫn: Tôi ngưỡng mộ tài năng của Trần Thủ Độ trong việc dựng nghiệp nhà Trần, phò vua giúp nước chống giặc Nguyên bao nhiêu thì cũng sợ sự tàn nhẫn “nhổ cỏ nhổ tận gốc” của ông bấy nhiêu. Nhưng suy cho cùng ông cũng là một con người, chắc cũng có lúc xót xa đau đớn lắm khi nhìn người mình yêu quý trong vòng tay người khác?. Qua diễn xuất của Lê Tứ, Trần Thủ Độ hiện lên đầy tham vọng, đôi lúc nghiêng về tính gian hùng, song chưa thấy được những đau xót ẩn tình khi nén lòng dâng người mình yêu cho người khác. Đây có thể là ý đồ của tác giả và đạo diễn khi muốn khai thác hình ảnh của Trần Thủ Độ dưới một góc nhìn khác, người hơn, rõ ràng công - tội chứ không ca ngợi một chiều?
Tôi thật sự bất ngờ với Võ Minh Lâm trong cảnh Lý Huệ Tông bị đầu độc. Không ồn ào bi thiết, chỉ đôi mắt mở to, ánh mắt dại dần như muốn hỏi trời, hỏi đất thủ phạm là ai ? Không tiếng kêu gào thảm thiết, chỉ có những tiếng ú ớ phát ra nói thay cho nỗi lòng bất hạnh, khi tình yêu và lòng tin ngay từ đầu đã bị lợi dụng. Với vai Lý Huệ Tông thời trẻ, Võ Minh Lâm đã tiến một bước khá dài về diễn xuất bên cạnh giọng ca thiên phú.
Trong vai Lý Huệ Tông giai đoạn là nhà sư Huệ Quang. Lê Trung Thảo đã lột tả được nổi đau của một vị vua thất thế nhưng vẫn còn đó sự tự tôn của bậc đế vương,hiểu lẽ đời và vận nước , chấp nhận cái chết để muôn dân được thái bình.
Một nhân vật cũng gây cho tôi nhiều ấn tượng là Đàm Thái hậu ( Thy Phương). Cảnh Lý Huệ Tông bị đầu độc, Thy Phương đã lột tả sự hoảng hốt, cô đơn đến cùng cực của người mẹ, muốn cứu con mà không sao cứu được ; bà cũng biết rằng kể từ đây quyền lực tối thượng đã tuột khỏi tay dòng họ Lý. Ánh mắt của Đàm Thái hậu lúc này như có lửa, lửa hận mình bất lực, lửa căm hờn vì kẻ thù đã ra tay trước mình một bước.
Đứng giữa tình yêu của hai người đàn ông, giữa mưu đồ và tham vọng của dòng họ, không rõ Trần Thị Dung bất hạnh hay hạnh phúc? Có lẽ bà bất hạnh vì bản thân bà đã trở thành một con cờ trong ván cờ chính trị của cha và người yêu. Nhưng có lẽ bà từng hạnh phúc(?) vì có được tình yêu chân thành, cuồng nhiệt của ông vua trẻ Lý Huệ Tông.
Thu Ngừ (Lê Hồng Thắm) vừa hờn giận oán trách người thương, vừa kiêu hãnh, thể hiện rõ khí chất khi đối diện với mẹ chồng là Đàm Thái hậu. Từ chỗ không yêu, bà dần dần mang ơn và cảm động trước tình cảm chân thành của Lý Huệ Tông.Sự đau xót, giận dữ khi thấy chồng bị đầu độc là cảm xúc thật của bà.
Trần Thị Dung ( Tú Sương) khi đối diện với chồng, nay là nhà sư Huệ Quang lại mang một cảm xúc khác. Khi mang đến cái tin ông buộc phải chết, bà day dứt vì đã lợi dụng lòng tin, vừa xót xa thương cảm người chồng bạc phận. Nỗi đau được kìm nén, nuốt ngược vào lòng trước những lời nói cuối cùng đau như dao cắt, kim châm của nhà sư Huệ Quang.
Tuy chưa xem hết kịch mục của “Thắp sáng niềm tin”, nhưng đến thời điểm này, DẤU ẤN GIAO THỜI là vở diễn để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp nhất. Vở có 6 nhân vật chính thì cả 6 nghệ sĩ đều nhận được huy chương trong Hội diễn SKCN toàn quốc vừa qua đã khẳng định một điều: có kịch bản tốt, đạo diễn giỏi và được tin tưởng trao cơ hội thì các nghệ sĩ trẻ sẽ làm nên chuyện.
Theo Báo Sân Khấu TPHCM