Bao niềm vui, nỗi buồn, cả những vị mặn của thế thái nhân tình đi qua cuộc đời - sàn diễn, lại là chất liệu sống - gom thành cái triết lý xanh tươi nhất cho NSƯT Bạch Tuyết: “Sống là cho và được cho”. Và, hôm nay, may mắn được trò chuyện cùng chị, tôi mới thực sự nhận ra những điều người ta nói.
Nếu ai đọc tiểu sử của chị, ắt hẳn có nhiều xúc cảm khác nhau. Đó là một Bạch Tuyết lúc trên đỉnh vinh quang, lúc tràn đầy nghị lực, cũng có lúc yếu đuối đến khó ngờ, nhưng chung quy lại người ta vẫn dành cho chị một sự ngưỡng mộ đáng kính?
Khi bàn tay ấm nóng của mẹ vừa buông khỏi tay tôi, lời dặn của mẹ ở lại “hai chị em sống sao đừng để người ta cười là con không mẹ”. Cũng từ ngày ấy, theo năm tháng, lời dặn của mẹ cũng là tâm niệm sống của tôi; để đến hôm nay tôi tự hào mình đã làm đúng và sống đúng với những gì mẹ tôi gửi lại trước khi đi xa.
Bằng cách nào chị vượt qua những khúc gấp của số phận?
Tôi không quan niệm cuộc đời - số phận là một đường thẳng; chính xác thì đó là một không gian đa chiều, do đó, bạn không chỉ nhìn nhận và tự đặt mình trong hai điểm A và B mà bạn phải quy chiếu mình qua nhiều điểm R khác. Từ đó, mỗi biến cố, sự cố đến với tôi, tôi cố gắng bình tĩnh để có sự đối diện và xử lý một cách… lặng lẽ nhất, đơn giản nhất. Dĩ nhiên, nói như R. Tagore thì cho dù cái đập nước đã được đắp lại thì một ít nước cũng đã tràn qua…
Đã có lần chị nói "Sự nổi tiếng âu cũng chỉ là tình cờ số phận...”, phải chăng nếu không có sự tình cờ trong số phận, chị sẽ không có thành công?
Một khảo sát của các nhà Xã hội học đã đưa ra một thực trạng: hầu hết những người nổi tiếng (ở nhiều lĩnh vực) đều có một tuổi thơ…không bình thường, nghĩa là mồ côi cha mẹ, hoặc cha hoặc mẹ. Tôi xót xa với thành quả nghiên cứu ấy bởi hình như, không ai có quyền được lựa chọn bởi còn có sự chọn lựa nào đau đớn hơn khi hành trình đi đến sự nổi tiếng lại phát khởi từ sự mất mát, nỗi đau về một tình yêu thương không trọn vẹn.
Cả cuộc đời tôi là sự cố gắng để “vượt trước” với chính mình, sống tốt hơn chính bản thân mình, trả ơn nhiều hơn những gì mình đã nhận được nhưng tôi thấy mình vẫn “mắc nợ” nhân sinh…
Giờ đây, chị có gặp nhiều khó khăn để đối mặt với áp lực của một người đứng trên đỉnh vinh quang?
Ngày đầu tiên đi theo gánh hát, sáng mở mắt, thức giấc ở một phòng khách sạn đẹp đẽ ở tỉnh Kiên Giang, tôi thả bộ xuống phố và bắt gặp hình ảnh cùng cái tên Bạch Tuyết giăng to ở trước cửa rạp hát. Tôi lơ mơ. Nhưng thật lạ, tôi thầm hãnh diện và tự hào nghĩ về mẹ mình, tôi lại vừa tự nhủ: sáng nay người ta treo mình lên thì sáng mai người ta sẽ tháo xuống.
Với nghề, tôi luôn mang theo cảm xúc của một đứa trẻ vừa thức giấc với cái nhìn tinh khôi. Với “giao diện” cuộc đời, tôi luôn “click” bằng cảm giác đang sải bước trên đường và mọi việc vẫn hình như chưa được gì chưa mất gì, cái có và cái không đều mang đến cho tội sự thích thú khám phá của một đứa trẻ thơ hồn nhiên dùa giởn với bóng tối và ánh sáng của mình. Hơn nữa, tôi luôn thấy mình đồng hành với cuộc sống, với không thời gian chớ chẳng có đỉnh nào để phải nhón chân.
Chị đã khiến nhiều khán giả, trong đó có tôi phải bật khóc và nhớ mãi nhân vật Cô Lựu trong vỡ kịch “Đời Cô Lựu”. Có nghĩa chị đã hóa thân thành công. Nhưng, nếu được làm lại vai diễn, chị sẽ thay đổi điều gì để nhân vật hay hơn nữa?
Tôi đã đọc ở đâu đó một bài thơ nước ngoài với đại ý như sau: Đọc một bài thơ hay. Cảm giác đầu tiên, thấy mình làm được. Cảm giác sau cùng, thấy mình bất lực. Với tôi, suất diễn đêm nào cũng là đêm diễn cuối cùng; với chừng ấy sự hồi hộp, cảm xúc, nguyên vẹn, tinh khôi… Tôi chưa bao giờ hối tiếc về những đêm diễn đã qua; và cũng chưa bao giờ hứa hẹn rằng, đêm mai mình sẽ ca - diễn hay hơn… Nhân vật cô Lựu là một trong những vai diễn lớn của đời ca kỹ của tôi. Cả ngàn suất diễn là ngàn xúc cảm, tôi trôi theo số phận của nhân vật của mình.
Tôi cảm nhận, trên sân khấu chị mang duyên nhiều với những nhân vật có số phận bi kịch?
Mỗi nhân vật bước lên sàn diễn là đã mang một số phận của riêng nó. Bạn thấy đấy, trong Đời cô Lựu, mỗi cái tách thôi cũng đã là một… số phận để sống cùng nhân vật. Bà Lựu cầm cái tách lên, bảo “Nói mấy đứa nhỏ lấy tro chùi cho sạch mà tụi nó quên hoài…Lâu rồi má không đi đến chổ đông người…”, để diễn tả một cảnh huống quạnh hiu, đơn tẻ… Tôi may mắn được nhận những vai diễn có tính cách và số phận nhiều nỗi niềm, lắm nghịch cảnh nên “đất” cho nghệ thuật ca - diễn trở nên giàu có…Vâng, nếu có thể gọi thì đấy là một chữ duyên.
Nếu từ thập kỷ 60 (thế kỷ trước) trở về trước, khán giả đi tìm sân khấu, thì từ thập kỷ 60 trở về sau sân khấu lại đi tìm khán giả. Theo chị, người nghệ sĩ cũng là một nhà khoa học nghiên cứu về sân khấu, sự thay đổi này là do đâu?
Hơi có vẻ lý luận một chút thì mọi lĩnh vực thuộc kiến trúc thượng tầng, trong đó có nghệ thuật sân khấu đều phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở; do đó, khi đời sống xã hội thay đổi với nhiều nhu cầu, phương tiện mới thâm nhập, hình thành thì bản thân nhu cầu thưởng thức sân khấu cũng thay đổi theo, không thể tránh. Vấn đề là trong nỗ lực của mình, chúng ta làm sao để có được sự song hành, nếu ở một cấp độ lý tưởng hơn thì bao hàm tính vượt trước để bản thân nghệ thuật - sân khấu phải mang tính phản ánh - dự báo.
Theo chị, người nghệ sĩ sân khấu cần có tố chất gì riêng biệt?
Đã là nghệ sĩ thì tố chất sáng tạo, khám phá là phẩm chất; riêng với sân khấu cải lương thì cộng thêm yêu cầu giọng ca, sắc vóc và… diễn xuất sân khấu.
Nhân đây, tôi xin được nhắc lại Trường ca Hồ Chí Minh - công trình mới nhất được NSƯT Bạch Tuyết chuyển thể từ tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác. Chị chia sẻ gì với khán giả về sự thành công mang nhiều ý nghĩa này?
Xin được gọi đây là công trình của lòng biết ơn và trả ơn, tôi thực hiện với tâm niệm ấy và tôi hạnh phúc vì đã được sự tiếp sức của nhiều người, nhiều tổ chức, đơn vị. Thành quả của công trình này thuộc về nhiều người, trong đó đặc biệt là của NSƯT - nhạc sĩ - đạo diễn Trần Kiên, tôi xin phép để công chúng đánh giá.
Gặp chị, cũng là lúc bắt đầu một ngày mới, một sự khởi đầu mới, một niềm vui mới đón chờ?
Cám ơn bạn! Như mọi ngày, tôi thức dậy và dùng điểm tâm với món cháo trắng và muối tiêu; nghe bản tin buổi sáng, đọc báo và bắt tay viết hoặc chuyển thể hay một điều gì đó có liên quan đến…cải lương. Tôi gọi điện hỏi thăm những người thân của mình. Tôi đi dạy cải lương cho các bạn sinh viên ở Trường Cao đẳng VHNT… Chưa bao giờ tôi thôi yêu cuộc sống này và đó chính là niềm vui bất tận của tôi… Thế thôi!
Cám ơn và chúc chị hạnh phúc!
Theo Báo Dân Trí điện tử