Nguyễn Phương : Bạch Lê, tài bất phùng thời
Thanh Bạch và Bạch Lê là một đôi uyên ương nghệ sĩ, cùng gắn bó nhau trên đường nghệ thuật và trong hạnh phúc gia đình đã trên ba mươi năm. Nhắc đến Thanh Bạch là nghe được nụ cười trong suốt như pha lê của Bạch Lê, Nhắc đến Bạch Lê là thấy ngay nét mặt tươi rói như hoa nở rộ giữa mùa Xuân của Thanh Bạch.
giới nghệ sĩ cải lương, mọi người đều cho là cặp vợ chồng nầy lúc nào cũng quấn quít bên nhau giống như một đôi tình nhân mới yêu nhau, họ diễn chung trên sân khấu đẹp đôi như Đường Minh Hoàng với Dương quí phi, như Cao Tôn Bảo và Lưu Kim Đính.
Đôi nghệ sĩ tài danh Thành Tôn và Quỳnh Mai
Nữ nghệ sĩ Bạch Lê sanh ngày 01 tháng 9 năm 1951, là ái nữ của đôi nghệ sĩ tài danh Thành Tôn và Quỳnh Mai mà lịch sử sân khấu cải lương tôn vinh là hai nghệ sĩ thuộc về hàng đại gia của nghệ thuật hát bội và cải lương.
Thân phụ của nghệ sĩ Bạch Lê, nghệ sĩ Thành Tôn sanh năm 1913, có ông cố là bầu Sĩ, ông nội là bầu Luông, cha là bầu Nở, ba đời liên tục là nghệ sĩ, biện tuồng kiêm bầu gánh hát bội Phước Long Ban ở quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Nghệ sĩ Thành Tôn, ngoài việc được ông cha trực tiếp dạy nghề hát, ông còn thụ giáo với ông Nhưng Sửu ở BếnTre. Ông Nhưng Sửu là một nghệ sĩ bậc thầy, nức tiếng qua các loại vai kép võ mặt trắng, kép võ mặt rằn, tướng dữ, thấy rùa được ông bầu Luông gánh Phước Long Ban mời về làm ông Nhưng tức là làm thầy tuồng, thầy dạy hát cho tất cả đào kép trong gánh hát.
Năm 1940, Bầu Luông, ông nội của nghệ sĩ Thành Tôn mất, cha của ông là Bầu Nở vì quá buồn không muốn tiếp tục lèo lái gánh hát nữa nên ông cho rã gánh, Thanh Tôn đi hát cho gánh hát Thạnh Hùng của ông Bầu Hùng ở quận Trà Ôn.
Sau đó ông lên Saigon gia nhập gánh hát Tấn Thành Ban của ông Bầu Cung ở đình Nhơn Hòa Cầu Muối, nổi danh qua các vai kép võ mặt trắng Triệu Tử Long, Châu Du, Lữ Bố, Dương Tôn Bảo, Tiết Đinh San. Một năm sau, ông được bà Bầu Thắng mời về hát kép chánh cho gánh hát Bầu Thắng – Vĩnh Xuân Ban cùng với các nghệ sĩ Minh Tơ, Khánh Hồng, Quỳnh Mai…Nghệ sĩ Thành Tôn nổi danh qua các vai Cao Quân Bảo, Địch Thanh, Ngũ Viên Thiệu, Nhạc Lôi…
Nghệ sĩ Thành Tôn có 65 năm hoạt động trên sân khấu hát bội và hát bội pha cải lương. Ông vừa là diễn viên, kiêm soạn giả, kiêm thầy tuồng tức là đạo diễn, ông dàn dựng nhiều vở tuồng của ông sáng tác và những vở tuồng thầy trong ngành nghệ thuật hát bội.
Nổi danh từ khi lên 8
Nữ nghệ sĩ Bạch Lê được cha trực tiếp truyền nghề, cô còn học được ở Mẹ là nữ nghệ sĩ Quỳnh Mai( em của nghệ sĩ Minh Tơ, Khánh Hồng…) những kinh nghiệm diễn xuất các vai đào, thêm vào đó, Bạch Lê được đào luyện trong lớp đồng ấu Minh Tơ, nên khi mới được 8 tuổi, Bạch Lê đã nổi danh trong vai Quách Hải Thọ, tuồng Bao Công xử án Quách Què.
Minh Hoa tiếng hát của nữ nghệ sĩ Bạch Lê trong tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu. Thưa quí thính giả, quí vị vừa nghe tiếng hát của nữ nghệ sĩ Bạch Lê trong tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, hát cùng với chồng là nghệ sĩ Thanh Bạch tại quận 13 kinh thành Paris nhân một suất hát do cộng đồng người Việt tại Pháp tổ chức.
Nữ nghệ sĩ Bạch Lê được nghệ sĩ Phượng Mai xem là nghệ sĩ đàn chị, có nhiều tài năng không kém gì Phượng Mai hoặc các nữ nghệ sĩ hồ quảng tài danh khác mà giới báo chí kịch trường và khán giả ái mộ từng không tiếc lời khen tặng, nhưng phải nói là nữ nghệ sĩ Bạch Lê không gặp thời, hay nói trắng ra là nghệ sĩ Bạch Lê bị gặp quá nhiều khó khăn bất trắc sau cái thời điểm 30 tháng 4 năm 1975.
Trước năm 1975, nữ nghệ sĩ Bạch Lê là một diễn viên hồ quảng rất được khán giả và giới báo chí kịch trường ái mộ. Cuối năm 1967, Bạch Lê được các ký giả kịch trường đề cử tham dự tranh đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm nhưng tình hình sau Tết Mậu Thân 68 khiến cho ông Trần Tấn Quốc, người chủ giải thưởng Thanh Tâm phải ngưng cuộc tuyển chọn và trao giải.
Đến năm 1972, ông Việt Định Phương, chủ nhân tờ nhật báo Trắng Đen thành lập một giải thưởng huy chương vàng diễn viên xuất sắc trong năm. Điều khác biệt là giải thưởng Thanh Tâm thì nghệ sĩ được trao huy chương vàng là do một số ký giả kịch trường và vài soạn giả được mời vào Ban Tuyển Chọn để bàn bạc và bỏ thăm chọn người nghệ sĩ được trao giải.
Đoạt nhiều giải thưởng
Giải thưởng huy chương vàng nghệ sĩ xuất sắc của nhật báo Trắng Đen do ông Việt Định Phương chủ trương thì báo Trắng Đen giới thiệu thành tích ca diễn của nhiều nghệ sĩ đã tỏ ra hát hay ca giỏi qua các tuồng nổi tiếng trong năm đó, khán giả và độc giả sẽ bỏ phiếu bình chọn bằng cách cắt phiếu trong báo Trắng Đen, điền tên nghệ sĩ mà mình muốn bình chọn vào và gởi đến nhà báo. Nhật báo Trắng Đen tổ chức kiểm phiếu, có mời Trưởng Tòa lại chứng minh, lập biên bản và công bố kết quả.
Cô Bach Le, soạn giả Nguyễn Phương, và nghệ sĩ Thanh Bạch. Hình của soạn giả Nguyễn Phương.
Năm 1972, Bạch Lê được huy chương vàng vai phụ hay nhất trong năm.
Năm 1973, Bạch Lệ đoạt huy chương vàng diễn viên Nữ hay nhất trong năm. Nghệ sĩ Thanh Sang đoạt huy chương vàng diễn viên Nam hay nhất trong năm.
Năm 1974, Thanh Bạch và Bạch Lê đoạt huy chương vàng đôi diễn viên xuất sắc nhất trong năm.
Sau năm 1975, Bạch Lê hát vai đào chánh trong đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, nổi danh qua vai Thượng Dương Hoàng Hậu tuồng Câu Thơ Yên Ngựa.
Sau khi hai đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long bị tập thể hóa, các nghệ sĩ thuộc hai gia đình Minh Tơ và bà bầu Ngọc Hương - Huỳnh Long lần lược rời đoàn hát đi tìm kế mưu sinh hoặc đi hát chui ở các đoàn hát tỉnh để kiếm sống qua ngày. Thanh Bạch và Bạch Lê gặp nhau trong dịp nầy.
Cặp đôi Bạch Lê và Thanh Bạch
Năm 1986, họ kết hôn với nhau, cùng vượt biên và được định cư tại Paris, Pháp Quốc ngày 27 tháng 3 năm 1990. Bạch Lê và Thanh Bạch khi mới định cư, gặp nhiều khó khăn, phải học Pháp Ngữ để hội nhập với xã hội mới nhưng với quyết tâm cao, Bạch Lê và Thanh Bạch ổn định dược cuộc sống mau lẹ và còn có nhiều hoạt động nghề nghiệp rất thuận lợi.
Khi vừa mới đến Paris, Thanh Bạch và Bạch Lê được Trung Tâm Băng nhạc Phụng Hoàng mời diễn trích đoạn cải lương trong các suất hát ở quận 13 cùng với các nghệ sĩ tân nhạc Khánh Ly, Elvis Phương, Sơn Tuyền, Tuấn Đạt. Sau đó Thanh Bạch và Bạch Lê hát vở Thần nữ dâng ngũ Linh Kỳ với Minh Tâm và Tài Lương được mời hát nhiều suất ở các chùa Thiện Hòa, ( Đức) chùa Thiện Minh ở Lyon ( Pháp) nhân các dịp lễ Phật giáo.
Ở nước Anh, Bạch Lê – Thanh Bạch đã diễn trích đoạn tuồng Tống Nhơn Tôn và Bàng Quí Phi và diễn trọn tuồng vở Thuyền ra cửa biển với các nghệ sĩ Hà Mẵ Xuân, Hà Mỹ Liên, Phương Thanh, Hương Huyền.
Ở Thụy Điển, Bạch Lê và Thanh Bạch diễn vở tuồng Hàn Mạc Tử với các nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, Mộng Tuyền, Hữu Phước, Kim Chi, Phương Thanh.
Ở nước Bỉ, Bạch Lê Thanh Bạch diễn trích đoạn tuồng hồ quảng Lưu Kim Đính giải gía Thọ Châu.
Bạch Lê và Thanh Bạch đi thăm em gái là nữ nghệ sĩ Bạch Lựu tại Úc Châu, hát nhiều lần các trích đoạn tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Bao Công vô lò gạch, Tống Nhơn Tôn và Bàng Quí Phi. Bạch Lê và có ý định xin di cư qua Úc để được sồng gần cô em gái Bạch Lựu, nhưng luật di dân ở Úc khó khăn nên Bạch Lê và Thanh Bạch không muốn làm gián đoạn việc học của con mình nên cả gia đình của họ lại trở về Pháp.
Trong các năm 1995, 96, 97, 98, đôi nghệ sĩ Bạch Lê – Thanh Bạch có nhiều dịp diễn chung với các nghệ sĩ Thanh Tòng, Minh Phụng, Thanh Điền, Thành Lộc, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Hà Mỹ Xuân, Hương Thanh, Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Vũ Linh, Tài Linh, Út Bạch Lan, Diệp Lang, Chí Linh, Vân Hà, Thoại Mỹ, Bảo Quốc qua các vở tuồng Câu Thơ Yên Ngựa, Bốn Mùa Mai Nở, Thúy Kiều Từ Hải, Kim Vân Kiều, Bao Công Vô Lò Gạch, Đi biển Một Mình, Ngai Vàng và Tội Ác…
Thưa qúi thính giả, đôi uyên ương nghệ sĩ Bạch Lê, Thanh Bạch được nghệ sĩ Phượng Mai mời hát trong chương trình hội ngộ những tài năng nghệ thuật hồ quảng tại quận Cam Hoa Kỳ, khi hai cháu báo cho tôi biết tin nầy, giọng nói của hai cháu phấn khởi, vui vẻ chứng tỏ rằng đôi nghệ sĩ Bạch Lê Thanh Bạch vô vàng hạnh phúc khi được sống lại những phút giây huy hoàng của người nghệ sĩ chân chính dưới ánh đèn sân khấu.
Dù ở Hoa Kỳ, ở Pháp hay Canada, Bạch Lê, Thanh Bạch và tất cả các nghệ sĩ sân khấu cải lương và hồ quảng cũng đều có hạnh phúc to lớn là được nhiều dịp cống hiến cho bà con xem những vở hát hay, những vở tuồng mà một thời đã làm cho họ được vang danh trong giới kịch trường và được muôn ngàn khán giả ái mộ.
Được hát, được ca, được biểu diễn trên sân khấu, chẳng những đó là một niềm vui của nghệ sĩ mà đó cũng là mang lại niềm vui cho khán giả người Việt xa xứ. Đó là một điều may mắn cho nghệ sĩ cải lương. Ở đâu còn hát được cải lương, ở đó có quê hương trong lòng.
ST