Người Việt Nam, bất kể yêu thích văn chương hay không, đều biết và thuộc ít nhất cũng vài câu thơ “nghịch ngợm” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. “Bà chúa” dòng thơ Nôm của đất Bắc gần đây bỗng xuất hiện trên sân khấu TPHCM và ca… vọng cổ rất mùi! Sự kiện mới lạ này do nghệ sĩ Linh Huyền khởi xướng và để đưa bằng được “Bà chúa” lên sàn diễn cải lương chị đã làm “tất tần tật” các khâu: viết kịch bản, thủ vai Hồ Xuân Hương, tổ chức biểu diễn, đầu tư vốn…
Ai từng gặp người nữ nghệ sĩ vui vẻ, giản dị ngoài đời chắc không khỏi bất ngờ khi xem chị nhập vai “Bà chúa” thơ Nôm đầy tài năng phải oằn oại trong bi kịch của phận nhi nữ nghiệt ngã thời phong kiến. Nhiều đoạn độc diễn trên sân khấu vắng lặng, đơn sơ cho thấy bản lĩnh của một nữ nghệ sĩ nhỏ nhắn nhưng biết cách lấp đầy không gian sàn diễn.
Ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả có lẽ là cảnh diễn Hồ Xuân Hương đơn độc, lột bỏ cái bề ngoài một “bà chúa” khẩu khí, trở về đúng với thân phận một góa phụ trẻ đầy khao khát để “gặp” Chiêu Hổ (nam diễn viên Võ Minh Lâm) trong tiềm thức!
Linh Huyền ca mùi, diễn ngọt đến mức khiến khán giả nghĩ rằng Bà chúa thơ Nôm là người không những ở đất Bắc mà còn ở cả đất Nam và đã vỗ tay tán thưởng mỗi khi chị xuống xề vào câu vọng cổ.
Đưa Hồ Xuân Hương lên sân khấu cải lương cũng có không ít cái khó, để ra thần thái một nữ sĩ Bắc Hà thì không thể chỉ có vọng cổ, mà phải hát cả ca trù, chèo, ngâm thơ theo lối cổ… bằng giọng Bắc. Bản chất của cải lương là dung nạp, vì vậy vở Bà chúa thơ Nôm là một “hỗn hợp nghệ thuật” khá nhuần nhuyễn của vọng cổ, ca trù, chèo, ngâm thơ…
Nhân vật khi nào phát âm giọng Nam, lúc nào nói giọng Bắc cũng được tác giả và đạo diễn xử lý khéo léo, tế nhị. Linh Huyền cho biết, không gì vui hơn lúc này, bởi vở Bà chúa thơ Nôm mới cho chị cảm nhận được hạnh phúc sâu sắc của nghề diễn.
Xem “Bà chúa” diễn trên sân khấu lại nhớ tới một Linh Huyền ngoài đời, nữ nghệ sĩ mà người viết từng gán cho cái tên thân mật là “chúa bướng bỉnh”.
Cái bướng thứ nhất: trong lúc cải lương lao đao, ngay cả nhà hát quốc doanh được Nhà nước bù lỗ còn không dám diễn thường xuyên thì chị tự “quàng” vào cổ cái sứ mệnh làm cho sân khấu cải lương sáng đèn mỗi cuối tuần, trước mắt là tại rạp Kim Châu (15-17 Nguyễn Thái Bình, Q1)!
Cái bướng thứ hai: từ giữa năm 2010 đến nay, để duy trì một sàn diễn cải lương thường xuyên mở màn, Linh Huyền đã bị “thâm hụt” đến tiền tỷ nhưng chị vẫn… chưa nhụt chí!
Cái bướng thứ ba, Linh Huyền từng nổi tiếng với tuyên bố: “Tôi không biết đầu hàng, dù chỉ có một khán giả cũng diễn”.
Khát khao của Hồ Xuân Hương là bình đẳng giới, là tự do trong yêu đương… Khát khao của người đóng vai Bà chúa thơ Nôm là được làm sống lại nghệ thuật cải lương trong lòng khán giả TPHCM. Có lẽ vì sự khao khát này mà Linh Huyền “cháy” hết mình trong nỗi khao khát kia, làm nên một vai diễn lạ trên sân khấu cải lương hiện tại.
Khán giả dành một tối cuối tuần đến xem Bà chúa thơ Nôm… ca vọng cổ không vì sân khấu hoành tráng hay nghệ sĩ ngôi sao mà xem để ủng hộ sự dấn thân của một nghệ sĩ vì một loại hình nghệ thuật dân tộc đang cần được quan tâm hơn nữa, để trân trọng cả hai “bà chúa”!
HỒ THI CA
ngocanh - cailuongvietnam (Theo SGGP)