Cho đến hôm nay, chị vẫn là một ''Cải lương chi bảo'' xứng danh, kết nối nhiều thế hệ với Cải lương, nhiều bạn bè với Việt Nam. Đúng ra trang viết này không phải để tiếp tục liệt kê những thành tích mà chị đã nỗ lực đạt được, mà phải nói đến những công việc chị đang làm cho một thế hệ nghệ sĩ tương lai. Song, vấn đề đặt cách trong đợt phong tặng danh hiệu NSND mà TPHCM đã kiến nghị ra thẳng Hội đồng chuyên ngành và Ban Thi đua khen thưởng Nhà nước, chúng tôi lại phải làm công việc nói lại những thành quả đã qua của một ngôi sao sân khấu danh tiếng.
Quê hương An Giang là nơi chị sinh thành - một vùng đất phù sa miền sông nước Tây Nam Bộ thuộc xã Khánh An, huyện Phú Tân mà nói theo nhà văn Nguyễn Quang Sáng: một vùng đất hào sản với biết bao tài năng về văn hóa nghệ thuật ra đời như: nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Mai Văn Tạo, Lê Văn Thảo, nhà thơ Viễn Phương. Về lĩnh vực âm nhạc có GS. Trần Tấn Lộc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Phan Nhân đến các nghệ sĩ sân khấu điện ảnh Ngọc Bạch, Thẩm Thúy Hằng... trong đó có Bạch Tuyết, Cải lương chi bảo sáng rực trên sân khấu thập niên 60-70 và tiếp tục làm những công việc có ích cho bộ môn này”.
NSƯT - TS Bạch Tuyết vốn xuất thân trong một dòng tộc nhiều đời thuộc hàng nho giáo khoa bảng, nhưng đến thân phụ vì thời thế đã học nghề thợ máy ôtô, sau đó ông làm chủ garage tại Sài Gòn. Thân mẫu chị là một phụ nữ đoan trang, đức hạnh nhưng bà không may vắng số khi chị lên 8 tuổi. Mồ côi mẹ , chị được đưa vào trường dòng Saint-Esprit ăn học và sinh sống. Năm 16 tuổi, như một định mệnh dẫn dắt, chị đã đặt bước đến sân khấu Cải lương với một niềm đam mê cháy bỏng, cùng sự hun đúc chuẩn bị đầy tâm huyết của soạn giả Điêu Huyền - cây đại thụ trong hàng ngũ tác giả Cải lương với kịch bản Lá thắm chỉ hồng trên sân khấu đoàn Kiên Giang. Sau đó chị đoạt hàng loạt giải thưởng cùng nhiều danh hiệu cao quý như : Huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm (1963), huy chương vàng Thanh Tâm giải xuất sắc và danh hiệu Cải lương chi bảo (1965), danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1988), giải thưởng Đào Tấn (2009). Vắn tắt một quá trình phấn đấu của chị, dường như chỉ vỏn vẹn với mấy hàng nhưng đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của một ngôi sao sân khấu luôn hướng đến công chúng bằng những việc làm thiết thực. Ngay cả những khi chị tạm rời xa sân khấu để thực hiện thiên chức làm mẹ hoặc đi tu nghiệp ở nước ngoài thì hình ảnh của một nghệ sĩ chân chính vẫn làm khán giả, đồng nghiệp kính nể.
Ngoài thiên bẩm năng khiếu với sức sáng tạo mãnh liệt, cộng với phong cách ca diễn sang trọng, quý phái, chị may mắn được hun đúc dạy dỗ bởi sự tận tâm của nhiều bậc thầy thuộc hàng đại thụ tiền bối của sân khấu như: NSND Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Kim Cúc cùng các soạn giả Điêu Huyền, Hoa Phượng, Chi Lăng... Hơn 50 năm qua chị đã cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà hơn 400 vở diễn. Chị đã thủ diễn nhiều vai chính bên cạnh các tài danh sân khấu như: út Trà Ôn, Tấn Tài, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... Trong đó có nhiều vở diễn kinh điển và để đời như: Tuyệt anh ca, Đời cô Lựu, Kim Vân Kiều, Dương Vân Nga, Tần Nương Thất, Mùa thu lá bay, Cô gái Đồ Long... Chị đã góp ý, dạy dỗ đào tạo nhiều diễn viên trẻ được thành danh ở cả hai miền Nam Bắc, trong đó có nhiều em nay đã là NSƯT, đứng đầu ngành ở các cơ quan nghệ thuật công lập.
Có thể nói chị đã góp phần định hình diện mạo Cải lương trong nhiều thập niên qua, với lối xử lý nghệ thuật điêu luyện nhịp nhàng, thống nhất cao độ: Ca trong diễn - Diễn trong ca. Khác với thuận lợi trên đường nghệ thuật, đường học vấn của chị là một sự cố gắng nỗ lực phi thường. Từ một người học hành dang dở vì vào nghề cầm ca quá sớm - Chị đã từng bước âm thầm, cần mẫn để vượt qua ngưỡng cửa Đại học Tổng hợp TPHCM, tốt nghiệp đạo diễn ở Bulgaria và sang Anh quốc học tiếp 7 năm, vượt qua thời tiết khắc nghiệt và rào cản ngôn ngữ, chị là người nghệ sĩ Cải lương đầu tiên của Việt Nam đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học với đề tài : “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu cổ truyền các quốc gia Đông Nam á - Với điểu kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả ở thề kỷ 21” tại cả 2 viện Hàn lâm phim ảnh Sophia và Viện hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia Anh quốc 1995 (Royal Acad- emy of Dramatic Art) là nơi xuất thân hàng trăm diễn viên kịch nghệ, điện ảnh được cả thế giới biết đến như: Peter O'''' Toole, Robert Moley, Anthony Hopkins, Dorothy Hy son, Jonh Wyce, Susannah York, David Warner, Bark Worth...
Không chỉ có bề dày diễn xuất trên sân khấu nước nhà, với hàng trăm vở Cải lương cùng rất nhiều bài ca vọng cổ hoặc tân cổ giao duyên trên đĩa nhựa, radio, cassette, truyền hình, phim ảnh, video, chị còn đem chuông đi đánh xứ người trong nhiều quốc gia như: Anh, Pháp, Mỹ, úc, Đức, Tây Ban Nha, ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện... Sự tinh tế điêu luyện đến độ uyên bác, nhằm tôn vinh bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc luôn được chị tâm niệm học hỏi, thể hiện và trăn trở với trách nhiệm công dân trong con người nghệ sĩ dân tộc. Chị là người đầu tiên độc diễn thử nghiệm kịch bản “Diễn kịch một mình”, Cải lương “Hoàng hậu hai vua” (giải thưởng xuất sác năm 1997 nhân dịp kỷ niệm 10 năm Nhà hát Cải lương Việt Nam) của tác giả Lê Duy Hạnh được khán giả và báo giới phê bình đánh giá rất cao.
Trong những thập kỷ qua, không chỉ riêng khán thính giả mộ điệu Cải lương trong ngoài nước yêu mến, chị còn được nhiều nhà văn, nhà thơ, các vị giáo sư hàng đầu của Việt Nam dành cho nhận xét cảm tình ưu ái như: nhà thơ Lưu Trọng Lư, GS-NGND hoàng Như Mai, GS. Nguyễn Lang, nhà văn Sơn Nam... qua các vai diễn ấn tượng để đời của chị. Trên sân khấu là vậy, nhưng trong đời thường, chị còn là một người may mắn được thấm nhuần tinh hoa thiền học Phật giáo, nhờ vậy, chị luôn có một đời sống thanh nhàn lạc đạo, tâm đắc với tinh thần “Đạo trong đời” của Thiền Phái Trúc Lâm yên tử mà Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ cũng là vị ân sư của chị đang phục hưng và phát triển.
NS Bạch Tuyết có cuộc sống trường chay đạm bạc trên 20 năm nay, tham cứu kinh điển ứng dụng tùy quyên giáo lý nhà Phật, làm những công việc từ thiện mấy mươi năm liên tục như một sự cảm thông chia sẻ và biết ơn cha mẹ, trả ơn cuộc đời. Gần đây nhất trong ngày trao học bổng vả quà cho con em công nhân hậu đài, nghệ sĩ nghèo của Báo Sân khấu TPHCM (quỹ Vòng tay nghệ sĩ), chị đã tham gia mang tính truyền thống “cứ hễ Báo tổ chức là có chị cùng góp sức để đem niềm vui nho nhỏ đến cho các em” - chị nói bằng tấm lòng chân thành. Bên cạnh đó chị thường xuyên tổ chức những suất hát để gây quỹ giúp đồng bào miền Trung bị bão lũ, một vài tỷ đồng không là bao so với nỗi khổ của con người nhưng chị và các bạn đã tố chức từng đoàn ra tận các tỉnh miền Trung để trao tận tay từng bà con nạn nhân thiên tai hàng ngàn phần quà tình nghĩa.
Trong lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo, ngày 31/05/2007. với Trường ca Kinh Pháp cú, chị đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt nam (Vietkings và Vietbook) tôn vinh là người đầu tiên chuyển thể kinh sách Phật giáo thành trường ca kinh Cải lương. Chị cũng đã chuyển thể thành công tác phẩm trường ca: Phật giáo với Dân tộc, Trường canh ca Quán Âm - Kinh Kim Cương. Trong tác phẩm DVD này, trên nền nhạc âm nhạc truyền thống mà chủ đạo là các bài bản Cải lương kinh điển, chị chú trọng khai thác thêm âm nhạc miền Bắc khi đi vào những bài Hội - kệ (có chất ngâm) ứng dụng thủ pháp, nghệ thuật triệt để, hầu đạt đến mục đích cuối cùng, đó là cảm thụ nghệ thuật tử người sáng tạo - nghệ sĩ đến thụ cảm khán giả, trong một giao thức quan hệ nhân quả có tác động tương ứng, tương hợp.
Không những là một nghệ sĩ đạo diễn tài danh mà chị còn là tác giả một số vớ Cải lương như : “Đài Trang”, “Tóc mai sợi vắn”, “Tình cũ nghĩa xưa”, “Mùa thu trong mắt mẹ”, “Tứ đại oán” với bút danh Nguyễn Thị Khánh An, cùng rất nhiều bản vọng cổ lay động lòng người. Chị đã đạo diễn và biên tập nhiều kịch bản sân khẩu, phim ảnh có giá trị nghệ thuật tiêu biểu được khán giả mến mộ như: Kim Vân Kiều, Đoạn Tuyệt, Tần Nương Thất. Chị vẩn là người thầy đáng kính của nhiều nghệ sĩ trẻ khi tham gia huấn luyện, giảng dạy cho mang chữ nghệ truyền đạt cho tất cả những ai yêu mến bộ môn Cải lương dân tộc.
ngocanh - cailuongvietnam (Theo Báo sân khấu)