Hề Râu Thanh Việt, duyên hài thiên phú
Theo Soạn giả Nguyễn Phương,
Nghệ sĩ cải lương chuyên đóng vai đào chánh, kép chánh thường được khán giả yêu thích vì họ có nhan sắc quyến rũ và giọng hát ru hồn, tuy nhiên cũng có những nghệ sĩ xấu hình xấu dạng, giọng nói có khi nghe the thé chói tai hoặc khàn khàn, hoặc nhừa nhựa nhưng các nghệ sĩ nầy cũng rất được khán giả ưa thích. Đó là những diễn viên chuyên diễn hề trên sân khấu.
Nghệ sĩ Thanh Việt, Hình thể không được đẹp của họ như là quá lùn, quá mập, quá ốm, quá cao, miệng méo, mắt lé… vân vân, đáng lẽ là một nhược điểm của nghệ sĩ, trái lại đối với các anh chuyên diễn hế thì lại đắc dụng và nhờ vào hình thể khó coi đó mà họ nổi danh Hề lùn, hề béo, hề méo, hồ ốm, hề cao, hề té, hề dê, hề quậy, hề râu, hề nhựa…
Khán giả các chương trình Đại nhạc hội trong hai thập niên 60, 70, khi nhắc đến Hề Nhựa Thanh Hoài thì người ta nhớ đến Hề Râu Thanh Việt, cũng như khi người ta nhắc Hề Lùn Tùng Lâm thì người ta nhớ tới Hề cao Xuân Phát, hề ốm Phi Thoàn, hề mập Khả Năng.
Hề râu Thanh VIệt sanh năm 1939, ở Hốc Môn, Hề Thanh Việt có cả thảy 9 anh em cả trai lẫn gái. Người anh thứ ba của Thanh Việt, anh Ba Đồng tức là soạn giả Kinh Luân, tác giả tuồng Lấp Sông Gianh trên sân khấu Kim Thoa của ông bầu Ngô Thiên Khai và nữ nghệ sĩ Kim Thoa.
Tuồng Lấp Sông Gianh của soạn giả Kinh Luân tức Ba Đồng, hát khai trương bảng hiêu gánh hát Kim Thoa ngày 19 tháng 12 năm 1955 tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, bị kẻ lạ mặt liệng lựu đạn làm chết các nghệ sĩ Nguyễn Mai, Ba Cương và em vệ sĩ Phiên, soạn giả Duy Lân bị cụt chân trái, nghệ sĩ Sáu Thoàng và một số nghệ sĩ bị thương nhẹ. Soạn giả Kinh Luân sau biến cố đó cũng biến mất tên tuổi trong trường văn trận bút của Saigon hoa lệ.
Hề Thanh Việt còn có em là Thanh Sơn, chuyên viên ánh sáng, Minh Phương, nhạc sĩ đàn contre – basse, Phùng Trang, tay đánh trống, sau đổi nghệ danh là hề Thanh Nam, diễn viên cải lương trên sân khấu đoàn hát Dạ Lý Hương của Bầu Xuân.
Khởi đầu cuộc đời đi hát của Thanh Việt là anh theo người cha kế của anh là nghệ sĩ Tám Huê, đi hát cho các đoàn hát nhỏ ở tỉnh rồi về diễn trong Giải Trí Trường Thị Nghè, Bar Hoàng Yến. Thanh VIệt gặp nhóm Tùng Lâm Xuân Phát diễn những vở hài kịch ngắn trong Bar Hoàng Yến và Bar Lệ Liểu, Thanh Việt tham gia diễn các tiểu phẩm hài tự biên tự diễn. Thanh Việt nổi danh với vai Quảng Xị trong Ban thoại kịch Kim Cương.
Lúc tôi cộng tác với đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, hát thường trực ở rạp hát Thành Xương, rạp Hưng Đạo và thỉnh thoảng hát ở rạp Quốc Thanh thì Hề Tùng Lâm mướn các rạp đó hát xuất 9 giờ sáng chúa nhựt, với chương trình Cù Lét, nghĩa là một chương trình đại nhạc hội có nhiều ca sĩ tân nhạc, một vài điệu múa và ít nhất có hai màn hài kịch, mỗi màn dài từ 30 phút đến 45 phút.
Tùng Lâm nhờ Nguyễn Phương sáng tác các màn hài kịch nầy, viết cho 6 tay hể thường trực của chương trình Cù Lét, đó là Tùng Lâm, Xuân Phát, Phi Thoàn, Khả Năng, Thanh Hoài và hề râu Thanh Việt.
Viết hài kịch cho 6 diễn viên hài, người nào cũng phải có chổ diễn, phải cho « gag » để làm nổ tung những trận cười của khán giả, dó là một chuyện không phải dễ. Tôi phải nghiên cứu khả năng chọc cười của từng diễn viên hài để có cách khai thác khác nhau.
Ví dụ Hề Phi Thoàn diễu thì phải nói nhanh, nói tía lia đủ thứ chuyện, chọc cười klhán giả bằng điệu bộ lăn xăng, méo mặt, méo mày, đưa nguyên bàn tay giả làm lược để vuốt tóc… Hề Khả Năng thì diễu « tỉnh » nói năng chậm rải và biết nhấn mạnh « từ » nào để chọc cười khán giả.
Hề Khả Năng to con, lớn xác nhưng có vẻ khù khờ, ngờ ngệch, phong cách đó trái với phong cách ma lanh liếng thoáng của Phi Thoàn. Tôi viết cho hai anh Phi Thoàn và Khả Năng các lớp diễu đối chọi nhau như kiểu diễu của hai danh hề Laurel và Hardy, anh hề Mập và anh hề Ốm của các phim diễu từng chiếu ở Saigon.
Hai diễn viên Tùng Lâm, Xuân Phát cũng có cá tánh và sắc vóc đối chọi nhau. Tùng Lâm nhỏ con, lùn tịt, lúc nào cũng như có vẻ quạo quọ, muốn gây lộn, cái mặt vác hấc lên. Xuân Phác nhờ đôi mắt hí, anh làm ra vẽ khù khờ rất hay, lúc đối thoại thì có vẻ rất chăm chú nhưng rồi không hiểu gì hết.
Xuân Phát gặp Tùng Lâm thì xum xoe, vồn vã nói chuyện nhưng không hiểu Tùng Lâm nói gì nên khiến cho Tùng Lâm thêm quạo quọ, quạo đến lố bịch. Hai tính cách của hai vai Tùng Lâm Xuân Phát trái ngược, đối chọi nhau, tạo cười cho khán giả.
Khả năng sáng tạo bất ngờ
Đến Thanh Hoài và Thanh Việt, Thanh Hoài miệng cười toe toét, nói năng nhừa nhựa, người Bắc mà bắt chước nói giọng Nam, nghe ngây ngô tức cười. Thanh Việt thì có bộ râu quặp vô càm, anh bậm môi thì cái miệng móm rất có duyên. Thanh Việt có tải làm cho bộ râu nhút nhít, chỉ cần nhìn bộ râu của Thanh VIệt hoạt động, khán giả cũng có thể cười. Cặp mắt nheo nheo, ranh mảnh, giọng nói của Thanh Việt dễ gây cảm tình đối với người nghe.
Tôi nghĩ đây là cái duyên trời cho, cái tài chọc cười thiên phú. Thanh Việt diễn nhiều tuồng cải lương, hài kịch của tôi sáng tác trên sân khấu Dạ Lý Hương, và Thanh Minh Thanh Nga, đặt biệt Thanh Việt thủ hai vai chánh trong phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ của tôi sáng tác cho hãng phim Mỹ Vân, Thanh Việt đóng chung phim với Thanh Nga và nhiều danh hài khác.
Thanh Việt có khả năng sáng tạo bất ngờ, tôi còn nhớ năm 1969, Hội Ái Hữu tổ chức hát gây qủy để sửa chửa trụ sở và giúp các nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn tại rạp Hào Huê, màn đầu có tăng cường ca sĩ tân nhạc và hài kịch « Chàng rể hào hoa» có hề Thanh Việt, Khả Năng, Phi Thoàn, Thành Đuợc, Thanh Nga..
Đến chương trình chánh, tuồng Đoạn Tuyệt thì có trở ngại bất ngờ, Hề Kim Quang đang điều trị bịnh phổi tại nhà thương Hồng Bàng, nên bà bầu Thơ nhờ Hề Minh bên đoàn Hương Mùa Thu hát thế Kim Quang trong vai thầy Pháp. Hề Minh bửa đó uống rượu quá chén, anh chạy xe honda tới rạp, dọc đường té xe bể đầu.
Tuồng đã kéo màn hát, phải kiếm người đóng vai thầy Pháp, bà Năm Sadec đề nghị nhờ Thanh Việt diễn thế vai thầy Pháp. Thanh Việt lần đầu tiên đóng vai Pháp Sư, không biết đọc thần chú hô linh ra làm sao, tôi nói với Thanh Việt :« Một lác ra sân khấu, mầy vẽ bùa, bắt ấn quyết, khi « hô linh », mầy nói hỡi hỡi âm binh thần tướng thì mầy xê tới cánh gà, tao cầm bổn tuồng, tao nhắc câu nào thì mầy hát câu nấy, cứ yên tâm đi.»
Thanh VIệt nói :« Ông thầy ráng ủng hộ, xong xuất hát nầy, thầy troì mình đi nhậu.» Bà Năm Sadec nghe vậy, vừa cười vừa nói :« Mời ông thầy đi nhậu mà quên tui thì một lác tui cũng quên bạn, đừng có trách nghen!» Thanh Việt bước l5i xá xá bà Năm Sadec :« Tội nghiệp con mà Má! Con mua trầu cho Má xơi, được hông?»
Ngoài sân khấu, tuồng diễn đến lớp Loan( Thanh Nga) bồng con đi khám bác sĩ về. Bà Năm Sadec trong vai bà Phán Lợi, mẹ chồng đay nghiến, đòi rước thầy Pháp trị bịnh chgo cháu nội chớ không cho uống thuốc Tây. Ngọc Nuôi trong vai Bích, cô em chồng đanh đá, dẫn ông thầy pháp( Thanh Việt) vô nói :« Má, con rước ông thầy pháp ở xóm Sáu Lèo tới. Ổng nổi tiếng bắt ma, trừ tà trị bịnh hay lắm, ổng ờ núi Tà Lơn mới hạ san đó má!»
Ông thầy pháp Thanh Việt, chấp tay xá xá bà Năm Sadec, rồi đưa càm vểnh râu, nhướng nhướng chân mày. Khán giả thấy bộ điệu của Thanh Việt, họ vổ tay cười râng. Bà Năm Sadec nói mở đường cho Thanh Việt :« Nè, ông thầy cứ thấp nhang khấn vái, đăng đàn gọi hồn nhập xác, cứ lấy khăn ấn nẹt nẹt vô mình của cháu nội tôi là nó hết bịnh liền. Khỏi phải vẽ bùa, đọc thần chú cho khan tiếng, nghe ông thầy!»
Thanh Việt nói :« Dạ, vậy thì tôi làm gấp gấp, lãnh cachet rồi chạy chầu đám khác!» Khán giả nghe ông thấy pháp nói lãnh cachet, họ cười rộ lên. Thanh Việt biết lở lời, anh ta làm tỉnh, cầm một nắm nhang khói ngui ngút, vẻ bùa bốn phương tám hướng.
Bà Năm Sadec muốn trát Thanh Việt, bước ra tiền đài hướng về khán giả như muốn phân bua :« Ông thấy pháp nói lãnh cachet là lãnh cái chi ca? Phải hỏi ổng mới được.» Bà Năm vô, đứng gần Pháp sư : Ông thầy, ông nói lãnh cachet là lãnh cái chi, hả?» Thanh Việt chưa biết trả liời sao, nhân thấy bà Năm Sadec bước tới gần mình, bèn nẩy sáng kiến :« Tôi nói nếu bác rảnh, bác xê ra cho tôi cúng, bác rảnh bác xê ra, chớ cát cái gì?»
Tôi đứng trong cánh gà, tôi nhắc Thanh Việt :« Ám ma ni bát di hồng» Thanh VIệt nẹt khăn ấn nghe rét rét, xướng lớn theo lời nhắc của tôi :
Ám mani bát di hồng, Cấp cấp triệu thỉnh âm binh thần tướng lai đáo, La đường La Sát bách vạn thiêng liêng, Tiền sai lôi tướng, hậu khiển âm binh, Thính lịnh ngã sai, trừ tà sát quỷ. Là hỡi…hỡi âm binh ôi…
Thay vì nói La Đường La Sát bách vạn thiêng liêng, Thanh Việt rống họng la lớn : Bà Năm Sa déc, bá vạn âm binh…. Khán giả cười ào ào. Bà Năm Sadec nổi khùng, la lên :« Ông THầy cúng cái gì kỳ vậy cà?» Bà kéo áo Thanh Việt, Thanh Việt vển râu lên la lớn : « É Măm bô, măm bô i ta li nha nô! É Mâm BÔ…»
Giàn tân nhạc duờng như đã được Thanh Việt dặn trước, tấu một khúc nhạc mâm bô rất giựt gân. Thanh Việt múa khăn ấn, nẹt rét rét, chân bước theo vũ điệu mâm bô, miếng hát nhịp nhàng như người cốt lên đồng :
Truyền chư vị chúng thần, Tương hồn ma nhập phách, Hoặc hồn ở đám lau bụi lách, Hoặc hồn ở các sà nách ba, Hay hồn tới xóm cây Da Xà, Nghe thầy triệu, hồn mau nhập thể, hô nhập…hô nhập…( nẹt khăn ấn) Hỡi hỡi âm binh thần tướng, hề tụ lãnh lương, Kép mùi, kép chánh, tướng cạnh, tướng con, Mợ chày mợ quý, vũ nữ vũ công, hề tụ lãnh lương, Bà Năm Sadec, cũng hề tụ lãnh lương ơi hỡi âm binh, Cấp cấp theo lịnh triệu.
Khán giả cười ào ào vì Thanh Việt kêu réo mọi người trong gánh hát hề tụ lãnh lương. Anh cũng không quên kêu bà Năm Sadec hề tụ lãnh lương. Thanh Việt bặm môi vểnh râu càm ra phía trước, dùng cặp chân mày và bộ râu gỏ nhịp theo điệu nhạc măm bô, khiến cho khán giả cười vở rạp.
Thanh Việt có một lúc hát cho đoàn cải lương Việt Nam của bà Bầu Thu – Minh Vương và 10 năm hát cho đoàn hát Dạ Lý Hương.
Sau năm 1975, Thanh Việt hát cho đoàn hát cải lương Saigon 3, thời gian sau, Thanh Việt về hát cho đoàn Cầu Ngang, sau chót hết là đoàn Hậu Giang.
Thanh Việt vì uống rượu nhiều, bị bịnh gan. Bệnh càng ngày càng nặng nhưng thời bao cấp, lương nghệ sĩ không đủ sống, anh không tiền trị bịnh.
Cho tới khi người ta thu vidéo hài, anh được rước về Saigon, bắt đầu có tiền thuốc thang trị bịnh gan thì trong khi thực hiện một đoạn phim, Thanh VIệt cỡi bò bị té, làm nặng thêm chứng bệnh gan. Anh được đưa vào bệnh viện nhưng anh đã qua đời trước sự thương tiếc của khán giả và đồng nghiệp.