Đến hẹn lại lên, Bông lúa vàng lại vào mùa gặt mới – mùa gặt đánh dấu 20 năm của một cuộc thi. Nơi đây không chỉ ươm mầm những giọng ca…
Trước khi đoạt giải Chuông Vàng Vọng Cổ 2010, Bùi Trung Đẳng (bìa phải) đã đoạt Huy chương Đồng Bông Lúa Vàng 2009.
Ươm mầm tài năng
Năm 1991, khi “Giọng ca cải lương – Giải Bông lúa vàng” (do Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức) lần đầu tiên được tổ chức, ít ai nghĩ rằng, cuộc thi này sẽ có “tuổi thọ” đến… 20 năm. Nhưng đến nay, điều này đã trở thành sự thật và hứa hẹn còn tồn tại lâu hơn nữa. Bởi mỗi khi cuộc thi diễn ra, luôn thu hút hơn 1.000 thí sinh tham dự cùng đông đảo công chúng quan tâm theo dõi. Cho nên, đây cũng là một điều đáng mừng cho sức sống, sức hút của tài tử cải lương.
Càng mừng hơn nữa, khi mà cuộc thi này đã phát hiện, “trình làng” được nhiều giọng ca mới cho sóng phát thanh cũng như sân khấu cải lương. Trong số những giọng ca trưởng thành từ giải Bông lúa vàng, giờ vẫn còn nhiều người đang gắn bó với sân khấu cải lương như: Tuyết Ngân, Lê Tứ, Hà Như, Đào Vũ Thanh… Thậm chí có những gương mặt sau khi đoạt giải Bông lúa vàng còn “tiến lên” tham gia các cuộc thi: Triển vọng Trần Hữu Trang; Chuông vàng vọng cổ và cả Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và lại thành công.
Theo soạn giả Ngô Hồng Khanh, một trong những thành viên Hội đồng giám khảo của giải Bông lúa vàng, chính cuộc thi này đã góp phần ươm mầm những giọng ca mới. Thực tiễn cho thấy Bông lúa vàng đã lấp lánh những ánh vàng và cuộc thi này chứng tỏ tài tử cải lương hiện nay như mạch nước ngầm, để rồi ngày qua ngày, những tài năng trẻ có được môi trường thuận lợi để theo đuổi đam mê...
Lan tỏa sức mạnh
Trong 20 năm qua, mỗi lần Bông lúa vàng diễn ra, ban tổ chức luôn nhận được hàng ngàn bức thư, tin nhắn, điện thoại của bà con yêu thích cải lương trên khắp mọi miền đất nước gởi đến bày tỏ tình cảm. Chính những cánh thư, tin nhắn, điện thoại của công chúng mộ điệu đã khẳng định rằng, tài tử cải lương vẫn còn sức sống mãnh liệt, lan tỏa rộng khắp.
Nói như một số soạn giả cải lương, suốt nhiều năm qua, Bông lúa vàng đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải những sáng tác của họ đến với đông đảo công chúng, tạo nên sức sống cho những bài ca, cũng như duy trì, thu hút nhiều thế hệ khán giả gần xa yêu thích tài tử cải lương. Mỗi thứ bảy, mặc dù đến 14 giờ cuộc thi mới diễn ra, nhưng từ 10 giờ - 11 giờ hàng trăm khán giả đã đến khán phòng Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM chờ đợi để được xem.
Có thể nói, sau 9 lần diễn ra, Bông lúa vàng đã tạo nên chất men kết dính những tâm hồn đồng điệu, yêu thích cải lương ngày một nhiều hơn. Có những khán giả đến với Bông lúa vàng từ lần đầu còn độc thân, nay đã lập gia đình, có con cái cùng đi xem cải lương…
Những gì Bông lúa vàng mang lại cho những người yêu thích tài tử cải lương trong suốt chặng đường 20 năm, quả là điều đáng khích lệ.
Theo VÂN AN – Báo SGGP