Được coi là thần tượng của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, được đánh giá là “đệ nhất của sân khấu cải lương”, song cuộc đời của nghệ sĩ Năm Phỉ gần như là một minh chứng cho cái mà cổ nhân gọi là “tài hoa bạc mệnh”. Lấy chồng và chồng mất chỉ sau mấy năm chung sống, Năm Phỉ đi bước nữa. Nhưng lần này, với người chồng mới, bà cũng chỉ gắn bó được ít năm rồi thì “đường ai nấy đi”, để mặc ông quay sang tái giá với cô em gái ruột của mình là Bảy Nam (tức NSND Bảy Nam sau này). Không con và cứ thế một thân một mình cho tới khi qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 48, nghệ sĩ Năm Phỉ đã để lại muôn vàn sự tiếc thương và luyến nhớ của cả khán giả lẫn các đồng nghiệp…
Nghệ sĩ Năm Phỉ tên thật là Lê Thị Phỉ. Bà sinh năm 1906 tại Mỹ Tho, nơi được xem là cái nôi của nghệ thuật cải lương. Cụ thân sinh ra bà là một kỹ sư cầu cống, họ Lê tên Công, vốn là người thích chữ nghĩa nên đã chọn câu “Công Thành Danh Toại, Phỉ Chí Nam Nhi, Bia Truyền Tạc Để” để đặt tên cho 11 người con của mình. Sau này, thật lạ là cùng với Năm Phỉ, một số người con khác của ông như Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền đều trở thành những nghệ sĩ thành danh trong lĩnh vực cải lương và kịch nghệ.
Ông Công là người rất dị ứng với nghề hát xướng múa may mua vui cho thiên hạ. Vậy nhưng Năm Phỉ lại đến với loại hình nghệ thuật này từ khi mới 10 tuổi. Lòng đam mê nghệ thuật của cô còn được người mẹ hết lòng cổ vũ khiến ông kỹ sư cầu cống càng thêm phẫn uất. Ngăn không được, ông xem như từ mặt Năm Phỉ. Thậm chí, ông cấm mọi người trong nhà nhắc tới Năm Phỉ. Tuy vậy, sự say mê sân khấu cải lương của Năm Phỉ đã ảnh hưởng tích cực tới mấy người em sau này của bà. Không dưng mà ở giai đoạn cuối đời, khi có phóng viên đặt câu hỏi với NSND Bảy Nam, bà lấy ai làm thần tượng, bà Bảy Nam đã nói không chút suy tính: Đó là Năm Phỉ, chị ruột của bà.
Như trên đã nói, Năm Phỉ đến với sân khấu cải lương từ rất sớm, lúc bà mới 10 tuổi. Ở tuổi này, bà chưa kịp học lấy con chữ, chỉ biết ký mỗi cái tên. Điều đặc biệt là tuy học vấn thấp đến như vậy, song bà lại được trời phú cho một trí nhớ phi phàm. Những lần tập vở, chỉ cần nghe ai đó đọc qua một lượt là bà đã thuộc. Có một giai thoại: Dù bận tiếp khách song Năm Phỉ vẫn để tai lắng nghe người ta đọc vở tuồng. Và khi khách ra về thì cũng là lúc bà thuộc lời thoại của vở diễn.
Năm Phỉ thoát ly gia đình khi mới 11 tuổi. Bà theo đi biểu diễn với gánh hát Nam Đồng Ban do các ông Hai Cu, Hai Quản lập ra. Tại đây, khi chưa bước vào tuổi thanh nữ, bà đã kết duyên với nghệ sĩ Hai Giỏi, người chuyên đóng các vai kép chính. Hai Giỏi sớm khẳng định được tài năng của mình trước bàn dân thiên hạ, song ông lại là người đoản mệnh. Cái chết đến quá sớm không chỉ cắt ngang một sự nghiệp đầy hứa hẹn mà còn đẩy người vợ trẻ (khi ấy vẫn đang ở tuổi vị thành niên) vào cảnh góa bụa. Nhưng Năm Phỉ là người giàu nghị lực. Bà một mình tiếp tục trên con đường nghệ thuật đầy gian khó… Một thời gian sau khi Hai Giỏi qua đời, gánh Nam Đồng Ban tan rã. Năm Phỉ chuyển sang hát cho gánh Tái Đồng Ban. Tới năm 1926, đến lượt gánh Tái Đồng Ban cũng lại giải thể. Năm Phỉ đành chuyển sang hát cho gánh Hí Văn Ban của ông Huỳnh Văn Vui và tiếp đó là cho gánh Phước Cương.
Sau này, NSND Phùng Há, một người luôn xem là “đàn em” của “chị Năm Phỉ” đã tiết lộ: “Tôi theo gánh Tái Đồng Ban được anh Tư Chơi dạy tôi ca. Ông Năm Mạnh và anh Năm Châu dạy tôi hát. Sau này tôi mới biết, do chị Năm Phỉ không về được Tái Đồng Ban nên ông bầu Hai mới tìm người hát chung với anh Năm Châu. Tôi may mắn mới được thế chị Năm Phỉ”. Điều ấy cho thấy, Năm Phỉ rất có giá trong con mắt của các ông bầu gánh hát thuở ấy.
Tại gánh Phước Cương, Năm Phỉ có nhiều cơ hội trổ tài và với những vở diễn của gánh hát này, tên tuổi của Năm Phỉ đã đến được với đông đảo khán giả Nam Kỳ cũng như được một số khán giả ở Pháp quốc biết tới. Với chất giọng hơi khàn khàn ẩn chứa trong một vóc dáng mảnh mai nhưng đầy cá tính, Năm Phỉ đã thể hiện xuất sắc các vai diễn: từ Lý Ngọc Nương (vở “Trà hoa nữ”), Bàng Quý Phi (vở “Xử án Bàng Quý Phi”), Điêu Thuyền (vở “Lã Bố hý Điêu Thuyền”), Mộng Hoa (vở “Mộng Hoa nương”), Lan (vở “Lan và Điệp”)… Đặc biệt, với vai Bàng Quý Phi, năm 1931, nghệ sĩ Năm Phỉ đã cùng nghệ sĩ Bảy Nhiêu (vai Tống Chơn Tôn) được gánh Phước Cương đưa sang Paris trình diễn vở “Xử án Bàng Quý Phi” nhân dịp đấu xảo. Tại đây, vở diễn đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Riêng với vai diễn của mình, Năm Phỉ đã nhận về 4 huy chương. Có gần hai trăm lá thư của người mến mộ gửi tới nghệ sĩ Năm Phỉ bày tỏ sự cảm mến, trên bốn chục tờ báo có bài bình luận, khen ngợi vở diễn. Ngoài những phần thưởng mang ý nghĩa động viên tinh thần, cá nhân nghệ sĩ Năm Phỉ còn nhận được một khoản thù lao hậu hĩnh, tương đương với hàng ngàn lượng vàng thời bấy giờ. Vở “Xử án Bàng Quý Phi” sau đó còn được công diễn tại nhiều nơi và trở thành một trong số những vở diễn có doanh thu và tần suất biểu diễn cao nhất trong lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam.
Trở lại với chuyện đời tư của nghệ sĩ Năm Phỉ. Trong quá trình tham gia gánh Phước Cương, cũng như trước đây, cái duyên nghề nghiệp đã lại đưa đẩy Năm Phỉ gắn bó tình cảm với một người của gánh hát. Lần này không phải là một bạn diễn mà là… ông bầu của gánh hát – ông Nguyễn Ngọc Cương. Hai người nên vợ nên chồng và một thời gian, đây được xem là cuộc hôn nhân lý tưởng bởi cả hai đều là những người tài năng, danh giá và đang chung lưng góp vốn nhằm mở mang sự nghiệp và cùng chí hướng thúc đẩy sự phát triển của nền nghệ thuật cải lương nước nhà. Nhưng rồi, được ít năm thì giữa họ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, buộc phải giải quyết bằng một cuộc ly hôn. Và khi ông Nguyễn Ngọc Cương chính thức tái hôn với nghệ sĩ Bảy Nam – em gái Năm Phỉ – thì Năm Phỉ dứt khoát chia tay gánh hát để thành lập Đoàn cải lương mang tên mình. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật từng có những phân tích xác đáng về sự khác biệt giữa hai chị em Năm Phỉ – Bảy Nam và nhận thấy, đó gần như là hai đối cực. Năm Phỉ đến và thu hút khán giả bằng một uy lực gần như choáng ngợp, trong khi Bảy Nam lại chinh phục khán giả một cách dè dặt, lặng lẽ. Năm Phỉ thích là làm, không thích là tung hê, còn Bảy Nam thì lại com cóp góp nhặt từng vai diễn bình dị để làm nên sự nghiệp… Tuy nhiên, không vì sự khác biệt ấy mà Bảy Nam không thấy được ảnh hưởng to lớn của người chị đối với mình. Trước sau, bà luôn xem Năm Phỉ là một thần tượng. Nhân đây, cũng cần nói thêm: NSƯT Kim Cương chính là sản phẩm của cuộc hôn nhân nhiều “trái khoáy” giữa NSND Bảy Nam và ông Nguyễn Ngọc Cương. Nghĩa là, chị vừa là cháu gái của nghệ sĩ Năm Phỉ, vừa là con gái của chồng cũ của Năm Phỉ. Nghệ sĩ Năm Phỉ đã dồn nhiều tình yêu thương để “truyền nghề” cho người cháu này. Và trong thực tế, giữa Kim Cương và Năm Phỉ có nhiều nét tương đồng, không chỉ về tính cách mà cả trong phong thái biểu diễn…
Nghệ sĩ Năm Phỉ qua đời vì bạo bệnh ngày 2/6/1954, khi mới ở tuổi 48. Cái chết của bà đã gây sốc cho bạn bè, người thân. Nghệ sĩ Phùng Há bấy giờ đang biểu diễn ở Long Xuyên. Khi nhận được hung tin nghệ sĩ Năm Phỉ mất, Phùng Há đã ngất xỉu. Cũng liên quan tới sự kiện này, cách đây mấy tháng, một tờ báo đã ghi lại chuyện kể của soạn giả Nguyễn Phương như sau: Ngày Năm Phỉ mất, người đến viếng đã được chứng kiến cảnh nhạc sĩ Chín Trích đàn ròng rã mấy ngày liền bên quan tài người quá cố, vừa đàn vừa khóc. Đến khi chuẩn bị làm lễ di quan, ông đã tới lạy lần chót bên quan tài nghệ sĩ Năm Phỉ rồi khóc lớn: “Cô Năm đã mất rồi, từ nay Chín Trích sẽ không còn đờn cho ai ca nữa”. Nói xong, ông đập vỡ cây đàn. Để ghi nhận tình cảm của nhạc sĩ Chín Trích, khi hạ huyệt, người nhà của nghệ sĩ Năm Phỉ đã cho chôn trong mộ phần của bà cây đàn gãy này.
Sinh thời, Năm Phỉ từng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Vua Bảo Đại tặng Huy chương Kim Tiền. Trong các chuyến lưu diễn tại nước ngoài (như Pháp, Lào, Thái Lan, Campuchia…), bà cũng nhận được nhiều huy chương. Tuy nhiên, có lẽ với bà, không gì vinh dự bằng các “giải thưởng” do khán giả mến mộ dành tặng cho bà, mà cách hành xử đầy xúc động của nhạc sĩ Chín Trích là một ví dụ. Thật đúng như Giáo sư Hoàng Như Mai từng nhận định: “Bà là nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của sân khấu cải lương. Đó là một tài năng đa dạng, đã chinh phục được cảm tình của tất cả khán giả”. Lại nhớ, khi NSND Thanh Nga – bấy giờ còn là một diễn viên trẻ – được giải Thanh Tâm triển vọng, báo chí đã không tiếc lời tôn vinh chị, trong đó, có một câu cho thấy vị trí của nghệ sĩ Năm Phỉ trong lòng họ cao đến mức nào. Ấy là khi các nhà báo cho rằng, từ khi nghệ sĩ Năm Phỉ mất đến thời điểm ấy, sân khấu cải lương mới lại xuất hiện một nữ diễn viên “vừa hát hay, diễn giỏi, vừa hấp dẫn về sắc vóc đến vậy”
nguyenkhoiktc - cailuongvietnam (Theo Dương Đức - CAND)