1. suka
    Avatar của suka
    Thắp lại hào quang cho cải lương

    SGTT.VN - Trong ba đêm đã diễn ra chương trình cải lương Gìn vàng giữ ngọc về gia tộc cải lương tuồng cổ – hồ quảng Bầu Thắng – Minh Tơ, với vở cải lương tuồng cổ Câu thơ yên ngựa và vở cải lương hồ quảng Điều Tam Xuân báo phu cừu, mỗi đêm diễn đều đem lại sự hân hoan cho khán giả và sự xúc động rưng rưng nơi những nghệ sĩ làm nghề – bởi vầng hào quang đẹp đẽ của cải lương từ lâu đã bị lu mờ đang được chương trình này thắp sáng.


    Nghệ sĩ Bạch Lê và NSƯT Thành Lộc trong một lớp diễn Câu thơ yên ngựa. Ảnh: Hòa Bình

    Không chỉ có lớp khán giả xưa trung thành với cải lương, nay đều đã già hoặc ở tuổi trung niên háo hức đến xem, mà khá đông khán giả trẻ không kém phần hào hứng mua vé vào rạp. Không chỉ nghệ sĩ trong giới cải lương mà cả những nghệ sĩ kịch nói cũng quan tâm tìm đến xem hai vở diễn. Khi ra về, số đông đều lộ vẻ hân hoan, hài lòng với lời khen “hay quá!”, “tốt quá!”…

    Trả cho cải lương sự chuyên nghiệp

    Có được tiếng khen bởi Gìn vàng giữ ngọc đã khôi phục sự chuyên nghiệp ở cách làm nghề mà cải lương đã đánh mất hơn hàng chục năm nay. Nghệ sĩ Thanh Tòng tâm sự với khán giả: “Chỉ có sáu đêm diễn mà chúng tôi đã chuẩn bị đến sáu tháng để có được chương trình như thế này”. Với cách làm cải lương chỉ ráp sơ sơ một vài buổi là ra diễn trong nhiều năm trở lại đây, khoảng thời gian sáu tháng tập chương trình đáng là kỷ lục. Còn trên sàn tập, các nghệ sĩ dù đã rất nổi tiếng, rất giỏi nghề, lại lớn tuổi, nhưng chẳng chút ngán ngại vất vả, hăng hái lăn lê, múa may tập vũ đạo đến chảy mồ hôi thành dòng. Cái tâm gìn vàng giữ ngọc cho nghề đau đáu ở những nghệ sĩ đầu đàn này khiến họ luôn muốn tập đi tập lại những gì chưa ưng ý, dốc hết nghề ra trau chuốt cho nhau thêm sắc sảo. Điều này khác hẳn thái độ rất làm biếng tập tuồng, không chịu tập tuồng ở nhiều nghệ sĩ cải lương hiện nay. Với những nghệ sĩ trẻ hàng con cháu như Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân đang là ngôi sao, việc nhiều, nhưng họ vẫn bỏ hết để tập trung cho chương trình. Vậy nhưng nghệ sĩ Bạch Lựu, Công Minh lại cho biết cải lương chuyên nghiệp trước đây còn phải tập dượt hơn như thế này.

    Lâu nay, hầu hết các chương trình, vở diễn cải lương, kể cả mang danh “chất lượng vàng”, nhưng lại có cảnh trí sơ sài, phục trang chắp vá tuỳ tiện, hát nhép gần như công khai, kịch bản chỉnh sửa méo mó; và chủ yếu chỉ diễn cải lương trích đoạn. Ở chương trình này, đạo diễn Vũ Minh – là đạo diễn và tự bỏ tiền làm chương trình – đã đem cái tâm và tình yêu cải lương tận lực xây dựng Gìn vàng giữ ngọc thật sự nghiêm túc và chuyên nghiệp. Anh bỏ tiền may và thiết kế cảnh trí hoàn toàn mới. Anh mày mò xử lý từng chút ánh sáng, chỉnh từng chút nhạc nền, cắt gọt từng cảnh diễn để hai vở tuồng có được sự chỉn chu đáng giá. Gìn vàng giữ ngọc có giá trị là vì vậy.

    Vàng 10

    Có thể ví chất lượng của hai vở cải lương Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu ở lần dựng lại này là vàng 10 của cải lương. Câu thơ yên ngựa đem lại cảm xúc đẹp đẽ và hào hùng tuyệt vời với đề tài lịch sử thể hiện lòng yêu nước và bản dựng diễn hài hoà ở mỗi yếu tố. Hơn 20 năm xa quê, lần đầu tiên diễn lại trên sân khấu quê nhà, giọng hát tuy chẳng thể như xưa, song ba nghệ sĩ cải lương tuồng cổ – hồ quảng Thanh Bạch, Bạch Lê, Điền Thanh vẫn làm khán giả say mê trong ba vai diễn thái uý Thường Kiệt oai dũng, thái hậu Ỷ Lan tài trí sắc sảo, thiếu niên Lý Ngân ngạo nghễ chí nam nhi. Những nghệ sĩ tuồng cổ trong nước như Thanh Tòng, Trường Sơn, Công Minh, Chí Bảo, Thanh Loan, Xuân Yến, Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân… thể hiện một nghề nghiệp vững vàng với vũ đạo, trình thức diễn đẹp mắt, tinh tế khiến người xem trầm trồ. Thành Lộc khiến cả khán phòng bừng bừng với tài năng diễn nội tâm quá giỏi ở vai Lý Đạo Thành. Tất cả những lớp diễn hay với âm nhạc đặc sắc của Câu thơ yên ngựa được giữ nguyên, làm sắc hơn một lần nữa sự quyến rũ, khiến khán giả say mê vỗ tay từng chập.

    Riêng ở Điều Tam Xuân báo phu cừu, khán giả như được đãi một bữa tiệc vũ đạo no nê, ngon lành khiến thực khách cải lương vô cùng thú vị. Nhiều ngón nghề đặc sắc, tinh tuý nhất của dòng tộc như tróc mã, đi gối, nhảy giáo, nhảy ngồi… tích luỹ từ hát bội, đến hồ quảng, cải lương tuồng cổ đã được các nghệ sĩ dốc ruột ra diễn. Cải lương đã được thắp sáng lại hào quang như vậy. Và khán giả, người làm nghề đã chứng minh đây là một hướng đi đúng của cải lương để khôi phục lại khi những người làm cải lương biết trân trọng, gìn giữ giá trị đích thực mà cải lương đã khẳng định và làm cải lương với đúng chất lượng chuyên nghiệp.

    Bài và ảnh : Hòa Bình
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL