Sân khấu cải lương trước năm 1975 được phát triển không ngừng là một phần nhờ sự góp ý phê bình của các ký giả kịch trường, mà người có công nhiều nhất là ký giả lão thành Trần Tấn Quốc. Năm 2007, tôi về thăm quê hương, gặp lại ký giả kiêm nhiếp ảnh viên sân khấu Huỳnh Công Minh, anh rủ tôi về Đình Trung xã Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, để thăm ký giả Thiện Mộc Lan và viếng mộ cố ký giả Trần Tấn Quốc.
Đến nhà Trần Tấn Quốc, anh Thiện Mộc Lan giới thiệu cho tôi biết anh Trần Tấn Quốc còn giữ một bộ sưu tập báo Phụ Nữ Tân Văn, (tuần báo rất xưa, 1929-1934) trong đó có nhiều bài của Nữ sĩ Manh Manh tức Nguyễn Thị Kiêm, phê bình các suất hát cải lương của các nghệ sĩ kiêm soạn giả Nguyễn Thành Châu, Tư Chơi Huỳnh Thủ Trung, Ba Vân...
Đây là những trang tài liệu quý hiếm, phê bình sân khấu cải lương và nghệ thuật diễn xuất của các nghệ sĩ tài danh trong lúc nghệ thuật cải lương còn ở trong thời kỳ sơ khai.
Khác với lối viết của các ký giả báo sân khấu hiện nay, những bài chuyên khen nịnh theo đường lối chủ trương của Đảng và Sở Văn Hóa Thông Tin, thì bài của Nữ sĩ Manh Manh đã nêu ra và khen ngợi những điểm hay và thẳng thắn phê bình những điểm sai của tác phẩm và diễn xuất, góp phần khuyến khích các nghệ sĩ để xây dựng nghệ thuật cải lương ngày một tiến bộ thêm.
Nữ sĩ Manh Manh tên thật là Nguyễn Thị Kiêm nổi tiếng một thời trên báo Phụ Nữ Tân Văn mà người chủ sáng lập báo này là ông bà Nguyễn Đức Nhuận. Ông Nguyễn Đức Nhuận (1900-1968) qua đời tại Sài Gòn. Bà Nguyễn Đức Nhuận nhủ danh Cao Thị Khanh (1900-1962) từ trần tại Pháp năm 1962.
Vài nét về Nữ sĩ Manh Manh tức Nguyễn Thị Kiêm
Ông huyện Nguyễn Đình Trị, từng là Nghị viên của Hội đồng Thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn hồi thập niên 30, nhưng tên tuổi của ông vang dội khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh khi ông làm Hội trưởng Hội Bóng Đá "Ngôi Sao Gia Định" (Étoile Gia Định) vào những năm thập niên 20-30.
Ông Bà Nguyễn Đình Trị có hai cô con gái: Cô đầu lòng tên Nguyễn Thị Châu sanh năm 1912 (trong gia đình thường gọi là cô Nhứt) và Nguyễn Thị Kiêm sanh năm 1914 (cô Nhì).
Hai cô Nguyễn Thị Châu và Nguyễn Thị Kiêm học tại trường Nữ Học Sài Gòn thường được gọi là Trường Áo Tím. (Trước năm 1975, Trường Áo Tím được gọi là Trường Nữ Trung Học Gia Long).
Năm 1932, cô Nhứt Nguyễn Thị Châu đậu bằng Tú Tài toàn phần. Cô Nguyễn Thị Châu được cha mẹ cho sang Pháp, tiếp tục học đến khi cô thi đậu bằng Cử Nhân Văn Chương, cô Châu trở về Việt Nam, làm Giáo sư Văn chương tại ngôi trường mà ngày trước cô đã từng học. Năm 1950, cô Nguyễn Thị Châu giữ chức Hiệu trưởng Trường Áo Tím niên khóa 1950-1952. Đây là một năm đáng ghi nhớ vì lần đầu tiên trong lịch sử Trường Áo Tím được đặt dưới quyền điều hành của một nữ Hiệu trưởng Việt Nam: cô Nguyễn Thị Châu. Cô Châu từ trần năm 1996 tại Pháp.
Cô Nhì Nguyễn Thị Kiêm không leo đến nấc thang đại học như chị mà chỉ đậu bằng Thành Chung rồi được nhận làm cô giáo tại trường cũ của mình một thời gian trước khi bước vào trường văn trận bút. Có lẽ vì yêu thích bài hát bình dân nên cô Nguyễn Thị Kiêm đã chọn bút hiệu Nữ sĩ Manh Manh:
Con chim manh manh
Nó đậu cây chanh
Em vác miểng sành
Em liệng chết giảy
Em làm bảy mâm...
Ngoài ra, Nữ sĩ Manh Manh còn có thêm các bút hiệu: Mym, Nguyễn Văn Mym, Lệ Thủy...
Nữ sĩ Manh Manh (tức Nguyễn Thị Kiêm) chánh thức gia nhập làng báo, làm ký giả, biên tập viên báo Phụ Nữ Tân Văn từ năm 1932.
Trên báo Phụ Nữ Tân Văn, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Nữ sĩ Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm) đã chứng tỏ là "bạn tân nữ lưu" đa tài: làm thơ, viết văn lý luận, phê bình, nhất là nhiều lần diễn thuyết ứng khẩu trước đông đảo khán thính giả trí thức khắp ba miền đất nước.
Buổi diễn thuyết về đề tài "Thơ Mới" tại Hội Khuyến Học Sài Gòn ngày 26/07/1933 là một minh chứng cho thấy kiện tướng phất cờ cho "thơ mới" lại là một phụ nữ Nam Kỳ, cô Nguyễn Thị Kiêm, biên tập viên của tuần báo Phụ Nữ Tân Văn. Cô Kiêm làm thơ mới, diễn thuyết cổ vũ cho thơ mới, được nhiều người tán thưởng. Một cuộc bút chiến, tán thành hay không tán thành "thơ mới", kéo dài đến vài năm mà nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm là người tích cực nhất trong việc bảo vệ quan điểm của mình, và kết quả là phong trào Thơ Mới đã toàn thắng.
Năm 1934, tại thành phố Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, cô Kiêm đã lên diễn đàn diễn thuyết về các đề tài xã hội, tranh đấu đòi quyền Phụ nữ bình đẳng, đề cao vai trò phụ nữ trong một xã hội tân tiến.
Hai ông Hoài Thanh và Hoài Châu trong quyển Thi Nhân Việt Nam đã khen Nữ sĩ Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm) là "một nữ sĩ có tài và có gan". Trên trang báo Mai, số 20 ngày 22 tháng 01 năm 1938, ông Đào Trinh Nhất đã phong tặng cho Nữ sĩ Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm) là "Nữ tiên phuông Thơ Mới ở Nam Kỳ".
Tôi giới thiệu thành tích của Nữ sĩ Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm) trên trường văn trận bút vì cô là một trong những ký giả đầu tiên của ngành sân khấu cải lương ở Sài Gòn trong thập niên 30. Trên trang báo Phụ Nữ Tân Văn, những năm 1934-1938, còn lưu lại nhiều bài báo phê bình nghệ sĩ và tuồng cải lương trong thời đó.
Nữ sĩ Manh Manh thẳng thắn phê bình vở tuồng "Bạn và Vợ" của tác giả Nguyễn Hữu Kim trình diễn trên sân khấu Nhà Hát Tây Sài Gòn (trong thời Việt Nam Cộng Hòa đổi thành trụ sở Quốc Hội) ngày 05 tháng 08 năm 1933 như sau:
"Tôi chỉ tiếc rằng tuồng "Bạn và Vợ" có nhiều chỗ xếp đặt vụng về. Nếu sửa đổi lại thì tuồng này sẽ trở nên một tấn kịch có giá trị vì cái đề kịch có nghĩa lý sâu xa dạy đời, đến lời văn các vai tuồng thì đúng với sự thật, không rườm rà những câu bóng bẩy sai chỗ..."
(Phụ Nữ Tân Văn, số 213, ngày 24 tháng 08 năm 1933)
Khi viết về sinh hoạt sân khấu cải lương, Nữ sĩ Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm) đã có một loạt bài dài với tựa đề Điệu hát cải lương ta đăng trên Phụ Nữ Tân Văn qua những nhận xét sắc bén để từ đó người đọc có thể hiểu được một cách tổng quát về ngành cải lương ở vào thời kỳ phát triển với sự ra đời của các gánh Tân Thinh, Phước Cương, Trần Đắt, Huỳnh Kỳ...
Nữ sĩ Manh Manh viết:
Gần đây người mình thường để ý đến điệu hát cải lương An Nam. Tuy trong xứ đang gặp buổi khó khăn nhưng vẫn có nhiều gánh hát mới thành lập, khán giả rạp hát cải lương thì đông hơn khán giả hát bội, đến các báo cũng thường bình phẩm tuồng hát cải lương và có nhiều ban tài tử lập ra để chấn hưng điệu hát cải lương. Tôi không dám xưng là đứng ra chấn hưng điệu hát này vì tôi tưởng việc ấy thật khó, tôi chỉ lấy con mắt quan sát mà rọi một khúc đường cho mấy ông lịch duyệt hơn. Mong rằng bài này làm một tài liệu cho ai muốn chấn chỉnh điệu hát kim thời và lại là "một dây duội" giựt cho mấy cô đào, mấy anh kép, đang múa hát lung tung trên các sân khấu cải lương.
Hát cải lương của ta giống như Opéra Comique, Opérette của Tây, nghĩa là tuồng có hát lẫn nói chuyện. Nhưng thường thường Opérette của Tây là những bản kịch ngắn, vui, hài hước, phần nhiều là những chuyện tưởng tượng, hiếu kỳ (Oeuvre d'imagination de fantaisie). Tuy mục đích của nó là giúp vui cho người ta nhưng cũng có ít nhiều triết lý cao thâm ngộ nghĩnh. Còn cải lương tuồng của mình thì khác, tuồng nào cũng có ý răn đời, dạy đời, lấy câu này làm kết cuộc: thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Thế mới biết người mình còn thiệt thà lắm, còn tin nơi Thượng đế, tin nơi quỷ thần.
Muốn răn đời, dạy đời bày trên sân khấu nhưng cảnh không giống ở đời. Một bản tuồng, kịch mà có tính cách răn đời, dạy người, tả cái tâm lý của hạng người xấu, tốt; diễn một chuyện biểu hiện cái phong hóa trong xứ, nói tóm lại cái tranh xã hội thì phải giống sự thiệt ở đời người ta mới tin được. Thế chỉ có hí kịch (comédie), bi kịch (tragédie) hay bi hí kịch (tragic-comédie) mới mô tả được như thế.
Đào hát, kép hát thì chúng ta có nhiều người thật là tài tử thiệt thọ (de vrais artistes) như cô Phùng Há, cô Năm Phỉ, Messieurs Châu, Chơi, Danh, Nhiêu và một số khác khá đông nhưng thầy tuồng và người xếp cảnh (metteur en scène) thì quá ít. Thầy tuồng không phải ai cũng làm được. Phải có học vấn nhiều, phải có óc xem xét (esprit d'observation), suy đoán, sáng tác, có tài; nói tóm lại, phải là một nhà văn sĩ đúng đắn. Chính người thầy tuồng và người dàn cảnh (etteur en scène) là người chỉ dạy cho nghệ sĩ diễn tuồng có mạch lạc và đúng tính cách nhân vật như vở tuồng đã quy định.
Thời gian mấy năm nay, tuồng hát từa tựa như nhau, lúc này là 'thọ hàm oan' là cái đề được thạnh hành. Tuồng hát dài lắm vì tác giả không biết bố cục; viết như tiểu thuyết tràng giang đại hải, tả nhiều cái lặt vặt tỉ mỉ, văn chương rườm rà, bài ca đặt sai chỗ... Một con đòi, một đứa nhỏ, một ông chủ quán mà cũng mồm mép văn chương. Vở tuồng đầy những than khóc ríu rít, kể lể có dây có nhợ. Biết rằng người mình thì ưa như vậy nhưng mà lâu quá, kéo dài quá thì người ta chán, người ta bực mình muốn la lên 'rồi chưa'...
Cách đây 77 năm (năm 1933), Nữ sĩ Manh Manh xem hát cải lương, đã có những bài viết phê bình chỗ hay chỗ dở của vở tuồng và cách diễn xuất của các đào kép hát thời đó. Ý kiến có nhiều chỗ rất đúng và rất nhiều bài phê bình những sai sót của các vở tuồng và lối diễn xuất thiếu tinh tế, không đúng tính cách nhân vật.
Nữ sĩ Manh Manh cũng gợi ý nên sử dụng nhạc Tây lời Việt như soạn giả Tư Chơi hay soạn giả Năm Châu dùng trong các tuồng hát ở gánh hát Trần Đắc. Ý kiến sử dụng nhạc Tây lời Việt không phù hợp với loại hình nghệ thuật cải lương nên không được áp dụng, tuy nhiên những bài báo phê bình sân khấu của Nữ sĩ Manh Manh đã giúp cho nghệ sĩ và sân khấu cải lương cải tiến những thiếu sót, sửa đổi những sai lầm trong sáng tác và biểu diễn, góp phần làm cho sân khấu cải lương phát triển, đồng thời cũng là một cách quảng cáo cho các tuồng cải lương và giới thiệu nghệ sĩ cải lương để thu hút ngày một đông đảo khán giả và tạo ra một thời kỳ vàng son của cải lương.
Từ năm 1910, chính quyền Pháp ở Việt Nam đã bãi bỏ các kỳ thi hương, bãi bỏ các trường dạy chữ Nho, mà thay vào là những trường dạy chữ quốc ngữ, nên vào các thập niên 30-40, ngành hát bội bắt đầu thưa vắng khán giả dần vì dân chúng không được học chữ Nho, khi coi hát bội họ không thể hiểu hết nghĩa lý cùng câu văn trong tuồng hát bội vì các tuồng hát bội thường dùng văn biền ngẩu có nhiều chữ Nho và điển tích Tàu. Trong lúc đó thì người dân được học chữ quốc ngữ nên họ đọc sách, đọc báo nhiều, họ cũng xem hát cải lương nhiều vì thời kỳ cải lương sơ khai thì tuồng tích thường dựa vào các thơ truyện, tiểu thuyết ta hoặc truyện Tàu tức là những truyện rất được phổ biến trong dân gian. Họ biết các câu chuyện trong thơ, trong tiểu thuyết hoặc trong truyện Tàu nên khi đi xem hát các tuồng tích đó thì họ càng thêm thích.
Những độc giả nào hiện nay vào khoảng tám, chín mươi tuổi hẳn còn nhớ trong những năm 1930-1945 ở miền Nam, nhiều anh phu kéo xe mua tờ nhật báo, ngồi bên vệ đường, trên bàn đạp xe kéo đọc báo trong khi chờ khách. Nhiều xóm nhà cứ đêm đến thì các bà tụ họp nhau để nghe một em bé đọc truyện Tàu hay tiểu thuyết. Hồi đó những tờ nhật báo như Công Luận, Điện Tín, Phong Hóa, các tuần báo như Phụ Nữ Tân Văn, Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Phong rất được dân Sài Gòn và Lục Tỉnh ưa thích. Những tuần báo như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu thuyết kiếm hiệp ba xu, những bộ truyện Tàu như Đông Châu Liệt Quốc- thời Xuân Thu, Đông Châu Liệt Quốc -thời Chiến Quốc, Thuyết Đường, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu, Vạn Huê Lầu, Ngũ Hổ Bình Tây, Ngũ Hổ Bình Nam, Đông Du Bát Tiên, Tây Du Tam Tạng, Nam Du Huê Quang, Bắc Du Chơn Võ, Liêu Trai Chí Dị và những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, các bộ truyện cổ tích bằng thơ như Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Nàng Út Kiểng Tiên... là những sách được dân chúng thích đọc nhiều nhất. Các bạn trẻ thì thích đọc tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, những tiểu thuyết như Hồn Bướm Mơ Tiên, Một Đời Người, Hận Nghìn Đời, Đoạn Tuyệt,... là những sách gối đầu giường của lứa tuổi thanh niên.
Tất cả những truyện trong sách, báo, tiểu thuyết và truyện Tàu, truyện Tây được các soạn giả viết thành tuồng cải lương nên khán giả nào đã đọc sách báo hoặc đã nghe nói qua các truyện đó đều muốn được nhìn thấy những hình tượng nhân vật mà họ ưa thích hiện thân trên sân khấu cải lương.
Nữ sĩ Manh Manh đã mạnh dạng phê phán các tuồng tích đó, góp ý về các tác phẩm chịu ảnh hưởng của các trào lưu Tây học tức là góp thêm phần quảng cáo cho sân khấu cải lương đồng thời giúp cho soạn giả và nghệ sĩ có ý kiến thêm trong việc phát triển ngành nghề của mình. Có thể nói Nữ sĩ Manh Manh là một ký giả kịch trường đầu tiên của miền Nam vì lúc đó chưa có một nam ký giả nào chịu viết phê bình tuồng cải lương hay các hình thức hoạt động sân khấu khác.
Đây là thời kỳ cai trị của Pháp, tuy về mặt ngôn luận, báo chí, ca hát... vẫn bị cấm không được kêu gọi chống Pháp một cách công khai nhưng phải công nhận là người dân tương đối được tự do ngôn luận, sách, báo, tiểu thuyết, truyện dịch được in ấn và phát hành rộng rãi.
Đến năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Nam, dưới các trào Việt Nam Cộng Hòa, cùng với sự phát triển của một xã hội tự do dân chủ, sách báo, tiểu thuyết và các hoạt động nghệ thuật sân khấu phát triển mạnh mẽ nên đội ngũ nhà báo, ký giả kịch trường rất đông đảo, trong đó có những ký giả kịch trường nổi danh như Trần Tấn Quốc, Đức Hiền, Phong Vân, Kim Đồng Tử, Sĩ Trung, Phùng Mậu, Tô Yến Châu, Kiên Giang... Tất cả các ký giả kịch trường vừa kể đều công nhận Nữ sĩ Manh Manh là ký giả tiền phong của ngành phê bình sân khấu.
Trước năm 1975, sách, báo, tiểu thuyết, tuồng tích trên sân khấu không bị nhà cầm quyền bắt buộc mọi sáng tác văn học hay lời nói đều phải tuân theo một định hướng chính trị của đảng đã quy định như sau năm 1975. Khi có chính trị can thiệp vào văn học hay sáng tác tuồng cải lương, thì người ta thấy ngay sự giả tạo, những tư tưởng kỳ khôi không thực tế, đầy những ý tưởng dối gạt dân chúng xen vào các tác phẩm văn học. Người sáng tác tuồng cải lương và người viết bài phê bình tuồng cải lương đăng trên các báo của nhà nước đều phải tuân theo một định hướng chính trị của đảng. Dù tuồng tích rất dở, dù nội dung lập lại những chỉ thị nghị quyết hoặc theo chủ trương tuyên truyền theo từng đợt vận động chính trị của đảng và nhà cầm quyền, bài phê bình sân khấu đăng báo đều phải nhất loạt khen ngợi và xem đó như là mẫu mực của các sáng tác có giá trị nhất. Ký giả nào không tuân theo định hướng chính trị đã được đề ra, mà viết theo ý kiến của cá nhân mình thì phải bị kiểm điểm và có thể bị cấm hành nghề ký giả.
Chính sự định hướng chính trị là sự gò ép, đưa những điều trái với sự thật, trái với lòng dân vào văn học và sân khấu làm cho độc giả và khán giả xa rời Văn học và Sân khấu.
Ngày xưa, ngay dưới thời Pháp thuộc, ký giả vẫn có quyền tự do viết theo ý của mình. Sau đây là một đoạn trong bài phê bình sân khấu cải lương của nữ sĩ Manh Manh đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, ngày 18 tháng 01 năm 1934:
"Lâu nay tôi chú ý đến điệu hát cải lương của ta nên thường đến rạp hát. Bây giờ lừa lọc trong số tuồng mới tôi đã mục kích được thì chỉ có 3 vở đáng bàn đến:
1- Tứ Đổ Tường (tác giả Monsieur Đặng Công Danh), tuồng của gánh Phước Cương.
2- Bể Ái Đầy Vơi (tác giả Monsieur Diệp Văn Kỳ), Phước Cương.
3- Ai Là Bạn Chung Tình (tác giả Monsieur Tư Chơi), gánh Trần Đắc.
Ba vở này nếu không kể vài cái khuyết điểm thì có thể gọi là: tuồng cải lương, theo lối Opérette của người Tây.
Tuồng "Tứ Đổ Tường" có nhiều khuyết điểm vì chỉ trong một tuồng hát mà có tới bốn chuyện thì không thể nào diễn khéo được hết, phải thành ra bời rời. Nếu tác giả lấy một vai trong bốn người: Say, Ghiền á phiện, Đánh bạc, Mê gái mà diễn cho khéo thì có lẽ được một vở hay. Người ta có thể theo tuồng "Tứ Đổ Tường" mà đặt một vở kịch mô tả về tánh tình. Tôi tưởng trong hết tuồng cải lương chỉ có tuồng này là có chút ít tánh cách bình dân mà ẩn dưới cái bề ngoài nói về bốn tật xấu "Tứ Đổ Tường", bên trong có phần ám chỉ người Tây dùng những cuộc chơi sa đọa (tứ đổ tường) để làm cho người An Nam ham vui chơi mà quên rằng xứ của họ bị Tây cai trị.
Tôi thích bổn tuồng "Tứ Đổ Tường" hơn vở "Bể Ái Đầy Vơi" vì "Tứ Đổ Tường" như một bức tranh xã hội, còn "Bể Ái Đầy Vơi" là cái mẫu đặt biệt cho điệu cải lương, là một điệu hát vui để giải trí chớ không sâu xa lắm...
Qua điệu hát cải lương, tôi liên tưởng đến mọi phương diện báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện thơ, truyện dài, truyện dịch, tiểu thuyết, các loại sách bình dân, các điệu hát chứng tỏ miền Nam có phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ nhất là truyền thống văn nghệ miền Nam bao giờ cũng nằm về phía quảng đại quần chúng. Bộ môn hát cải lương thuộc về bộ môn văn nghệ của quảng đại quần chúng nên nhứt định nó càng ngày càng phát triển. Cải lương sẽ có một tuổi thọ rất dài lâu..."
(Nguyễn Thị Kiêm, báo Phụ Nữ Tân Văn, số 232, ngày 18 tháng 01 năm 1934 )
Bà Nguyễn Thị Kiêm, người nữ ký giả kịch trường đầu tiên của miền Nam đã tiên đoán bộ môn hát cải lương của miền Nam là bộ môn văn nghệ của quảng đại quần chúng nên nó nhứt định ngày càng phát triển, nó sẽ có tuổi thọ dài lâu, phải chăng bà Nguyễn Thị Kiêm cũng đã tiên đoán rằng một khi bộ môn cải lương không còn là bộ môn văn nghệ của quảng đại quần chúng mà nó trở thành "Công Cụ Tuyên Truyền" của đảng thì nó sẽ không được quần chúng ưa thích nữa. Nó sẽ chết như hiện nay, tức là sau năm 1975 từ khi đảng và chánh phủ xã hội chủ nghĩa dùng cải lương làm công cụ để tuyên truyền cho đường lối chánh sách của đảng.
SG Nguyễn Phương, 2011
ngocanh - cailuongvietnam (Theo Thời báo)