Gặp NS HƯƠNG HUYỀN tại Santa Ana, Mỹ
Đến xem chương trình Vu lan báo hiếu diễn ở chùa Huệ Quang tại Santa Ana, Mỹ, bất ngờ gặp lại NS Hương Huyền – cha của NS Thanh Hằng (HCV Trần Hữu Trang năm 1991). Ông trò chuyện với tôi trong niềm vui mừng vì có người để trút nhiều nỗi niềm của những tháng ngày sống xa quê hương. Nhắc đến sân khấu cải lương ông luôn tự hào vì đã gắn cả đời mình cho bộ môn nghệ thuật này. Trên sân khấu ông diễn vẫn đầy nhiệt huyết, giọng ca ấm áp và phong cách diễn xuất vẫn còn linh hoạt. Đối với khán giả cải lương, nghệ danh Hương Huyền một thời được yêu mến với nhiều vai diễn ấn tượng trên sân khấu đoàn Thanh Minh, Thanh Nga.
NS Hương Huyền trong vai Lý trang chủ
Trong chương trình Phượng Liên - 50 năm sân khấu cải lương và quê hương Việt Nam, nghệ sĩ Hương Huyền đã để lại dấu ấn đẹp với vai diễn ông thầu khoán trong trích đoạn vở Tuyệt tình ca. Nét diễn của ông vẫn phóng khoáng, giàu chất ngẫu hứng, cũng như trước đó trong đêm Bảo Quốc 50 năm cười với khán giả, ông đã thể hiện vai Lý trang chủ trong trích đoạn vở Tiếng hạc trong trăng với giọng ca hào khoáng, đài từ chắc khỏe.
Ông đến định cư tại thành phố Westminster, California – miền Nam nước Mỹ cách đây 4 năm. Nghệ sĩ Hương Huyền sinh năm 1947 tại Saigon, ông có một người anh cũng là nghệ sĩ cải lương, nghệ danh Hương Sắc tức Nguyễn Văn Hướng. Trong thập niên 50, nhiều nghệ sĩ cải lương biết tiếng của bà Ba Khan. Bà là một trong những người chuyên cho các bầu gánh hát và nghệ sĩ cải lương vay tiền để lập gánh hát hoặc sắm xe hơi hay mua nữ trang đắt tiền. Bà Ba Khan là chị ruột của hai nghệ sĩ Hương Sắc và Hương Huyền.
Năm 1960, bà Ba Khan đã xuất tiền lập gánh, lấy bảng hiệu là đoàn cải lương Việt Hùng - Minh Chí (tên của hai kép chánh được khán giả yêu thích lúc bấy giờ). Ngoài việc kinh doanh gánh hát bà còn muốn lấy sàn diễn làm nơi tiến thân cho hai người em ruột là Hương Sắc và Hương Huyền. Lúc đó ông và người anh còn rất trẻ, biết được tâm nguyện của người chị đã ra sức học hành chăm chỉ. Gánh hát Việt Hùng - Minh Chí khai trương với vở Đường lên Xứ Thái của soạn giả Mộc Linh. Nghệ sĩ Hương Huyền lúc đó thủ vai vệ sĩ, đánh võ trong tuồng, nhưng trong lòng mơ ước một ngày sẽ được đóng những vai kép đẹp.
Đoàn hát Việt Hùng - Minh Chí hoạt động được hơn một năm thì rã gánh vì nghệ sĩ Minh Chí tách riêng ra lập gánh Minh Chí. Nghệ sĩ Hương Sắc vì có bằng cấp Tú Tài nên xin chị cho đi làm việc ở Hãng xưởng. Nghệ sĩ Hương Huyền vẫn tiếp tục theo học nghề diễn, ông gia nhập gánh hát Hương Hoa của Bầu Sinh để làm lại từ đầu. Trong đoàn hát có các nghệ sĩ trẻ: Nam Hùng, Kim Hà (mẹ của ca sĩ Hà My), Kim Hoa (con của nữ nghệ sĩ tài danh Tư Hélène, mẹ của Thanh Hằng, Thanh Ngân...), Hoài Dung, Hoài Mỹ. Lúc đó, nghệ sĩ Hương Huyền được giao đóng các vai kép lẵng, hài. Ông thành hôn với nữ nghệ sĩ Kim Hoa,đang có triển vọng trở thành đào chánh của một gánh hát đại ban. Vợ chồng nghệ sĩ Hương Huyền - Kim Hoa đã đi hát cho các gánh Thiên Hương - Bạch Vân, Thanh Hương-Hùng Minh, Thanh Minh - Thanh Nga, đoàn Thống Nhất. Hai nghệ sĩ Hương Huyền - Kim Hoa có đứa con gái đầu lòng, lớn lên là nữ nghệ sĩ tài sắc Thanh Hằng, huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1991 và huy chương giải Mai vàng năm 1997.
NS Hương Huyền và Linh Tâm trong trích đoạn “Tiếng hạc trong trăng”
Xuất thân là con nhà khá giả nên chuyện đi hát cải lương của NS Hương Huyền như đi dự một cuộc du ngoạn kỳ thú trên con đường nghệ thuật. Ông thành công qua các vai công tử bột con nhà giàu, diễn sắc nét các vai lẵng hài hay võ tướng trong các tuồng dã sử. Nhưng phải nói là NS Hương Huyền thành công nhờ bản năng sẵn có cộng với việc nghiên cứu để đạt được cách thể hiện rất tốt các tính cách của nhân vật. Ông còn yêu thích thể thao, từng là tay vợt có hạng của Câu lạc bộ Quần vợt ở vườn Tao Đàn. Trước và sau năm 1975, ông là huấn luyện viên quần vợt trên sân này.
Khi đã ly hôn với NS Kim Hoa, ông kết hôn với nữ ca sĩ Phương Hồng Chi và có được một người con gái là Cẩm Loan (nữ nghệ sĩ Kim Hoa đi thêm bước nữa với nghệ sĩ cải lương Hoài Châu, có 3 con gái là nữ nghệ sĩ tài sắc Thanh Ngân, Ngân Quỳnh và Hồng Ngọc – tức Thanh Ngọc). Sau năm 1975, NS Hương Huyền cộng tác với đoàn Thanh Minh, sau năm 1978, đổi lại là đoàn hát Thanh Nga, NS Hương Huyền đã hát qua các vở: Tấm lòng của biển, Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng đàn trên sông Tô Lịch, Những đêm trăn trở, Đèn đêm nhỏ lệ... ông được giao trách nhiệm đài trưởng, tức là người phụ trách sân khấu, nữ ca sĩ Phương Hồng Chi - vợ ông được giao cho trách nhiệm ca tân nhạc hậu đài kiêm thủ quỹ phát lương trong đoàn hát.
Hiện nay cuộc sống của NS Hương Huyền tại Mỹ khá an nhàn, cuối tuần ông bay show qua các bang, đi diễn cho đỡ nhớ nghề, có thời gian rảnh ông nhận làm người lái xe đưa những gia đình có người già đi đây, đi đó. Mới đây, có một kỷ niệm nhớ đời, ông kể: “Tôi nhận show đi diễn tại Sandiego, lái xe chạy miết qua tới tận biên giới Mexico. Bị cảnh sát chặn lại vì không có visa vào đất nước này. Phải điện thoại kêu ông bầu ra lãnh về, báo hại anh em nghệ sĩ một phen hú vía, NS Văn Chung lúc đó phải đóng thế vai tôi và đóng luôn vai của anh. Ở Mỹ là vậy, không biết đường đi thì khổ lắm”.
Nhà báo Thanh Hiệp và NS Hương Huyền tại sân khấu Vu lan báo hiếu chùa Huệ Quang, Santa Ana
Năm 1995, khi NS Thanh Hằng sang Mỹ biểu diễn, hai cha con đã có dịp hội ngộ và ca diễn thật nhiều bài cổ nhạc được khán giả kiều bào yêu thích. Mơ ước của ông là có dịp được về quê hương đứng hát trong một chương trình cải lương, qui tụ nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp “để tôi được sống lại những ngày tháng gắn bó với cánh màn nhung của sân khấu quê nhà”.
THANH HIỆP