Gần mười năm qua, chương trình Vầng trăng cổ nhạc của HTV liên tục cho xuất hiện múa minh họa trong các bài vọng cổ, các ca cảnh. Khán giả phản đối việc múa minh họa này không ít. Có diễn đàn mạng nêu tiêu đề Múa minh họa giết chết cải lương phê phán việc múa minh họa vô tội vạ biến cải lương thành một mớ rối nùi.
Trong ba năm trở lại đây, sân khấu cải lương lại đuổi theo ca nhạc bằng cách sử dụng màn hình led cỡ lớn để chiếu ngoại cảnh. Nghệ sĩ cải lương dùng màn hình này quay cảnh thật đẹp, thật phong phú để minh họa cho live show. Từ đây, rất nhiều tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra.
Trong live show Tằm mãi vương tơ năm 2010, nghệ sĩ Vũ Luân dùng màn hình led chiếu cảnh cung đình lộng lẫy cho những trích đoạn cải lương hồ quảng. Tuy nhiên, màn hình led bị hư, thành ra sân khấu trống hoác, phải diễn chay.
Xem live show Nợ dâu của Hoài Thanh - Đỗ Quyên vào cuối năm 2010, khán giả không hài lòng khi hai nghệ sĩ đã dựa quá nhiều vào màn hình led để phát hình cảnh trí. Trong trích đoạn Nhụy Kiều tướng quân khán giả bật cười khi trên màn hình nghệ sĩ Đỗ Quyên trong vai Triệu Thị Trinh phi ngựa còn đang chạy thì nhân vật đã bước ra sân khấu… Tương tự, live show cải lương Thiên đường tôi yêu mới đây của Kim Tử Long, nhiều trích đoạn như Nàng tiên mẫu đơn, Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi… khán giả ngồi bên dưới đã vừa bực vừa tiếc, nói rằng: “Làm tốn tiền, công phu, tâm huyết quá mà sân khấu không có gì coi”. Các nghệ sĩ như lọt thỏm giữa sân khấu mênh mông của nhà hát Hòa Bình. Cảnh trí trong các trích đoạn này chỉ là hình ảnh trên màn hình led. Một khán giả lớn tuổi chép miệng: “Cải lương hồi xưa người ta làm cái bông, cục đá, cái cây, cái nhà, cung điện… đều rõ ràng, thích lắm chứ đâu có chiếu màn hình chán như vầy. Coi cải lương, coi sân khấu là người ta còn coi cảnh trí nữa…”.
Việc hiện đại không đúng cách còn có tiếng đàn organ lình xình, vô cảm nghe rất chỏi với những nhạc cụ cổ truyền chân chất. Hiệu quả âm thanh của những vở cải lương có xen tiếng đàn organ như Đả chiến phá sông Ngân hay live show Thiên đường tôi yêu vì thế mà hạn chế.
Rõ ràng, hiện đại hóa để cải lương hòa nhịp với đời sống là cần thiết. Tuy nhiên, nếu hiện đại cải lương mà làm mất những đặc trưng được khán giả ở yêu thích thì đó là “thảm họa”.
HÒA BÌNH – Báo Pháp Luật TP