Nhắc đến NSƯT Thanh Nguyệt, có lẽ ấn tượng đầu tiên khiến nhiều người nhớ đến chị chính là gương mặt phúc hậu, mái tóc dài được búi gọn phía sau theo kiểu các bà mẹ miền Nam. Dáng dấp ấy cũng thể hiện trong hầu hết các vai diễn mà chị thể hiện
Người yêu sân khấu cải lương chắc chắn không quên hình ảnh những bà mẹ nghèo suốt đời chịu thương chịu khó vì chồng, vì con mà người nghệ sĩ này đã hóa thân một cách sống động. Gần nửa thế kỷ đứng trên sân khấu, chị đã đóng góp cho cải lương Việt Nam không biết bao nhiêu vai diễn lớn, góp phần làm nên những tác phẩm hay. Để rồi, ở cái tuổi mà nhiều người đã tính đến chuyện nghỉ ngơi thì chị vẫn ngày đêm miệt mài với không biết bao nhiêu công việc. Trong một ngày cuối năm, chị đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi, về chuyện đời, chuyện nghề và đời sống nội tâm… Nói về nhân duyên gắn kết với sân khấu cải lượng, chị hồi tưởng:
Ngày còn nhỏ, nhà nghèo nên mẹ Thanh Nguyệt gửi Thanh Nguyệt vào thánh thất Cao Đài tỉnh Bạc Liêu học chữ và học đạo. Nhờ có giọng tốt mà Thanh Nguyệt được vô Ban Đồng nhi và thường ca trong các buổi cúng lễ. Như may mắn, nhạc sĩ đàn kiềm Năm Nhu nghe được tiếng của Thanh Nguyệt nên bác chú ý. Sau đó bác tìm đến nhà xin được nhận Thanh Nguyệt làm đệ tử. Bác dạy cho Thanh Nguyệt ca đủ các bài hát cổ nhạc, vọng cổ và giới thiệu Thanh Nguyệt biểu diễn tại Đài Phát thanh Bạc Liêu. Rồi nghiệp cầm ca ngấm sâu vào Thanh Nguyệt từ ngày đó…
- Khi thủ các vai diễn về người mẹ hiền, em thấy chị đã nhập vai khá tự nhiên và khiến nhiều khán giả hâm mộ rơi nước mắt. Ví dụ như vai bà mẹ mù của Xuân Tự trong Áo cưới trước cổng chùa chẳng hạn. Diễn xuất tài tình, tinh tế như vậy, có bí quyết nào với người nghệ sĩ?
- Thanh Nguyệt xuất thân trong một gia đình nghèo khó, đông anh em ở Bạc Liêu, mẹ mất sớm, cha lại tái hôn sau khi mẹ mất vài ngày, em thơ nheo nhóc. Có lẽ chính hoàn cảnh như thế mà khi nhận các vai diễn về cuộc sống nghèo khổ, Thanh Nguyệt dễ dàng nhập vai và dễ xúc động trước những mảnh đời như vậy. Nhất là khi diễn các vai về người mẹ nghèo, Thanh Nguyệt nghĩ về mẹ mình. Vì cuộc đời mẹ Thanh Nguyệt cũng gắn liền với nhiều bão giông và sương gió như chính những vai Thanh Nguyệt diễn.
NSƯT. Thanh Nguyệt (trái) trong vở "Người gọi đò bên sông"
- Yêu nghề và luôn dốc hết sức mình cho một vai diễn. Chị nghĩ gì và làm gì trước sự khen chê của khán giả, của dư luận?
- Đời nghệ sĩ mà, ít nhiều gì cũng có lời phê bình từ dư luận. Nhưng biểu diễn ở lĩnh vực nghệ thuật cải lương từ xưa đến bây giờ thì Thanh Nguyệt chỉ nhận được một lời góp ý duy nhất. Đó là khi Thanh Nguyệt đóng vở: "Mùa trăng nhiều nước mắt" khi vừa về hát tại đoàn Kim Chưởng. Do vai diễn khó nên màn đầu tiên,Thanh Nguyệt diễn hơi bị chao. Sau đó, ký giả phim trường đã góp ý, nhắc nhở. Và Thanh Nguyệt đã tiếp thu liền, bình tĩnh toàn tâm, toàn lực cho những đoạn diễn kế tiếp. Làm nghệ thuật, mình phải tỉnh táo trước dư luận.
Chị là một trong những nghệ sĩ thành công rất sớm, đoạt được Huy chương vàng Giải Thanh Tâm - Một giải thưởng danh giá mà bất kỳ nghệ sĩ cải lương nào cũng mơ ước. Được ví như là một đứa con cưng của bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, cuộc đời thường không chỉ thành công không thôi...
- Thật tình nói rằng, đời của Thanh Nguyệt ngoài những may mắn, còn lại thì không mấy suôn sẻ. Như vai chính đầu tiên Thanh Nguyệt đóng, cũng do may mắn mà được diễn. Đó là trong một lần đào chánh đoàn Hoa Sen - nữ diễn viên Ngọc Hạnh bất ngờ xin nghỉ. Không tìm được người thế nên ông bầu đã cho Thanh Nguyệt thế vai. Thanh Nguyệt đã diễn thành công trong vai diễn được giao nên từ ngày đó, ông bầu cho Thanh Nguyệt hát đào chánh.
Tuy hát đào chánh nhưng ông xem Thanh Nguyệt là đào mới học việc nên trả lương rất ít. Đến lúc mẹ mất, mà Thanh Nguyệt không đủ tiền về xe. Rồi đến em trai bệnh, Thanh Nguyệt cũng không đủ tiền lo thang thuốc. Đến mượn tiền ông bầu thì ông không cho. May mà lúc đó bà bầu đoàn Kim Chưởng mời Thanh Nguyệt về diễn, trả lương cao. Trong lúc nghèo khó nên Thanh Nguyệt đã nhận lời. Biết chuyện, nên ông bầu đoàn Hoa Sen sẵn sàng bỏ tiền ra đền tiền cho đoàn Kim Chưởng để kéo Thanh Nguyệt về. Nhưng Thanh Nguyệt nghĩ, lúc mượn ông vài ngàn về thang thuốc cho em, ông bảo không tiền. Giờ lại bỏ ra hai trăm ngàn kéo mình về. Thấy cách sống thiếu tình, thiếu nghĩa như vậy nên Thanh Nguyệt đã nhất quyết về đoàn Kim Chưởng. Hát được hai năm, Thanh Nguyệt được giới thiệu tham gia Giải Thanh Tâm và đoạt giải thưởng vào năm sau đó…
Tuy gặp nhiều chuyện như vậy, nhưng chưa bao giờ Thanh Nguyệt thấy mệt mỏi vì nghề… Những lúc cuộc sống gặp khó khăn, Thanh Nguyệt nhớ đến lời khuyên của anh Ba Thanh Nguyệt. Anh Ba là người xuất gia tu hành theo Phật nên anh luôn nhắc nhở các em hướng về Phật, biết cách cầu nguyện và tin vào nhân quả. Mỗi khi lễ Phật, Thanh Nguyệt thấy thực sự bình an và hạnh phúc.
- Đạo Phật, với chị có nghĩa như thế nào?
- Đạo Phật cho Thanh Nguyệt niềm tin rất lớn về triết lý sự sống, nhất là về luật nhân quả của cuộc đời. Và Thanh Nguyệt hiểu có được phước báu hay đau khổ ngày nay cũng là do mình gieo nhân kiếp trước. Chính vì thế mà trước nỗi đau hay bất hạnh, Thanh Nguyệt không còn buồn hay tủi thân nữa. Lúc đó Thanh Nguyệt chỉ biết nguyện cầu và làm từ thiện thật nhiều tạo phước. Với Thanh Nguyệt thì đạo Phật không những cho Thanh Nguyệt chốn về bình an, cho Thanh Nguyệt cuộc sống nhẹ nhàng mà giờ còn cho nhiều thứ, để cuộc sống của người làm nghệ thuật như Thanh Nguyệt luôn có sự an lạc, nhất là niềm tin không bị lung lay trước sóng gió cuộc đời.
-Có người nhận xét "Ở tuổi 65 thì hai vợ chồng Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ là cặp vợ chồng đầm ấm nhất". Nếu điều đó là sự thật, vậy thì nền tảng nào đã giúp chị xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc như ngày nay, thưa chị?
- Đúng thật là hiện giờ Thanh Nguyệt rất hạnh phúc với mái ấm gia đình của mình. Con cháu thì ở gần nhà, chạy qua chạy lại hủ hỉ. Còn ông xã thì lúc nào cũng bên cạnh yêu thương, quan tâm, chăm sóc Thanh Nguyệt và chị Hai bị bệnh của Thanh Nguyệt. Ấm lòng nhất là bây giờ dù Thanh Nguyệt đi diễn, đi công việc hay đi làm từ thiện thì hai vợ chồng lúc nào cũng cùng nhau đi.
Vợ chồng Thanh Nguyệt sống với nhau bằng cả niềm tin, yêu thương, quan tâm và cả sự chia sẻ theo tinh thần những lời dạy của Đức Phật về đời sống của người cư sĩ.
- Cảm ơn chị về buổi trò chuyện vô cùng thú vị này. Chúc chị mãi giữ tinh thần tươi trẻ, lạc quan như ngày hôm nay để khán giả còn được đón nhận những vai diễn mới, làm nhiều việc thiện chia sẻ với đời.
Hạnh Ý – Báo Giác Ngộ