Nữ nghệ sĩ Tâm Tâm, nghề lại nối nghề
Ở Việt Nam, hồi xưa có nhiều làng nghề, nhiều xóm thợ, trong một nước mà nền kinh tế còn ở trong tình trạng chưa phát triển, sự nối tiếp nghề nghiệp của ông cha hay người trong cùng một làng xã, thôn xóm là một sự kiện tự nhiên. Nghề ca hát cũng có truyền thống nghề nối nghề, cha truyền con nối, nhiều nghệ sĩ có đến bốn năm thế hệ nối tiếp nhau trong nghề ca hát trên sân khấu.
Trong các thập niên 20, 30, 40, 50…khán giả Saigon, lục tỉnh đều biết danh các đại gia đình nghệ sĩ Vĩnh Xuân - Bầu Thắng, Thành Tôn - Bạch Lê, Năm Nghĩa – Thanh Nga, Hai Núi, Tư Hélène – Kim Hoa, Năm Phỉ, Bảy Nam – Kim Cương, và rất nhiều gia đình nghệ sĩ tài danh khác có nhiều thế hệ nối tiếp nhau là những nghệ sĩ tài danh nức tiếng từ Nam chí Bắc.
Đó là tình trạng cuộc sống của một xã hội mà nền kinh tế chưa có phát triển cao, xã hội không biến động đến tận gốc rễ như trong thời kỳ sau năm 1975.
Sau năm 1975, nhứt là từ sau những năm 1986, thời kỳ gọi là “mở cửa”, bớt chuyện ngăn sông cấm chợ, thời kỳ mở đầu của một nền kinh tế thị trường thì biến động xã hội càng dữ dội hơn trước. Có nhiều nghệ sĩ tài danh đã cho con cái đi học những nghề nghiệp khác, có người có con học ở nước ngoài, nhưng cũng còn một bộ phận trong giới nghệ sĩ hát bội và cải lương vẫn cứ tà tà, con nối nghiệp cha, trong cuộc sống đời thường thì nghèo sát đất mà đêm đêm thì trở thành những ông hoàng bà chúa, lộng lẫy kiêu sa.
5 tuổi nối nghiệp cha
Năm 1983, Nguyễn Phương gặp một nghệ sĩ có tâm trạng quyết sống chết với nghề hát, bất kể xã hội thay đổi ra sao. Đó là nghệ sĩ kiêm soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn. Khi đoàn hát của anh hát ở rạp Long Vân, quận 3, tôi vào hậu trường thăm anh, lúc đó đoàn đang hát tuồng Bạch Viên – Tôn Các, lớp con gái của Tôn Các là Tôn Hương, năm tuổi đang ca một câu vọng cổ, tôi thấy Hoàng Ngọc Ẩn đứng trong cánh gà, anh lau nước mắt, nữa mếu nữa cười. Anh thấy con gái của anh mới 5 tuổi, đã nối nghiệp cha, hát trên sân khấu chững chạc, ca một câu vọng cổ rành nghề. Anh nói: Con hơn cha là nhà có phước. Hồi anh 12 tuổi, anh mới biết ca vọng cổ, vậy mà Tâm Tâm mới có 5 tuổi, đã ca vọng cổ lấy nước mắt của khán giả khiến anh mừng đến chảy nước mắt. Và từ đó anh đã có một chương trình đào luyện cho con gái của anh để cô trở thành một nữ nghệ sĩ cải lương tài sắc với nghệ danh là Tâm Tâm.