Tôi xin lược thuật cốt truyện tuồng Khi Người Điên Biết Yêu của soạn giả Trang Châu Nở. Một cơn hỏa hoạn tàn phá xóm lao động nghèo ở khu mỏ than Hòn Gay. Một anh thợ máy tên Bạch cứu được một bé gái mồ côi, đem về nuôi dưỡng và đặt tên là Bê.
Mười sáu năm sau… Bạch thôi không làm thợ nữa, ông trở về quê sinh sống. Vợ của ông bị bịnh mà chết, ông buồn bực sanh ra rượu chè bê bết, may nhờ có cô con gái nuôi lo tần tảo mua bán nên cuộc sống của gia đình cũng được phần khá giả. Phê, con ruột của Bạch, tánh tình ươn ươn gàn gàn, hơi ngông cuồng, thấy Bê đẹp nên muốn lấy làm vợ. Bạch không chấp thuận khiến cho Phê nổi khùng nổi điên khi không đạt được dục vọng.Trong khi đó thì Bê đã có người yêu là một sinh viên nghèo tên Thi. Bê thường giúp đở tiền nông cho Thi ăn học.
Một hôm ông Bạch vắng nhà, Thi đến từ giả Bê để đi tìm việc làm ở một phương xa. Thi muốn tự lập thân, dành dụm tiền để trở về cưới Bê, chung sống vợ chồng danh chánh ngôn thuận. Phê bắt gặp Thi và Bê đang nói chuyện tâm tình với nhau, nổi ghen, lớn tiếng xua đuổi và hăm dọa Thi. Bê kéo Thi chạy vô nhà trong để tránh Phê.
Tình cờ ông Bạch về nhà, ông đã say khướt. Ông Bạch thấy Phê nhìn vô phòng Bê la ó, ông giận quá, đánh đập Phê vì đã có lần ông nghe Bê khóc kể với ông là Phê muốn cưỡng đoạt nàng. Bê cho là Phê điên mới có ý nghĩ loạn luân như vậy.
Phê bị ông Bạch mắng chưởi, xô đuổi đi không cho đứng trước phòng của Bê. Phê không nhịn, cự lại với ông. Khi ông Bạch về nhà, ông cầm một con dao, không hiểu ông đã lấy nó ở đâu, ông đưa lên dọa Phê. Phê chụp cánh tay ông, hai người giằn co với nhau, không may ông Bạch té sấp, lưởi dao đâm ngay tim, ông chỉ thét lên được một tiếng lớn rồi chết.
Bê và Thi nghe tiếng thét của ông Bạch, chạy ra thấy ông Bạch nằm trên vũng máu, Bê và Thi đở ông lên. Phê đổ tội sát nhân cho Thi.
Thi bị tù 15 năm, Bê bị vào tù vì tội đồng lõa giết cha. Bê thổ huyết trong ngục rồi chết. Phê vừa hoảng sợ vừa hối hận mà không thể nói thật với người khác nên Phê phát điên, lang thang cùng trời cuối đất.
20 năm sau, nơi xảy ra án mạng trước kia, người ta thấy dựng lên ngôi chùa Quan Âm. Một hôm sư trụ trì đang thuyết pháp thì bỗng thấy Phê từ dưới gầm bàn thờ phật chun ra, Phê thóa mạ nhà sư cho là nói láo. Phê hối hận sau hai cái chết của người thân nhưng không thể tự đứng ra nhận tội nên bị dày vò tâm trì đến mức điên loạn.
Nhà sư chính là Thi, sau khi ra tù, Thi đến dưới cội tùng, nơi anh hò hẹn với Bê ngày trước, đào lên lấy chiếc xuyến vàng của Bê trao tặng khi sắp chia tay đi làm ăn xa như lời anh nói, nhưng anh bị tù nên chiếc xuyến vàng còn đó để hôm nay Thi đem bán và xây chùa Quan Âm. Phê ăn năn, cuối cùng Phê cũng nói được ra là anh lỡ tay làm cho ông Bạch chết. Phê giã biệt cuộc đời trong sự tha thứ độ lượng của Thi.
Khi Người Điên Biết Yêu là tuồng hát trong những năm đầu thập niên 40, tuồng chỉ trích nhà cầm quyền thời Tây xử án oan dân lành, Thi và Bê bị bắt bỏ tù vì lời tố cáo của một thằng điên, nhà cầm quyền không điều tra, không nghe tiếng kêu oan của nạn nhân.
Những cảnh người dân thấp cổ bé miệng bị nhà nước đàn áp một cách vô lý thì thời nào cũng có nên khi người dân không nói lên được sự phản kháng hành động đàn áp đó thì tuồng tích thông qua diễn xuất của nghệ sĩ nói lên dùm. Dầu không chỉ trích trực tiếp, nhưng gián tiếp nói lên oan ức của người dân và tố cáo sự độc tài cường quyền thì khán giả xem hát sẽ liên tưởng tới những oan ức của người dân đã xảy ra trong đời, chắc là sẽ hài lòng.
Thêm nữa, Phê điên là vì Phê không thể nói thật với ai về tội của mình, Phê cũng không có người để tâm sự, để đối thoại, cái nổi đau cô đơn, tinh thần bị dồn nén và bị biệt lập đó khiến cho người ta phát điên lên được. Đừng nói chi tới cái chuyện Phê phạm tội giết cha rổi lâm vào cảnh tâm tư bị bế tắc, nếu một người bình thường không phạm lỗi lầm gì mà gặp hoàn cảnh bị áp bức bóc lột, không người giúp đở, không người tâm sự chia xẻ, không có chỗ nào để kêu oan giải oan thì người đó cũng sẽ phát điên lên như kiểu Phê đã điên.
Về diễn xuất thì nghệ sĩ Ba Vân nổi danh trong nhiều vai Hề nhưng anh không tự nhận mình là Hề, vì anh cũng diễn thành công các vai lão như vai Ngũ Tử Tư trong tuồng Tây Thi Gái Nước Việt, vai lão tướng trong tuồng Võ An Quân, tuy nhiên khán giả cải lương mỗi khi nhắc đến nghệ sĩ Ba Vân, người ta nhớ đến những vai hề của anh diễn trong các tuồng Vó Ngựa Truy Phong, Men Rượu Hương Tình, Con Ma Nhà họ Hứa và đặc biệt anh có một vai hát để đời : vai Phê trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu.
Vai Phê, người điên trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu không hẳn là một vai hề, nhưng thông qua diễn xuất của nghệ sĩ Ba Vân, có nhiều lớp Ba Vân làm cho khán giả ré lên cười thỏa thích, có những lớp Phê - Ba Vân làm cho khán giả xúc động thương cảm và cũng có những pha nổi cơn điên của vai Phê – Ba Vân làm cho người xem rởn tóc gáy vì tưởng chừng như đang chứng kiến một người điên thật sự trên sân khấu. Qua lối diễn xuất một cách sống thực vai Phê , nghệ sĩ Ba Vân được các ký giả kịch trường tặng cho danh hiệu Quái Kiệt và khán giả ái mộ cải lương cũng chấp nhận danh từ Quái Kiệt dành cho danh tài Ba Vân.
Tôi còn nhớ khuôn mặt ngờ nghệt, đôi mắt thất thần, cái miệng cười ngốc nghếch của nghệ sĩ Ba Vân khi diễn nhân vật Phê bơ vơ trong một thần trí đã bị suy thoái nặng nề, Phê không được phép đối thoại hay mất cái khả năng đối thoại bình thường nên lâm vào cảnh cô đơn bế tắc mà lối thoát duy nhất là la hét và có những hành động điên rồ không tự kiểm soát được.
Hai nghệ sĩ tài danh Năm Châu trong vai Thi và Kim Cúc trong vai Bê cũng góp phần làm cho vở tuồng Khi Người Điên Biết Yêu thành một vở tuồng để đời cho giới nghệ sĩ cải lương hậu bối học tập về sáng tác và nghệ thuật ca diễn.
Theo Soạn Giả Nguyễn Phương