NSƯT Bạch Tuyết tự sự về cuộc đời nghệ thuật
Tám tuổi mồ côi mẹ, nghệ sĩ Bạch Tuyết phải vào trường Dòng ăn học và sinh sống. Mười sáu tuổi, bà bước vào nghệ thuật cải lương để rồi sau đó nhận được hàng loạt giải thưởng cùng nhiều danh hiệu cao quý. Bà đã tham gia trên 400 vở cải lương, đạt đến học vị tiến sĩ…
Tôi sinh ra và lớn lên trên một vùng đất êm ả của miền sông nước Tây Nam Bộ thuộc xã Khánh An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Gia đình tôi không ai theo nghệ thuật cả. Từ nhiều đời đến đời ông nội, gia đình tôi được xếp vào hàng nho giáo khoa bảng. Cha tôi sau này do thời thế đi học nghề thợ máy, nhưng có thể đọc rành mạch một tác phẩm chữ Hán, ông là người trông xa hiểu rộng và am tường chữ nghĩa. Còn mẹ tôi là một phụ nữ xinh đẹp và đức hạnh. Tuổi thơ mẹ gắn liền với trường Dòng, lớn lên trong vòng tay yêu thương của các bà sơ.
Tám tuổi tôi phải mồ côi mẹ và phải cảm nhận nỗi mất mát quá to lớn trong đời. Tôi bắt đầu nghĩ ngợi như một người lớn. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ bị tai nạn. Mẹ tôi nằm bất động trên giường. Vẫn khuôn mặt xinh đẹp, ánh mắt hiền hậu mọi ngày, toàn thân thể không một vết trầy xước. Bác sĩ bảo mẹ tôi khó cứu chữa, do bị dập phổi và bể tim. Như có linh cảm chẳng lành, mẹ tôi gọi hai con gái đến, bảo: “Má sẽ không còn được ở với các con. Hai chị em con ở lại phải biết yêu thương nhau, đừng để người ta rủa là con chết mẹ". Chỉ để lại cho chúng tôi vài câu như là lời trăng trối, thế là mẹ tôi đã mãi mãi ra đi. Tôi vẫn nhớ những lời trước đó, mẹ thường bảo tôi cố gắng học hành để trở thành luật sư.
Sự ra đi vĩnh viễn của mẹ để lại trong chị em tôi khoảng trống không thể bù đắp được. Ba tôi càng vất vả, một mình suốt ngày chở hàng tận bên Lào, Campuchia kiếm tiền nuôi con. Lo lắng hai đứa con gái bị sa ngã, lêu lổng, ba đưa hai chị em trở lại trường Dòng sống trong sự chăm sóc, quản lý của các sơ. Vào trong ấy sống một thời gian, qua cách dạy dỗ nhân từ của mọi người, tôi cảm thấy tất cả thích hợp với mình nên phát huy hết khả năng như: hát, ngâm thơ ở các giờ học văn, đóng kịch, diễn vai thiên thần vào các dịp Giáng sinh...
Tôi thấy mình sống hay mơ mộng nhưng đôi khi lại rất có lý trí. Có lẽ tính cách ấy đã tạo cho tôi một lối sống khắt khe với chính mình, luôn luôn có ý thức cầu tiến, lúc nào cũng muốn khám phá, cũng phải tự hoàn thiện bản thân.
Năm tôi học hết trung học đệ nhất cấp, gia đình không cho ở trong trường Dòng nữa. Bước chân ra xã hội sinh sống như những đứa trẻ bình thường khác, tôi cảm thấy choáng ngợp. May mắn khi vào ngôi trường mới, tôi kết thân được với cô bạn có cha là nghệ sĩ đờn ca tài tử nổi tiếng. Ông chính là nhạc sĩ Ba Luông, cùng nhạc sĩ Chân Vân là hai nghệ sĩ nổi tiếng thời đó. Vừa gặp tôi, hai lão tiền bối ấy đã quý mến và khuyên nên theo con đường nghệ thuật cải lương. Hai ông bảo tôi rất có năng khiếu, vì vừa có nhạc lên, tôi đã hát theo đúng nhịp ngay. Nhưng với cha tôi lúc ấy, chuyện học vẫn là quan trọng.
Mười sáu tuổi, tôi bước chân vào con đường nghệ thuật cải lương. Khởi đầu, tôi được soạn giả Điêu Huyền tìm đến ba tôi xin cho tôi được đi hát. Ông bảo với cha rằng tôi có khả năng ca hát và diễn xuất. Cha tôi lúc ấy phản đối dữ dội, ông bảo một là đi học tiếp, hai từ cha nếu cứ một mực đòi theo nghiệp hát xướng. Tôi cố gắng thuyết phục cha mình: "Ba cho con vào đoàn hát. Nếu thành công con sẽ quay về với gia đình, còn thất bại con sẽ kết liễu đời mình để không làm hổ danh gia đình...".
Vào đoàn hát, tôi thế ngay chỗ cô đào chính vừa chuyển sang đoàn khác. Ba vai chính tôi hóa thân trong 3 vở cải lương nổi bật thời đó: Suối mơ rền áo cưới (Trương Vũ), Kiếp chồng chung và Lá thắm chỉ hồng (Điêu Huyền). Khi mới vào đoàn, mọi người không ai ngờ tôi thể hiện thành công vai diễn một cách dễ dàng đến như vậy. Tôi không nhớ mấy về mình thời đó, tôi chỉ nhớ lúc ấy ai bảo cười thì cười, ai bảo khóc cũng khóc. Tôi không thể quên được người thầy đầu tiên của mình là thầy dạy tuồng Tiêu Sáng, đã dạy tôi từ cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói trên sân khấu. Ngoài ra, sau những lần biểu diễn, tôi thường đứng bên cánh gà để học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Mặt khác, tôi cũng tìm cách gần gũi, tiếp xúc với các vũ đoàn, nghệ sĩ, võ đài... trong đoàn hát để họ truyền đạt cho tôi mọi điều ở mỗi lĩnh vực riêng, để khi cần thiết tôi có thể hóa thân vào nhiều nhân vật một cách thuần thục.
Sáu tháng kể từ ngày đi hát, tên tuổi tôi được đông đảo người trong giới biết đến. Gánh hát của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn được thành lập, đây là một đoàn hát lớn, rất có uy tín thời ấy. Tôi vô cùng vui sướng khi được ông mời về đoàn cùng ba nghệ sĩ trẻ đẹp được đánh giá cao thời ấy: Diệu Hiền, Ngọc Hoa, Kim Tuyến. Về đoàn mới, tôi được các nghệ sĩ tài hoa như Phùng Há, Ba Vân... chỉ dạy tận tình. Có cơ hội, tôi gắng học hỏi, tập luyện theo các bậc thầy.
Nhiều người bảo tôi là con cưng của tổ nghiệp, vì thấy tôi bước vào nghệ thuật hình như quá dễ dàng. Nhưng họ không hiểu rằng, tôi phải gồng mình lên quá sức mới tìm được một chỗ đứng trong nghệ thuật. Và lúc này, tôi mới nhận ra rằng mình đang ở trong môi trường thật quý báu và thiêng liêng. Dòng nhạc cải lương được đặt ở đẳng cấp cao của các loại hình sân khấu. Sân khấu cải lương có thế rất mạnh trong việc thể hiện những đặc thù riêng tuyệt vời của văn hóa dân tộc... để khi mang đến bất kỳ quốc gia nào, người ta vẫn nhận ra cái hồn Việt Nam thiêng liêng tỏa sáng.
Bạch Tuyết
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật)