Sưu tầm tân cổ nhạc xưa thấy có nhiều hãng đĩa mà chưa rõ ra đời và mất đi (dẹp tiệm) như thế nào, MEM mở topic này để anh em nào biết thì cùng chia sẻ nhé.
Một số cái tên đã từng biết:
Asia, cổ nhạc (1936-1975?, thầy Năm Mạnh)
Hồng Hoa (Asia)
Lê Văn Tài, tân cổ nhạc (1947-1964, Lê Văn Tài), Viễn Châu viết vở đầu tiên
Đĩa hát Việt Nam (1965-1975) tân cổ nhạc (cô Sáu Liên, Loan Thảo phụ trách 66-75)
Hoành Sơn, cổ nhạc (ra đời đầu thập niên 1950, Bầu Ba Bản)
Việt Hải (ông Tứ Hải)
Oria
Lam Sơn
Việt Thanh
Tân Thanh
Sống Mới
Sóng nhạc
Capitol
Kim Thanh
Continental (1960-1975), tân cổ nhạc, Nguyễn Văn Đông & Huỳnh Văn Tứ
Sơn Ca (1971-1975), tân cổ nhạc, Nguyễn Văn Đông & Huỳnh Văn Tứ
THÔNG TIN VỀ HÃNG CONTINENTAL & SƠN CA qua HỒI KÝ CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường. Chính tại Đồng Tháp Mười, vùng đất địa linh nhân kiệt, đã gợi hứng cho tôi sáng tác những bản hùng ca như Súng Đàn, Vui Ra Đi, một thuở được hát vang trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Rồi tiếp sau đó là các bản nhạc Phiên Gác Đêm Xuân, Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ được ra đời cũng tại vùng đất thiêng này. Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
Ngày đó Đồng Tháp Mười còn là đồng không mông quạnh, lau sậy ngút ngàn, dân cư thưa thớt, sống co cụm trên những gò đất cao giữa vùng đồng lầy nước nổi quanh năm. Người ở hậu phương lúc bấy giờ nhìn về Đồng Tháp Mười như là vùng đất bí hiểm với những huyền thoại Lúa Ma nuôi quân đánh giặc, về Tổng Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Vương thời chống Pháp qua những trận đánh lẫy lừng ở Gãy Cờ Đen, Gò Tháp mà chiến tích được tạc vào bia đá ở Tháp Mười Tầng còn lưu lại đến ngày nay.
Mùa xuân năm đó, đơn vị tôi đóng trên Gò Bắc Chiêng, có tên là Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường. Đơn vị của tôi đã có những cuộc giao tranh đẫm máu vào những ngày giáp tết trên những địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái, Tân Thành. Dù vậy, mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. Cứ mỗi độ xuân về, sông Vàm Cỏ lại mang về từng đàn tôm cá từ biển hồ Tông Lê Sáp, vượt vũ môn theo đám lục bình trôi về vùng Tam Giác Sắt, như nhắc nhở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Đồng Tháp Mười lập danh sách cho những người được về quê ăn Tết. Vì còn độc thân nên tên tôi được ưu tiên ghi vào Sổ Nhật Ký Hành Quân và ở lại đơn vị trong những ngày Tết. Dù không ai nghĩ có đánh nhau ngày đầu năm nhưng quân lệnh phải được tuân hành nghiêm chỉnh. Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh của người em gái hậu phương, cũng là cơ duyên sau đó để tôi viết nên bài tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ.
Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác. Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngở rằng pháo tung bay
ngờ đâu hoa lá rơi…”
Rồi mơ ước rất đời thường:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
mơ rằng đây máinhà tranh
mà ước chiếc bánh ngày xuân
cùng hương khói vương niềm thương…”
Bài Phiên Gác Đêm Xuân được ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây nửa thế kỷ, đánh dấu một chuỗi sáng tác của tôi về đời lính như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt… vân vân. Sau ngày 30 tháng Tư năm 75, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của tôi.
Còn với hãng dĩa Continental:
Vào năm 1960, tôi và người bạn cao niên tên là Huỳnh Văn Tứ, một nhà doanh nghiệp có tiếng ở Sàigòn, cùng đứng ra sáng lập hãng dĩa Continental và Sơn Ca. Ông Huỳnh Văn Tứ phụ trách Giám Đốc Sản Xuất, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phụ trách Giám Đốc Nghệ Thuật. Chủ trương của chúng tôi là nhắm vào hai bộ môn Tân Nhạc và Sân Khấu Cải Lương Ca Cổ.
Về lãnh vực Tân Nhạc, tôi cho ra đời hàng trăm chương trình mang dấu ấn của hãng Continental, Sơn Ca, Premier. Chính hãng Continental, Sơn Ca đã đi tiên phong trong việc thực hiện Album riêng cho từng cá nhân ca sĩ, như Khánh Ly với Sơn Ca số 7, Lệ Thu với Sơn Ca số 9, Thái Thanh và Ban Hợp Ca Thăng Long với Sơn Ca số 10 và nhiều Album cho Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, làm vinh danh những tài năng này ở thập niên 60 và 70. Riêng về bộ môn Sân Khấu Cải Lương Ca Cổ , tôi đã thực hiện hàng trăm chương trình Tân Cổ Giao Duyên và trên 50 vở tuồng cải lương kinh điển nổi tiếng như Nửa Đời Hương Phấn, Đoạn Tuyệt, Tiếng Hạc Trong Trăng, Sân Khấu Về Khuya, Mưa Rừng… vân vân.
Chính trong thời gian này, tôi tạo thêm hai bút danh nữa là nhạc sĩ Phượng Linh và soạn giả Đông Phương Tử, nhằm phục vụ cho bộ môn Cải Lương Sân Khấu và Tân Cổ Giao Duyên. Bút danh Phượng Linh để sáng tác phần nhạc đệm và bài ca tân nhạc lồng trong các vở tuồng cải lương, phối hợp với giàn cổ nhạc gồm những danh cầm như Văn Vỹ, Năm Cơ, Hai Thơm. Còn bút danh Đông Phương Tử là soạn các bài tân cổ giao duyên và đạo diễn thâu thanh các vở tuồng cải lương. Tiếc thay, những công trình tâm huyết đó đã bị gạt ra bên lề xã hội sau biến cố lịch sử 30 tháng Tư năm 1975.
Nói về những nhạc phẩm sau này, nhạc sĩ NVĐ tâm sự:
Sau tháng 4/1975, tôi đi học tập “cải tạo” 10 năm. Khi trở về nhà, tôi mang theo nhiều chứng bệnh trầm trọng, tinh thần và thể xác bị suy sụp. Suốt 30 năm qua, tôi không tham gia bất cứ hoạt động nào ở trong nước cũng như ngoài nước. Vào năm 2003, nhà nước Việt Nam có cho phép lưu hành 18 bài hát của tôi, gồm: Hải Ngoại Thương Ca, Nhớ Một Chiều Xuân, Về Mái Nhà Xưa, Khi Đã Yêu, Đom Đóm, Thầm Kín, Vô Thường, Niềm Đau Dĩ Vãng, Tình Cố Hương, Cay Đắng Tình Đời, Tình Đầu Xót Xa, Khúc Xuân Ca, Kỷ Niệm Vẫn Xanh, Truông Mây, Bài Ca Hạnh Phúc, Bông Hồng Cài Áo, Trái Tim Việt Nam, Núi và Gió.
Rất tiếc một số bài hát tâm đắc không được nhà nước cho phép. Tôi hy vọng rồi đây theo thời gian mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt trong lãnh vực văn hoá, văn nghệ, tôi nghiệm rằng những gì có giá trị nghệ thuật, dù bị vùi dập vì sự ganh tỵ hay hiểu lầm, sẽ có ngày được mang trả lại vị trí đích thực của nó. Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc!
Kể về hai cô ca sĩ học trò Giao Linh và Thanh Tuyền:
-Với Giao Linh có nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ lại, vào một sáng Chúa Nhựt năm 1965, nhạc sĩ Thu Hồ đưa đến nhà tôi một cô bé gầy gò ốm yếu. Cô đến bằng chiếc xe máy mini Velo Solex, nhưng không đủ sức đẩy xe qua thềm nhà tôi, phải nhờ nhạc sĩ Thu Hồ giúp đở. Cô bé ngồi im lặng như đóng băng không nói năng chi, trong khi nhạc sĩ Thu Hồ thao thao bất tuyệt về khả năng âm nhạc tiềm ẩn trong người cô. Tôi nhìn cô bé 16 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, không phát triển như những cô gái cùng trang lứa, nghĩ thầm làm sao cô bé này có đủ hơi sức để hát hò. Tôi gợi chuyện vui để cho cô bắt chuyện, qua đó khám phá cái duyên ngầm sân khấu mà trong nghề nghiệp gọi là tổ đãi cho người nghệ sĩ. Nhưng cô bé vẫn không cười không nói, nên buổi gặp gở đầu tiên đó, tôi không dự cảm được gì về cô.
Tuy nhiên, để không phụ lòng nhạc sĩ Thu Hồ, tôi cho một cái hẹn thử giọng cô bé Đỗ Thị Sinh tại phòng thu âm của hãng dĩa Continental. Thật bất ngờ, Giao Linh, cái tên nghệ nhân sau này của cô bé Đỗ Thị Sinh, đã gây sửng sốt bằng chất giọng khỏe khoắn. Cô hát vượt qua tầm cữ quãng tám một cách dễ dàng với làn hơi ngân nga dịu dàng truyền cảm. Hãng dĩa Continental chấp nhận, tôi lên chương trình đào tạo, và chỉ sau một thời gian ngắn, tên tuổi ca sĩ Giao Linh bừng sáng trên vòm trời nghệ thuật, sánh vai cùng đàn anh đàn chị đi trước. Khi ấy Giao Linh vừa tròn 17 tuổi. Riêng cái tên mỹ miều “Nữ Hoàng Sầu Muộn” mà người đời ban tặng cho Giao Linh, chỉ vì cô không mỉm môi cười thì Giao Linh mãi mãi mang theo, dù từ lâu rồi cô đã có một gia đình rất hạnh phúc.
THANH TUYỀN
Trường hợp Thanh Tuyền cũng có nhiều kỷ niệm đặc biệt. Đó là vào năm 1964, tôi đi nghỉ dưởng sức ở Đàlạt. Bạn bè thân hữu ở Đài Phát Thanh đến thăm hỏi, có giới thiệu giọng hát cô bé Như Mai nhiều triển vọng. Cô là nữ sinh Trường Bùi Thị Xuân, hàng tuần có tham gia hát ở Đài Phát Thanh Đàlạt.
Rồi nhân dịp nghỉ hè, Trường Bùi Thị Xuân tổ chức phát thưởng bế giảng năm học, mời tôi đến dự lễ. Đến phần văn nghệ, người dẫn chương trình giới thiệu “nữ sinh Như Mai hát tặng cho khách quý đến từ Saigòn”. Giọng cô nữ sinh Bùi Thị Xuân lảnh lót cất lên, khỏe khoắn đầy nội lực thanh xuân, âm vang làm rộn rã cả sân trường.Tôi nghe cháy bỏng một ước mơ, một hy vọng mà cô bé như muốn ngỏ cùng ai.
Khi chấm dứt bài hát, Như Mai ngước nhìn tôi. Tôi hiểu ý nên mời cô bé lên gặp tôi trên khán đài và hỏi: “Cháu có muốn trở thành ca sĩ không?”. Như Mai xúc động gật đầu. Sau đó tôi gặp thân sinh của Như Mai và bàn chuyện đưa cô bé về Saigòn để đào tạo thành ca sĩ.
Khi ấy, tôi còn độc thân, ngày ngày ăn cơm chợ, tối tối ngủ ở đơn vị, thật không tiện chút nào để đở đần một cô gái trẻ xa nhà như vậy. Thế nên, sau khi bàn bạc với Ban Giám Đốc Hãng Dĩa Continental, tôi nhờ nhạc sĩ Mạnh Phát lên Đà Lạt rước Như Mai về Saigòn, tá túc trong gia đình của ông, cũng là gia đình của đôi nghệ sĩ tài danh Minh Diệu-Mạnh Phát thời bấy giờ. Mọi phí tổn ăn ở do Hãng Đĩa Continental đài thọ.
Tôi lên chương trình đào tạo và đặt tên mới cho Như Mai là Thanh Tuyền, ý muốn nói là giòng suối xanh của Cao nguyên Đàlạt. Chỉ trong vòng 8 tháng có mặt ở thủ đô Saigòn, Thanh Tuyền đã có đĩa và băng nhạc giới thiệu với người yêu nhạc. Như con chim lạ từ xứ sương mù, một bông hoa rừng còn đẫm ướt hơi sương, Thanh Tuyền nhanh chóng chiếm được sự mến mộ của người yêu nhạc thủ đô, sánh vai cùng đàn anh đàn chị trên Đài Phát Thanh, trên sân khấu Đại Nhạc Hội, phòng trà ca nhạc, được báo giới Sàigòn không tiếc lời ca ngợi. Năm ấy, Thanh Tuyền vừa đúng 17 tuổi.
Riêng đối với tôi vẫn còn xanh mãi một kỷ niệm về ngày khởi đầu đi hát của Thanh Tuyền tại Sài Gòn. Theo chương trình, Thanh Tuyền hát ra mắt lần đầu tiên ở phòng trà Bồng Lai và Vũ trường Quốc Tế đường Lê Lợi Saigon. Tôi đích thân đi mua son phấn để cho Thanh Tuyền trang điểm khi đi hát. Tôi thật bất ngờ khi biết Thanh Tuyền chưa từng sử dụng hộp phấn cây son trước đó. Khi đến giờ trình diễn, tôi đưa Thanh Tuyền đến Viện Thẩm Mỹ, Salon Make Up, nhưng các cửa tiệm đều đóng cửa vì trời đã khuya. Quá lo lắng, tôi kéo Thanh Tuyền chạy men theo đường Lê Lợi mong tìm người quen giúp đỡ. Nhưng không gập được ai mà thời gian lại gấp rút nên thầy và trò đành ngồi bệt ngay trên vỉa hè Lê Lợi. Nhờ ánh sáng đèn đường, tôi đánh phấn tô son cho Thanh Tuyền mà trước đó, tôi cũng chưa từng biết gì về cây son hộp phấn Chanel. Rồi Thanh Tuyền chạy bay lên lầu phòng trà Bồng Lai để kịp giờ trình diễn, còn tôi nện gót trên lề đường Lê Lợi, lòng ngập tràn cảm xúc khi tiếng hát Thanh Tuyền cất lên, đánh dấu ngày khởi nghiệp của ca sĩ Thanh Tuyền giữa thủ đô Sàigòn hoa lệ.
Đến bây giờ, sau 40 năm ngồi nhớ lại, tôi dám đoan chắc rằng, đây là người thiếu nữ duy nhất trong đời mà tôi đã kẻ lông mày, “tô son trét phấn” rồi tung con chim Sơn Ca vào bầu trời bao la, bởi vì cô là… của muôn người.
HÀ THANH
Về Hà Thanh con chim hoạ mi đất thần kinh, người được xem như gắn liền với một số nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông, ông tâm sự.
Lần đầu tiên, tôi được gập cô Hà Thanh là vào năm 1963 tại Đài Phát Thanh Sàigòn ở số 3 đường Phan Đình Phùng ngày xưa, bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiễu. Khi ấy, tôi là Trưởng Ban TIẾNG THỜI GIAN của Đài Sàigòn với các ca sĩ như Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Trần văn Trạch, Minh Diệu, Mạnh Phát, Thu Hồ, Anh Ngọc v.v.
Ngày đó cô Hà Thanh từ Huế vào Sàigòn thăm người chị gái lập gia đình với một vị Đại tá đang làm việc ở Sàigòn. Chính nhạc sĩ Mạnh Phát cho tôi biết về cô Hà Thanh nên tôi nhờ Mạnh Phát liên lạc mời cô Hà Thanh đến hát với Ban Tiếng Thời Gian. Đây là lần đầu tiên tôi được tận tai nghe tiếng hát Hà Thanh, hát nhạc sống và hát thật ngoài đời với ban nhạc của tôi, không nghe qua làn sóng phát thanh hay qua băng đĩa nhạc. Điều này giúp cho tôi có cơ sở nhận định chính xác về giọng hát Hà Thanh. Tôi hiểu ngay đây là giọng ca thiên phú, kỹ thuật tốt, làn hơi diễm cãm tuyệt đẹp, là một vì sao trong những vì sao hiếm hoi ở đỉnh cao nghệ thuật nhưng chưa có cơ hội phát tiết hết hào quang của mình. Ngay sau đó, tôi có mời Hà Thanh thâu thanh cho Hãng đĩa Continental. Nếu tôi nhớ không lầm thì bản nhạc đầu tiên tôi trao cho Hà Thanh là bài VỀ MÁI NHÀ XƯA do tôi sáng tác. Lần đó, cô Hà Thanh hát thật tốt, toàn ban nhạc và Ban Giám Đốc Hãng Continental rất hài lòng, khen ngợi. Sau ngày đó, cô Hà Thanh từ giã trở về lại Huế, trở về lại với Cố đô trầm mặc, tĩnh lặng, không sôi nổi như Thủ Đô Saigòn, là cái nôi của âm nhạc thời bấy giờ.
Sau khi Hà Thanh trở về Huế, tôi có nhiều suy tư về giọng hát đặc biệt này. Tôi ví von, cho đây là vì sao còn bị che khuất, chưa toả hết ánh hào quang, vì chưa có hoàn cảnh thuận lợi để đăng quang, nếu phó mặc cho thời gian, cho định mệnh, có thễ một ngày kia sẽ hối tiếc. Vì vậy tôi đem việc này ra bàn với Ban Giám Đốc Hãng đĩa Continental để mời cô Hà Thanh vào Sàigòn cộng tác.Chính tôi viết thư mời cô Hà Thanh vào Sàigòn với những lý lẽ rất thuyết phục, rất văn nghệ, rất chân tình.Và cô Hà Thanh đã vào Sàigòn sau khi đã tranh đấu gay go với gia đình bố mẹ, vốn giữ nề nếp cỗ xưa của con người xứ Huế. Ngày đó Hà Thanh vào Sàigòn, hoà nhập vào đời sống người Sàigòn, vào nhịp đập âm nhạc Sàigòn, vốn đứng đầu văn nghệ cả nước. Hà Thanh đi thâu thanh cho Đài Sàigòn, Đài Quân Đội và nhận được lời mời tới tấp của các Hãng đĩa băng nhạc như Sóng nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải và hầu hết các Trung Tâm ở Thủ Đô Sàigòn, chứ không phải chỉ riêng cho Hãng dĩa Continental và Sơn Ca của tôi. Ngày đó, tiếng hót của con chim Sơn Ca đất Thần Kinh đã được vang thật xa, đi vào trái tim của hàng triệu người yêu mến tiếng hát Hà Thanh.
Cô Hà Thanh hát hầu hết các tác phẩm của tôi. Bài nào tôi cũng thích, cũng vừa ý, có lẽ vì vậy mà tôi không nghĩ đến chuyện viết bài đặc biệt cho riêng cô. Tôi nhớ lại một chuỗi những sáng tác trong thời binh lửa chiến tranh như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người Lính Chiến,Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt vân vân, đều rất hợp với tiếng hát Hà Thanh và cô hát rất thành công. Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác gỉa khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật.
Tôi cho rằng Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó. Tôi cám ơn tiếng hát của Hà Thanh đã mang lại cho các bài hát của tôi thêm màu sắc, thêm thi vị, bay bổng.Trước khi đến với Hà Thanh, tôi cũng rất ngưởng mộ tiếng hát của cô Thái Thanh, Lệ Thanh, Khánh Ngọc và nhiều người khác đã gieo khắp phương trời tiếng lòng của tôi, cũng như về sau này có thêm các cô học trò như Thanh Tuyền, Giao Linh đã giúp cho ông Thầy truyền tải đến trái tim người yêu nhạc. Nhưng đặc biệt, tiếng hát Hà Thanh đã để lại trong tôi nhiều kỹ niệm tốt đẹp, bền bỉ tuy thời gian ngắn ngủi kể từ khi cô bỏ đi lấy chồng để tôi độc hành trên đường nghệ thuật.Sau biến cố 1975, tôi không còn dịp hợp tác với cô Hà Thanh như trước đây.Nhưng thỉnh thoảng tôi được nghe cô hát một sáng tác mới của tôi ở hải ngoại, tôi vẫn cảm thấy tiếng của cô vẫn đậm đà phong cách ngày xưa, vẫn một Hà Thanh diễn cảm, sang trọng, sáng tạo trong khi hát, mặc dù thời gian chia cách đã 40 năm qua.
Qua Hồi ký của Nguyễn Văn Đông, có thể thấy về sự ra đời của hai hãng: SƠN CA:
- Ra đời:1960
- Do 2 ông: Huỳnh Văn Tứ (giám đốc sản xuất), Nguyễn Văn Đông (giám đốc nghệ thuật)
- Sản phẩm: tân cổ nhạc (có vẻ tân nhiều hơn cổ)
- Kết thúc: 30/4/1975
CONTINENTAL:
- Ra đời:1960
- Do 2 ông: Huỳnh Văn Tứ (giám đốc sản xuất), Nguyễn Văn Đông (giám đốc nghệ thuật)
- Sản phẩm: tân cổ nhạc (có vẻ cổ nhiều hơn tân?)
- Kết thúc: 30/4/1975
Nhạc sĩ NGỌC CHÁNH: BAN NHẠC SHOTGUNS VÀ NGƯỜI NHẠC SĨ ĐA TÀI
Tôi biết nhạc sĩ Ngọc Chánh từ ngày anh còn làm ở phòng trà khiêu vũ trường Queen Bee trên lầu của thương xá Eden, lúc đó đang do nữ ca sĩ Khánh Ly khai thác. Bấy giờ Ngọc Chánh đang chơi piano và organ trong một ban nhạc chưa được đặt thành tên, và cũng chưa được nổi tiếng lắm trong các hoạt động âm nhạc ở miền Nam bấy giờ.
Nhưng rồi một ngày, khi Khánh Ly ra mở phòng trà riêng trên đường Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi), ông Tuất chủ nhân phòng trá Queen Bee giao lại cho nữ ca sĩ Thanh Thúy quản lý. Từ đó một ban nhạc mới được thành hình, một ban nhạc mang âm thanh của loại súng liên thanh ra đời, tức ban nhạc Shotguns, do nhạc sĩ Ngọc Chánh làm Chef d’orchest hợp cùng các nhạc sĩ Hoàng Liêm (guitar), Hùng (bass), Ngọc Chánh (piano, organ), Lưu Bình (trống) và các ca sĩ chủ lực gồm Thanh Thúy, Elvis Phương, Pat Lâm và Ngọc Mỹ. Sau này có thêm các nhạc sĩ Cao Phi Long, Đan Thọ, Lê Văn Thiện, ca sĩ có thêm những Thanh Lan, Xuân Sơn, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín, cùng chen vai sát cánh bên nhau, hoạt động từ băng nhạc, ca vũ trường đến các show diễn tại các Club Mỹ, trên các sân khấu đại nhạc hội hay đài phát thanh, truyền hình.
MỘT NHẠC SĨ CÓ TÀI KINH DOANH
Thời gian còn cộng tác tại phòng trà Queen Bee, ban nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh còn phục vụ trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương và các Club Mỹ, với phong cách trình diễn loại nhạc kích động như ban nhạc của Khánh Băng – Phùng Trọng. Bởi ca sĩ chủ lực của ban Shotguns là Pat Lâm và Ngọc Mỹ, vào thời đó chưa ai hát nhạc ngoại quốc qua mặt được (năm 1971, khi Ngọc Mỹ đi Mỹ trình diễn và cô đã ở lại Mỹ hát cho một ban nhạc nổi tiếng từ đó).
Cuối những năm 1960, nhạc sĩ Ngọc Chánh sau khi thành hình ban nhạc Shotguns, anh đã cùng Hoàng Liêm, Elvis Phương quyết định chuyển hướng từ một ban nhạc chuyên trình diễn loại nhạc Pop Rock kích động sang trình bày nhạc Việt. Bởi Ngọc Chánh có tâm tư, tại sao cứ phải trình diễn cho các Club Mỹ với loại nhạc kích động Pop Rock, Twist, Bebop.. ồn ào náo nhiệt, mà không trở về với cội nguồn cho khán giả Việt thưởng thức những nhịp điệu nhẹ nhàng, lãng mạn, trữ tình như Slow, Boston, Rumba, Tango, Bolero… Một quyết định xem ra đơn giản nhưng không đơn giản vào thời đó, vì có một số anh chị em trong ban nhạc không đồng tình. Lý do trình diển ở các Club Mỹ được nhiều tiền hơn trên các sân khấu Việt. Sau khi chọn được hướng đi mới, nhạc sĩ Ngọc Chánh bắt đầu đứng ra thành lập cơ sở Nguồn Sống, chuyên sản xuất băng nhạc nhằm tạo đất sống mới cho các ca nhạc sĩ trong ban nhạc; đồng thời cùng nữ ca sĩ Thanh Thúy lập phòng trà khiêu vũ trường mang tên International Quốc Tế nằm ở mũi tàu Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), và mở cả kiosque mang tên Khai Sáng nằm dưới tầng trệt của phòng trà, làm nơi tổng phát hành băng nhạc do anh sản xuất.
Nói về sản xuất băng nhạc, nhớ lại lúc khởi đầu khai sinh ra nhãn hiệu băng Shotguns, mấy cuốn đầu tiên không nói là thất bại nhưng thật sự chưa gây được ấn tượng trên thị trường, mặc dù có những nhà văn tên tuổi như nhà văn Nguyễn Đình Toàn, ký giả Quỳnh Như viết lời giới thiệu một cách rộng rãi ra công chúng. Chính nhạc sĩ Ngọc Chánh cũng biết là thất bại, không thành công, là vì có những bài hát nằm đan xen trong chủ đề, tuy hợp với giới thưởng thức này nhưng lại là “khắc tinh” với giới khác. Bởi người nghe nhạc đã phân từng loại ca sĩ lẫn từng loại nhạc phẩm.
Như tầng lớp SVHS thì thích những giọng ca của Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Xuân Sơn, Anh Khoa, Jo Marcel, Sĩ Phú, Elvis Phương, Tuấn Ngọc… Đại đa số công chúng thích nghe Thanh Thúy, Minh Hiếu, Phương Dung, Thanh Tuyền, Túy Hồng, Nhật Trường, Thái Châu… qua những nhạc phẩm mang tính văn hóa và nghệ thuật . Còn lại các ca sĩ như Chế Linh, Duy Khánh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Phương Hồng Quế, Sơn Ca, Giang Tử, Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Thiên Trang… thích hợp cho những nhạc phẩm thị hiếu, được soạn theo kiểu mà người đời thường gọi là “nhạc sến”, như các nhạc phẩm: Một trăm phần trăm, Chuyện tình Lan và Điệp, Nhẫn cỏ cho em, Đồi thông hai mộ, Rước tình về với quê hương v.v…
Giới thưởng thức âm nhạc thời bấy giờ rất kén nghe ca sĩ hát, và ca khúc thuộc dạng lãng mạn trữ tình hay dành cho “sến nương” trong một nhãn hiệu băng nhạc nào đó. Hai trường phái này luôn đối nghịch, nếu nhãn băng có những Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Thanh Lan… thì sẽ không có những Chế Linh, Giao Linh, Trang Mỹ Dung, Chung Tử Lưu, Giang Tử, Duy Khánh v.v… Có các nhạc phẩm như Tình nhớ, Con thuyền không bến, Đêm đông, thì thường không nghe những bài thuộc dòng “nhạc sến” như Chuyện tình Lan và Điệp, Nhẫn cỏ cho em v.v… Khán thính giả đã phân chia các hạng bậc ca sĩ, nhạc phẩm như thế để thưởng thức nhằm thư giản tinh thần.
Cho nên khi Ngọc Chánh mở đầu cho nhãn hiệu băng nhạc Shotguns với bài “Một trăm phần trăm” do Hùng Cường hát, trong một cuốn băng có những giọng ca như Thanh Thúy, Thanh Lan, Xuân Sơn, Khánh Ly, Elvis Phương… đã không được giới thính giả chào đón, đi đến thất bại.
Từ kinh nghiệm trên, nhạc sĩ Ngọc Chánh rất thận trong phong cách chọn bài hát, ca sĩ và cả về âm thanh. Đến khi cuốn “Băng Vàng Shotguns” được phát hành, một tờ nhật báo bán chạy nhất lúc bấy giờ viết đến kỹ thuật thu âm audio cao cấp của nhóm nhạc này, giới mộ điệu âm nhạc bắt đầu chú ý và từ đó trở thành nhãn hiệu băng được mọi người tin cậy, bán chạy nhất bấy giờ.
Nói về kỹ thuật thu âm, thông thường với băng nhựa 8 ly thường được sử dụng từ cuối thập niên 1960, người làm băng nhạc cũng ghi âm trên master tape loại băng 8 ly với âm thanh stereo gồm 4 track. Còn Ngọc Chánh ghi âm bằng master tape 16 ly với âm thanh hifi 6 track, tức có 6 đường rảnh độc lập, mỗi rảnh ghi âm một thứ âm thanh riêng biệt, có thể mix chồng lên nhau. Từ master tape này khi chuyển sang ra băng 8 ly sẽ có chất lượng âm thanh hoàn hảo chuẩn xác hơn. Đồng thời trong cuốn “Băng Vàng Shotguns” về phần hòa âm các nhạc phẩm đều do nhạc sĩ Lê Văn Thiện biên soạn, mới lạ hơn những bản hòa âm mà các băng nhạc khác chỉ soạn theo kiểu “mì ăn liền”. Bởi khi mix, trong đó với âm thanh 4 chiều chuyển động (hifi), người ta có thể phân tích được các loại nhạc khí. Hợp cùng những giọng ca hàng đầu bấy giờ như Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương, Anh Khoa trình bày v.v…
Sau cuốn “Băng Vàng Shotguns” thành công và được thính giả ủng hộ liên tục những cuốn băng nhạc sau, nhạc sĩ Ngọc Chánh bắt đầu đưa ra nhãn băng thứ hai mang tên nữ ca sĩ “Thanh Thúy”, với thể nhạc khác với thể nhạc của băng Shotguns, cũng đạt kết quả mỹ mãn. Ngọc Chánh liền cho ra nhiều nhãn hiệu băng khác nhằm chiếm trọn thị trường băng nhạc lúc đó, vì làm kinh doanh băng nhạc phải nhạy bén với lớp người thưởng ngoạn.Cơ sở sản xuất Nguồn Sống của Ngọc Chánh mở thêm thể loại nhạc trẻ mang tên “Băng nhạc Trẻ”; chủ lực gồm ca sĩ Thanh Lan và ban nhạc Phượng Hoàng của Elvis Phương, Nguyễn Trung Cang… và do Kỳ Phát thực hiện nhằm cạnh tranh với các nhãn hiệu băng do Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc, Jo Marcel thực hiện
Nhận thấy ba bước kinh doanh đầu tiên đều thành công, nhạc sĩ Ngọc Chánh mạnh dạn ra một nhãn hiệu băng trái với tay nghề, tức loại băng mang thể loại tân cổ giao duyên, cải lương và hồ quảng tên “Hồn Nước”.
Chủ lực gồm những nghệ sĩ sân khấu thành danh trên sân khấu cải lương và hồ quảng như Thanh Nga, Thành Được, Phượng Liên, Dũng Thanh Lâm, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Tấn Tài, Bạch Lê, Thanh Bạch v.v… trong đó phần nhạc đệm tân nhạc vẫn là Shotguns, còn về cổ nhạc quy tụ nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu) điều hành, có Văn Vĩ đàn guitar, Năm Cơ đàn kềm và cả ban nhạc hồ quảng của Đức Phú.
Không ngừng ở nhãn băng thứ tư, Ngọc Chánh tiếp tục ra mắt nhãn băng thứ năm mang tên “Chế Linh” dành cho người thích nghe “nhạc sến”…Đó là về quá trình sản xuất kinh doanh băng nhạc. Vì thế ban nhạc Shotguns vào năm 1973 được đọc giả, khán thính giả ái mộ bình chọn là “Ban nhạc được ái mộ nhất” của Giải Kim Khánh Nghệ Thuật thường được tổ chức hàng năm.
Sau ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Ngọc Chánh còn ở lại Sài Gòn, vài năm sau anh mới đi Mỹ bằng đường biển. Ở Mỹ, Ngọc Chánh đã gầy dựng lại ban nhạc và nhãn hiệu băng nhạc Shotguns, vì nó đã trở thành một thương hiệu đã được mọi người tin cậy từ những năm 1970. Đồng thời trên đất Mỹ, anh còn mở phòng trà Ritz để giới thiệu những tài năng mới và những thân hữu nghệ sĩ đang sinh sống tại hải ngoại.Trước đây và bây giờ cũng vậy, nhạc sĩ Ngọc Chánh luôn sống nhã nhặn khiêm tốn, hòa đồng cùng mọi người, kể cả khi đã có địa vị tiếng tăm. Vì thế với Ngọc Chánh, hình ảnh của anh rất ít xuất hiện trước công chúng, tuy nhiên mọi người khi nghe nói đến tên Ngọc Chánh là biết anh là ông bầu của một ban nhạc và băng nhạc nổi tiếng, đồng thời là tác giả của nhiều ca khúc hợp soạn cùng nhạc sĩ Phạm Duy, những nhạc phẩm của anh ai cũng nhớ như Bao giờ biết tương tư, Tuổi biết buồn, Vết thù trên lưng ngựa hoang…
GIỚI THIỆU CA SĨ MÁT TAY
Tuy nhạc sĩ Ngọc Chánh không có “lò đào tạo ca sĩ” như các nhạc sĩ khác và cũng không tự nhận mình là thầy đào tạo của một ca sĩ nào, nhưng anh lại là người giới thiệu tài năng mới rất mát tay như những Elvis Phương, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín hay Xuân Sơn cô ca sĩ từng được mệnh danh ca sĩ “Trăng sáng vườn chè”; đi hát từ thời Khánh Ly đang còn khai thác phòng trà Queen Bee, ít người biết đến, sau về cộng tác với ban nhạc Shotguns cô đã trở nên nổi tiếng, hay một Hải Lý mới chớm nở chưa kịp kết nụ ra hoa, Ngọc Chánh đã không còn kịp đưa tên tuổi lên như những đàn anh đàn chị vì thời cuộc đổi thay.
Nhưng có lẽ bất ngờ nhất khi nói Ngọc Chánh là người tìm thấy giọng ca của nữ ca sĩ Minh Hiếu đầu tiên. Anh từng lăng xê Minh Hiếu trước cả nhạc sĩ Đức Quỳnh. Theo nhạc sĩ Ngọc Chánh tâm sự :
– “Vào năm 1961 tôi đang phụ trách ban nhạc ở hồ tắm Cộng Hòa trên đường Lê Văn Duyệt (bây giờ tên đường Cách Mạng Tháng 8). Năm đó có một người con gái yêu thích ca nhạc. Cô ta từ Binh Long lên Saigon học hát và học may. Tôi có người bạn nhạc sĩ nhờ tôi hướng dẫn và giúp đở. Thật ra những ngày đầu gặp tôi, cô ta chỉ hát được hai bài là “Nổi Lòng” của Nguyễn văn Khánh và “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long (theo dạng bài hát tủ). Nhưng vì tôi là Chef d’orchestre nên đưa cô vào hát ở hồ tắm Cộng Hòa không có gì trở ngại. Cô ấy tên Minh Hiếu.
“Minh Hiếu là người rất có khiếu về ca nhạc, lại thêm đam mê nên chỉ sau 6 tháng đã nổi tiếng. Minh Hiếu bắt đầu hát cho phòng trà “Arc en Ciel” trong Chợ Lớn rồi phòng trà Đức Quỳnh bên rạp Việt Long xưa và Văn Cảnh. Còn được mời thâu dĩa hát cho những hãng dĩa 33 tour ở Sài Gòn thời bấy giờ v.v…”
Hay khi Ngọc Chánh nói đến hai ca sĩ Elvis Phương và Hương Lan thời mới vào nghề :
– “Bài hát đầu tiên của Elvis Phương hát là “Mộng Dưới Hoa”. Ngày đó Elvis Phương hát như người Mỹ hát tiếng Việt, vừa ngọng, vừa đớt thật là khó nghe, nhưng sau một thời gian anh em hướng dẫn, Elvis Phương bắt đầu hát hay dần, hay dần cho đến hôm nay nhiều ca sĩ trẻ trong nước lẫn hải Ngoại chưa ai có giọng ca tốt như Elvis Phương.“
Hoặc như Hương Lan là giọng ca hiếm có khi thâu bài nhạc Hoa lời Việt “Mùa Thu Lá Bay”, nếu cô ấy chịu đi theo con đường này chắc là từ đó đến giờ sẽ không có đối thủ cạnh tranh, nhưng sau tôi không còn thời gian hướng dẫn nữa…”Phải chăng vì thế Hương Lan chỉ thuộc nữ ca sĩ trung trung đến bây giờ ?! vì từ xưa đến nay các ông bầu tổ chức ca nhạc thường không đưa tên tuổi Hương Lan thành “vơ-đét” của đêm diễn.
Nói về Xuân Sơn hay Nguyễn Chánh Tín cũng thuộc ca sĩ trong ban Shotguns. Cho thấy vào thời kỳ trước những năm 1965, đa số các nam nữ ca sĩ đều từ văn nghệ học đường, từ năng khiếu mà hình thành ra chất giọng riêng biệt. Tuy nhiên không có người hướng dẫn “lăng xê”, khi đi hát lại không chọn đúng nhạc phẩm sở trường, thích gì hát đó nên không thể tự tạo được ấn tượng cho giới thưởng thức.
Thí dụ như Xuân Sơn thích đi hát từ năm 12 tuổi, lớn lên lại trúng tuyển Giải Nhất cuộc thi Tuyển Lựa Ca Sĩ với ca khúc “Trở về Mái Nhà Xưa”. Sau đó Xuân Sơn được mời hát trong các chương trình tại Đài phát thanh, rồi phòng trà. Từng được nhạc sĩ Đỗ Lễ hướng dẫn về nhạc lý và xướng thanh, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có một bài tủ “Trăng Sáng Vườn Chè” của Văn Phụng nên không thành danh. Sau này về hát với ban Shotguns qua những nhạc phẩm như Nắng Thủy Tinh, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Lệ Đá, Biển Nhớ, Lá Đổ Muôn Chiều, Tôi Ru Em Ngủ… nữ ca sĩ Xuân Sơn mới đạt đến sự ngưỡng mộ của khán thính giả.
HƯỚNG DẪN TIẾNG HÁT ELVIS PHƯƠNG
Elvis Phương năm tuổi 14 đang theo học tại trường Jean Jacques Rousseau (bây giờ tên trường Lê Quý Đôn). Rất thích ca sĩ Elvis Presley với thể nhạc Rock And Roll, khiến cho quên ăn, quên ngủ, và anh luôn muốn trở thành một Elvis Presley VN. Vì vậy với tên thật Phạm Ngọc Phương, anh đã kết hợp với tên mình cùng tên thần tượng để thành tên gọi Elvis Phương cho đến ngày nay.
Elvis Phương tuy không học nhạc nhưng do năng khiếu đã mau chóng lãnh hội được căn bản về nhạc lý qua bạn bè và qua băng dĩa nhạc. Trong những năm còn học ở J.J.Rousseau là thời gian thật tuyệt vời, anh cùng các bạn thành lập ban nhạc có tên The Rockin’ Stars, có tiếng trong giới trẻ yêu thích nhạc ngoại quốc. Đến năm 1964, ban The Rockin’ Stars tan đàn, và Elvis Phương liền được mời vào hát cùng ban nhạc Les Vampires để trình diễn tại các Club Mỹ. Sau đó gia nhập vào đoàn Văn Nghệ Hoa Tình Thương.
Trong suốt thời gian phục vụ trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương cùng với ban nhạc Shotguns, Elvis Phương đã gần như chuyển hướng với việc trình bày ca khúc, ít hát nhạc ngoại quốc mà chỉ hát nhạc Việt để đáp ứng yêu cầu của mọi người và cả trong các nhãn hiệu băng do Ngọc Chánh sản xuất.
Sau khi được các nhạc sĩ trong ban nhạc hướng dẫn cách phát âm cho đúng lời Việt, và tự tạo cho mình một sắc thái riêng biệt, từ đó anh đã tự tạo cho mình một kỹ thuật phát âm với những tiếng nấc, tiếng nghẹn đặc biệt, như nhạc phẩm “Lời cuối cho em” là bước đầu đưa tên tuổi Elvis Phương lên hàng danh ca. Sau đó Elvis Phương còn thành công qua những nhạc phẩm khác như Xé thư tình, Kỷ vật cho em, Áo anh sứt chỉ đường tà, Về đây nghe em, Những bước chân âm thầm, Vết thù trên lưng ngựa hoang v.v…. Đó là chưa kể những nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt như Godfather, Aline, Main Dans La Main, Lady Belle, Love Story, vv…
Đến năm 1972, Elvis Phương trở nên nổi bật khi xuất hiện cùng ban nhạc Mây Trắng sau là ban Phượng Hoàng qua những nhạc phẩm của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, như Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa, Lời người điên, Yêu người yêu đời, vv… Năm 1973, Elvis Phương đoạt giải “Nam ca sĩ tân nhạc được mến chuộng nhất” của “Giải Kim Khánh Nghệ Thuật”.
TRẦN VĂN TRẠCH GIỚI THIỆU…
Còn ca sĩ Thái Châu vào năm 1966 mới 15 tuổi, đi theo gánh hát của mẹ tức nghệ sĩ Kim Nên, cùng thời với các nghệ sĩ như Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga, Út Trà Ôn… ba anh còn là phó giám đốc của Cty cải lương Kim Chung; cho nên Thái Châu đã mang dòng máu nghệ sĩ từ trong gia đình, vì nhà có 4 anh em đều sống với ánh đèn sân khấu. Lúc đó ai cũng nghĩ Thái Châu sẽ là hậu duệ tiếp bước đường của cha mẹ.Thế nhưng, tâm hồn cậu bé Trương Chiêu Thông (tên thật của Thái Châu) lại bị mê đắm bởi những ca khúc lãng mạn trữ tình trong tân nhạc hơn là hát sáu câu vọng cổ bên cổ nhạc.
Đến mùa hè năm 1966, khi đoàn hát của mẹ anh ra Vũng Tàu, anh ban ngày phụ giúp cha mẹ một vài công việc trong đoàn hát, còn đêm tìm đến quán cà phê nhạc nơi có nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa (thổi sáo) và Trần Xuân Ngã (violon) quản lý ở đây, để nghe các ca nghệ sĩ biểu diễn.
Ở quán này có giờ dành cho khán giả lên hát như phong trào Hát với nhau ngày nay. Thái Châu xin lên hát, đêm đó có cha mẹ anh đi xem và Thái Châu đã hát ca khúc “Lần đầu cũng như lần cuối” (sáng tác của Minh Kỳ). Không ngờ đêm đó hai nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và Trần Xuân Ngã chính thức đề nghị anh tham gia biểu diễn tại quán có trả lương.
Năm 1969, Thái Châu vừa đi học vừa biểu diễn tại phòng trà Đệ nhất do Mai Lệ Huyền đang phụ trách. Một đêm tình cờ gặp quái kiệt Trần Văn Trạch đến nghe hát, nhà quái kiệt ngỏ ý giới thiệu Thái Châu gia nhập vào ban nhạc Shotguns của Ngọc Chánh. Chính Thái Châu tâm sự : “Tôi mừng còn hơn ai cho vàng vì ban nhạc này đang rất nổi tiếng, nhiều danh ca đã cộng tác và nhiều mầm non ca sĩ đã thành danh từ ban nhạc này”..
Về với ban Shotguns, được Ngọc Chánh giúp đỡ, động viên trong tình anh em, vì vậy Thái Châu đã tự tạo dấu ấn qua nhiều ca khúc dành riêng cho anh. Điển hình như các bài Tôi đưa em sang sông (Y Vũ), Tình như mây khói, Tình chết theo mùa đông (Lam Phương), Linh hồn tượng đá (Mai Bích Dung), Bài thánh ca buồn (Nguyễn Vũ)… và trở thành giọng hát chủ lực trong ban nhạc Shotguns từ đó.
NHỮNG NHẠC PHẨM NỔI TIẾNG
BAO GIỜ BIẾT TƯƠNG TƯ
Ngày nào cho tôi biết, / Biết yêu em rồi tôi biết tương tư / Ngày nào biết mong chờ, / Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…Ôi biết đem tin này, / Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy / Rồi biết quên câu cười, / Biết cho đôi dòng lệ rơi.Tình yêu đã trở lại, / Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đầy / Tà áo em phơi bầy, / Ngón tay em dài, tiếng yêu không lời.Ngày nào lòng tôi đã / Biết vui biết buồn, ôm mối tương tư / Ngày nào cánh Thiên Đường / Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm / Tôi ghé răng cắn vào / Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường / Là trối trăn cuối cùng, / Giấc mơ não nùng vội tan.
VẾT THÙ TRÊN LƯNG NGỰA HOANG
(Viết cho phim cùng mang tên dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thụy Long) Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời / Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời / Ngựa phi như điên cuồng / Giữa cánh đồng dưới cơn giông / Vì trên lưng cong oằn / Những vết roi vẫn in hằnMột hôm ngựa bỗng thấy thanh bình / Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình / Ân tình mở cửa ra với mình / Ngựa hoang bỗng thấy mơ / Để quên những vết thùNgựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục / Giòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt / Ngựa hoang quên thù oán căm / Từ nơi tối tăm về miền tươi sáng / Ngựa hoang về tới bến sông rồi / Cởi mở lòng ra với cõi đời / Nhưng đời ngựa hoang chết gục / Và trên lưng nó ôi / Còn nguyên những vết thù ./.
THÔNG TIN HÃNG ĐĨA VIỆT NAM
Năm 1947, ông Lê Văn Tài (thân sinh của cô Sáu Liên) thành lập hãng đĩa Lê Văn Tài, tiền thân của Hãng đĩa Việt Nam lừng lẫy sau này.
Lĩnh vực: cổ & tân nhạc Thành lập: 1947 với tên gọi Hãng đĩa Lê Văn Tài
1964 ông Lê Văn Tài mất, 1965 con gái ông bà Sáu Liên sản xuất với tên gọi Hãng đĩa Việt Nam
1966-1975: SG Loan Thảo về phụ trách nghệ thuật hãng đĩa mảng cổ nhạc và lăng xê hàng loạt tên tuổi
---------------------------- Hãng dĩa Lê Văn Tài: Dư âm còn vọng
Phạm Công Luận Bao nhiêu nước chảy qua cầu từ đó, bao nhiêu người trở thành ngôi sao sân khấu, bao nhiêu tuồng tích trở thành khoảng đời trên sân khấu khiến bao người thổn thức. Cuối thế kỷ XIX, đường A’Dran (đến 1920 đổi tên thành Georges Guynemer, từ 1955 thành Võ Di Nguy, từ 1976 là Hồ Tùng Mậu) là con đường nhỏ nhưng đông người qua lại vì gần chợ, lại có nhiều cửa hàng của người Hoa. Tuy nhiên, trên con đường này, đoạn giữa đường Denis Frères (Ngô Đức Kế) và Hamelin (Huỳnh Thúc Kháng) có tiệm tạp hóa Vĩnh Thới Sang tại số nhà 82 do người Việt làm chủ. Thời đó, tiệm tạp hóa có bán cả nữ trang và ông chủ tiệm là Lê Văn Thanh giỏi nghề kim hoàn. Tương truyền ông đã từng chạm hoàn toàn bằng thủ công một chiếc vòng chạm trổ chi tiết rất đẹp và khéo. Thả chiếc vòng xuống nước, vòng cân đối đến độ nằm thẳng băng trên mặt nước. Chiếc vòng này đã được một giải thưởng dành cho nghề kim hoàn thời đó ở Sài Gòn. Trong số các con của ông Thanh, có ông Lê Văn Tài, sinh năm 1895 tại Sa Đéc. Năm 1927, ông Tài chính thức đăng bộ cửa tiệm Vĩnh Thới Sang của cha mình. Do không thích nghề kim hoàn của cha và nhân một dịp ông cùng vợ là bà Ngô Thị Mão về Vĩnh Kim coi hát cải lương, ông Lê Văn Tài chuyển sang buôn bán máy hát dĩa và radio. Đó là những thứ máy móc mà giới trung lưu trở lên ở Sài Gòn, lục tỉnh thích mua. Đồng lòng với chồng, bà Ngô Thị Mão, một phụ nữ bặt thiệp, có nhan sắc và giỏi ngoại giao, chuyên lo giao dịch mần ăn trong thời gian này. Trước đó, từ năm 1936, hãng dĩa hát ASIA của thầy Năm Mạnh đang chiếm lĩnh thị trường dĩa hát cả nước, nhất là ở miền Nam. Nhiều tuồng hay và để đời đã được sản xuất từ hãng này như các tuồng San Hậu, Quan Âm Thị Kính, Tô Ánh Nguyệt, Hoa rơi cửa Phật… Đến năm 1944, bà Ngô Thị Mão mất. Ông Lê Văn Tài thương nhớ người vợ cùng sở thích cải lương và đờn ca tài tử, nên quyết tâm chuyển từ nghề kinh doanh máy hát dĩa và radio sang lãnh vực sản xuất dĩa hát từ năm 1947 với việc thành lập hãng sản xuất dĩa hát. Cửa hiệu Vĩnh Thới Sang đã đổi thành “Hãng dĩa Lê Văn Tài” kể từ đó. Ông bà Lê Văn Tài có sáu người con. Trong đó, người con đầu Lê Văn Năng làm xuất nhập cảng và cũng có tiếng trong giới doanh thương Sài Gòn thập niên 1940, nắm giữ 18 môn bài xuất nhập cảng. Người con thứ năm, Lê Thành Kiệt sinh năm 1930 và Lê Ngọc Liên, con thứ sáu, sinh năm 1932. Những người con này về sau giúp ích ông bà rất nhiều trong nghề mới. Anh Lê Văn Năng được cho sang Pháp học thu dĩa, khi về dạy lại cho người thứ bảy là Lê Thành Lực. Anh Lực sẽ chịu trách nhiệm thu thanh. Máy móc do ông Lê Văn Tài bỏ tiền ra để anh Năng nhập cảng về. Sau đó, hãng sẽ tổ chức sản xuất, tìm thầy tuồng, mua kịch bản, mời đào kép thể hiện lời ca tiếng hát, diễn tuồng tích, hãng thu âm xong gửi dĩa gốc qua Pháp để làm khuôn, in ra dĩa, rồi gửi về dán nhãn, đóng gói và phát hành đi khắp nơi. Anh Kiệt cùng ông gánh vác chuyện làm ăn, là người thay thế mẹ (bà Mão) đi mời các nghệ sĩ tới thâu thanh và giao tế các đại lý. Anh Kiệt khéo léo cư xử, nhất là đối với giới nghệ sĩ là những người cần được chiều chuộng. Qua công việc, ông dần đào tạo em gái mình là Lê Ngọc Liên, sau này thường được gọi là cô Sáu Liên, sẽ là người nối tiếp sự nghiệp gia đình. Các con trong nhà, ngoài giờ học đều tham gia sản xuất băng dĩa ở nhà, mỗi người một tay từ ghi âm, đóng gói, dán nhãn dĩa. Thậm chí giả tiếng gà gáy, chim hót, heo kêu để thu âm cũng là việc do anh Lê Thành Lực đảm nhiệm. Lúc còn phụ giúp cho cha và anh, Ngọc Liên đang học ở trường Tôn Thọ Tường. Đến năm 1950, Lê Thành Kiệt, người anh hướng dẫn Ngọc Liên theo nghề gia đình, mất sớm khi chỉ mới 20 tuổi vì căn bệnh tim. Đó là số phận khiến Ngọc Liên quyết chí thay anh mình nối nghiệp nhà. Từ lúc khởi nghiệp, hãng dĩa đã thu rất nhiều giọng ca vàng thời ấy như Tám Thưa, Minh Chí, Năm Phỉ, Phùng Há… Soạn giả Viễn Châu gắn bó với hãng dĩa từ thuở ban đầu. Lúc đầu, ông là thầy đờn, chơi nhạc tài tử cùng ông Lê Văn Tài. Khi hãng dĩa được lập ra, ông Tài bảo ông Viễn Châu: “Thằng Bảy, về viết tuồng đi coi sao!”. Ông Viễn Châu về viết vở tuồng đầu tay có tên Con chim họa mi mang ra cho ông Tài xem. Tuổng được dựng và từ đó, Viễn Châu trở thành thầy tuồng, ngày càng nổi tiếng. Ông Lê Văn Tài cũng gắn bó thân thiết với quái kiệt Trần Văn Trạch và rất được ông Trạch nể nang. Lúc đầu, hãng dĩa hát của ông thu cổ nhạc nhưng sau đó thu cả tân nhạc. Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy kể lại khi vào Sài Gòn năm 1951: “… khi tôi tới gặp chủ nhân một hãng sản xuất đĩa hát Việt Nam là Lê Văn Tài thì tôi được lĩnh trước một số tiền tác quyền khá lớn. Tân Nhạc ở Saigon lúc này đã có đất sống. Trước kia, các hãng sản xuất đĩa hát chỉ thu thanh cổ nhạc, nay đã khởi sự thu thanh tân nhạc”. Từ đó, Phạm Duy yên tâm vì: “Tôi thấy rằng nếu vào Nam sinh sống, tôi còn có thể tổ chức cho gia đình đi hát ở mọi nơi, nếu chúng tôi thành lập được một ban hợp ca và phối hợp với một ban kịch nhỏ. Chúng tôi sẽ có thể sống bằng nghề âm nhạc, một nghề rất độc lập…” và rồi ông trở ra Hà Nội, dùng số tiền lãnh trước của hãng Lê Văn Tài để mua vé máy bay cho tất cả mọi người đi vào miền Nam. Hãng dĩa Lê Văn Tài đã là cú hích quan trọng khiến nhạc sĩ này mạnh dạn vào sống trong Nam, tham gia đời sống văn nghệ và giữ vai trò lớn trong sáng tác ca khúc trên quê hương mới. Xem lại cuốn sổ ghi chép công việc của hãng dĩa Lê Văn Tài giai đoạn này, thấy có rất nhiều ghi chú liên quan đến Ban hợp ca Thăng Long và các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, các ca sĩ Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc với các ca khúc Quê nghèo (Thái Thanh hát), Viễn du (Phạm Duy và ban Thăng Long), Tình ca (Phạm Duy và Thái Thanh ca)… … Năm 1961, bà Lê Ngọc Liên lập gia đình với một thầy giáo dạy Anh văn. Năm 1964, ông Lê Văn Tài mất, để lại hãng dĩa cho các con tiếp tục kinh doanh. Qua năm sau 1965, bà Sáu Liên cùng em là Ngọc Diệp xuất bản nhạc phẩm dưới danh hiệu Việt Nam nhạc tuyển để bán. Đến 1968, bà Sáu Liên tách ra riêng, thành lập một cơ sở mới ở bên kia đường, số 101 Võ Di Nguy, lấy tên là hãng Dĩa hát Việt Nam, dùng logo của hãng dĩa của cha mẹ và vẫn tiếp tục làm việc chung với cô Ngọc Diệp. Ở đây, bà mở thêm một nhà in nhỏ để in bìa băng dĩa hay các tập tuồng, vở ca cổ. Những cuốn này khổ nhỏ, không nhiều trang nhưng được chào đón nồng nhiệt của mọi người từ Sài Gòn – Gia Định đến các tỉnh. Lúc đó, radio bắt đầu phát triển hơn, dĩa hát được giới trung lưu trở lên nghe nhiều nhưng giới bình dân chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ mua một cuốn in bài vọng cổ là có thể nghêu ngao cả ngày. Chị Loan, con bà Sáu Liên kể: “Chỉ cần in những cuốn ca cổ nhỏ xíu thôi, má tôi nuôi được cả nhà vì bán rất đắt hàng!”. Còn căn nhà số 82 của gia đình vẫn tiếp tục kinh doanh dĩa hát do người thứ ba Lê Ngọc Anh và người thứ bảy bán dĩa hát, lúc đó không chỉ có cổ nhạc mà còn có tân nhạc, băng nhạc Shotgun… Lúc này, ngoài hãng ASIA (do ông Ba Đức, con ông Năm Mạnh thay cha điều hành), còn có nhiều hãng dĩa như Việt Hải, Continental… Tuy nhiên hãng Dĩa hát Việt Nam đã dần lấn lướt nhờ tổ chức tốt, trong đó bà Sáu Liên lo chuyện tổ chức mời nghệ sĩ, thu âm, còn việc ngoại giao, lăng xê nghệ sĩ trên báo đài thì người chồng của bà chu tất. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Minh Phụng, Minh Cảnh, Lệ Thủy lần lượt đầu quân về hãng dĩa và trở thành nghệ sĩ độc quyền. Mỗi hợp đồng độc quyền trị giá vài lượng vàng, còn tiền thu bài tính riêng, đã vậy cát xê liên tục tăng. Bà Sáu Liên kể là lúc đó, cha của nghệ sĩ Minh Vương có dắt anh đến gặp bà. Lúc đó Minh Vương đang còn rất trẻ, chưa có tiếng tăm dù đã hát cho hãng dĩa Việt Hải. Bà Sáu Liên cùng soạn giả Loan Thảo quyết tâm lăng xê giọng ca của nghệ sĩ Minh Vương với bài Bông lang (sic) hát cùng với một cô đào đang nổi tiếng và từng hát cặp với Minh Phụng, Minh Cảnh là Lệ Thủy. Minh Vương phất lên từ đó, được soạn giả Loan Thảo “đo ni đóng giày”, tìm bài bản phù hợp để cho anh biểu diễn. Sau đó, đến các giọng ca Chí Tâm, Thanh Kim Huệ được đưa lên từ hãng dĩa này. Bà Sáu Liên thỉnh thoảng còn nhắc với các con về buổi tất niên trước năm 1975 tại nhà của gia đình số 37 Phạm Đăng Hưng, Đa Kao với đông đủ các nghệ sĩ của hãng dĩa, một buổi tất niên thời hoàng kim của hãng Dĩa hát Việt Nam. Tân nhạc đã có vị trí trong hãng dĩa của bà, thu nhiều dĩa nhạc của Phương Dung, Hoàng Oanh và đến đầu thập niên 1970, các ca khúc tân cổ đều chuyển sang thu âm bằng băng cassette và băng cối. Những băng nhạc như Rạng đông trên quê hương, Tình bơ vơ rất thu hút. Sau năm 1975, bà Sáu Liên không duy trì được hãng dĩa nhưng cố giữ nghề bằng cách liên kết với một đài truyền hình ở miền Tây để phát một số bài ca hay được phép hát. Đến năm 1991, bà làm lại băng dĩa, nhờ pháp nhân của ban nhạc Đồng Tháp làm lại các tuồng như Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận. Bà tiếp tục lăng xê các giọng ca mới như Châu Thanh, Phượng Hằng, Cẩm Tiên. Bà vẫn còn lợi thế của một người trong ngành, dù không phải là nghệ sĩ nhưng từng sống trong không khí âm nhạc từ nhỏ, biết nhận ra tuồng hay, bài ca ngọt ngào và đánh hơi được giọng ca nào sẽ trở thành sao. Nhiều ngôi sao tân cổ nhạc mới xuất hiện từ hãng dĩa của bà, nhiều tuồng cải lương được dàn dựng ở đây trở nên ăn khách như Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển… Bà Sáu Liên năm nay đã 85 tuổi. Do sức khỏe và sự minh mẫn của bà đã giảm sút nên chị Loan, con gái bà cố giữ hãng Dĩa hát Việt Nam trong tình hình băng dĩa ế ẩm. Ngôi nhà số 82 Hồ Tùng Mậu phải cho thuê tầng trệt để có tiền nuôi hãng dĩa. Chị Loan nói: “Tôi cố giữ hãng dĩa cho má vui, dù không biết còn mấy người đi mua dĩa trong khi ai cũng có thể nghe đàn hát trên internet”. Bà Sáu không thường lui tới hãng và nơi tầng lầu bày bán dĩa, nhưng bà vẫn giữ rất kỹ những dĩa gốc thu từ khi xưa. Chị Loan kể người trong nhà thường bảo nhau: “Ăn trộm mà có vào nhà, má không sợ mất hột xoàn, tiền bạc, mà chỉ sợ mất dĩa gốc!”. Những dĩa gốc này, suýt bị tiêu hủy năm 1978, có lúc đem đi giấu nhờ dưới gầm giường nhà hàng xóm giữa đám bụi bặm cho đến sau này bà chịu tốn kém chuyển thành CD, lưu giữ được di sản vọng cổ và tuồng cải lương một thời. Bao nhiêu nước chảy qua cầu từ đó, bao nhiêu người trở thành ngôi sao sân khấu, bao nhiêu tuồng tích trở thành khoảng đời trên sân khấu khiến bao người thổn thức. Những nghệ sĩ năm xưa từng thu dĩa tại hãng Lê Văn Tài và Dĩa hát Việt Nam vẫn yêu quý bà, rất vui mừng khi được gặp lại bà chủ hãng dĩa tận tâm và phóng khoáng với anh em nghệ sĩ từ thuở họ chân ướt chân ráo theo con đường ca hát. Bà đã và sẽ giữ lửa đam mê đến phút cuối, ngọn lửa có được từ khi bà còn là cô bé mới lớn phụ cha mẹ ở hãng dĩa Lê Văn Tài 70 năm trước. Phạm Công Luận