Có trích đoạn Út Hiền hát thay vai của Thanh Sang đoạn cuối, mà ko có bản nào của Hồng Nga đóng cả. Tiếc ghê!
Từng có báo viết:
Cô đào trẻ lấy “một biển nước mắt”
...Phải chăng ngay từ đầu khí chất của bà đã vừa non trẻ vừa già dặn, nên cha nuôi bà từ lúc dạy bà những bài ca đầu tiên đã nói hơi hướng của bà phù hợp với tâm sự của những cô đào vô phước. Nghĩa là buồn bã và chắc chắn lấy nước mắt người xem khi bị hành hạ. Nhận xét này của ông trùng khớp với nhiều người. Soạn giả Hoa Phượng - người thầy tinh thần của nhiều nghệ sĩ tài danh, người được xem là có “con mắt thần” nhìn thấu tâm tư họ - đã lần đầu viết cho bà một vai khai thác trọn nét bi thương nơi cô đào trẻ.
Ông nói: “Số cô lăng nhăng, nhưng cô quả. Tình duyên dầm dề, nhưng lại là một đứa con gái chung thủy, chung tình...”. Bà nhận vai cô giáo Lan trong vở Tuyệt tình ca, lên sàn tập khi 18 tuổi, vừa sinh con gái đầu lòng chỉ mới 17 ngày. Hoa Phượng nói thêm: “Tôi cho cô vai diễn này, nó sẽ theo cô suốt đời!”. Quả thật, vai diễn rất giống số phận của bà.
Sự thấu hiểu sâu sắc của ông đã giúp bà có một vai diễn để đời. Ông đi vào những ngõ ngách tâm hồn của một phụ nữ bất hạnh trong tình duyên, liệu ông có biết rằng ông cũng đang khơi dậy một mạch nguồn bất tận.
Vai diễn xuất hiện ở màn cuối đã khiến ông Cò (nghệ sĩ Út Trà Ôn) bật lên nỗi ray rứt sau 20 năm gặp lại vợ con. Hồng Nga đã thể hiện quá thật những nỗi trách móc, hờn ghen mà cam chịu dịu dàng nên càng bi cảm. Lời ca chan chứa: “Nhưng chồng của tôi lại quá đỗi bạc tình, về với vợ lớn rồi, không trở lại thăm mẹ con tôi... Mình còn nhớ không, ngày xưa thấy tôi cực khổ, mình thường ví tôi với loài chim dương nga... Nhưng mình ơi, trách thì trách vậy nhưng lòng tôi một mực với mình. Tôi vẫn thương, tôi vẫn yêu mình trong suốt mấy chục năm dài...”.
Những người cùng thời với Hồng Nga kể lại cô giáo Lan thuở ấy đã lấy được “cả biển nước mắt”. Họ đã chứng kiến cảnh... đàn ông trong rạp khóc nức lên mỗi khi Hồng Nga nâng bàn tay người chồng cất tiếng: “Mình... mình còn sống đây sao mình”. Ngay từ dạo đó, người ta đã thấy chữ “tình” trong nét diễn, giọng ca của bà mênh mang u uẩn dù tuổi còn trẻ, đầu còn xanh. Và vai diễn thành công bởi lẽ “Người diễn vì tình mà diễn. Người xem vì tình mà đau”.
TRÍCH ĐOẠN TUYỆT TÌNH CA - UTO, UBL, BẠCH TUYẾT, ÚT HIỀN