Các thể điệu ngâm thơ:
- Ở miển Bắc, các lối ngâm phổ biến gồm có: thơ Cổ Phong, Kiều, lẫy Kiều, Sa Mạc và Ru Em.
- Ở miền Trung có lối ngâm thơ Huế.
- Ở miền Nam có lối ngâm thơ Vân Tiên và đặc biệt một lối ngâm thơ mới được phổ biến rộng rãi từ năm 1954 đến nay là lối ngâm thơ Tao Đàn, song song đó các nhạc sĩ đã đưa nhạc cụ Tây Phương vào như Guitar, Piano để đệm cho lối ngâm thơ mới (thơ Tao Đàn) này.
1. Những nét độc đáo của các lối ngâm thơ:
- Đầu tiên nói về thơ Cổ Phong: với nét rung đỗ hột trong cổ họng của người ngâm tương tự như lối ngâm nga trong Ca Trù. Lối ngâm thơ Cổ Phong thường được dùng để diễn ngâm các bài thơ cổ và những bài thơ diễn đạt tình yêu với đất nước, con người.
- Thơ Kiều: đây là lối ngâm gắn kết với truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, những chữ ngân, luyến, láy trong lối ngâm thơ Kiều và lẫy thường nhẹ nhàng, mượt mà hơn lối ngâm Cổ Phong.
- Về lối ngâm thơ Sa Mạc: có thể dùng để trình bày nhiều thể loại và đề tài khác nhau, từ những nét buồn man mác trong thơ cổ cho đến những tình cảm nhớ nhung của dòng thơ lãng mạn, người ngâm thường ngâm nga thêm thắt chữ cuối cùng của câu thơ bằng chữ ‘i…i…i…’ tạo nên một phong cách đặc trưng của lối ngâm Sa Mạc nầy.
- Ru em ở mỗi địa phương có những điệu ru em khác nhau, riêng lối ru em miền Bắc đã được ứng dụng để diễn ngâm những bài có tính chất giáo dục khuyên bảo và các chữ ‘à … à… ơi…, à… à… ới…’ được lập đi lập lại nhiều lần trước khi bắt đầu câu.
- Ngâm thơ Huế: với sự vận dụng hơi ‘Ai” trong nhạc Huế cộng thêm những chữ trong câu được ngâm và phát âm theo phong cách Huế. Thí dụ như những chữ có dấu sắc được phát âm thành dấu nặng (chữ nắng trở thành chữ nặng), những chữ có dấu hỏi, ngã được phát âm thành chữ mang dấu huyền (chữ nhảy trở thành chữ nhày) v.v…
- Ngoài ra giọng ngâm cao vút đã tạo nên lối đặc biệt độc đáo riêng, đã từng làm thẩn thờ người hâm mộ thơ ca qua bài “Đây Thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử qua giọng ngâm của Hồng Vân, Hoàng Oanh.
- Ngâm thơ Tao Đàn: với những bài thơ tình có tính chất sầu muộn, thường những bài thơ mới sáng tác sau nầy với phong cách tự do khi ngâm hơn, người ngâm có thể cùng một lúc kết hợp nhiều lối ngâm trong một bài, tạo cho người nghe cảm giác mới mẻ hơn, lôi cuốn hơn là chỉ một lối ngâm từ đầu đến cuối bài.
- Ngâm thơ Vân Tiên vẫn còn xuất hiện rải rác trong các vỡ tuồng Cải Lương với lối ngân nga khỏe và rõ ràng chất giọng miền Nam.
Trên đây chỉ là những nét căn bản về các hình thức ngâm thơ, muốn được rõ ràng chúng ta ngoài việc kết hợp giữa sự phân tích khác biệt các lối ngâm, không chỉ đơn sơ như trên mà còn đòi hỏi đi sâu vào việc nghe và phân tích nghệ thuật khác biệt trong cách luyến láy của từng chữ đặc biệt của từng lối ngâm. Thí dụ: làm sao nghe để phân biệt được đâu là lối ngâm thơ Tao Đàn và đâu là lối ngâm thơ Sa Mạc v.v…
Ngày nay chúng ta vẫn còn yêu chuộng mỗi khi được nghe ngâm thơ. Đây là hình thức nghệ thuật Cổ Truyền của dân tộc Việt Nam, cần được quý trọng, gìn giữ và phát triển.