Năm 2012 tác giả Trần Phước Thuận cho xuất bản cuốn “Bước đầu tìm hiểu tác giả và tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu” gồm những bài ông đã viết từng được đăng rải rác trên các báo và các trang mạng trên 10 năm trước đó. Cuốn sách này giới thiệu 15 tác giả tiêu biểu của Bạc Liêu có ảnh hưởng tới nền cổ nhạc miền Nam. Tuy được Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam đánh giá là một tác phẩm thuộc loại nghiên cứu, sưu tầm, nhưng các bài viết của Trần Phước Thuận không dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học mà chỉ dựa trên cảm tính chủ quan, không có chứng cớ và đa phần thuộc loại giai thoại, huyền thoại với chủ đích đề cao địa phương Bạc Liêu trong lãnh vực cổ nhạc.
Theo Trần Phước Thuận, Nhạc Khị là người đã canh tân, hiệu đính và hệ thống hóa 20 bản Tổ của nền cổ nhạc miền Nam. Mở đầu cho bài viết thứ nhất có tựa đề là “Nhạc Khị”, Trần Phước Thuận viết: “Nhạc Khị – người khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, đã được anh em nghệ nhân, nghệ sĩ ở đây tôn xưng là Hậu Tổ…” và ông đã chú thích ý nghĩa của chữ “nhạc” này là: “Trong những thập niên trước, người Bạc Liêu ít khi gọi những thầy đờn cổ nhạc là nhạc sư hay nhạc sĩ, mà chỉ gọi vắn tắt là “nhạc” cộng thêm cái tên của người đó. Từ “nhạc” vừa để chỉ nghề nghiệp vừa để chỉ tính chất chuyên nghiệp, lâu dần trở thành một thành tố của tên người”. Chỉ riêng với lời giải thích ngay trong dòng đầu tiên của cuốn sách cũng đã đủ để cho độc giả đánh giá về sự chính xác của tác phẩm này.
Trở lại đầu thế kỷ 20 ở miền Nam, tên của người ta thường được ghép với nghề nghiệp hoặc chức vụ của họ, thí dụ như trong nhạc giới, các vị sau đây thường được người miền Nam nhắc tới như Phó Mười Hai (phó tổng Mười Hai – Tống Hữu Định), Ký Quờn (thầy ký Quờn – Trần Quang Quờn), Đốc phủ Bảy (Đốc phủ sứ Lê Quang Liêm), Sư Nguyệt Chiếu, Bầu Ninh (ông bầu gánh hát bội tên Lương Khắc Ninh), Giáo Thinh (thầy giáo tên Thinh – Nguyễn Văn Thinh)…., những người thuộc giới nhạc lễ thì được gọi là “nhạc” (nhạc-sanh tức là người đứng đầu ban cổ nhạc) ghép với tên của mình như Nhạc Láo, Nhạc Thời ở vùng Cần Giuộc, Cần Đước. Như vậy, khi đề cập tới tên “Nhạc Khị” thì ta biết ngay là ông Khị chuyên về nhạc lễ chứ không phải là chỉ dùng để gọi một ông thầy đờn cổ nhạc đơn thuần. Riêng các vị nhạc sư, nhạc sĩ thời trước được dân miền Nam gọi là “thầy” hoặc “cậu” (chữ “cậu” sau này vẫn được giới cải lương dùng để gọi các ông bầu hoặc các nghệ sĩ đàn anh được trọng vọng trong nghề). Ngoài ra, các nhạc sĩ, ca sĩ thời đó được gọi với cái tên rất đặc thù của người miền Nam là lấy thứ bậc trong gia đình ghép với cái tên của mình như Ba Đợi, cô Hai Cúc, Tư Triều, Sáu Lầu…
Nếu như Trần Phước Thuận chỉ đề cao Nhạc Khị là “Hậu tổ cổ nhạc Bạc Liêu” thì đó là chuyện riêng của địa phương Bạc Liêu, không có gì đáng bàn, nhưng ông lại viết: “Nhạc Khị là người Bạc Liêu đầu tiên có công trong việc canh tân, hiệu đính và hệ thống hóa hai mươi bản Tổ để làm cơ sở cho đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ” và để chứng minh Nhạc Khị là người đã hệ thống hóa 20 bản Tổ, Trần Phước Thuận đem Cao Văn Lầu ra làm nhân chứng: “Tôi (nhạc sĩ Cao Văn Lầu) được thầy (Nhạc Khị) dạy đủ 20 bản Tổ và bốn bài tứ bửu từ năm 1906. Chính thầy là người có công trong việc canh tân, hiệu đính, đặt tên và hệ thống 20 bản nhạc có giai điệu độc lập thành 20 bản Tổ (ba nam, sáu bắc, tứ oán và bảy bài nhạc lễ)”.
Lời của Cao Văn Lầu có đáng tin cậy hay không thì chúng ta hãy tìm đọc bài viết của nhà báo Thanh Cao đăng trên báo Dân Mới ngày 20-12-1953 với tựa đề “Một cuộc phỏng vấn bất ngờ”, lúc đó Cao Văn Lầu còn không nhớ rõ năm sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang và năm sanh của mình thì làm sao mà ta có thể tin được sự chính xác khi ông kể về ngày tháng của những việc làm của thầy ông! Ngoài ra, từ buổi hội thảo đầu tiên về bài Dạ Cổ Hoài Lang vào năm 1989 cho tới nay, đã có nhiều bài viết và nhiều cuộc hội thảo của các nhà nghiên cứu về đề tài Dạ Cổ Hoài Lang nhưng kết quả cũng chỉ là những sự phỏng đoán về năm tháng cùng nguyên nhân ra đời của bài Dạ Cổ Hoài Lang, trong đó có cả những cuộc phỏng vấn Cao Văn Lầu khi ông còn sanh tiền, vì vậy, lời khẳng định của Cao Văn Lầu về việc ông học đủ 20 bài Tổ và bộ Tứ Bửu vào năm 1906 cần phải kiểm chứng lại.
Về tài nghệ của Nhạc Khị, Vương Hồng Sển kể rằng Nhạc Khị có thể một mình chơi được nhiều loại nhạc khí cùng một lúc: “Ông Hai Khị đau cổ xạ, ngón tay co rút và ngo ngoe rất khó. Thế mà ông có tài riêng, không ai bắt chước được. Ai muốn thử tài cứ đến nhà, ban đầu ông dở mùng cho xem, chỉ thấy trống, kèn, chụp chõa trơ trơ ở trong ấy, thế rồi khách ra ngồi salon, ông Khị chun vô mùng, một “mình ên” rồi bỗng nghe trọn bộ cổ nhạc khua động có tiết tấu nhịp nhàng y như có cả bốn năm người hòa tấu: trống xổ, kèn thổi, đờn kéo ò e, chụp chõa lùng tùng xòa, các việc đều do một mình ông Nhạc Khị (Nhạc sanh Khị) điều khiển” và theo Huỳnh Minh trong “Bạc Liêu Xưa và Nay” thì “Nhạc Khị sử dụng bốn món nhạc khí: Đẩu, bạt, kèn, phách tấu lên cùng một lúc, rất mực điêu luyện, ai cũng khen phục”, đó là những nhạc khí dùng cho bộ môn nhạc lễ chứ không phải là của nhạc Tài Tử. Theo Trần Phước Thuận, “Năm 30 tuổi, Nhạc Khị đã thành lập ban nhạc cổ, bề ngoài là một ban nhạc phục vụ các buổi ma chay, tiệc tùng, lễ lạc... để kiếm sống, nhưng thực chất đây là một “lò” đào luyện ca nhạc sĩ Bạc Liêu, cũng vừa làm phương tiện để tuyên truyền những bài ca yêu nước”, như vậy là năm 1900 Nhạc Khị mới thành lập ban nhạc lễ và đào tạo học trò nhưng ông Thuận không nói rõ là tới năm nào Nhạc Khị mới chuyển qua nhạc Tài Tử vì hai bộ môn này khác nhau, dàn nhạc lễ chủ yếu là bộ gõ (trống, đẩu, thanh la, bạt, bồng…) cùng với bộ hơi (kèn) và trong bộ đờn cây thì dùng đờn cò, gáo là chánh, trong khi nhạc Tài Tử chỉ có bộ đờn cây và tiêu, sáo mà thôi. Khi Nhạc Khị mới thành lập ban nhạc lễ thì vào năm 1900 đã có nhóm nhạc Tài Tử miền Đông của Tư Triều ở Mỹ Tho sang Pháp trình diễn rồi, tức là lúc đó phong trào nhạc Tài Tử đã phát triển rộng rãi ở miền Nam và đã có nhiều người đờn ca tài giỏi nên mới dám “đem chuông đi đánh xứ người” để giới thiệu một bộ môn nghệ thuật về văn hóa như vậy và Phụng Hoàng Sang ở Sàigòn cũng đã cho xuất bản một cuốn sách về bản đờn và bài ca cho nhạc Tài Tử từ năm 1903.
Thêm một điều quan trọng nữa mà chúng ta cần phải nhấn mạnh là vào năm 1906 chưa có hệ thống 20 bản Tổ như Cao Văn Lầu đã nói cho Trần Phước Thuận “nghe được trực tiếp” để viết lại sau này.
Trở lại quá trình của bộ môn nhạc Tài Tử là do các bộ môn ca Huế, nhạc Lễ, hát Bội và Nhã Nhạc cung đình theo bước chân khẩn hoang của những người dân miền Trung vào Nam, qua mỗi vùng đất nước, thâu nhận thêm những bài dân ca, câu hò, điệu lý của từng vùng mà tạo thành một loại ca nhạc “sa lông”, tức là loại để đờn ca giải trí vui chơi trong lúc nhàn hạ chứ không có trình diễn trên sân khấu gọi là nhạc Tài Tử. Sau cuộc binh biến kinh thành Huế vào năm 1885, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình lánh nạn vào miền Nam sinh sống đã làm cho bộ môn nhạc Tài Tử phong phú thêm và đến cuối thế kỷ 19 thì đã có nhiều nhóm sinh hoạt về nhạc Tài Tử ở các nơi như Sàigòn, Long An, Mỹ Tho, Long Xuyên, Vĩnh Long, Cần Thơ... Ta cũng phải nhắc thêm các vị khoa bảng của miền Nam đã từng ra Huế học nên biết về ca Huế đã có công đóng góp cho bộ môn nhạc Tài Tử như Phan Hiển Đạo (Vĩnh Kim, Mỹ Tho), Tôn Thọ Tường (Sàigòn)…
Đến đầu thế kỷ 20 thì mỗi miền, mỗi vùng ở Nam bộ đều có những người ca hay đờn giỏi, nhưng tựu trung thì ta có thể chia ra làm hai nhóm là nhạc Tài Tử miền Đông (gồm các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Tân An (bây giờ là Long An), Tây Ninh, Gò Công, Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho) và miền Tây (gồm các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu). Tuy không có sự bầu bán nhưng nhạc sư Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại) ở miền Đông và Ký Quờn (Trần Quang Quờn) ở miền Tây được coi như là chủ soái của hai nhóm này. Về nhạc sĩ của mỗi vùng thì Sàigòn có Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tùng Bá, Cao Quỳnh Diêu, Cao Quỳnh Cư; miền Đông (Long An, Sàigòn, Chợ Lớn, Bình Dương) có Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi); Mỹ Tho có Tư Triều (Nguyễn Tống Triều), Bảy Triều, Năm Khương (Vĩnh Kim); Vĩnh Long có Phạm Đăng Đàn, Kinh Lịch Quờn (Trần Quang Quờn), Tống Hữu Định (Phó Mười Hai).... Về soạn giả thì có các ông Trương Duy Toản (Vĩnh Long), Nguyễn Trọng Quyền (Long Xuyên), Phụng Hoàng Sang, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tùng Bá (Sàigòn), Trần Phong Sắc (Tân An, Long An)... Đó là tên tuổi các vị thầy đờn, soạn giả của bộ môn nhạc Tài Tử đã được nhạc giới biết tiếng trong những năm 1900-1920.
Khi bộ môn Cải Lương thành hình và được phổ biến rộng rãi vào đầu thập niên 1920 thì nhạc Tài Tử được đưa vào trong các vở tuồng cải lương, nhưng bài bản của nhạc Tài Tử ở mỗi vùng lại có nhiều dị biệt nên qua sự trung gian hòa giải của các vị thầy đờn Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tùng Bá, Phạm Đăng Đàng và dưới sự chủ trì của Ba Đợi, hai nhóm nhạc miền Đông và miền Tây đã họp tại Nhà Dài thuộc xã Tân Lân, Cần Đước, Long An để thống nhất bài bản và phong cách trình tấu Đờn Ca Tài Tử Nam bộ. Một điều quan trọng mà nhà nghiên cứu Nhị Tấn đã nhấn mạnh về phong cách trình tấu của Đờn Ca Tài Tử Nam bộ là: “Từ cuộc họp nầy, 20 bài bản Tổ mới ra đời, những bài bản được lựa chọn, tiêu biểu cho 4 điệu nhạc của Đờn ca tài tử Nam bộ, có cấu trúc âm thanh khác nhau, 6 bản điệu Bắc, 7 bài điệu Hạ (nhạc lễ), 3 bản điệu Nam, 4 bản điệu Oán và 4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự. Ngoài các cấu trúc âm thanh của 4 điệu 4 hơi nầy ra, các hơi điệu Quảng Đông, Triều Châu, Khờ Me, ký âm theo Nhạc Tây phương, không đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, giới chơi Đờn ca tài tử Nam bộ chính thống, không chấp nhận”. Trong khi đó, theo sách “Ca nhạc cổ điển” của Trịnh Thiên Tư thì ta thấy đa số bài bản do các nhạc sĩ, soạn giả ở Bạc Liêu sáng tác mang hơi Tiều được dùng nhiều trong bộ môn cải lương.
Ngoài ra, chúng ta có thể kiểm chứng dễ dàng là theo dõi diễn tiến tên gọi của bài Tứ Đại Oán, một bài ca rất phổ thông vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trước thập niên 1920 khi chưa có hệ thống 20 bản Tổ thì bài này được báo giới cùng nhạc giới thời đó gọi là “Tứ Đại” mà thôi, sau này khi bản Tứ Đại được đưa vào thể điệu Oán của hệ thống 20 bản Tổ thì từ đó cái tên “Tứ Đại Oán” mới được dùng cho tới bây giờ. Tên gọi “Tứ Đại Oán” đầu tiên được tìm thấy trong những vở tuồng cải lương “Bội Phu Quả Báo” của Nguyễn Trọng Quyền in vào tháng 6 năm 1923, sau đó là các vở “Nguyệt Hà tầm phu”, “Sát thê cầu tướng”, “Nguyệt Kiểu xuất gia”, của Trần Phong Sắc in năm 1925, kế tiếp là các tuồng cải lương “Kim Vân Kiều” của Lê Công Kiền, “Giọt lệ chung tình” của Nguyễn Tri Khương soạn năm 1926… Cũng trong năm 1926 Trần Phong Sắc cho xuất bản cuốn “Cầm Ca Tân Điệu” có in đủ 20 bản Tổ gồm 4 thể điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán như hiện nay cùng với một số bài bản tài tử cả vắn lẫn dài, trong đó có một số bài Ngự và sau hết là các bài lý cùng một số bài thông dụng của sân khấu cải lương, đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam phổ biến đầy đủ 20 bản Tổ của bộ môn nhạc Tài Tử Nam bộ gồm có cả bản đờn và bài ca.
Như vậy ta có thể phỏng đoán khá chính xác là hệ thống 20 bản Tổ ra đời trong cuộc họp thống nhất bài bản vào năm 1922 hoặc trễ lắm là trước tháng 6 năm 1923 tại xã Tân Lân, Cần Đước, Long An do Ba Đợi chủ tọa với sự đóng góp của hai nhóm nhạc Tài Tử miền Đông và miền Tây, có thể cũng có sự tham dự của các soạn giả Nguyễn Trọng Quyền và Trần Phong Sắc nên các ông đã là những người tiên phong hưởng ứng và phổ biến tên của 20 bài bản Tổ trong các vở tuồng cải lương cũng như đã tập hợp các bài bản của bộ môn nhạc tài tử và cải lương để in thành sách theo hệ thống mới này. Cũng cần nói thêm là Trần Phong Sắc (1873-1928) cùng với Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953) và Trương Duy Toản (1885-1957) là ba vị Thầy tuồng (vừa là soạn giả vừa đạo diễn) nổi tiếng nhất trong ba thập niên đầu của thế kỷ 20. Điều này cũng chứng minh thêm là vào năm 1906 chưa có hệ thống 20 bản Tổ gồm 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài Lễ (7 bài Cò hoặc 7 bài Bắc Lễ) theo những tên bài bản đã được thống nhất mà nhạc giới miền Nam đã và đang dùng hiện nay để cho Cao Văn Lầu có thể học đầy đủ 20 bản từ Nhạc Khị.
Việc Cao Văn Lầu học đủ 20 bản Tổ và bộ Tứ Bửu từ năm 1906 là do Trần Phước Thuận thuật lại với nhà báo Nguyễn Thiện được đăng trên Phụ Nữ Online ngày 28-4-2014 với tựa đề “Trần Phước Thuận - từ điển sống về đờn ca tài tử Nam bộ”, nhưng “từ điển sống” này lại quên một điều là ông đã từng viết về bước đầu học nhạc của Cao Văn Lầu như sau: “Cao Văn Lầu nhiều lần nghe ông tấu đờn đã sinh lòng mến thích, nên đã xin cha cho học đờn. Ông Chín Giỏi cũng là một người biết đờn, mặc dù đờn không giỏi lắm, nhưng lại mang nặng nghiệp cầm ca, nên khi nghe con xin học đờn mà vị thầy lại là một người có tiếng tăm lừng lẫy, nên ông liền đồng ý. Thế là vài ngày sau, ông Chín Giỏi dắt con đến nhà Nhạc Khị để xin thụ nghiệp (1908), Nhạc Khị lúc đó cũng vừa thành lập ban cổ nhạc được vài năm rất cần những tài năng trẻ nên vui lòng chấp nhận”. Năm 1908 mới được đi học nhạc mà năm 1906 đã biết đờn đủ 20 bản Tổ và bộ Tứ Bửu thì quả thật Cao Văn Lầu là... thiên tài có một không hai trên đời, đó là chưa kể tới việc những người muốn học đờn đủ 20 bản Tổ phải mất một thời gian dài. Những điều bịa đặt thường gặp phải trường hợp “tiền hậu bất nhất” là vậy!
Khi viết cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” vào năm 1903, trong phần Tiểu tự, Phụng Hoàng Sang có nhắc tới tên của các nhân vật thuộc bộ môn nhạc Tài Tử đương thời như sau: “Còn những người nào muốn rõ biết cách thức cao xa nữa thì xin nhờ mấy người danh sư, như là: Cậu Ba Đại, thầy Phạm Đăng Đàn, cậu Tám Cang, thầy Giáo Nghĩa, cậu Tư Chấn, cùng là thầy Liên Phong, mấy thầy ấy rõ biết cách thức nhiều, và cũng vui lòng mà chỉ thêm cho những người mộ điệu tài tử”. Đến năm 1918 thì báo giới có nhắc tới ban nhạc của Ký Quờn khi nhóm này tham gia chung với Hội Nhựt Báo Nam Kỳ đi Lục Tỉnh diễn tuồng “Pháp Việt Nhứt Gia”. Đó là những tên tuổi của các vị đã có tiếng tăm trong bộ môn nhạc Tài Tử hồi đầu thế kỷ 20, trong đó ta phải kể thêm Nguyễn Tùng Bá là người đã hợp tác với Phụng Hoàng Sang viết cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca”. Nguyễn Tùng Bá còn viết thêm cuốn “Bản đờn kiềm (kìm)” vào năm 1913 gồm những bản đờn của bộ môn nhạc Tài Tử và cũng có xuống miền Lục Tỉnh dạy nhạc Tài Tử một thời gian. Rất có thể là trong dịp này Nhạc Khị, một người chuyên về nhạc Lễ gặp Nguyễn Tùng Bá nên mới có cơ hội tiếp xúc với nhạc Tài Tử để sau này khi Bảy Kiên qua học Đờn Ca Tài Tử với Nhạc Khị đã chép được bản “Bát Man Tấn Cống” mà Trần Phước Thuận cho là Bảy Kiên sáng tác, nhưng ông Thuận cũng đặt nghi vấn là miền Đông cũng có một bản nên không rõ là bản nào có trước! Thật ra thì bản “Bát Man Tấn Cống” trong bộ Bát Ngự do Ba Đợi sáng tác vào năm 1898-1899 và đã được Phụng Hoàng Sang in trong cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” từ năm 1903, Nguyễn Tùng Bá cũng cho in lại vào năm 1913 trong cuốn “Bản đờn kiềm (kìm)” nên ta có thể đoán Nguyễn Tùng Bá chính là người đã phổ biến bản này cho nhóm cổ nhạc tại Bạc Liêu.
Tóm lại, trước khi bài Dạ Cổ Hoài Lang ra đời, ta chưa thấy báo giới hoặc nhạc giới đề cập tới tên của Nhạc Khị hoặc về địa phương Bạc Liêu trong những đề tài về ca nhạc. Theo Huỳnh Minh trong “Bạc Liêu Xưa và Nay” thì “Nhưng tiếc cho tài hoa bạc mạng, vì vướng bịnh cùi mà Nhạc Khị phải lui dần vào bóng tối” và “Nếu Nhạc Khị đã vì bịnh phong đơn mà phải sớm lui, để ngậm ngùi cho khách mộ điệu không ít, thì Bảy Kiên cũng khiến giới cầm ca cảm mộ vô cùng vì đoạn đời khá ly kỳ của ông”, nhưng tác giả Huỳnh Minh không cho biết là Nhạc Khị “lui dần vào bóng tối” vào năm nào.
Học giả Vương Hồng Sển cho ta biết rõ thêm một chi tiết nữa về nghề riêng của Nhạc Khị: “Ở Bạc Liêu, có ông nhạc sanh Hai Khị, thiện nghệ nhiều cây đờn và ông là người Minh Hương, từng thọ giáo đờn Tiều (Triều Châu) tươi mướt đẹp như cô gái “đầu gà đít vịt”. Nhờ pha điệu Tiều nên chế ra điệu Vọng Cổ Bạc Liêu sau nầy” và ông Sển cho Nhạc Khị là “đáng làm hậu tổ Cải Lương” cũng như ông đã nhấn mạnh ghi công hai nhân vật khác đáng làm hậu tổ Cải Lương nữa là André Lê Văn Thận và Trương Duy Toản chứ không phải chỉ riêng Nhạc Khị và ông cũng không đề cập tới việc Nhạc Khị là hậu tổ của Đờn Ca Tài Tử vì nhạc Tài Tử không có hơi điệu Tiều trong câu ca tiếng đờn. Soạn giả Nguyễn Phương cũng nhắc lại lời cô Phùng Há thường nói là: “Nếu nói đến hậu tổ Cải Lương thì bên nhạc đúng là ông Nhạc Khị, bên cải lương là ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền”. Ngoài ra, Vương Hồng Sển cũng giải thích thêm về sinh hoạt của các nhóm nhạc lễ thời đó: “Trước đó nữa, tại các tỉnh Nam kỳ không có giàn đờn cổ nhạc Việt, chỉ có giàn nhạc lễ (tỷ dụ ở Bạc Liêu có Nhạc Khị), thường dùng vào các cuộc đám ma nhà héo. Mỗi khi có đám tang, vào lúc canh khuya, sau buổi tế buổi tụng kinh, thường các thầy nhạc và thầy chùa bày ra đòi chủ nhà nấu cháo trắng để thức sáng đêm, và nhơn dịp ấy, họ cũng hòa đờn, tập dượt ca cho đúng nhịp, để đánh con buồn ngủ. Sau thành thói tục, mỗi dịp quan-hôn-tang-tế, thậm chí lễ mừng tân quan, tân gia, khai bằng, khánh hạ, đám giỗ, đám cưới đều có mời họ luôn cho rôm đám”. Do đó, ta có thể khẳng định Nhạc Khị là người giỏi về nhạc Lễ, biết đờn nhiều nhạc khí, có học nhạc Tiều, nhạc Tài Tử và sáng tác một số bài bản được dùng trong bộ môn nhạc Tài Tử, đã có công gầy dựng phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu mà sau này các truyền nhân của ông đã đóng góp nhiều cho sự lớn mạnh của bộ môn Cải Lương.
Riêng về việc Nhạc Khị có thể sử dụng được bốn, năm món nhạc khí cùng một lúc mà Trần Phước Thuận cho là “nhân vật huyền thoại” (trong sách in năm 2007 ông viết là “nhân vật thần thoại”) thì Vương Hồng Sển hoài nghi về tài nghệ đó: “Không ai biết ông làm cách nào mà được như vậy, có người làm tàng nói rằng ông Khị đánh trống bằng ngón chơn kẹp lại, nhưng còn tay nào đờn, miệng nào thổi kèn, rồi phèng là, chụp chõa không phải tự nhiên nó khua một lượt được? Quả là diệu thuật, và dốt biết ngồi nghe lại ít ai cười hơn”. Quả đúng là huyền thoại vì nếu thực sự mà Nhạc Khị có tài riêng như vậy thì tại sao lại phải chun vô trong mùng để biểu diễn? Vả lại, cầm kỳ thi họa là bốn thú vui tao nhã của tao nhân mặc khách thời xưa mà cầm (đờn) lại đứng đầu, không lẽ phong cách Đờn Ca Tài Tử của “Hậu tổ của Đờn Ca Tài Tử Bạc Liêu” là biểu diễn nhạc trong mùng như vậy hay sao?
Khi hai nhà báo Quốc Thắng và Trọng Duy phỏng vấn ông Võ Văn Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng Trưởng ban chỉ đạo Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014 tại Bạc Liêu vào lúc tỉnh đang chuẩn bị tổ chức buổi lễ hội này, ông chủ tịch tỉnh cho biết “Nhạc Khị là người Bạc Liêu đầu tiên có công trong việc canh tân, hiệu đính và hệ thống 20 bản Tổ” với những luận điệu và chi tiết giống như trong bài viết của Trần Phước Thuận. Cũng trong dịp này, Viện Âm Nhạc Việt Nam cho thực hiện dự án đầu tiên trong “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử” là “Dự án thống nhất 20 bản Tổ”, viện cho thu âm 20 bài bản Tổ do các danh cầm, danh ca được chọn từ 21 tỉnh thành của miền Nam, hai miền Đông, Tây mỗi miền đảm nhận 10 bài để thu âm. Việc thu âm được thực hiện ở 2 địa điểm là Bạc Liêu và TP. Hồ Chí Minh, điểm ở Bạc Liêu do nghệ sĩ ưu tú Thiện Vũ (tỉnh An Giang) phụ trách thực hiện. “Trăm nghe không bằng mắt thấy”, sau hơn 1 năm rưỡi thực hiện, bộ CD 20 bản Tổ hoàn tất vào khoảng tháng 11 năm 2015, 10 bài bản của miền Tây do Thiện Vũ phụ trách tại địa điểm Bạc Liêu với sự trợ giúp của thạc sĩ Huỳnh Khải (Long An) và một số ca, nhạc sĩ miền Đông vẫn chưa đạt tiêu chuẩn để nhà nghiên cứu Nhị Tấn, một thành viên trong Hội Đồng Nghệ Thuật của dự án này phải bức xúc lên tiếng phê bình trong bài “Nhận xét về bộ CD “20 bài bản Tổ Đờn Ca Tài Tử Nam bộ Việt Nam” của Viện Âm Nhạc Việt Nam – 2014”. Nếu quả thật Nhạc Khị là người đã hiệu đính và thống nhất 20 bài bản Tổ như người lãnh đạo của tỉnh Bạc Liêu và Trần Phước Thuận đã khẳng định thì điều tối thiểu là truyền nhân của Nhạc Khị tại Bạc Liêu cũng phải biết đờn, ca ít nhất là 10 bài bản Tổ nhưng điều này cũng chưa thực hiện được.
Hai mươi bản Tổ là kết tinh của nhiều bài bản do tiền nhân đã sáng tác từ trước để tạo nên một bộ môn nghệ thuật âm nhạc đặc thù của miền Nam và sự hệ thống hóa cùng thống nhất 20 bài bản Tổ không thể do một cá nhân làm được mà đây là sự kết hợp của nhạc giới cả hai miền Đông, Tây Nam bộ để lưu lại cho hậu thế bộ môn nghệ thuật độc đáo này và đó là sự đóng góp của tập thể, một truyền thống tốt đẹp của người miền Nam. Trên phương diện khảo cứu, những sự tìm tòi và phát hiện mới đều làm giàu cho nền văn hóa nước nhà. Chi tiết về Nhạc Khị là người đầu tiên canh tân, hiệu đính và hệ thống hóa 20 bản Tổ của nhạc Tài Tử do Trần Phước Thuận đưa ra cần phải chứng minh một cách khoa học và cụ thể hơn, nhất là bài viết của một ông Tổng thư ký của Hội Khoa Học Lịch Sử của một tỉnh được gọi là “cái nôi của Nhạc Tài Tử Nam Bộ” khi viết về đề tài lịch sử này.
Nguyễn Tuấn Khanh San Jose, ngày 15 tháng 5 năm 2016
(Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 3/2016)