1.10 giờ tối, đêm cuối tuần. tôi một mình “bầu bạn” cùng chiếc ti-vi. Đêm nhẹ nhàng rồi bất chợt sự háo hức, chờ mong quyện cùng không gian, đánh thức cả thời gian đưa tôi về nguồn cội trong chương trình “Sân khấu về khuya”.
Nàng Kiều Nguyệt Nga trong chiếc áo vàng dai dẳng niềm thương nỗi nhớ khi sắp là Hoàng Hậu sứ Ô Qua. Trên mạn thuyền, nàng luôn trông mắt hướng về quê cha đất Tổ. Khi giọng hát ngân lên hoà cùng lời tự sự chứa đầy chất thơ: “Riêng lòng chị như tơ vò trăm mối.
Nỗi lo nắng lạ mưa xa làm cho vóc liễu héo gầy, nỗi thương cha già tựa cửa hôm sớm quạnh hiu, nỗi nhớ khôn nguôi người đã vào thiên cổ, nỗi hận trong lòng không vẹn chữ trung trinh…” như đưa người xem đến tận cùng cảm xúc! Thanh trắc tạo sức dội, thanh bằng tạo sự vang xa, cuồn cuộn cùng tiếng sóng biển dường như không còn khoảng cách phân biệt với thanh âm của đạo cụ.
Thoáng chốc, nàng như cành liễu mỏng manh trước gió bão trong đêm tiễn biệt nhưng vẫn kiên dạ thủy chung, ôm bức họa người chồng họ Lục gieo mình xuống biển. Một sự ca diễn phối hợp hài hòa, gieo vào người xem sự thán phục cả lòng biết ơn bởi tài năng, tấm lòng người nghệ sĩ.
Cũng hơn mười tám năm, tôi mới có dịp “đối diện” một hình tượng văn học trong tuyệt phẩm của cụ Đồ Chiểu mà mình đã được học rồi yêu mến không biết tự khi nào. Tạc dạ lời thơ “Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” – nét đẹp vốn có ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam.
Người nghệ sĩ trong vai Kiều Nguyệt Nga là Cô – Cải lương chi bảo Bạch Tuyết.
Nhiều lần, tôi được mọi người “yêu cải lương” kể cho tôi nghe về Cô, nhất là Má tôi – người có “vốn cải lương” cũng kha khá. Má nhớ những vai diễn của Cô, những vở tuồng Cô đóng, rồi cả những chàng kép diễn cùng Cô. Má mê nhất là khi Cô diễn chung với nghệ sĩ Hùng Cường và Thành Được. Má mê “Đời cô Lưu”, mê “Kim Vân Kiều” sau này, trước đó là “Trăng thề vườn Thúy”, “Má hồng phận bạc” rồi “cung thương sầu nguyệt hạ”
Tôi thuộc thế hệ 8X, sanh ra và lớn lên không được thưởng thức nhiều những vở diễn ngay trên sân khấu và nhất là vở diễn có Cô. Tự mình tìm lại cho mình những hoài niệm sân khấu trong ký ức của Má, thế là tôi lao vào sưu tập những vở diễn của Cô qua băng cassette, dĩa CD.
Tìm từ thị trường chợ đen cho đến khi công ty Dĩa hát Việt Nam phát hành, đến nay tôi đã có những vở tuồng quý báu một thời “thánh đường sân khấu”. Là “Tuyệt tình ca”, Tần nương thất”, “Lỡ bước sang ngang”, “Nắng sớm mưa chiều”, “Thủ cung sa”, “Sơn nữ Phà Ca”.
Biết là giờ trên mạng người ta tải tràn lan nhưng vẫn vui vì mình sở hữu những “kỷ vật có hình hài”! Thêm nữa, có lẽ nhờ công nghệ số phát triển mà mình nghĩ rằng những thế hệ sau mình, cải lương có cơ hội được nghe để mà tồn tại, lưu giữ và phát triển.
Và giọng hát truyền cảm, “giọng hát chỉ có một không thể có hai, giọng hát ấy chỉ thuộc về nàng…” (Kim Vân Kiều), vai diễn sâu sắc, tinh tế của Cô – cải lương chi bảo Bạch Tuyết sẽ mãi sống cùng năm tháng…
Tôi vốn là một Phật tử trẻ, quy y Tam bảo chỉ mới hai năm. Torng hai năm ngắn ngủi, tôi cố gắng học Phật, làm những điều phải, giúp ích cho người cũng như cho bản thân mình. Nói như Cô đã từng nói: “Đi chùa học Phật để làm người tử tế”.
Tôi vẫn thường thấy Cô với nụ cười hoan hỉ, tất bật với bao công việc thiện nguyện trên những nẻo đường quê hương, từ chương trình “Ngôi nhà mơ ước” đến những show diễn quyên gọp vận động giúp đỡ người nghèo, trẻ em hiếu học. “Đạo vốn không nhan sắc – Mà ngày càng gấm hoa – Trong ba ngàn cõi ấy – Đâu chẳng phải là nhà” (Trường ca Kinh Pháp cú)
Một mình giữa muôn người, Cô cứ thế lặng lẽ trao những tin yêu mà không mong đón nhận lại một điều gì, dù là nhỏ nhặt nhất, đơn sơ nhất, Cô luôn dẫn dắt lời nói từ một nhà văn Nga: “Hành trang của đời người rất dài. Một mình bạn không thể chở hết. Tôi giúp bạn, bạn giúp người khác, người khác giúp người khác nữa… Cứ như thế chúng ta mới bước qua được cuộc đời này”.
Ai đó cứ mãi quay quắt về một bộ phận thế hệ trẻ hôm nay với lối sống tha hóa, ngu ngơ… Bằng tấm lòng nhiệt huyết, Cô đã nhắn gởi sự chỉ dạy với tinh thần Phật pháp bất diệt… “Em hỡi em ơi! Chớ sống hững hờ lỡ một mai đi về nơi gió cát. Đâu phải chỉ có lá vàng rơi trong chiều tàn man mác, mà lá xanh cũng tức tưởi lìa cành khi bất ngờ bão nỗi mưa bay…” (Lối mộng thiền xưa).
Đêm rong ruổi, song lại thả hồn cùng “tiếng hát lời ca đưa con về quê ngoại, mưa xứ mình cho ruộng vườn cây trái thêm xanh. Công đức sanh thành như biển Đông núi Thái. Mẹ với quê lương con nguyện mãi ơn người…” (Quê hương) mà cảm nhận cả bầu trời hạnh phúc!
“Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông, chảy trong óc trong tim trong những trang sử Tiên Rồng…” (Dương Vân Nga). Đêm nay, tôi lại tản mạn đêm cùng tất cả tấm lòng dành cho Cô cũng như nghệ thuật cải lương. Giở tờ lịch cho ngày mai, chợt nhận ra chỉ vài ngày nữa Cô sẽ thêm tuổi mới giữa chốn nhân sinh.
À, đúng rồi! mấy hôm nay tiếng nhạc Giáng sinh mãi rèo rắc, “tuyết trắng” điểm tô cho đời những cung bậc, thanh âm mùa mới. Chúc mừng sinh nhật Cô – Cải lương chi Bảo Bạch Tuyết với niềm thương kính! “Thần tượng giữa đời thường” trong tôi, trong bạn, trong những người mộ điệu cải lương, trong những người con Phật trên những cung đường Tổ Quốc Việt Nam.