@Triêuton và CLO4: hôm nay đọc bài viết này. NS Thanh Nhàn dưới đây có phải là NS mà anh TT muốn biết k?
Thứ Năm, 22/05/2008, 08:19 (GMT+7) Thợ may "cung đình"
Nghệ sĩ Thanh Nhàn với những bộ trang phục cung đình - Ảnh: Minh Tâm
TT - Có khoảng 50 đoàn hát bội, cải lương lớn nhỏ miền Tây đã tìm đến căn nhà ở xã Đông Bình, huyện Bình Minh, Vĩnh Long đặt may áo mão, cân đai... Đó là ngôi nhà của vợ chồng ông bà Nguyễn Thanh Nhàn - Nguyễn Thị Mai, "tiệm may cung đình" đã đo ni, đóng hia cho không biết bao nhiêu bậc "khanh tướng", "đế vương".
Từ nhỏ ông Nhàn và cha đã rong ruổi khắp ngả đường theo gánh hát bội Huỳnh Diệp do ông ngoại làm trưởng đoàn. Thời ấy trang phục mua lại các đoàn hát Quảng từ Trung Quốc sang nước ta biểu diễn. Giá không đắt so với thu nhập nghệ sĩ nên ai cũng có mấy rương đồ. Sau năm 1975, đoàn Quảng không sang hát nữa, một vài nghệ sĩ ở TP.HCM mày mò tự làm trang phục. Gánh hát miền Tây muốn có trang phục phải lên Sài Gòn mua, vận chuyển khó khăn, tốn kém, thu nhập lại thấp nên nghệ sĩ rủ nhau hùn tiền mỗi năm mua một lần. Phần đông gánh này thuê gánh kia, riết rồi hoàng bào vàng thếch, áo thụng lam bối tử ngả sang màu trắng nhách, mão sứt giềng.
Một lần làm vua áo rách…
Có lần ông Nhàn đang ngất ngưởng trên ngai vàng trong vai Trụ Vương, bỗng có khán giả nói vọng lên: "Trời, vua gì mà mặc đồ rách, cũ mèm!". Những tràng cười rộ lên. Đêm ấy ông cứ bần thần mãi, cảm thấy áy náy, có lỗi với người xem. Từ đó ý nghĩ tạo ra trang phục vừa túi tiền nghệ sĩ miền Tây cứ hối thúc ông ngày càng mãnh liệt.
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nhàn đang may trang phục - Ảnh: M.T.
Ngoài 50 đoàn hát miền Tây, còn có những "ông hoàng, bà chúa" ở TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, thậm chí ở Ninh Thuận cũng tìm đến ngôi nhà nhỏ ở Vĩnh Long của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Nhàn đặt hàng. Nhiều đoàn tìm đến để mua mỗi lần cả lố trang phục như đoàn Đồng Thinh (Vĩnh Long), Liên Hữu (An Giang), Ngọc Hà (Đồng Tháp), Sao Vàng, Thái Bình (Sóc Trăng)...
Cũng có những nghệ sĩ đặt may riêng như nghệ sĩ Thủy Tiên - đoàn Thái Bình (Sóc Trăng), nghệ sĩ Thái Châu - đoàn Sao Vàng (Sóc Trăng), nghệ sĩ Tấn Sĩ (Cần Thơ)... Trung bình cứ mỗi tháng "tiệm may cung đình" xuất xưởng một bộ.
Thế là ông quyết định cùng vợ học may. Đồng nghiệp, xóm giềng ai cũng ngạc nhiên tưởng ông chuyển sang nghề khác. Khi đã biết may, ông lấy rương đồ ông ngoại mở ra mày mò phác họa. Dù khéo tay, nhưng chỉ riêng việc vẽ hình rồng, dáng phượng cũng lắm trầy trật. Đơm xà cúc rất khó kết, chỉ sơ suất một tí là lồi lên lõm xuống khiến mắt rồng nhìn giống bị lé, chân phượng như bị khuyết tật.
Nhìn sản phẩm đầu tay: vải lót bên trong dúm lại, rồng như đang… thiu thiu ngủ, vợ chồng ông mếu máo, phải tháo hết ra đơm lại, rồi động viên nhau: "May đồ cho vua đâu dễ, triều đình ngày xưa phải có hẳn một bộ lễ lo chuyện đi đứng ăn mặc cho vua quan, sơ suất là bị chém bay đầu!". Khi đống vải hư ngày càng cao dần, tay nghề càng cứng. Những bộ trang phục thiên tuế, vương tôn… dần hình thành khá ấn tượng dưới đôi bàn tay cần mẫn của lòng say nghề mãnh liệt.
Ông Nhàn kể mỗi khi may phải tìm hiểu kỹ xem nhân vật sống ở thời đại nào, trung hay nịnh thần để từ đó có kiểu trang phục riêng. Chẳng hạn, quan trung đội mão "thẻ ngang", quan gian đội mão "bình thiên", tướng võ kiên dũng đội mão "ngạch đợi". Gánh hát miền Tây hát miễu, hát đình, đời nghệ sĩ rất nghèo nên ông cố vắt óc suy nghĩ lược được phần nào đỡ phần ấy. Mão vua có chín rồng, bớt lại còn tứ hoặc nhị long, có mão dùng luôn cho cả vua lẫn quan. Nếu diễn vai vua gắn thêm cái "chụp" ngang bên trên, nếu vai quan võ tháo "chụp" ra.
Mão để nhẹ đội, giảm giá thành, ông dùng giấy cứng làm sườn, phía ngoài là nhung, bên trong lót vải phi. Áo hoàng thái phi phải có hai trong tứ linh là hình qui và hạc, ông gút lại chỉ dùng hình hạc...
Đến 400 bộ trang phục cung đình
Bà Nguyễn Thị Mai cho biết: "Tất cả công đoạn đều được làm bằng tay thì sản phẩm mới sắc sảo. Mất mười ngày chúng tôi mới hoàn thành một cái áo gấm. Mão quan tốn hai ngày, mão vua gấp đôi. Còn hia cũng ngốn đến bốn ngày. Chất liệu vải gồm phi, nhung, xoa, lụa...". Do dụng công nên trang phục của vợ chồng ông dùng bền đến bốn năm. Đắt tiền nhất vẫn là trang phục vua chúa với giá 1,5 triệu đồng/bộ; trong đó mão: 500.000đ, hia: 400.000đ, quạt vua cầm: 200.000đ... Còn quan quân, công chúa, tì nữ khoảng 1 triệu đồng/bộ.
Ngoài cung cấp trang phục, ông Nhàn còn tham gia đi diễn ở các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, Vũng Tàu... Suốt năm, không tỉnh này thì tỉnh nọ tổ chức lễ hội kỳ yên nên lịch diễn của ông đặc cứng. Hai cô con gái ông cũng tiếp cha mẹ trong việc may áo tía, cân đai. Làm bao nhiêu tiền vợ chồng lại chắt chiu mua vải về may trang phục bấy nhiêu. 25 năm đeo nghề, ông may được khoảng 400 bộ trang phục. Ai có tiền thì mua, không thì tìm đến thuê.
Giá thuê trọn gói gồm trang phục, phông màn... là 700.000đ/suất. Ông Nhàn tâm sự: "Thật ra lấy công làm lời, nếu vợ chồng tôi mở tiệm may đồ thời trang, thu nhập sẽ nhiều hơn, nhưng mình bốn đời ăn cơm sân khấu, phải ráng chút sức mọn đền ơn tổ nghiệp".
Từ sự "đền ơn tổ nghiệp" đó, những bộ trang phục với giá bình dân của vợ chồng ông đã giúp người nghệ sĩ thêm uy nghi, lộng lẫy dưới ánh đèn sân khấu, làm cho tuồng hát được tăng thêm phần hấp dẫn khi những cái xoay mình uốn éo phất phơ màu xanh ngọc kiêu sa, những khúc khải hoàn rợp trời màu áo đỏ, áo tía oai hùng...
Theo: tuoitre online