1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Cuốn sách “Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há - Trọn đời trả nợ dâu” (nhiều tác giả) do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành bị chính người thân NSND Phùng Há tố cáo là bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng đến tên tuổi của bà

    Dư luận trong giới sân khấu nhiều ngày qua quan tâm nhiều đến sự kiện NSƯT Nam Hùng, con nuôi của cố NSND Phùng Há, gửi đơn kiện Nhà Xuất bản (NXB) Văn hóa - Văn nghệ. Theo ông, quyển sách “Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há - Trọn đời trả nợ dâu” (nhiều tác giả, trong đó có NSƯT Nam Hùng) do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành đã có nhiều chi tiết bịa đặt, không có cơ sở, xúc phạm danh dự NSND Phùng Há.

    Sự thật ở đâu?
    Là con nuôi đồng thời là người đại diện cho hội đồng gia tộc của bà Trương Phụng Hảo, tức NSND Phùng Há, NSƯT Nam Hùng đã sát cánh bên cạnh mẹ nuôi trên con đường hoạt động nghệ thuật những năm 1970-1980. Ngoài thời gian trên sàn diễn, ông gắn bó mật thiết với mẹ nuôi trong cuộc sống riêng tư hằng ngày của bà.

    NSƯT Nam Hùng đã có nhiều ghi chép có giá trị về cuộc đời, sự nghiệp nghệ thuật và cả quan niệm sống của NSND Phùng Há qua những biểu hiện trong giao tiếp với đồng nghiệp, với các nhà hoạt động văn hóa - chính trị, đặc biệt là với công chúng.Do đó, trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Người Lao Động, ông đặt vấn đề: “Ai đã bịa chuyện NSND Phùng Há không nhớ được ngày sinh của mình, phải lấy ngày 30-4 để làm ngày sinh?”.

    Theo NSƯT Nam Hùng, bài viết của tác giả Thanh Nhã in trong cuốn sách này có đoạn: “Do hoàn cảnh tuổi thơ cha mất sớm, mẹ nghèo khổ, bản thân phải lao vào mưu sinh từ những ngày còn bé, nghệ sĩ Phùng Há đã không còn nhớ rõ được ngày sinh của mình. Sau năm 1975, thể hiện sự quý mến tài năng, đức độ của bà, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn ngày thật có ý nghĩa đối với dân tộc là ngày thống nhất đất nước 30-4 làm sinh nhật của bà”.

    NSƯT Nam Hùng bức xúc: “Hoàn toàn bịa đặt! Không hiểu tác giả đã lấy đâu ra những thông tin này?”. Ông đưa ra giấy khai sinh của NSND Phùng Há gửi đính kèm để khẳng định thông tin này là bịa đặt.Theo NSƯT Nam Hùng, tác giả còn viết: “Cô đến với cách mạng từ độ tuổi thanh xuân. Cô đã sinh hoạt trong tổ chức Công hội đỏ của Xí nghiệp Ba Son, nơi cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng hoạt động trước khi làm thủy thủ tàu chiến Pháp” (?!).

    “Má Bảy Phùng Há của chúng tôi là nghệ sĩ, chỉ biết đi hát nên thông tin này phải kiểm chứng lại” - NSƯT Nam Hùng yêu cầu.Với chi tiết sau đây trong bài viết, ông cho là hết sức ngớ ngẩn: “Trong một đêm tướng Nguyễn Khánh (chế độ trước năm 1975 ở miền Nam) đến thăm nghệ sĩ Phùng Há, bà đã dạy: “Con nên ăn ở cho có đức, phải coi trọng dân vì lòng dân là ý trời, đừng tham quyền cố vị mà đi ngược lòng dân”.

    Nghe xong câu nói đó, tướng Nguyễn Khánh đã xé bỏ Hiến chương Vũng Tàu”!“Tôi gần gũi NSND Phùng Hà mấy mươi năm, chưa bao giờ thấy bà thích chen vào chuyện quốc sự, chỉ quan tâm đến nghệ thuật. Những giai thoại này tự tác giả hư cấu, bịa đặt rồi đưa vào bài viết như thông tin sự thật.

    Báo chí trước đây đăng vì mục đích gì tôi không biết nhưng một NXB đăng thành sách để vinh danh một nghệ sĩ đầu đàn đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp sân khấu của nước nhà thì phải chính xác, có cơ sở chứ?” - NSƯT Nam Hùng nêu quan điểm.

    Ẩu tả, thiếu trách nhiệm?
    Khi trình bày nỗi bức xúc của mình với phóng viên Báo Người Lao Động, NSƯT Nam Hùng đã xúc động ứa nước mắt vì ông là con mà không bảo vệ được danh dự cho mẹ.NSƯT Nam Hùng cho biết đầu năm 2013, NXB Văn hóa - Văn nghệ tỏ ý có nhu cầu in quyển sách “100 năm bây giờ mới kể” của ông.

    Ngày 29-5-2013, ông có mặt tại NXB này để trao đổi với ban giám đốc với điều kiện: NXB in 1.000 quyển sách, nhuận bút tác quyền của ông là 10 triệu đồng và 5 quyển sách, trừ 1 triệu đồng nộp thuế. Tuy nhiên, NSƯT Nam Hùng đã dè dặt nên chưa ký hợp đồng nhưng vẫn trao bản thảo để NXB biên tập và nói sau khi bản thảo hoàn chỉnh, ông đọc lại trước khi in. Lúc đó, ông sẽ quyết định ký hợp đồng và nhận tiền.


    Giấy khai sinh của NSND Phùng Há và ảnh bìa cuốn sách sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành


    Sau đó, nhiều lần NXB này đã đề nghị NSƯT Nam Hùng viết lại quyển ghi chép về cuộc đời nghệ thuật của NSND Phùng Há. “Theo họ, tầm cỡ của bà mà viết ngắn quá thì không xứng với một người được xem là ngôi sao lớn của sân khấu cải lương miền Nam. Tôi đã đồng ý, cố tìm lại trong trí nhớ những gì mình chưa viết ra để viết thêm. NXB đã hối thúc tôi hoàn tất sớm bản thảo với lý do sớm in để phát hành đúng ngày giỗ của bà (1-7-2014).

    Sau đó, tôi liên lạc với nhà văn Bích Ngân, phó giám đốc NXB, thì được biết sách đã in 1.000 quyển, của nhiều tác giả” - ông nhớ lại.NSƯT Nam Hùng đặt vấn đề: “Tôi chưa ký hợp đồng với NXB Văn hóa - Văn nghệ, sao lại tự in bản thảo của tôi? Luật pháp có cho phép làm điều đó không? Quyền tác giả ở đâu?”.NSƯT Nam Hùng cho biết Ban Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ vẫn trả nhuận bút ban đầu là 10 triệu đồng nhưng ông không nhận.

    “Tôi bức xúc không phải là tiền nhuận bút mà vì quyển sách của một NXB của TP HCM viết về một nghệ sĩ được xem là ngôi sao bắc đẩu trên bầu trời sân khấu cải lương nhưng lại làm thiếu trách nhiệm, ẩu tả. Khi tôi chưa ký hợp đồng, chưa đọc và có ý kiến về nội dung cuốn sách, họ đã tự ý in dù số lượng chỉ là 1.000 cuốn.

    Ngày 17-1-2015, tôi đã gửi đơn yêu cầu NXB Văn hóa - Văn nghệ đính chính những nội dung tôi liệt kê ở lời nói đầu, các trang: 80, 81, 83, 106 và thu hồi 1.000 cuốn sách đã in. Trong đơn, tôi nói rõ mình không nhận thù lao và không ký kết hợp đồng với NXB về việc in, phát hành quyển sách có nội dung thiếu trung thực về mẹ mình, về nghệ sĩ được cả giới sân khấu kính trọng, công chúng bao đời nay yêu mến”.

    NSƯT Nam Hùng cho hay văn bản yêu cầu của ông gửi NXB Văn hóa - Văn nghệ đến nay vẫn chưa được hồi âm. Ông yêu cầu nếu lưu hành 1.000 quyển sách đã in nêu trên, dù biếu tặng hay kinh doanh, NXB vẫn phải dán thật chặt những trang có nội dung ông đã yêu cầu đính chính vì sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của cố NSND Phùng Há.

    Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhà văn Bích Ngân nói: “Theo tôi, có đáng để đưa lên mặt báo vụ này?”.Thấy sai phải sửa, dù chỉ là chi tiết nhỏ, biết lỗi phải nhận mới là thái độ của người làm văn hóa, phải biết chịu trách nhiệm trước việc làm của mình.

    NSƯT Nam Hùng mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng tin rằng những gì ông yêu cầu đối với NXB Văn hóa - Văn nghệ không phải vì quyền lợi của mình không được đáp ứng mà vì ông luôn đi đúng con đường mẹ nuôi chỉ bảo: “Sự trung thực trong cuộc sống phải luôn được bảo vệ”.

    Kỳ tới: NXB Văn hóa - Văn nghệ nói gì?
    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Giang Tiên (03-06-2015), MEM (02-06-2015), Thanh Hậu (02-06-2015)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    "NSND Phùng Há bị xuyên tạc, xúc phạm?": NXB Văn hóa - Văn nghệ nói gì?

    Bằng thiện chí trong việc tiếp thu ý kiến phản ánh của NSƯT Nam Hùng, NXB Văn hóa - Văn nghệ nhìn nhận do sơ suất chứ không xuyên tạc, xúc phạm NSND Phùng Há

    Với mong muốn tôn vinh sự nghiệp và những đóng góp của cố NSND Phùng Há đối với nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc, NXB Văn hóa - Văn nghệ tập hợp những bài viết về bà để thực hiện quyển “Phùng Há - Trọn đời trả nợ dâu”. Tuy nhiên, NXB cũng thừa nhận trong quá trình phối hợp tổ chức xuất bản có một vài sơ suất và cho biết hiện nay cuốn sách đã đình chỉ phát hành.

    Chủ quan của NXB
    Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Văn hóa - Văn nghệ, nói rằng: “Quyển sách “Phùng Há - Trọn đời trả nợ dâu” là ấn phẩm nhằm tôn vinh tài năng, phẩm chất và công lao nghề nghiệp của NSND Phùng Há trên cơ sở tập hợp các bài viết của văn nghệ sĩ về bà.Trong số các tác giả, có sự nhiệt tình đóng góp của NSƯT Nam Hùng với bản thảo “NSND Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể” do ông biên soạn lại sau khi được đăng tải trên báo chí.

    Phần bài viết, hình ảnh về NSND Phùng Há và cả phần tự bạch của ông được đăng trong ấn phẩm chỉ chiếm 1/3 quyển sách. Trước khi thực hiện, NXB không ký hợp đồng với các tác giả vì có đến 26 tác giả tham gia, trong đó có NSƯT Nam Hùng, không phải vì chúng tôi thiếu tôn trọng tác giả mà xuất phát từ góc độ quyền lợi của các tác giả trong quyển sách, đặc biệt là ông.

    Do đây là sách không bán, chỉ biếu tặng nên khi không ký hợp đồng, tác giả sẽ không bị ràng buộc về nghĩa vụ thời hạn bản quyền với NXB (thông thường là từ 1 đến 5 năm; sau thời gian đó, tác giả mới được đưa bản thảo của mình đến nơi khác xuất bản).

    Chính vì điều đó và cân nhắc quyền lợi của những tác giả lớn tuổi, trong đó có NSƯT Nam Hùng, NXB đã không ký hợp đồng ràng buộc với tác giả, để ông có thể đưa bản thảo của mình đến in ở bất kỳ NXB nào.

    Rất đáng tiếc là thiện ý của NXB về quyền lợi của tác giả không được hiểu đúng. Nhưng dù sao, chúng tôi cũng mong NSƯT Nam Hùng thông cảm do đã không giải thích rõ vấn đề và xin lỗi ông về việc không tiến hành ký hợp đồng với ông trước khi in sách như ông mong muốn”.
    NSƯT Nam Hùng bên ngôi mộ mẹ nuôi - cố NSND Phùng Há

    Trong cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Người Lao Động với ban giám đốc và thành phần biên tập thực hiện quyển sách của NXB Văn hóa - Văn nghệ, bà Trịnh Bích Ngân, Phó Giám đốc NXB này, cho biết trong quá trình sưu tập, tìm kiếm văn bản từ các tư liệu trong thư viện quốc gia về cuộc đời, sự nghiệp của NSND Phùng Há, có sử dụng tư liệu trong cuốn “Cuộc đời và sự nghiệp NSND Phùng Há

    Nhà văn Sơn Nam” của Nguyễn Thanh Nhã sưu tầm và biên soạn, do NXB Văn học ấn hành năm 2011 nên chi tiết bà không nhớ ngày sinh, được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn ngày thống nhất đất nước (30-4) làm ngày sinh của bà trong Lời nói đầu của NXB là dựa theo cuốn sách này.Khi sách được in, NSƯT Nam Hùng mới trưng ra giấy khai sinh của nghệ sĩ Phùng Há làm bằng chứng. Do vậy, ngày 20-1-2015, NXB đã ra quyết định đình chỉ phát hành xuất bản phẩm.

    Cũng theo bà Trịnh Bích Ngân, hai chi tiết mà tác giả Nguyễn Thanh Nhã đề cập đến việc NSND Phùng Há tham gia Công hội đỏ và liên quan đến tướng Nguyễn Khánh, chế độ Sài Gòn, NSƯT Nam Hùng phản ánh là sai, vì bản thân ông cũng không thể kiểm chứng, NXB đã in theo bài báo sưu tầm được từ tư liệu của tác giả Nguyễn Thanh Nhã do NXB Văn học ấn hành năm 2011.

    Tuy nhiên, nếu nắm rõ sử liệu, đọc đoạn viết: “Cô đến với cách mạng từ độ tuổi thanh xuân trong Công hội đỏ của Nhà máy Ba Son, nơi cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng hoạt động trước khi làm thủy thủ tàu chiến Pháp”, người biên tập phải cân nhắc.

    Bài học kinh nghiệm
    “Hoàn toàn không có ý xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của NSND Phùng Há khi toàn bộ quyển sách với 26 bài viết đều tôn vinh bà, thậm chí trong đó có một số bài viết nói sâu hơn, dẫn chứng cụ thể hơn về những hoạt động của NSND Phùng Há với các hoạt động văn hóa, chính trị có cả tư liệu dẫn nguồn chính thức, chúng tôi đã không đưa vào quyển sách” - bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh nói.

    Sự việc nêu trên cho thấy các bên đều có thiện chí trong việc muốn cho ra đời một quyển sách vinh danh công trạng của NSND Phùng Há - ngôi sao sáng của bầu trời nghệ thuật phương Nam. Tiếc rằng trong quá trình thực hiện, thu thập bản thảo, NXB chưa kiểm chứng một số thông tin đáng ra phải kiểm chứng, nhất là thông tin trong phần sưu tầm và biên soạn của tác giả Nguyễn Thanh Nhã.

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Giang Tiên (03-06-2015), MEM (02-06-2015), romeo (02-06-2015), Thanh Hậu (02-06-2015)

ANH EM CHANNEL