300 năm có lẻ hình thành dải đất phương nam; cả 100 năm nghệ thuật Đờn ca tài tử hòa vào dòng nhạc dân tộc. Bạc Liêu đã và đang nỗ lực để dòng chảy đó thêm lóng lánh, chảy hoài, chảy mãi như dòng sông Tiền, sông Hậu vậy.
Các nghệ sĩ tỉnh Bạc Liêu biểu diễn trong Festival Đờn ca tài tử quốc gia năm 2014.
Nắng gắt, trải trùm cả khuôn viên rộng đến 12.500 m2 của Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Người ra vô vẫn nườm nượp. Đài nguyệt cầm có 32 bậc thang (biểu tượng cho sự phát triển từ nhịp 2 lên nhịp 32 của bản “Dạ cổ hoài lang”) như dồn đuổi trời xanh, cao vời vợi. Chung quanh thân đài được khắc 20 bản tổ của ĐCTT; 21 chậu kiểng tượng trưng cho 21 tỉnh thành Nam Bộ phát triển mạnh nghệ thuật ĐCTT.
Cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm được cách điệu đơn giản nhưng dư âm “xàng, xừ, xang, xê, cống” sao vẫn xao xuyến, đậm đà, phóng khoáng, tài hoa. Phía sau đài nguyệt cầm là tượng đá nhạc sĩ Cao Văn Lầu ôm đờn kìm với hậu cảnh là toàn bộ phần nhạc và phần lời của bản Dạ cổ hoài lang khắc trên đá.
12 nhạc cụ dân tộc tạo khắc bằng đá được xếp thành hai hàng, trong đó nổi bật “tứ tuyệt” (cò, kìm, tranh, bầu), bốn nhạc cụ góp công lớn khiến ĐCTT “ru hồn” nghiêng ngả người mộ điệu. Phần chính giữa của khu vườn “Nhạc cụ dân tộc” là bảng đá in bằng vinh danh nghệ thuật ĐCTT của tổ chức UNESCO.
Đêm về, gió mát lồng lộng Quảng trường Hùng Vương. Cây đờn kìm “độc nhất vô nhị” của cả nước (cao 18,6m được đỡ bởi năm cánh sen trên hồ nước hình ngôi sao năm cánh) nháy đèn màu liên tục, sáng rực. Lại chợt nhớ ngày khai mạc Festival ĐCTT quốc gia lần I- Bạc Liêu 2014, soạn giả cải lương Hà Nam Quang (An Giang) tâm sự:
“Đài nguyệt cầm ở Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cây đờn kìm “khủng” giữa Quảng trường Hùng Vương, ngay Trung tâm hành chính Bạc Liêu cùng hơn 400 nghệ nhân của 21 đoàn khắp Nam Bộ tụ về tham gia…là những điều biết bao năm rồi chưa thấy, chưa có, xúc động lắm.
Bạc Liêu đã làm được cho ĐCTT chuyện lớn, xứng danh con cháu bác Sáu Lầu”. Và còn cây đờn kìm “treo” lơ lửng trên dãy núi nhân tạo ở Khu du lịch Nhà Mát (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu), nơi từng diễn ra vòng chung khảo phía nam của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014.
Cái không gian văn hóa đậm đặc nét thuần Việt đó của Bạc Liêu không đâu có được. Cái biểu tượng đó chuyên chở hồn cốt nghệ thuật đặc trưng 300 năm có lẻ của tình đất, tình người phương Nam: đờn ca tài tử.
Nó khiến bất cứ ai “chạm” chân đến Bạc Liêu lại lâng lâng trong tiếng đờn kìm da diết của tiền nhân, đến nỗi khắc khoải nhớ thương “phu phụ” tột cùng và sự tài hoa đến từng câu chữ trong bản “Dạ cổ hoài lang” của cụ Sáu Lầu. Và cũng nhớ lại nơi đây từng có sáu ngày liên tục (Festival ĐCTT) rực rỡ sắc mầu đầy sôi động hòa cùng tiếng đờn giọng ca.
Làm được điều đó chắc chắn phải có tầm nhìn. Bạc Liêu không chỉ khẳng định sự trường tồn, làm thăng hoa hơn loại hình nghệ thuật độc đáo này mà còn minh chứng quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bạc Liêu đã tạo ra một không gian văn hóa mới, điểm hẹn văn hóa mới. “Thành phố đờn ca tài tử”. Nhiều người đã dùng cụm từ này để chỉ Bạc Liêu vốn nặng “cá tôm và muối trắng” ngày trước.
Và sau một năm, nhìn lại, thật mừng, tiếng đờn kìm vẫn ngân nga suốt dọc dài mảnh đất tài hoa này. “Chúng tôi vẫn luôn nỗ lực để loại hình ĐCTT đi sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong đời sống cộng đồng; xứng đáng với sự kỳ vọng của mọi người”, ông Trương Minh Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thông báo trong buổi gặp mặt với báo giới dịp đón Tết Ất Mùi 2015.
“Suốt mấy ngày diễn ra Festival, thật vui, tôi luôn được sống trong không khí âm nhạc thuần Việt; không hề nghe thấy một nốt nhạc “lai” nào”, đó là nhận xét đầy xúc động của cây đại thụ âm nhạc dân tộc, GSTS Trần Văn Khê dành cho Bạc Liêu. “Dạ cổ lưu truyền/Hoài lang tuyệt tác”. Lớp cháu con hôm nay đã biết nuôi dưỡng, lưu truyền “viên ngọc quý” chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, linh hoạt đa dạng hơn trong bối cảnh mới.
Về Bạc Liêu, đi bất cứ đâu, Đông Hải, Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi…đều có thể say sưa, đắm mình trong những ca từ nồng nàn “Đêm luống trông tin chàng/Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu/Vọng phu vọng luống trông tin chàng/Lòng xin chớ phụ phàng/Chàng là chàng có hay/Đêm thiếp nằm luống những sầu tây…”.
Thiếu úy Ngô Duy Tân, Phòng Công tác chính trị Công an Bạc Liêu rất hãnh diện khi quê hương có nhiều nghệ sĩ tài danh tên tuổi, đặc biệt là nghệ nhân Cao Văn Lầu. “Ở Bạc Liêu hầu như ai cũng biết ca, thích ca, nhất là ca bản “Dạ cổ hoài lang”. Khách du lịch, khách quốc tế mỗi khi đến Bạc Liêu đều đòi nghe bản nhạc đó”, anh hào hứng kể.
“Dạ cổ hoài lang” ra đời cách đây gần trăm năm nhưng không dừng lại ở nguyên dạng như các bản nhạc cổ khác mà theo thăng trầm của lịch sử dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ, làm thay đổi một phần lớn bộ mặt cải lương. Tiếng nhạc du dương, lời ca bình dị và câu chuyện rất đời đã làm rung cảm biết bao trái tim người nghe.
“Chúng tôi đã xây dựng giáo án ĐCTT được Nhạc viện TP Hồ Chí Minh phê duyệt đưa vào giảng dạy tại trường học, lập Đề án bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT trong chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mở các lớp ĐCTT cho các huyện, học sinh sinh viên, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang. Củng cố gần 200 CLB cùng cả nghìn nghệ nhân đờn ca.
Thành lập tám câu lạc bộ ĐCTT phục vụ tám điểm du lịch tiêu biểu, đề xuất công nhận 17 nghệ nhân ưu tú cho nghệ thuật dân tộc...”, ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở VHTT & DL Bạc Liêu cởi mở. Và thật lạ, cũng chỉ về Bạc Liêu mới nghe người ta nhắc nhiều đến “Gia đình ĐCTT”, “Ấp, khóm ĐCTT”, “Dòng họ ĐCTT”…
Tháng tư này Nhà hát Ba nón lá & Trung tâm triển lãm VHNT Cao Văn Lầu sẽ hoàn thành giai đoạn I nhưng nhiều sự kiện văn hóa, chương trình giảng dạy, biểu diễn nghệ thuật đã được “lên lịch” sẵn. Liên hoan ĐCTT quốc gia sẽ tổ chức ba năm/lần nhưng ở đây, quê hương của bản “Dạ cổ hoài lang” thần sầu cứ hai năm/lần các nghệ nhân lại tụ về đua tài khoe giọng...
“Tài năng đó (nhạc sĩ Cao Văn Lầu), thành tựu đó phải tỏa ra cả nước và cả thế giới” là lời của cố viện sĩ Lưu Hữu Phước. Tiếng vọng cội nguồn, hồn cốt châu thổ vẫn luôn sâu lắng, thấm đẫm, cuồn cuộn chảy mãi trong mạch sống người phương nam.
Từ Bạc Liêu vẫn vang khắp “lục tỉnh” các chương trình Giai điệu phương nam, Chuông vàng vọng cổ, Giọng ca cải lương Cao Văn Lầu, Liên hoan sân khấu cải lương…Và đó cũng là cốt cách, tâm hồn, bản sắc, bản lĩnh dân tộc Việt. Tiếng đờn vẫn vọng thiên thu.
Và thật lạ, cũng chỉ về Bạc Liêu mới nghe người ta nhắc nhiều đến “Gia đình đờn ca tài tử”, “Ấp, khóm đờn ca tài tử”, “Dòng họ đờn ca tài tử”…