PN - Sau thời gian dài thi công, Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo (rạp Hưng Đạo) đã hoàn thành và chuẩn bị ra mắt công chúng mộ điệu. Tuy nhiên rạp mới ra đời lại kéo theo bao nỗi buồn lo cho nghệ sĩ cải lương.
Mọi việc bắt đầu khi khảo sát bên trong, các nghệ sĩ, đạo diễn, họa sĩ thiết kế sân khấu đều thất vọng bởi quy chuẩn đặc thù của sàn diễn cải lương đã bị phá vỡ. Mặt tiền và nội thất của rạp Hưng Đạo mới được đánh giá là đẹp nhưng không phù hợp.
Rạp có quá nhiều đèn nhưng chẳng biết treo và lắp đặt thế nào, loa bày đầy ra sàn diễn, trong khi sàn diễn bị thu hẹp chỉ còn 10m bề ngang; nếu tính thêm cánh gà thì sàn diễn sử dụng thực tế chỉ còn 8m. Khán phòng bị thu hẹp chỉ còn 600 ghế so với 1.000 ghế trước đây.
Quá nhiều bệ nâng được bố trì trên sàn diễn nhưng độ cao của sàn diễn quá thấp, khó cảnh trí. Diện tích bệ nâng cũng không đáp ứng được yêu cầu nâng khối lượng cảnh cần thiết của một vở diễn...
Rạp Hưng Đạo mới, đẹp, nhưng lại không phù hợp với sân khấu cải lương - Ảnh: FB NHMK
Trước những thông tin này, nhiều nghệ sĩ đã dùng những cụm từ như: thất vọng, hoang mang, hụt hẫng… để nói về "thánh địa" mới của mình.
NSƯT Kim Tử Long: "Nghệ sĩ chúng tôi đang bị coi thường"
Không chỉ riêng tôi mà tất cả các anh chị em nghệ sĩ tâm huyết với sân khấu cải lương đều rất mong chờ rạp Hưng Đạo khánh thành. Thời gian qua, họ đã chờ đợi quá mỏi mòn, chỉ mong có được một sân khấu để có thể trụ lại, để diễn những vai diễn, những tuồng tích thật hay phục vụ khán giả.
Tôi chưa vào được rạp Hưng Đạo, chỉ mới quan sát bên ngoài, nhưng qua những mô tả về rạp qua lời kể và những cuộc thảo luận của NSND Trần Ngọc Giàu, NS Quốc Kiệt, soạn giả Hoàng Song Việt... khiến tôi thất vọng. Ngày xưa rạp Hưng Đạo tuy nhỏ nhưng vẫn có thể dựng những vở cải lương theo cách thức cũ, hoàn toàn không có vấn đề gì.
Vậy mà khi rạp được xây mới, nghệ sĩ mơ ước sân khấu được rộng rãi hơn để họ thỏa sức sáng tạo thì sân khấu mới còn nhỏ hơn xưa.
Tôi thật sự không hiểu đội ngũ thiết kế, đội ngũ thi công sao lại có thể tạo ra một công trình như thế. Nếu trong quá trình thiết kế, thực hiện công trình, những nghệ sĩ, những chuyên gia am hiểu về âm thanh, ánh sáng, cách bài trí… của một sân khấu cải lương cùng ngồi lại bàn bạc và đưa ra một thiết kế hoàn chỉnh, khả thi và sát với thực tế của một sân khấu biểu diễn nhất thì hẳn rạp Hưng Đạo sẽ tốt hơn nhiều.
Dù trách nhiệm thuộc về ai, những người nghệ sĩ chúng tôi có cảm giác như bị coi thường. Có nói gì chăng nữa thì "gạo đã nấu thành cơm", chẳng lẽ lại đập rạp ra và xây lại. Rạp Hưng Đạo như thế có khi chỉ đủ tiêu chuẩn của một trung tâm văn hóa quận chứ không thể gọi là một nhà hát đúng nghĩa.
Nghệ thuật cả lương đã rất khó khăn trong những năm vừa qua. Nhiều anh em nghệ sĩ cố trụ và đợi rạp Hưng Đạo được xây dựng lại, mong cải lương có tương lai hơn, khởi sắc hơn nhưng giờ không biết ra sao. Bao nhiêu dự án, dự tính về mô hình xã hội hóa cải lương, về các liveshow, các chương trình tạp kĩ sân khấu phối hợp với các công ty du lịch để mang cải lương đến với du khách nước ngoài... hoàn toàn sụp đổ.
NSƯT Tú Sương: Nan giải bài toán thu - chi
Từ khi rạp Hưng Đạo ngừng hoạt động để xây dựng lại, không chỉ nghệ sĩ chúng tôi mà cả khán giả yêu cải lương đều hi vọng vào rạp mới. Là nghệ sĩ, ai cũng mong có một sân khấu đàng hoàng để phục vụ nghệ thuật đúng nghĩa, không phụ lòng khán giả đã yêu thương mình.
Nhìn mô hình, rạp khá quy mô và hiện đại. Nhưng khi tôi được xem sơ qua thì thấy rằng rạp hát rất nhỏ, có những chi tiết không phù hợp với nghệ thuật cải lương. Rạp mới chỉ khoảng gần 600 chỗ ngồi, tính ra, chúng tôi phải chi khoản tiền lớn hơn để cân đối chi phí mọi mặt như điện, nước, tiền công nghệ sĩ… Chúng tôi thật sự không biết làm thế nào để vừa đạt doanh thu lại vừa mang được những cái đẹp nhất tốt nhất đến khán giả.
Nếu bán vé giá cao, liệu khán giả có chấp nhận, có thoải mái chi tiền để đến với cải lương không? Nếu khán giả mua không nổi thì sân khấu chắc chắn khó lên đèn. Mặc dù là rạp mới, hiện đại nhưng lại đang bị "thất" rất nhiều. Hiện các nghệ sĩ đang rất trăn trở vì phải làm sao cân đối thu chi lại vừa mang đến những chương trình nghệ thuật trọn vẹn.
Những lớp tiền bối đi trước muốn quay lại sân khấu cùng những vở diễn cho đỡ nhớ nghề, những ngôi sao trẻ đang muốn tiếp bước phát triển cải lương dù biết nghề này lỗ chứ không lời… sẽ lấy nơi nào để trau dồi thêm kiến thức và học hỏi kinh nghiệm?
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm:
Là một nghệ sĩ trẻ, tôi đặt niềm tin và hi vọng nhiều vào rạp Hưng Đạo. Như mọi người đã biết, từ khi rạp Hưng Đạo xây dựng lại, anh chị em nghệ sĩ phải dời về rạp Thủ Đô. Rạp này quá cũ và xuống cấp nên số lần sân khấu lên đèn thật hiếm hoi. Hầu hết các nghệ sĩ phải chạy show tỉnh, hát các bài tân cổ giao duyên, hoàn toàn không có cơ hội nâng cao nghề nghiệp.
Với tôi, rạp Hưng Đạo giống như một thánh đường - nơi lí tưởng để anh em nghệ sĩ thỏa sức bay bổng. Nhưng khi biết rạp không đủ tiêu chuẩn, tôi vừa bất ngờ lại vừa hoang mang. Hoang mang nhưng lại không biết cách nào để giải quyết vì để một môn nghệ thuật dân tộc sống tốt và vươn lên phải cần đến rất nhiều yếu tố. Một trong số đó là nhà hát, mà nhà hát thì như thế này đây.