PN - Cải lương xuống cấp, kịch nghệ ế ẩm, nghệ sĩ chuyên nghiệp có mấy ai sống được với nghề, vậy mà ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có một phụ nữ hàng chục năm qua vẫn chèo lái, dẫn dắt bầu đoàn của mình, len lỏi khắp các làng quê. Với bà, diễn tuồng không phải là để mưu sinh mà là để đốt lên ngọn lửa nghề, lửa của lòng đam mê… Bà là Nguyễn Thị Ánh, nữ bầu gánh duy nhất ở ĐBSCL.
Bà Phương Ánh thành kính trước bàn thờ tổ
HÁT TUỒNG LÀ NGHIỆP
Mới chạng vạng tối, quanh đình Tân Hòa, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang vang lên tiếng “rắc rắc, tùng tùng” rộn rã, bà con quanh vùng tay xách ghế nhựa, tay dắt con, dắt cháu đến sân đình xí chỗ chuẩn bị coi tuồng Ngũ sắc châu.
Bên trong hậu đài được che tạm bằng những chiếc bạt nhỏ, hơn chục nghệ sĩ của gánh hát Phương Ánh cũng hối hả hoàn thiện nốt khâu hóa trang, vái lạy tổ nghiệp để biến thành những nam, nữ tướng anh dũng, uy nghi. Bà bầu hối hả ra vào, kiểm tra sân khấu, âm thanh, đạo cụ, làm việc với ban nhạc, sửa lại quần áo, trang phục cho diễn viên...
Với nữ nghệ nhân Phương Ánh - chủ nhiệm CLB tuồng cổ Phương Ánh thuộc Trung tâm Văn hóa quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, được làm công việc này chính là niềm vui của bà. “Gia đình tôi có ba đời theo nghiệp hát bội, cả chặng đường dài ấy, tôi đã hai lần quyết định bỏ nghề, nhưng gãy rồi lại lập, nay đã ở tuổi 60 mới nghiệm ra, đời mình gắn với nghiệp này rồi, bỏ thì lấy gì làm niềm vui sống?” - bà chia sẻ.
Xuất thân từ vùng Đồng Tháp, từ hồi còn nằm trong bụng mẹ, cô bé Ánh đã được “nghe” tiếng trống, tiếng hát, bởi cha mẹ cô là cặp đào kép có tiếng trên sân khấu hát bội, cải lương những năm 1960. Mười tuổi, Ánh theo cậu ruột là bầu gánh hát bội Phước Tấn sắm vai dâng rượu, người hầu…
Thuộc lời, biết ca, ra bộ tự lúc nào chẳng biết, chỉ nhớ dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời là vào năm 20 tuổi, lần đầu tiên Ánh được làm đào chính trong tuồng Đưa em về quê mẹ.
Thanh sắc vẹn toàn, lại thêm đam mê, Ánh không ngại luyện tập để có thể vào được nhiều vai, diễn xuất được nhiều tính cách, từ đào thương, đào lẳng, đến những vai phản diện. Nhưng có thể nói, những vai diễn để đời của Ánh vẫn là các vai mẹ: Phàn Lê Huê trong Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, vai mẹ Xích Đởm trong Tiêu Anh Phụng… Thời hoàng kim nhanh chóng qua đi, gánh Phước Tấn tan rã, kiếm việc khác để mưu sinh nhưng bà Ánh vẫn nhớ đến cồn cào ánh đèn sân khấu.
Năm 1980, trong bối cảnh hát bội, cải lương cổ đang thời lao dốc, bà mạnh dạn “lội ngược dòng”, thành lập đoàn Quê hương Đồng Tháp. Nhiệt huyết của bà bầu trẻ không đủ để duy trì gánh hát. Đoàn Quê hương Đồng Tháp rã gánh, bà lại lập đoàn Du Sĩ Ca nhưng chẳng bao lâu cũng phải giải tán.
Lửa đam mê nghệ thuật tuồng cổ vẫn âm thầm cháy trong CLB tuồng cổ Phương Ánh
HÁT BỘI CẦN THƠ MAY MÀ CÒN PHƯƠNG ÁNH
Về sinh sống gần đình Bình Thủy, TP. Cần Thơ, mỗi lần đình mở hội Kỳ Yên, thấy người dân còn quá thiết tha với tuồng cổ, năm 2004, bà lập CLB Nghệ thuật tuồng cổ Phương Ánh. Rút kinh nghiệm những lần lập đoàn gánh khác, lần này bà không quần tụ diễn viên sống chung thành bầu đoàn mà hẹn với các nghệ sĩ còn tâm huyết với nghề vào gánh, mỗi khi có nơi nào mời thì hợp lại, tập dợt và cùng nhau đi diễn.
Với phương cách này, đoàn của bà duy trì được hơn chục năm, rong ruổi khắp các đình ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… nơi nào mời là đoàn tới mà chẳng mấy khi câu nệ chuyện giá cả, lỗ lời. Với bà và những nghệ sĩ còn tâm huyết với nghệ thuật tuồng, được hát, được diễn là một niềm vui sống.
Nhắc đến bầu Phương Ánh, soạn giả Nhâm Hùng - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: “Bầu Ánh là một trong những nghệ nhân hát tuồng cổ cuối cùng trên đất Tây đô này. Nếu bầu Ánh mất đi thì e rằng hát bội trên đất Cần Thơ này không còn gì để nói, mà cúng đình thì nhất định phải có nghi thức xây chầu, đại bội, mất đi phần nghi thức này thì không thể coi là một lễ cúng đình hoàn chỉnh được”.
Soạn giả Nhâm Hùng cũng bày tỏ: “Tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ bầu Phương Ánh, góp phần khích lệ và duy trì đoàn hát nhưng mãi không có hồi âm. May mà bầu Ánh còn giữ được khá đầy đủ đạo cụ, trang phục hát bội. Cần Thơ may mà có Ánh, Ánh mất đi thì không biết thế nào”.
Người khác nhìn vào lo cho gánh của bà, trong khi bà lại lo tìm cách duy trì ngọn lửa đam mê cho những thế hệ tiếp nối. Bà nói, nếu tôi có mất đi, tâm nguyện cuối cùng là để con gái Phương Anh nối gót. Phương Anh theo nghiệp mẹ, cũng là nghệ sĩ hát bội, tuồng cổ hiện đang sinh sống tại TP.HCM.
Mỗi khi gánh hát của mẹ có suất diễn, cô đều về tham gia với vai trò đào chính.Con gái của Phương Anh đã biết ra bộ từ năm tám tuổi.
Phương Anh bộc bạch: “Đời nghệ sĩ lắm truân chuyên, nhưng gánh hát duy trì là tâm huyết của mẹ nên tôi sẽ cố gắng giữ gìn nghiệp tổ. Sau này, con tôi muốn theo nghề hát bội, tôi cũng khuyến khích”.