TNO) Ngày 18.4 này, một “thánh đường” của sân khấu cải lương sẽ được đi vào hoạt động tại số 136 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM. Hiện nay công trình xây dựng đang dần đi vào hoàn thiện những hạng mục cuối cùng nhưng dư luận gần đây trong giới sân khấu vẫn ưu tư khi Trung tâm nghệ thuật Hưng Đạo chưa được… đổi tên thành Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo đang dần hoàn thiện (ảnh chụp lúc 15 giờ chiều 1.4.2015) - Ảnh: Công Sơn
Hãy… đặt lại tên cho em
Trước giải phóng, do có vị trí nằm trên đường Trần Hưng Đạo nên rạp hát nổi tiếng ở Sài Gòn này mặc nhiên mang tên của vị tướng tài ba Hưng Đạo. Sau này tiếp quản, cơ quan quản lý vẫn giữ lại tên cũ chỉ thêm thắt chút ít là Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật cải lương Hưng Đạo, chuyên thực hiện các chương trình cải lương và biểu diễn nghệ thuật cho những đoàn hát của TP.HCM.
Sau nhiều năm đình trệ, xuống cấp, sáng 28.4.2013, công trình xây dựng nhà hát mới đã được chính thức khởi công trên mặt bằng của rạp Hưng Đạo cũ gồm một sân khấu chính và sân khấu thể nghiệm với kiến trúc hiện đại kết hợp yếu tố truyền thống. Trung tâm có diện tích gần 1.000 m2, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 6.000 m2, bao gồm 1 hầm và 5 tầng.
Một khu văn phòng làm việc, khu vực đào tạo, phòng truyền thống, thư viện và khu vực sản xuất băng đĩa... rất đẹp. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn tiên tiến với trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, hệ thống ánh sáng, kỹ thuật sân khấu hiện đại.
Chiều 1.4.2015, tại rạp Thủ Đô (Q.5, TP.HCM) mặc dù đang tập vở Chiến binh (kịch bản: Chu Lai, đạo diễn: Trần Ngọc Giàu) để chuẩn bị công diễn nhân dịp khánh thành nhà hát vào ngày 18.4 nhưng NSƯT Quế Trân vẫn ưu tư. “Trước đây, rạp chỉ để biểu diễn thì có tên Hưng Đạo cũng được nhưng bây giờ xây mới hoàn toàn, dời tất cả trụ sở làm việc của nhà hát Trần Hữu Trang về tại đó thì việc sửa đổi tên lại quá phù hợp.
Trong khi đó, soạn giả Trần Hữu Trang là một tên tuổi lớn, người đã gắn bó với nghệ thuật cải lương từ lâu đời nên ông rất xứng đáng được vinh danh tại đây… Không hiểu tại sao vậy?”.
Còn tác giả Hoàng Song Việt, người có hơn 300 tác phẩm sân khấu cải lương bức xúc: Tôi rất ủng hộ việc dùng tên Trần Hữu Trang để đặt tên cho nhà hát mới xây đang chuẩn bị đi vào hoạt độn để thay cho tên gọi Hưng Đạo quá cũ kỹ. Đây là thời điểm thích hợp nhất để ghi nhận công lao và tài đức tuyệt vời của soạn giả Trần Hữu Trang đối với sân cải lương, không có gì phải lấn cấn cả.
Đừng nên nghĩ đơn giản đây chỉ là chỗ để biểu diễn phục vụ mà quên mất ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc đổi tên… Đích thân NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cũng mong ước việc làm này được thực hiện trước ngày khánh thành: “Càng sớm chừng nào tốt chừng đó, bởi Trần Hữu Trang là biểu tượng của cả cải lương miền Nam".
Và niềm vui vỡ òa
Tối 1.4, chỉ sau khi tâm sự với PV Thanh Nien Online được 4 tiếng đồng hồ, từ trụ sở UBND TP.HCM, NSND Trần Ngọc Giàu đã “tranh thủ” gọi điện vui mừng thông báo: Ngay trong cuộc họp cuối giờ chiều nay, Thành ủy và UBND TP.HCM đã quyết định triển khai việc đổi tên trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
NSƯT Tấn Giao cho biết: Tôi rất vui vì những điều này. Từ đây Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ một ngôi nhà chung cho các anh em nghệ sĩ và khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật cải lương. Lâu nay ai cũng ao ước một chỗ biểu diễn tươm tất, có bãi giữa xe đàng hoàng chứ không “vất vưởng” như thời gian vừa qua.
Nói thiệt, mỗi lúc thấy khán giả gửi xe đi bộ đến chỗ diễn mà tôi xót cả ruột. Giờ “an cư” ngon lành rồi thì còn gì bằng. Việc đặt tên “thánh đường” cho bác Trần Hữu Trang hoàn toàn đúng thôi, vì bác là thương hiệu lớn sẽ giúp cho Nhà hát Cải lương mang một tầm vóc mới, lớn mạnh hơn rất nhiều.
Cũng cùng tâm trạng vỡ òa đó, NSƯT Trọng Phúc chia sẻ: “Từ xưa đến nay, nói đến cải lương, 3 chữ Trần Hữu Trang đã in sâu đậm trong lòng khán giả cả nước. Nếu xây nhà hát mới mà để tên Hưng Đạo nhiều lúc tôi thấy bị… bỏ rơi và tủi thân quá. Tai sao nhà hát là đơn vị nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chủ quản nhưng lại không được mang tên ông. Có được “danh chính ngôn thuận” rồi thì sẽ chấm dứt được cảnh mọi người cứ tưởng… thuê rạp này để hát. Tôi vui lắm…".
Soạn giả Trần Hữu Trang là một tên tuổi lớn của sân khấu cải lương. Ông sinh năm 1906 tại Mỹ Tho (Tiền Giang), trong một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ ông đã mê đàn hát và có những sáng tác nổi tiếng, lưu truyền cho đến ngày nay: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp… Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996). Ông được đặt tên cho một con đường ở Q.Phú Nhuận và một ngôi trường ở TP.HCM. Tên của ông còn được đặt cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và giải thưởng Trần Hữu Trang, một giải thưởng lớn trong lĩnh vực cải lương rất có uy tín từ trước đến nay.