PN - Gặp NSƯT Diệu Hiền tại nhà riêng, ngỏ ý chụp hình, bà nói thôi, già rồi chụp làm chi nữa. rồi bà với tay lấy gương, vẽ lại chân mày, cười: “Con ơi, cô đã tới độ cuối mùa nhan sắc”.
Nghệ sĩ Diệu Hiền thời trẻ
Nổi lên nhờ đào chánh bỏ vai
Đệ nhất đào võ NSƯT Diệu Hiền giờ là Phật tử tu tại gia. Những võng lọng xiêm y, điệu giáo gươm loang loáng chỉ còn là ký ức. Bà tiếp chuyện tôi trong căn phòng nhỏ xíu, vừa đủ một tấm mền trải rộng. Trên vách ngăn bằng gỗ, vài tấm hình phẳng phiu, úa màu ghi lại một thời sắc hương rực rỡ.
NSƯT Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Bạc Liêu. Diệu Hiền mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ.
Lớn lên chút xíu, mẹ đưa Hiền lên Sài Gòn sinh sống. Nhà là mái chòi cắm đỡ ở mé sông, cô bé Hiền thui thủi lớn lên như cây cỏ. Mẹ Hiền mê cải lương, lần nào đi coi hát cũng đèo con gái theo, riết rồi Hiền mê lúc nào không biết. Xin mãi mẹ không cho theo nghề, 14 tuổi đầu Hiền tự ý cuốn gói bỏ nhà theo đoàn hát.
Lênh đênh trôi dạt theo đoàn Hoa Lan - Xuân Liễu, rồi đến đoàn Hoa Sen, Diệu Hiền được nghệ sĩ Hoàng Nô, cha của ca sĩ Hoàng Lệ Nga phát hiện năng khiếu. Kể từ đó, Diệu Hiền theo thầy Hoàng Nô học ca vọng cổ. Năm 15 tuổi, Hiền “bị ép” lên sân khấu đóng vai nữ chúa trong vở Cánh chim bằng bởi cô đào chánh giận chuyện lương bổng, đùng đùng bỏ đi.
Năm 1960, đoàn Hoa Sen lưu diễn tại Sài Gòn, Diệu Hiền nhận vai nữ điệp viên trong vở Người thám tử già. Vở diễn thành công vang dội, cô đào nhỏ tuổi Diệu Hiền lọt vào tầm ngắm của hàng loạt các ông bà bầu tầm cỡ ở Sài Gòn.
Giờ nhắc lại, hẳn khán giả mộ điệu vẫn còn nhớ như in vở Sinh dưỡng đạo đồng do Diệu Hiền ca chánh, đã phải tái diễn 12 đêm liên tục tại rạp Hưng Đạo - rạp hát cải lương lớn nhất Sài Gòn Chợ Lớn thời bấy giờ. Từ đó, tên tuổi Diệu Hiền lẫy lừng không đối thủ.
Năm 1961, Diệu Hiền về đoàn Thống Nhất của ông bầu kiêm kép chánh nổi danh - Út Trà Ôn. Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn chính là người thầy thứ hai của Diệu Hiền. Vở Nhị Kiều tướng quân (soạn giả Hoàng Anh Chi) do Diệu Hiền đóng vai nữ tướng Triệu Thị Trinh liên tục cháy vé.
“Thừa thắng xông lên”, ông bầu Út Trà Ôn tiếp tục giao cho Diệu Hiền vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng cờ đào. Từ một cô bé bỏ nhà theo đoàn hát, Diệu Hiền nghiễm nhiên được gán cho danh hiệu “Đệ nhất đào võ”. Cái tên của bà là bảo chứng phòng vé, sánh ngang cùng “Đệ nhất đào độc” - Trương Ánh Loan.
NSƯT Diệu Hiền năm 16 tuổi
Cũng trong khoảng thời gian này, Diệu Hiền gặp soạn giả Viễn Châu. Nhắc đến Viễn Châu, bà hơi chùn lại, ký ức vắt ngang vầng trán. Nhớ con người hiền hiền, nói cười phảng phất buồn, phảng phất vui. Bà gặp, rồi nhớ, rồi thương hồi nào không biết.
Bà vẫn đều đều kể chuyện: “Cô tỏ tình với ổng, ổng nói: “Chú có vợ rồi con ơi”. Cô chết điếng trong lòng, bước hụt bước hẫng, đi về mà giống như lướt trên mây, trên gió. Trời đất ơi, thương người ta mà đâu có biết người ta có vợ con gì đâu”.
Diệu Hiền kết hôn cùng nghệ sĩ Út Hậu, nhưng chẳng được bao lâu thì lỡ dở đò ngang. Kể về chồng cũ, bà nhẹ tênh: “Người ta bảo hận là yêu. Nhưng yêu thì có nhiều sắc thái. Cho nhau sự bình yên cũng là trọn nghĩa yêu thương. Cô với chú Út Hậu không hợp nhau thì đi.
Người ta cũng yên ổn, cô cũng vậy, vậy là đủ rồi, là vừa đẹp”. Bà sinh được năm mặt con, vẫn thường xuyên đi tỉnh, theo ghe gánh hát phục vụ bà con gần xa.
Danh vọng phù hoa
Năm 1979, trong một lần lưu diễn, ghe hát bị cháy, nghệ sĩ Diệu Hiền thoát thân không kịp nên bị phỏng nặng, phải ngưng hát một thời gian dài. Bà kể, thời đó, nghệ sĩ Vũ Linh - học trò của bà là người giúp bà có thêm hy vọng được sống.
Bà nói: “Đào hát mà tay chân bị phỏng, mặt cũng phai tàn nhan sắc, thì làm sao vũ đạo, làm sao lên sân khấu. Cô nghĩ, thôi chết luôn cho rồi. Nhờ thằng Linh, một tay nó lo lắng, tìm thầy thuốc, khuyên nhủ đủ điều. May mắn sao, mọi thứ rồi cũng qua”.
Sân khấu cải lương ngày càng khó khăn, danh vọng mờ nhòa, bà về sống với các con trong một gian chung cư cũ. Ngỏ lời chụp ảnh, bà cười, vén lại mái tóc, vẽ lại chân mày, nói: “Con ơi, cô đã tới độ cuối mùa nhan sắc. Hay thôi, đừng chụp nữa”. Còn đâu Triệu Thị Trinh oai phong lẫm lẫm, Bùi Thị Xuân gươm giáo sáng lòa; còn đâu mày dài, môi cắn chỉ, ngón tay thon dâng rượu ly bôi…
Đời nghệ sĩ, mấy ai muốn khán giả thấy mình tóc bạc như sương, da kết đồi mồi, tay run, gối mỏi. Nghệ sĩ Diệu Hiền giờ đi đứng cũng khó khăn, do chứng gai cột sống hành hạ liên miên. Mùa giáp Tết, cơn đau theo gió lạnh lùa về. Bà cười hiu hắt: “Xưa kia danh tiếng rỡ ràng, có ai nghĩ được ngày sau sẽ ra sao. Nhưng cuộc đời của cô chưa bao giờ hối hận vì năm đó đã bỏ nhà theo đoàn hát”.
Nghệ sĩ Diệu Hiền - “đệ nhất đào võ” trong làng cải lương
Cho đến tận bây giờ, vẫn không ai có thể thay thế được chất bi thương nhưng đầy nộ khí của nghệ sĩ Diệu Hiền, khi bà cất lời ca bài vọng cổ Tần Quỳnh khóc bạn và Trụ vương thiêu mình. Đây là hai bài ca cổ của soạn giả Viễn Châu đã làm nên danh tiếng của Diệu Hiền, cho dẫu bà đã dần rời xa sân khấu.
Với kỹ thuật điêu luyện, giọng ca đầy nội lực, có giai thoại kể rằng, nghệ sĩ Diệu Hiền thường sắp lời ca cổ trước bốn nhịp, khiến cho các thầy đờn non tay thường... rớt lộp độp, hoặc phải rất chật vật mới theo kịp lời ca.
70 tuổi, nghệ sĩ Diệu Hiền thi thoảng vẫn đi hát đình, mỗi tháng lại diễn ở chùa vài lớp. Hát cho đỡ nhớ nghề, chứ công cán chẳng được bao nhiêu. Có khoảng thời gian, bà còn phải đi hát ở quán nhậu để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Mỗi tháng, Diệu Hiền được nhận 150.000đ, là quà của Ban Ái hữu nghệ sĩ thành phố dành tặng các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, hy vọng nghệ sĩ Diệu Hiền sẽ được nhận chế độ 1.500.000đ mỗi tháng từ Ban Ái hữu, vì là nghệ sĩ trên 70 tuổi và khó khăn trong cuộc sống.
Nghệ sĩ Diệu Hiền có năm người con, thì tới bốn người theo nghiệp xướng ca của mẹ. Nhắc về các con, bà cười lấp lánh tự hào: “Tụi nó có máu nghệ sĩ trong người, nên dẫu khổ cỡ nào cũng theo nghề. Tuy sống không dư dả gì, nhưng rất vui, vì được làm những gì mình thích. Cô già rồi, chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ gì từ con cái.
Đời cô chết hụt mấy lần, sống được cũng nhờ ơn trên phù hộ. Sướng vui, danh vọng, buồn bã, tất cả đều có hết rồi, giờ nói dại, rủi mà có ra đi, cũng đâu có gì là hối tiếc. Chỉ ước sao, mình được chết trên sân khấu”.
Như con tằm rút ruột nhả tơ, người nghệ sĩ sân khấu chấp nhận lang bạt kỳ hồ, cháy hết mình để cống hiến, hy sinh cho nghệ thuật… nhưng khi sức tàn lực kiệt, họ mới chua chát nhận ra công danh như tàn lửa, cháy rất nhanh mà vụt tắt cũng nhanh.
Vậy mà khi được hỏi về những ước vọng cuối đời, ai cũng khát khao được hát đến tàn hơi trên sân khấu. Nghe vậy, nghệ sĩ Diệu Hiền cười rất nhẹ: “Nếu mà được chết trên sân khấu, thì cũng mãn nguyện một kiếp phù du…".
Tác giả bài viết đã sai lầm quá lớn khi cho rằng 2 vở cải lương nổi tiếng Nhụy Kiều Tướng Quân & Nữ Tướng Cờ Đào trên SK Thống Nhất của NSND Út Trà Ôn . Vở Nhụy Kiều Tướng Quân do NSUT Diệu Hiền và NS Hoài Thanh diễn sau năm 1975 ( Khoảng năm 1980 ) trên SK đoàn cải lương Tháp Mười . Còn vở Nữ Tướng Cờ Đào ( thập niên 90 ) là trên SK đoàn cải lương Sài Gòn 2 .