PNCN - Cho đến nay, có thể nói Trần Ngọc Giàu là người duy nhất xuất thân từ Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (tiền thân của Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân bởi những đóng góp xuất sắc trên cương vị đạo diễn.
Tốt nghiệp thủ khoa năm 1983, được giữ lại trường làm giảng viên nhưng suốt hơn 30 năm qua, bên cạnh việc dạy học, Trần Ngọc Giàu luôn là ứng viên sáng giá cho các ngôi quán quân (đã đoạt năm huy chương vàng), đồng thời là một trong những đạo diễn đắt sô ở các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Không chỉ dựng kịch nói, ông còn lấn sang cả cải lương, dân ca, tuồng, chèo…
Vài năm trở lại đây, Trần Ngọc Giàu được biết đến như một đạo diễn “mới” mát tay của điện ảnh với khoảng tám bộ phim truyền hình dài tập như Lâu đài tình ái, Câu chuyện tình đời, Bản kê số phận… và trở nên “đình đám” với những bộ phim truyện nhựa chiếu Tết ăn khách như Nhà có năm nàng tiên, Năm sau con lại về. Mặc dù vừa nhận chức Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với hàng núi công việc phải lo, song ông vẫn “đến hẹn lại lên” với phim Tết.
* Hình như ông có số long đong khi 30 năm qua cứ “chạy” lòng vòng, từ trường Nghệ thuật Sân khấu 2 đến Nhà hát Kịch TP, qua trường Văn hóa Nghệ thuật rồi lại về trường cũ, bây giờ là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Có vẻ như ông không hài lòng với những nơi mình công tác?
Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu: Hầu hết những lần “chuyển dịch” đó đều do sự phân công, tôi không chủ động. Nhưng nói thật là tôi chỉ thực sự thấy hứng thú khi dạy ở trường thời mới tốt nghiệp và lúc làm giám đốc Nhà hát kịch TP. Khi về trường Văn hóa Nghệ thuật, tôi cảm thấy không mặn mà với công việc quản lý, chỉ muốn được trực tiếp giảng dạy nên xin về trường cũ.
Song trường cũ không còn như xưa, chất lượng giảng dạy xuống mà không làm gì được nên tôi nghỉ đứng lớp, nhận trông coi nhà hát Thế giới trẻ cho trường.
* Dư luận cho rằng ông đã “đâm đầu vào đá” khi tiếp quản Nhà hát Trần Hữu Trang trong giai đoạn cải lương thoái trào. Ông không sợ khó khăn?
- Tất nhiên, tôi thấy rõ những khó khăn đang chờ đợi. Trước hết, về phần mình, tôi đang tự do, thoải mái, bây giờ nhận công tác quản lý một nhà hát đang “lụi tàn” chắc chắn sẽ không còn thong dong. Thứ hai, nhà hát cải lương mà cải lương đang “chết dở” phải làm cho hồi sinh là chuyện hết sức nặng nề.
Thế nhưng, tôi lại không thể từ chối trước tình cảm của anh em nhà hát tha thiết muốn tôi về. Mặt khác, là một người mấy chục năm “ăn cơm” sân khấu, tôi thấy mình có trách nhiệm phải giữ được niềm tin, lòng yêu nghề của anh em. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tuy là của TP.HCM nhưng lại mang tầm quốc gia xét về vị thế nghề nghiệp, trong khi lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Hy vọng, mọi chuyện sẽ được bắt đầu lại khi chúng tôi có Nhà hát Nghệ thuật Hưng Đạo (dự kiến khánh thành dịp 30/4/2015).
* Ông định “bắt đầu lại” như thế nào?
- Tôi đặt cho mình hai mục tiêu lớn, đó là vực dậy cho được hoạt động của nhà hát và xây dựng đội ngũ nhân sự. Đạo diễn cải lương hiện không có mấy người, diễn viên thì hầu như chỉ có giọng ca. Phong cách, chiến lược đào tạo, phát triển gần như trống. Các cuộc thi chỉ làm công việc phát hiện, còn kế hoạch đào tạo không có.
Diễn viên đam mê cải lương như kiểu phong trào đờn ca tài tử, không muốn đi vào sân khấu cải lương vì sân khấu cải lương nuôi không nổi họ, đi hát quán xá thu nhập cao hơn. Tôi chỉ làm ở đây một nhiệm kỳ thôi, nên sau 5 năm, làm sao phải hình thành được một lớp diễn viên mới, vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi quản lý, đủ sức đảm đương nhà hát.
* Vậy công việc cụ thể trước mắt là gì?
- Để chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cũng là ngày nhận Nhà hát Nghệ thuật Hưng Đạo, chúng tôi đang chuẩn bị dựng một vở cải lương hoành tráng mà nhân vật chính dựa theo nguyên mẫu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời kỳ ông về TP.HCM năm 1975 cho đến khi ra Trung ương (tác giả Xuân Đức, chuyển thể Hoàng Song Việt), định qua Tết sẽ lên sàn tập.
Vở diễn sẽ quy tụ diễn viên nhiều nguồn, không phân biệt thành phần, xuất thân, gồm cả diễn viên ở hải ngoại. Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát Trần Hữu Trang (năm 2016), chúng tôi sẽ dựng ba vở của soạn giả Trần Hữu Trang làTô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu và Mộng hoa vương.
Hiện chúng tôi đang khởi động việc hình thành nhóm tác giả, khuyến khích sáng tác theo hướng “đo ni đóng giày” như ngày trước, đồng thời xây dựng Câu lạc bộ khán giả, tạo những buổi sinh hoạt chung giữa gia đình khán giả với diễn viên nhà hát, mở lớp dạy đàn, dạy diễn xuất rộng rãi…
* Kế hoạch là vậy, nhưng cái lo nhất của ông hiện nay là gì?
- Là tiền và đội ngũ. So với tiền tỷ ở các liveshow của các nghệ sĩ cải lương làm lâu nay thì tiền tài trợ cho một vở vài ba trăm triệu là không thấm vào đâu. Còn đội ngũ diễn viên thiếu trầm trọng. Khó khăn hơn là nhạc công. Tổ nhạc của nhà hát hiện chỉ còn vài cây đàn, các diễn viên còn có thể chạy sô, mỗi ngày có thể kiếm vài triệu, chứ anh em nhạc công và hậu đài thì chỉ trông chờ lương nhà hát mà thôi
* Sự nghiệp của ông thường gắn liền với ba công việc: dàn dựng, dạy học và quản lý. Ông thích cái nào hơn?
- Thích nhất là dàn dựng, vì nó thuộc phạm trù sáng tạo, mình được hưng phấn vì có thể gửi gắm nhiều điều. Nhưng dạy học là nghiệp và quản lý là công việc được phân công. Ở cả ba lĩnh vực tôi đều thấy có trách nhiệm phải hoàn thành vì nó hỗ trợ lẫn nhau.
Vở Tội ác và quyền lực (TG Nguyễn Đăng Chương, ĐD NSND Trần Ngọc Giàu)
* Mỗi lần hội diễn, liên hoan, là nghe nói Trần Ngọc Giàu có đến năm, bảy vở dựng, ông không sợ bị mang tiếng… ham tiền?
- Đúng là dựng nhiều thì có tiền nhiều, nhưng tôi không xin dựng, không giành của ai. Tôi không bao giờ đòi giá, bởi đòi cao, người ta không trả nổi, đòi thấp lại không xứng với công sức nên tôi nhận thù lao với tinh thần chia sẻ.
Sau này, tôi làm nhiều nhưng chỉ đứng vai trò cố vấn, đã đến lúc phải lùi lại nhường chỗ cho thế hệ trẻ. Tôi hiểu sức mình không còn như ngày xưa, tiền bạc không dư dả gì, nhưng cũng phải biết như thế nào là đủ.
* Vài năm trở lại đây, cơn gió nào đã đưa một đạo diễn sân khấu giỏi nghề như ông lại chịu “tập tễnh” bước vào điện ảnh?
- Nói thật, khởi đầu việc làm phim của tôi là do nể… học trò. Phước Sang muốn tôi thử bước qua lĩnh vực mới và tôi cũng tin là mình làm được, bởi đã quen làm sân khấu, việc chỉ đạo diễn xuất sẽ tốt hơn. Tôi làm với tinh thần vừa làm vừa học, không giấu dốt, có gì không biết thì hỏi, kể cả hỏi học trò, may mà làm được.
Bộ phim truyền hình đầu tay Lâu đài tình ái được phản hồi tốt là nguồn động viên lớn cho tôi. Đến nay, tôi đã làm được tám phim truyền hình dài tập và hai phim truyện nhựa, coi như đã tốt nghiệp đạo diễn phim.
* Nhưng dư luận vừa qua cũng ít nhiều cho rằng phim của Trần Ngọc Giàu là kịch có quay ngoại cảnh?
- Kịch bản viết như vậy, điều kiện làm phim hạn hẹp cả về tiền bạc lẫn diễn viên. “Linh hồn” của phim là Hoài Linh, thường chỉ cho quay trong vòng hai tuần, như phim năm nay cụ thể là 18 ngày, trong khi những phim khác phải mất ít nhất từ hai đến ba tháng. Mọi người nói đúng, nhưng phim tôi làm là do nhà sản xuất đầu tư.
Họ xác định mục tiêu bán được vé, ưu tiên lợi nhuận; họ cân nhắc tính toán từ tiền bạc cho đến việc chọn diễn viên nên tôi cũng không thể làm khác được. Có những cảnh quay tôi hào hứng vẽ ra, nhưng vì kinh phí đành phải bỏ. Ngay đến các diễn viên cũng “canh” nhau, người này làm cái này thì người kia cũng làm cái khác để cạnh tranh, làm khó nhằm chứng tỏ “đẳng cấp”. May mà tôi làm thầy nên họ cũng có phần nể nang.
* Ông nghĩ gì khi nhìn lại con đường mình đi hơn 30 năm qua?
- Tôi quê ở Gò Công, ba là cán bộ kháng chiến, còn mẹ làm nghề buôn bán cá. Từ nhỏ tôi học giỏi cả hai môn văn và toán, nhưng chỉ mê văn chương, và nếu không đi sân khấu chắc sẽ theo học luật. Thời phổ thông, tôi đã làm kịch phong trào trong trường, tự chuyển thể truyện dài Ngựa chứng trong sân trường (Duyên Anh) sang kịch, rồi tự dựng, tự diễn.
Sau 1975, tôi thành lập đoàn kịch ở xã và đi làm phát thanh viên ở Đài phát thanh huyện Gò Công. Nhờ nắm được tin tức nên tôi mới biết Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 tuyển sinh và khăn gói lên TP.HCM dự thi. Nhìn lại con đường đã đi, tôi thấy hạnh phúc, vui vì mình được nhiều thứ. Được may mắn “dựa” vào những người thầy giỏi, tôi làm nhiều loại hình, có nghiên cứu, kiểm nghiệm bằng thực tế, được “đi học” mỗi lần đến với một loại hình mới.
* 5 năm nữa về hưu, ông định làm gì?
- Tôi định sẽ viết sách. Cải lương hiện không có lý luận nghiên cứu để dẫn dắt. Trung tâm Nghiên cứu cải lương của TP giải tán từ lâu nên không có người ghi chép tư liệu. Vậy nên có những cái người ta tưởng là mới, thực ra là làm lại cái cũ. Trước năm 1975, cải lương có nhiều phong cách, bây giờ chỉ một màu. Nếu viết, tôi sẽ đi vào vấn đề nghiên cứu là chính. Trường Sân khấu hiện không có tài liệu giáo khoa, tôi nghĩ soạn tài liệu đạo diễn cho sinh viên là điều cấp thiết.
* Ngày 31/10/2014 là kỷ niệm 30 năm ngày ông sống cùng nhà với Nghệ sĩ ưu tú Đàm Loan. Đã từng có không ít vở diễn thành công nhờ sự ăn ý giữa đạo diễn Trần Ngọc Giàu và diễn viên Đàm Loan. Vậy với ông, tác phẩm nào giữa “đạo diễn chồng” và “diễn viên vợ” khiến ông hài lòng nhất?
- Chúng tôi quen nhau vì học cùng trường. Hồi đó, Đàm Loan là gương mặt nữ nổi bật hiếm hoi nên những vở dựng đầu tiên của tôi đều có sự tham gia của cô ấy. Sau khi làm chung ba vở thì chúng tôi rủ nhau góp gạo nấu cơm. Vợ chồng tôi còn hợp tác với nhau thêm khoảng 10 vở nữa thì tôi chuyển sang dựng cải lương, ít dựng kịch.
Ngày ấy, làm vở nào chúng tôi cũng máu lửa, đặt hết tâm huyết nên luôn được người xem ghi nhận. Nếu nhìn ở góc độ “hợp tác” giữa vợ chồng thì “tác phẩm” tôi hài lòng nhất chính là hai đứa con, một trai, một gái. Con trai đầu tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh song bây giờ lại theo nghề viết kịch bản phim, là tác giả của phim truyền hình Mùi hoa dại và hai phim truyện nhựa Năm sau con lại về, Quý tử bất đắc dĩ. Còn con gái tôi đang theo học ngành dược ở Mỹ.
* Để “cán mức” 30 năm chung sống của một cặp vợ chồng nghệ sĩ, chắc hai người đã phải vượt qua nhiều cơn sóng gió. Hỏi thật, có khi nào ông bị “say nắng”?
- Tôi cũng nói thật là với học trò thì không dám yêu. Còn với diễn viên thì không thể nói là không hoàn toàn, mình đâu phải là thánh, nhưng tôi luôn biết giữ “cái thế” vì mình còn đứng trên bục giảng.