Trong các giàn nhạc cổ các đơn vị cải lương chuyên nghiệp trên toàn quốc hiện nay đa số các nhạc sĩ, nhạc công đều là nam giới. Đặc biệt là với cây đàn kìm, ở phương Nam hiện nay chỉ có hai nữ nhạc sĩ nổi tiếng khi sử dụng loại nhạc cụ này. Đó là Kiều My và Ngọc Cần. Kiều My thì đã lâu không đờn cho các đoàn cải lương chuuyên nghiệp mà thường sinh hoạt ở các CLB đờn ca tài tử ở Bình Dương và đờn cho các chương trình ở các đài phát thanh, truyền hình mà thôi. Duy nhất còn sót lại là nữ nhạc sĩ Ngọc Cần vẫn còn đờn cho Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), thỉnh thoảng cô cũng đờn cho các cuộc thi ca cổ, liên hoan tiếng hát truyền hình ở một số đài miền Tây.

Sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử nên từ năm 9 tuổi (1986) Ngọc Cần đã được cha ruột là nhạc sĩ Đỗ Văn Trọng truyền nghề. Hai năm sau, Ngọc Cần đã đi theo cha chơi đờn ca tài tử ở địa phương. Sau đó, Ngọc Cần còn học them nghề đờn ở nhạc sĩ Trung Văn On (ở Hộ Phòng).
Năm 16 tuổi (1993) Ngọc Cần lần đầu tiên lên Tp. HCM dự thi chương trình đờn ca tài tử ở Đài Tiếng nói Nhân dân Tp. HCM và đoạt giải đặc biệt (kèm theo tiền mặt là 2 triệu đồng) với 6 câu Tứ đại oán lớp hồi thủ. Năm 1996, Ngọc Cần trúng tuyển vào lớp diễn viên do đoàn Hương Tràm (tỉnh Minh Hải) tuyển chọn.
Nhưng NSƯT Minh Đương (lúc này đang là trưởng đoàn Hương Tràm) thấy ngón đờn kìm của Ngọc Cần nhiều triển vọng nên khuyến khích cô chuyển qua làm nhạc sĩ cho đến nay.Năm 1999, tỉnh Minh Hải tách ra thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu và Ngọc Cần trở về quê nhà đờn cho đoàn Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu).
Ngoài đờn kìm, Ngọc Cần còn sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ khác nhưng đồng nghiệp khắp nơi nể phục cô nhất ở ngón đờn kìm. Năm 2008, Ngọc Cần được vinh dự đại diện tỉnh Bạc Liêu ra Hà Nội dự thi và cô đã được ban tổ chức trao giải nhất khi độc tấu đờn kìm bài “Dạ cổ hoài lang”.
Sau đó Ngọc Cần còn đoạt thêm nhiều giải thưởng khác như Giải A ở hội thi đờn ca tài tử tại Kiên Giang, nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho sân khấu chuyên nghiệp khi tham gia Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 tại Đồng Nai…
Hiện nay, ngoài đờn chính đoàn Cao Văn Lầu, Ngọc Cẩn thường được mời đờn ở các Hội thi, liên hoan ca cổ, liên hoan tiếng hát phát thanh – truyền hình các tỉnh Tây Nam Bộ với vị trí sở trường là đờn kìm. Hai anh trai của Ngọc Cẩn cũng là nhạc đang đờn cho một số đoàn ở miền Tây. Em gái của Ngọc Cần là Đỗ Ngọc đang là diễn viên trẻ ở đoàn cải lương Hương Tràm.
Vì không muốn tiếng đờn kìm của gia tộc mai một nên hiện Ngọc Cần đang cùng cha truyền nghề lại cho hai đứa cháu ruột (con người anh thứ bảy) với hy vọng là hai cháu sẽ kế thừa xuất sắc truyền thống đờn ca tài tử của gia đình.
HẢI BĂNG
Nguồn tin: Báo sân khấu