Giải Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức năm nay đã bước vào năm thứ 9. Nhằm tăng bề thế và tăng lực hút đối với công chúng mộ điệu trên cả nước, hai năm trở lại đây Chuông vàng vọng cổ có sự đổi mới bằng việc tăng thêm 4 đêm chung kết khu vực để chọn ra mỗi nơi 3 thí sinh có số điểm cao nhất vào dự thi vòng chung kết xếp hạng tại sân khấu Nhà hát Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Nhưng chính trong hai lần đổi mới này đều xảy ra sự cố đáng tiếc. Đó là toàn bộ các thí sinh đều bị chinh dây: Năm 2013 tại Nha Trang và năm nay tại Đồng Tháp.
Năm ngoái khán giả xem truyền hình trực tiếp ít người biết đến sư việc này vì Ban giám khảo khi nhận xét đêm thi không nêu vấn đề này ra. Riêng người viết bài này chỉ sau phần dự thi của vài thí sinh đầu đã chịu không nổi cách ca của thí sinh (ca vọng cổ mà nghe chinh dây thí khó chịu lắm vì giữa đờn và ca bị lệch tông dù xuống hò hay ca trong lòng câu đi nữa)
Nên đã điện thoại ngay cho Ban giám khảo và những người có trách nhiệm trong Ban tổ chức để có sự điều chỉnh kịp thời nhưng rốt cuộc vẫn không cải thiện được gì. Vì theo một người trong Ban tổ chức cho hay là do khán phòng ở Nha Trang bị dội khiến thí sinh không nghe rõ được tiếng đờn mà ca thành ra bị chinh dây hết.
Sau đó người viết tiếp nhận một nguồn tin bên lề từ khán giả địa phương cho biết là trước đó ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có tổ chức một show diễn tại đây. Lúc tập dợt, Đàm Vĩnh Hưng phát hiện ra sự việc sân khấu này âm thanh bị dội nên anh đã tìm cách khắc phục, mua mấy ngàn bong bóng bay thả cho bay lên nóc nhà để hạn chế tiếng dội và tạp âm, giúp cho show diễn đó thành công. Điều này xóa đi nghi vấn của tôi về khả năng đầu tiên là do dàn đờn lấy dây không chuẩn khiến toàn bộ thí sinh ca bị chinh dây.

Minh Trường - thí sinh đạt điểm cao nhất tại vòng chung kết 3 tại Đồng Tháp, nhưng ca vẩn bị chinh dây trong đêm thi
Trong đêm chung kết 3 khu vực tại Đồng Tháp tối thứ năm vừa rồi lại xảy ra điều tương tự. Nhưng lần này lại nghiêm trọng hơn vì toàn bộ các thí sinh đều ca chinh lúc xuống hò nhứt câu vọng cổ chính (nhịp 16). Nhưng lạ một chỗ thì khi ca hò nhì (nhịp 20) và lòng câu thì các thí sinh đều lấy lại thăng bằng, ca đúng dây.
Thường thì dây chuẩn của sân khấu sàn diễn hay các cuộc thi thế này đều thống nhất lấy dây xề (hò 5) của dây ghi ta cổ tương ứng với dây đàn organ lấy tông rê. Nhưng không hiểu sao hôm đó các thí sinh khi vô vọng cổ và xuống hò nhứt đều ca trên dây khoảng từ 1/8 đến 1/4 tông (già hơn dây đờn).
Sau khi nghe 3 thí sinh đầu biểu diễn phần thi của mình, người viết đã phát hiện được sự việc và nhắn tin ngay đến Ban tổ chức để tìm cách khắc phục nhưng vẫn không thấy dấu hiệu cải thiện cho đến hết đêm thi. Để rồi khi 3 vị giám khảo Minh Vương, Cẩm Tiên, Thanh Tòng khi nhận xét cuối đêm thi đều có chung một kết luận là toàn bộ các thí sinh dự thi tối hôm đó đều ca chinh dây dở hơn so với chính mình thường ngày, rất đáng tiếc!
Điều gì dẫn đến sự việc này? Sau đêm thi, người viết có điện thoại cho hai người. Một là nhạc sĩ Hoàng Vũ (người chơi ghi ta cổ đêm đó) thì anh cho biết là mình đờn đúng dây nhưng không biết sao các thí sinh lại ca chinh dây. Người thứ hai là đạo diễn Hiền Phương, thì được anh kết luận tình trạng ở Đồng Tháp hôm nay giống Nha Trang năm vừa rồi. Nghĩa là do âm thanh khán phòng bị dội!
Sau đêm thi, tôi có đi uống cà phê với một số bạn thân và có đề cập đến chuyện này. Thí mấy anh bạn lại đùa vui rằng, không hiểu sao hai sự cố này lại rơi vào tháng Bảy âm lịch của hai năm liên tiếp. Mà tháng Bảy là tháng cô hồn nên cô hồn quậy phá thí sinh và Ban tổ chức giải cho vui ấy mà.
Gạt qua chuyện đùa vui bên lề ấy, và nhìn thẳng vào sự thật thì Ban tổ chức đã thiếu sự điều nghiên kỹ về các sân khấu khi tổ chức giải Chuông vàng vọng cổ để có những xử lý kịp thời, tránh những sự cố đáng tiếc. Cách làm của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng là một biện pháp tốt nhưng rất tốn kém. Cách thay đổi điểm biểu diễn tương đối khả thi hơn.
Trong đó vai trò người tiền trạm, điều nghiên tình hình, tiêu chuẩn kỹ thuật các rạp, nhà hát, hội trường.... là vô cùng cần thiết hầu giúp cho cuộc thi thành công hơn. Rất mong những trường hợp đáng tiếc này sẽ không xảy ra trong các mùa giải sau để “Chuông vàng vọng cổ” trở thành một cuộc thi bổ ích cho những người yêu thích vọng cổ và cải lương.
KHỔ GIA TRƯỜNG
Nguồn tin: Báo sân khấu