(VOH)- Cùng với nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng sân khấu, cuộc thi chuông vàng vọng cổ do Đài truyền hình TPHCM tổ chức đã có hành trình 8 năm với những dấu ấn đậm nét.Không chỉ phát hiện và bồi dưỡng nhiều gương mặt triển vọng, cuộc thi còn góp phần khơi gợi niềm yêu thích âm nhạc tài tử cải lương của nhiều giới ở nhiều độ tuổi. Với những nỗ lực, những đổi mới không ngừng, 8 năm qua cuộc thi đã chắp cánh cho nhiều tài năng trẻ, góp phần vào diện mạo chung của hoạt động sân khấu cả nước.
Nối tiếp những thành công đáng trân trọng đó, cuộc thi chuông vàng vọng cổ tiếp tục bước vào mùa thứ 9 với nhiều tín hiệu vui: số lượng thí sinh tăng cao, nhiều giọng ca đẹp và độ tuổi cũng trẻ hơn, đặc biệt là độ tuổi từ 16 đến 20.
Sau những vòng thi khá căng thẳng,ban tổ chức đã chọn được 12 gương mặt xuất sắc để bước vào vòng chung kết xếp hạng sẽ diễn ra từ ngày 04/09 đến ngày 25/09 tại nhà hát truyền hình Đài truyền hình TP.HCM.
Các thí sinh tham dự vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2014 tại khu vực miền Tây (ảnh: NLĐ)
Năm thứ 9 của cuộc thi chuông vàng vọng cổ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, vì đây là sự chuẩn bị cho việc kỷ niệm 10 năm thành lập giải vào năm sau. Năm nay cuộc thi có nhiều nét đổi mới nhằm mang đến thuận lợi cho thí sinh trong quá trình thi cử cũng như tạo ra những chương trình hấp dẫn, thú vị cho khán giả truyền hình.
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi có tăng hơn mọi năm với con số gần đạt mốc 600. Chất lượng chuyên môn cũng có phần vượt trội hơn, nhiều thí sinh chỉ mới 16, 17 tuổi nhưng có hơi ca đẹp, nhịp nhàng chuẩn và làm chủ được sân khấu. Cũng như năm 2013, năm nay cuộc thi tiếp tục tổ chức thi chung kết ở từng khu vực để các thí sinh có điều kiện dự thi thuận tiện hơn.
Thực tế của 4 đêm thi khu vực có thể khẳng định sức sống của bản vọng cổ cũng như sức lan tỏa và uy tính của cuộc thi này. Đêm thi ở từng khu vực tuy có một chút chênh lệch về chuyên môn nhưng có thể thấy mỗi thí sinh khi đến với cuộc thi này đã có một sự chuẩn bị khá chu đáo từ việc rèn luyện hơi ca, chọn bài dự thi cho đến trang phục biểu diễn.
Ông Cao Anh Minh – Phó tổng Giám đốc Đài truyền hình TPHCM – Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho rằng sự góp mặt của nhiều thí sinh trẻ tuổi sẽ là một ẩn số kịch tính cho mùa giải năm nay: “Thí sinh tham dự năm nay có độ tuổi rất trẻ, lứa tuổi độ từ 18 tham gia rất đông.
Đây cũng là một điểm mà chúng tôi nghĩ rằng giải chuông vàng vọng cổ đã góp một phần nhỏ vào việc truyền tải những nét đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Nam bộ này không chỉ đến những lứa tuổi trung niên mà ngay cả những thế hệ trẻ mới lớn lên cũng bắt đầu cảm nhận được những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc. Đó thật sự là điều làm chúng tôi hết sức tâm đắc”.
Không phủ nhận các thí sinh của mùa giải năm nay có giọng ca đẹp, nhịp nhàng tốt nhưng phải nhìn thẳng một thực tế rằng các thí sinh vẫn còn tâm lý khoe hơi, khoe kỹ thuật nhấn nhá, chưa thẩm thấu được bài ca. Một trong những nguyên tắc khi thể hiện bài vọng cổ là phải ca cho mùi và thể hiện được tinh thần của tác phẩm mà mình thể hiện.
Một lỗi tiếp theo mà các thí cần khắc phục là nghe dây khi xuống câu vọng cổ, nhiều thí sinh dù giọng ca rất hay nhưng câu vô vọng cổ thường bị đâm hơi, lạc hơi hoặc chênh dây. Đây là một trong những kỹ thuật cơ bản mà bất kỳ ai khi bắt đầu tiếp xúc với loại hình nghệ thuật này đều phải học qua và phải nắm vững.
Lời ca tiếng hát sẽ làm lay động được trái tim người nghe khi nó xuất phát từ trái tim, ca bằng trái tim chứ không phải bằng kỹ thuật khoe hơi, khoe giọng mà bỏ quên cái hồn của bài hát như nhận xét của khôi nguyên vọng cổ - NSUT Minh Vương – Thành viên hội đồng nghệ thuật.
“Tôi nhận thấy năm nay các em ca rất tốt, giọng ca phong phú nhưng mà các em vẫn còn bị mắt một lỗi rất cơ bản đó là ca còn sống, chưa chin chữ. Lỗi này cần phải sửa ngay, không được để lâu ngày như vậy sẽ thành một thói quen không tốt, sau này sẽ rất khó sửa. Ca vọng cổ mà chin dây, chin chữ thì nghe hơi chói tai hay nói cách khác là nghe không được”
Ở vòng thi chung kết xếp hạng chắc chắn sẽ còn căng thẳng và khó khăn hơn rất nhiều so với các vòng thi ngoài, vì không chỉ có ca mà mỗi thí sinh còn phải thể hiện khả năng diễn xuất cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Đêm thi cuối cùng, thí sinh còn phải thể hiện tại chỗ bài vọng cổ 4 câu, đây là bài ca không được biết trước nên các thí sinh phải hết sức bình tĩnh và bản lĩnh nếu muốn giành được giải thưởng cao nhất.
Cùng chia sẻ tâm trạng trước giờ khai mạc vòng chung kết xếp hạng của cuộc thi, hai thí sinh có số điểm trung bình rất cao Nguyễn Minh Trường và Nguyễn Thị Linh Phượng, hai thí sinh đã từng giành được giải thưởng cao tại Giải thưởng Bông lúa vàng do Đài TNND TPHCM tổ chức.
Minh Trường: “12 bạn vào chung kết ai cũng rất hay, giọng ca rất truyền cảm. Trường cũng như tất cả các bạn đang nỗ lực hết sức để đem đến cho quý vị khán giả những tiết mục thật hay, thật đặc sắc. Trường hy vọng quý vị khán giả sẽ tiếp tục yêu thương, ủng hộ cho Trường cùng tất cả các thí sinh còn lại trong vòng chung kết xếp hạng rất căng thẳng này”.
Linh Phượng: “Năm nay Phượng được vào đến vòng chung kết xếp hạng Phượng rất vui vì được bước đến gần hơn với niềm đam mê của mình. Cũng lo lắng nhiều nên cố gắng chuẩn bị bài cho thật kỹ, mình cũng rất kinh nghiệm từ năm ngoái.
Những gì mà các cô chú giám khảo đã chỉ dẫn, góp ý tận tình để mình hoàn thiện mình hơn. Mình mong sẽ mang về một kết quả thật tốt không phụ lại sự yêu mến ủng hộ của tất cả mọi người”.
Vòng chung kết xếp hạng của cuộc thi chắc hẳn sẽ không ít những bất ngờ, lôi cuốn và kịch tính với 12 giọng ca đầy nội lực. Những thử thách gì đang đợi các thí sinh trong 4 đêm thi của vòng chung kết xếp hạng, ai sẽ trở thành quán quân của cuộc thi.
Chúng ta sẽ cùng chờ đợi và cổ vũ tinh thần cho các thí sinh trong 4 đêm thi bắt đầu khai mạc vào đêm 04/09 và bế mạc vào đêm 25/09/2014, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 Đài truyền hình TPHCM lúc 20g30 thứ Năm hàng tuần.