Đến nay, chương trình ‘Chuông vàng vọng cổ” (CVVC) của Đài HTV đã tổ chức đến lần thứ 9 và mỗi chặng đường đều có những thành công riêng, nâng chất lượng tổ chức và tạo tiền đề cho những giọng ca trẻ bước vào con đường nghệ thuật. NSND Lệ Thủy đã có những chia sẻ và cảm nhận khi nhìn lại giải Chuông Vàng Vọng Cổ.

Bà tâm sự, thành tựu và ý nghĩa phục vụ khán giả thì báo chí đã nói nhiều, nhất là báo SKTPHCM của chúng ta. Nhưng theo tôi cũng phải nói thêm sự tìm kiếm nhân tố mới cho bài vọng cổ nói riêng và sàn diễn cải lương nói chung phải có một chuẩn mực.
Không thể để những chi phối nào khác hơn ngoài mục đích CVVC không hoài phí trong việc tìm kiếm một thế hệ trẻ đầy triển vọng kế thừa lực lượng nghệ sĩ đã gần về hưu như chúng tôi.
Theo tôi, đích thực đây là một giải thưởng có tầm cỡ sau giải thưởng sai giải thưởng HCV Trần Hữu Trang của Hội Sân Khấu TPHCM. Vì Chuông vàng chỉ chọn giọng ca, còn giải Trần Hữu Trang (kế thừa từ thành tựu giải Thanh Tâm trước 1975) là xét về ca, diễn, đạo đức, kiến thức của người diễn viên.
Thế nhưng giải thưởng đã trải qua 9 lần mà nội hàm của chương trình vẫn chưa toát lên một đặc trưng riêng về đặc thù của loại hình vọng cổ. Nghĩa là vẫn còn nhiều gượng ép cho đúng với chủ đề đêm thi. Nói thật, nghệ sĩ thế hệ vàng của chúng tôi, cầm bài ca học thuộc chưa chắc ca hay, phải hiểu và thẩm thấu nỗi niềm người viết thì ca mới chín.
Đằng này các em bị ép vào những trích đoạn, những bài ca mới viết theo yêu cầu tuyên truyền tư tưởng một cách khô khan, dân nhà nghề còn chạy làng nói chi các em mới chập chững đến với cuộc thi. Đừng tưởng 4 câu vọng cổ ca vỏn vẹn vài phút là xong, nó chở nặng biết bao niêm luật, biết bao yếu tố cần thiết để truyền đến người nghe.
NSND Lệ Thủy rất đồng tình với cách tổ chức của chương trình khi mỗi năm đều tiếp nhận ý kiến của Hội chuyên ngành, để không buộc cuộc thi cải tiến một cách xô bồ, bà nhấn mạnh: “không thể gọi là vọng cổ như cuộc thi Idol được. Ban giám khảo phải đủ chuẩn, đủ kinh nghiệm, không thể có việc pha bừa thí sinh, nói nhăng nói cuội.
Theo tôi ưu điểm chính là những bài bản được sắp xếp theo một quy trình có cấu trúc khoa học, hệ thống quy củ, các vòng loại và thể lệ tuyển chọn có những đổi mới. Năm nay khu vực miền Tây tăng thêm nhiều buổi thi bán kết đó là một điểm mới, vì vọng cổ miền tây thì khán giả và thanh niên trẻ yêu thích nhiều, nên xếp ngang với các khu vực khác thì đó là một thiệt thòi.
Các Chuông được tìm thấy có giá trị đủ sức đúng tầm như: Thu Vân, Trung Đẳng, Nguyễn Văn Mẹo, Võ Minh Lâm, Võ Thành Phê, Nguyễn Thị Luận… Nhưng quá trình diễn ra một mùa thi hoặc nhiều mùa thi chưa thấy “đặc trưng” của bài Vọng cổ để khán giả hiểu hơn về cội nguồn, xuất xứ của bài vọng cổ nhất là khi ĐCTT Nam Bộ được thế giới vinh danh.
Ngày nay, có lẽ không ai xa lạ gì về mối quan hệ giữa bài Vọng cổ với bản Dạ cổ hoài lang và sáng tác của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Bài vọng cổ nhịp 32 mà các thí sinh dự thi CVVC không hiểu đúng cách thể hiện, phải phân tích để các em thấy đâu là ưu điểm và khuyết điểm của cách ca theo nhịp này. Vì theo các giai đoạn: nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 rồi nhịp 32 là bài Vọng cổ ngày nay.
Mỗi giai đoạn phát triển nhịp là mỗi lần tăng tiết tấu nhịp lên gấp đôi, và sự nói rộng như vậy, lời ca cũng tăng theo nhịp điệu. Cho dù các giai đoạn phát triển nhịp điệu của bài Vọng cổ càng mới, nhưng vẫn giữ được căn cội của nó về lòng câu lòng bảng, sự phát triển của nó là quy luật tất yếu, làm cho bài Vọng cổ thêm phong phú về nhịp điệu, bản nhạc thêm sinh khí mới cho nhu cầu mở rộng ca từ của bài ca.
Giữ lòng câu, lòng bản được hiểu, dù nới rộng tiết tấu về nhịp nhưng vẫn lấy những chữ nhạc chính trong các khuôn nhịp làm chuẩn của mỗi câu. Một khái niệm đơn giản thôi: khi cất câu vọng cổ thì câu 1 và câu 2 không có xề, câu năm câu sáu không có cống, xự thì nằm trong lòng câu, ca thì hai lần vào vọng cổ mới thể hiện được cách khác nhau, sẽ tăng thêm tính hấp dẫn của cách ca. Tôi mong ở chặng đường thứ 9 này, sẽ có được những cải tiến để xác lập chuẩn mực cho bài vọng cổ.
NHƯ MAI
Nguồn tin: Báo sân khấu