Chiến đấu với kẻ thù xâm lược là một cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, nhưng chiến đấu với bản thân, với những thử thách của tình trường trong thời bình lại càng khốc liệt hơn, vì lòng vị kỷ của con người vốn dĩ quá to lớn mà khó ai tự mình vượt qua nổi. Đó là bài học muôn thuở của Vua Thần, chỉ chợt nhận ra khi sự thế đã muộn màng.
Chàng dũng sĩ Vac-man - NS
Cảnh Linh
Kịch bản Vua Thần - tác giả Châu Bích Thủy, dàn dựng: nghệ sĩ Minh Chiến. Đây là lần đầu tiên, một truyền thuyết của dân tộc Campuchia được Đoàn cải lương Cao Văn Lầu dàn dựng theo vở tuồng cải lương Nam bộ thuần Việt. Vua Thần xoay quanh cốt truyện kể về nhân dân Campuchia khốn khổ và khiếp sợ trước giặc thù xâm chiếm. Cứ mỗi chiều, mọi người đều hướng về mặt trời lặn - nơi có vua của xứ Java hùng mạnh để thành tâm bái lạy, cầu mong được ban cho sự sống.
Do không chịu nỗi nhục mất nước, dũng sĩ Vac-man tập hợp dân làng liều thân chống kẻ thù.
Ngày ca khúc khải hoàn cũng là ngày nhà vua dựng lên một ngôi đền nguy nga tráng lệ
NS Ngọc Đợi - vai Đê Vi
Trước nhục mất nước, chàng dũng sĩ Vac-Man, một môn đồ Bà La Môn không thể dằn lòng căm phẫn, chàng quyết liều thân cứu nước. Thần linh thấu hiểu nổi khốn khổ của nhân dân nên đã ban cho Vac-man tượng thần Linga (có thể xem như một thanh gươm bằng đá) và danh hiệu Vua Thần để thu phục nhân tâm, tiêu diệt kẻ thù.
Cảnh Linh vai Vua Thần
Do không tạc nỗi tượng thần nên nghệ nhân Chi Kha bị Vua Thần trừng phạt nhưng vì đem lòng yêu thương sơn nữ Đê Vi nên vua tha tội chết
Ngày ca khúc khải hoàn cũng là ngày Vua Thần dựng nên ngôi đền vĩ đại ở kinh thành Sam-bu-pu-ra để cho dân chúng đời đời chiêm ngưỡng và nhớ ơn tái tạo của thần linh. Nhưng ngôi đền đã xây xong mà không có một nghệ nhân nào tạc nổi pho tượng thần với nét mặt đầy nhân từ nhưng không kém phần uy nghiêm. Vua Thần vô cùng khổ sở, toan chặt tay lão nghệ nhân Chi Kha và tự vấy máu mình để chứng tỏ lòng trung thành cùng thần Xi Va. Đúng lúc đó, tiếng thần Xi Va lại vang lên, người thấu hiểu nỗi khát khao của Vua Thần, nên ban tượng thần Xi Va cho thỏa lòng sùng kính.
Từ đó nhân dân càng sùng bái Vua Thần, luôn tôn kính ngài như một quyền năng tối thượng, duy chỉ có Đê Vi, người sơn nữ làng Ma Hen Tra, con của lão nghệ nhân Chi Kha là không khuất phục, cô nhất quyết từ chối lệnh tiến cung, từ chối làm vợ Vua Thần.
Tượng thần Xi Va xuất hiện làm thỏa lòng sùng kính của Vua Thần và dân chúng
Sự trừng phạt của thần linh đối với Vua Thần
Không vượt qua nổi thử thách của tình yêu, Vua Thần đã ra lệnh đốt sạch làng Ma Hen Tra, nơi có những chàng trai trong lứa tuổi mà nàng có thể yêu để thỏa cơn giận dữ.
Nhưng Thần linh không tiếp sức với bạo quyền! Ngọn lửa hận tình đã biến thành một trận cuồng phong xô ngã ngôi đền và tượng thần bắt đầu rung chuyển. Trong cơn hối hận tột cùng, nhà vua đã ôm chặt pho tượng và cầu xin được tha thứ, nhưng pho tượng đã bay đi, mang theo nhà vua đến nơi hoang vắng không có cỏ cây, không một bóng người để nhận lãnh sự trừng phạt. Đó chính là Học Lãnh Sơn quanh năm lạnh giá giữa trời nước mênh mông, để rồi hàng ngàn năm sau, biển bao la với muôn trùng sóng cả như vẫn còn vọng vang lời sám hối muộn màng của một nhà vua đầy lòng vị kỷ.
- Kịch bản Vua Thần tác giả: Châu Bích Thủy - Dàn dựng: Nghệ sĩ Minh Chiến
- Các diễn viên : Cảnh Linh - Vua Thần (dũng sĩ Vac-man); Mỹ Hạnh, Ngọc Đợi - Đê Vi (sơn nữ); Hồng Thêm - Sa Ki (cung nữ); Vĩnh Sơn - Tăng lữ Kai-va-lya ; Ngọc Hân - Mẹ Sóc Savong; Công Tràng - Lão Chi Kha (cha của Đê Vi)...
HUỲNH LÂM
(Theo Baoanhdatmui.vn)