Tiếng vỗ tay của các nghệ sỹ, diễn viên vang lên đầy phấn khích, hào hứng sau phần nhận xét chân tình, thẳng thắn nhưng cũng thể hiện rõ sự am hiểu sâu về nghề cũng như tâm huyết của đạo diễn Đức Nhuần, một trong các thành viên hội đồng nghệ thuật thẩm định vở Phù Vân - vở diễn mới của Đoàn Cải lương Quảng Ninh. Họ phấn khởi bởi lẽ sau những cố gắng cho vở diễn, hôm nay, vở đã có được thành công đầu tiên - 7 thành viên hội đồng nghệ thuật đều đồng ý cho vở công diễn rộng rãi...
Nội dung vở
Phù Vân (tác giả Nguyễn Sĩ Chức, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi) khai thác giai đoạn lịch sử đầu triều Trần với rất nhiều biến cố, tập trung xoay quanh cuộc đời vua
Trần Thái Tông. Sự chuyển giao vương triều giữa nhà Lý và nhà Trần trong lịch sử hơn 700 năm trước dẫu rất êm đềm nhưng ẩn chứa trong hoàng cung là rất nhiều những bi kịch về số phận con người.
Đó là câu chuyện của vương triều mới với rất nhiều việc phải làm, để quốc thái dân an, để củng cố quyền lực dòng họ, để tránh những cuộc tranh chấp chốn hoàng cung. Và số phận con người với những nhu cầu, khát vọng hạnh phúc bình thường trở nên rất khó khăn.
Đó là một Trần Cảnh dưới áp lực của người chú, thái sư đầu triều Trần Thủ Độ, phải gồng lên gánh lấy trọng trách giang sơn, và đặc biệt xử lý trong quan hệ tình cảm với 2 công chúa của dòng họ Lý: Lý Chiêu Hoàng và Lý Thuận Thiên. Tâm trạng nhân vật phức tạp, giằng xé bởi dường như khó có thể dung hoà giữa tình cảm cá nhân, trách nhiệm với dòng tộc... Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng nhưng mang nỗi dằn vặt trong lòng bởi tôn thất nhà Lý bị diệt trong màn mây bao phủ không thể tìm ra sự thật, rồi đấu tranh nội tâm khi 2 chị em bị đẩy đến tình cảnh có chung một chồng.
Lý Thuận Thiên lấy Trần Liễu, có thai 3 tháng mà phải đến với Trần Cảnh để có người nối dõi, để ngôi báu không lọt sang họ khác... Kịch tính lên cao độ khi Chiêu Hoàng không chấp nhận tình thế bỏ vào chùa ở.
Người xem cũng cảm thấy rất hồi hộp, không biết câu chuyện sẽ đi theo hướng nào. Ngược lại, tác giả kịch bản và đạo diễn
Hoàng Quỳnh Mai với phần tự vấn của
Lý Chiêu Hoàng cùng hương hồn
Lý Thái Tổ, đã nhẹ nhàng đưa câu chuyện lái sang một hướng khác. Từ đây về sau, tư tưởng vở diễn ngày càng lộ rõ hơn.
Đó là, vượt lên những số phận, những khuất khúc éo le trong đời sống riêng hoàng tộc triều Trần, vở đề cao trọng trách gánh vác giang sơn của người ngồi trên ngai vàng, đề cao trọng trách của mỗi người với giang sơn bờ cõi. Đây là cái khéo của bàn tay dàn dựng, mang đến niềm tin cho công chúng.
Một cảnh trong vở cải lương Phù Vân.
Tư tưởng chủ đạo như vậy nhưng quan trọng hơn là khi vào vở, với tài xử lý của đạo diễn, đã tạo cho vở một kết cấu hấp dẫn người xem, các lớp, các màn đều có sự sáng tạo. Đặc biệt, sự dằn vặt với những diễn biến tâm lý đan chéo nhiều chiều, nhiều hướng của 3 mẹ con công chúa Thiên Cực chỉ trong một cảnh đã được diễn tả thấu đáo, nhất là hình tượng dải lụa gây ấn tượng mạnh cho người xem, vừa là sự trói buộc lẫn nhau về tình cảm dòng tộc, vừa là sự trói buộc trong tình thế mà không nhân vật nào có thể thoát ra được.
Vở diễn chỉ dài khoảng 2 tiếng, số lượng diễn viên không nhiều nhưng đã chuyển tải đầy, thấu đáo các vấn đề. Những mâu thuẫn phức tạp giằng xé về nội tâm các nhân vật là đất diễn lớn cho diễn viên. Phù Vân ghi nhận sự nỗ lực lớn của các nghệ sỹ, diễn viên của đoàn. Nhất là khi trước buổi duyệt vở, họ chỉ mới thực sự lên sàn tập khoảng nửa tháng.
Hát tốt nhất, diễn có chiều sâu nhất vẫn là 2 nghệ sỹ thành danh của đoàn,
NSƯT Tiến Mác (vai
Trần Thủ Độ) và
NSƯT Bích Hoà (vai
công chúa Thiên Cực). Xuất hiện không nhiều nhưng cả hai đều thể hiện được sức mạnh chi phối vương triều, tạo được dấu ấn mạnh cho người xem.
Sự nỗ lực lớn được nhiều người xem yêu mến và ghi nhận, cổ vũ nhiều là hai nghệ sỹ trẻ
Duy Quang (vai
Trần Thái Tông) và
Hương Sen (vai
Chiêu Hoàng). Đây là hai nhân vật gần như đi xuyên suốt tất cả các lớp, các màn của vở, có nhiều đất diễn để thể hiện tài năng.
Dẫu vậy, cũng còn một vài điểm cần rèn luyện thêm để vai diễn chinh phục người xem hơn nữa, ví như Trần Cảnh phải thể hiện rõ hơn phong thái đường bệ, mạnh mẽ của một ông vua từng chỉ huy quân dân nhà Trần đánh thắng quân Nguyên; hay giọng hát của Chiêu Hoàng cũng cần ngọt hơn, trau chuốt hơn... Đây là cơ hội và cũng là thử thách để lớp diễn viên trẻ vượt mình lên.
Sự đầu tư công phu về trang trí, âm thanh, ánh sáng... cho vở diễn cũng được đánh giá cao, đã hỗ trợ tốt cho diễn xuất. Phần trang trí do
NSND Phùng Huy Bính, một cây đa, cây đề trong giới làm nghề, đảm nhiệm. Chẳng thế mà đạo diễn Đức Nhuần đã không tiếc lời khen: Trang trí giản dị mà rất ấn tượng, hoành tráng mà cũng rất đơn giản. Chỉ hai phù điêu Lý, Trần cho thấy một triều đại, chỉ cái ngai vàng thôi, người ta thấy được cung đình rồi không gian của Yên Tử v.v...
Bên cạnh đó, trang phục diễn viên cũng rất nền nã, ra chất cải lương mà lại đậm tính dân tộc. Âm nhạc cũng vậy, với nội tâm giằng xé, phức tạp của nhân vật thì việc nhạc sĩ vận dụng chất ca trù là đặc biệt tinh, vừa mang được tính cách nhân vật, vừa dễ thể hiện nỗi day dứt, suy tư trong lòng vốn là đặc trưng thể loại nhạc truyền thống này.
Với chất cải lương đậm đà và nhiều ưu thế khác, tin rằng khi đi vào công diễn rộng rãi, vở Phù Vân có nhiều cơ hội sống trong lòng công chúng... Đó cũng là quãng thời gian để những chi tiết còn lệch, những gì chưa tới, chưa chuẩn sẽ được các nghệ sĩ, diễn viên uốn nắn, sửa cho thật nhuyễn.
Tại
Hội diễn sân khấu Cải lương chuyên nghiệp năm 2009 tại TPHCM, vở diễn của Đoàn đã chinh phục công chúng trên chính quê gốc của cải lương.
Ngọc Mai
(Theo baoquangninh.com.vn)