Được phát hiện từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2007, những năm qua, Ngọc Đợi không chỉ gói gọn hoạt động ở đơn vị chủ quản là đoàn cải lương Cao Văn Lầu – Bạc Liêu mà trở thành một trong những cô đào sáng giá nhất của sân khấu cải lương truyền hình hiện nay. Sau Ngọc Đợi, đoàn cải lương trên xứ sở của bản Dạ cổ hoài lang đã lại giới thiệu tiếp những Lâm Ngọc Hoa, Vĩnh Sơn, Hồng Thêm… qua nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ trên sân khấu cải lương.
-NSƯT Khưu Minh Chiến, Trưởng đoàn đã thẳng thắn chia sẻ về chặng đường dài gầy dựng lực lượng trẻ cho đoàn.
*Trên cương vị trưởng đoàn, anh có thể đưa ra nhận xét chung về công tác đào tạo trẻ của đoàn?
- Hiện nay tổng quân số của đoàn Cao Văn Lầu – Bạc Liêu là 46, trong đó có 23 diễn viên và lực lượng trẻ là 15 em. Thực tế, chúng tôi đã “gieo hạt” từ hơn 10 năm qua và bây giờ đến lúc phải thu hoạch.
Qua các cuộc thi cọ xát vừa qua thì rõ ràng các em đã “lớn” nhiều. Điển hình là giải thưởng Trần Hữu Trang 2014 có 1 huy chương vàng xuất sắc cho Ngọc Đợi và 2 huy chương vàng triển vọng cho Ngọc Hoa và Vĩnh Sơn; cuộc thi Tài năng diễn viên Trẻ sân khấu toàn quốc 2014.
Ngọc Đợi cũng đoạt giải bạc và Ngọc Hoa được một giải phụ. Đây thực sự là kết quả đáng khích lệ khiến lãnh đạo và nhân dân Bạc Liêu đều vui mừng nhất là khi đoàn chỉ mới ra đời từ năm 1997 khi tách tỉnh (Cà Mau và Bạc Liêu được tách ra từ tỉnh Minh Hải). * Công tác đào tạo diễn viên trẻ ở một đơn vị cũng trẻ như thế chắc không đơn giản?
- Bây giờ thật khó để nói hết về những khó khăn của ngày đầu. Có thể nói là đã không còn gì mà chúng tôi không thể vượt qua được nữa. Ngay từ đầu, công tác tìm kiếm và đào tạo diễn viên trẻ đã được chú trọng . Mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức tuyển sinh tại địa phương.
Nhưng chủ yếu là “lùng” khắp nơi: từ các hội thi trong tỉnh, xuống các xã xem phong trào văn nghệ quần chúng, theo dõi các câu lạc bộ đờn ca tài tử từ cấp xã, rồi nhiều khi đi lưu diễn là tuyển sinh luôn tại chỗ ngay sau sân khấu… Phát hiện được em nào có tố chất là chúng tôi “bắt” về đoàn ngay.
Nói thì đơn giản vậy nhưng không dễ gì để thuyết phục các em theo đoàn, thuyết phục gia đình lại càng khó vì nhiều khi các em là lao động chính trong gia đình.Như Ngọc Đợi mặc dù xuất thân từ gia đình có truyền thống đờn ca tài tử mà ban đầu cũng không muốn em theo cái nghề bất định này. Chúng tôi phải kiên trì thuyết phục và bằng mọi cách tạo niềm tin cho gia đình, phải tạo điều kiện cho các em sống được với nghề.
* Phương pháp đào tạo của đoàn như thế nào?
- Các em vào đoàn thường ở lứa tuổi 15, 16 như một tờ giấy trắng, không biết gì hết. Các nghệ sĩ lớn trong đoàn sẽ dạy truyền nghề cho các em từng lớp lang: ca, diễn, vũ đạo, tiếng nói sân khấu… và thường xuyên mở lớp tập huấn nghề nghiệp. Ở đây, các em gần như làm việc giờ hành chính: sáng sau giờ thể dục là tập xướng âm.
Sau đó mới ra từng trích đoạn tập. Các em mới thì phải học ca cho chắc, nhất là bản vọng cổ. Và cứ tập luyện suốt như thế. Nhờ vậy mà khi ra thi thố các em nắm bắt được sân khấu, không hề bỡ ngỡ. Chúng tôi cũng chủ trương cho các em liên tục cọ xát ở các cuộc thi vì một lần thi là như học ở trường mấy tháng.
* Nhưng từ “có tố chất” đến “nghệ sĩ thực thụ” không dễ và không ít người triển vọng chỉ mãi là triển vọng. Để nhìn ra một nhân tố thực sự có triển vọng phát triển thì cần bao nhiêu thời gian thưa anh?
- Thực sự cái nghề này là học cả đời. Nhưng với con mắt nhà nghề vẫn có thể nhìn ra được. Ban đầu, có thể nghe được tiềm năng qua giọng hát. Về dựng thử tiết mục cho các em diễn thì có thể xem được tư duy cảm thụ như thế nào mà từ đó phán đoán xem phải mất bao nhiêu năm sẽ trở thành đào, kép đứng sân khấu thực thụ.
Nhưng năng khiếu là một lẽ mà còn phải dựa vào sự nổ lực của bản thân các em nữa. Và trong nhiều triển vọng thì cũng chỉ số ít có tố chất ngôi sao và không phải lúc nào cũng xuất hiện. Cũng phải 13, 14 năm chúng tôi mới có được một Ngọc Đợi.
* Bước ra từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, Ngọc Đợi rồi bây giờ là Ngọc Hoa dần trở thành “người nổi tiếng”. Anh có lo lắng sẽ không giữ được tài năng trẻ của mình không?
- Ở nhiều đơn vị, đúng là có một số nghệ sĩ khi có chút tên tuổi đã ra đi. Ở đoàn, các em phải ở nhà tập thể (có 20 phòng), lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng trong khi ca show lẻ đã 7 – 8 triệu. Có bị cám dỗ hay không cũng là nhờ quan điểm và bản lĩnh của người nghệ sĩ. Chúng tôi tin tưởng vào nghệ sĩ của mình. Đồng thời cũng phải có cơ chế quản lý với đầy đủ tình lý thuyết phục để các em gắn bó cùng đoàn.
Hiện tại, Ngọc Đợi, Ngọc Hoa hay bất cứ nghệ sĩ nào có thể tự do nhận sô nhưng vẫn phải đảm bảo lịch hoạt động ở đoàn và vẫn ở nhà tập thể, lãnh lương theo quy định mà không có bất cứ sư ưu ái nào cả. Không phải vì có được danh hiệu này nọ mà Ngọc Hoa sẽ nghiễm nhiên có vai, em vẫn còn phải tiếp tục rèn luyện nhiều hơn nữa mới đủ bản lĩnh đứng sân khấu.
* Với những cơ sở mới tiếp nhận từ Festival Đờn ca tài tử được tổ chức tại Bạc Liêu vào cuối tháng 04 vừa qua, chắc hẳn đoàn có nhiều phương hướng để phát triển?
- Đoàn có được một thuận lợi là được lãnh đạo, chính quyền Bạc Liêu rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển. Với phương châm “người người biết ca vọng cổ, nhà nhà biết ca vọng cổ” thì đoàn đã có một sự hậu thuẫn vững mạnh từ địa phương.
Nhà hát Cao Văn Lầu (mô hình 3 chiếc nón lá) được xây mới phục vụ Festival Đờn ca tài tử sẽ được tỉnh giao cho đoàn tiếp quản và có nhiều kế hoạch khai thác nhằm phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương của vùng đất giàu truyền thống Bạc Liêu.