Gương mặt nghệ sĩ trong chuyên mục Độc giả - Nghệ sĩ của Tạp chí HTV kỳ 2 tháng 6 chính là NSƯT Phượng Loan - môt giọng ca ngọt ngào truyền cảm, lối diễn xuất chân phương và mộc mạc, đong đầy cảm xúc trong từng vai diễn.
- Chị vốn có một thời thơ ấu gặp rất nhiều khó khăn khi mới 2 tuổi mồ côi cha, sang năm 3 tuổi mồ côi mẹ. Nghị lực nào đã giúp chị vượt qua khó khăn để có kết quả ngày hôm nay? (Lê Thị Hồng Nhung - Nhân viên dịch thuật Bến Tre)
Tuổi thơ tôi không được đẹp như bao đứa trẻ khác, đó là sự thiệt thòi của số phận. Nhưng đổi lại, trong những ngày tháng khó khăn thiếu thốn đó, tôi nhận được sự đùm bọc, yêu thương hết mực của người mẹ nuôi. Nhà nghèo, hàng ngày mẹ phải thức khuya, dậy sớm, tần tảo buôn gánh bán bưng ở vỉa hè để nuôi chị em tôi trưởng thành.
Tình cảm thiêng liêng ấy luôn thôi thúc và trở thành động lực để tôi phấn đấu trong cuộc sống. Tôi tự hứa với bản thân mình phải mạnh mẽ và có ý thức tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Chính ý thức đó đã giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua những khúc quanh khó khăn trong cuộc sống cũng như trên bước đường nghề nghiệp.
- Sinh ra trong một gia đình không ai làm nghệ thuật, nhưng Phượng Loan lại chứng tỏ tài năng và có duyên trong lĩnh vực này. Cơ duyên nào đưa chị đến với sân khấu và trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp? (Đỗ Trí - Học viên cao học, Bình Phước)
Chính tôi đã đi tìm thầy để học nhịp và bài bản sân khấu. Tôi không có điều kiện để học trường lớp như những nghệ sĩ khác vì gia đình không đồng ý. Lúc đó, thầy là nhạc sĩ Hoàng Nô và cô là nghệ sĩ Xuân Hoa đã dạy và tạo điều kiện cho tôi được đến với nghề hát.
Còn nhớ cái thời bé xíu, chiều chiều tôi bồng em đi chơi và vô tình nghe được thầy Hoàng Nô dạy hát. Tôi cũng lân la rồi hát theo. Mà đúng là cái nghiệp nó gắn vào mình, tôi nghe bài nào nhập tâm bài đó, thường nghêu ngao hát trong lúc cao hứng. Rồi tình yêu, niềm đam mê ca hát cải lương bắt đầu từ đó.
Sau này, tôi học nghề dần từ các cô chú, anh chị đồng nghiệp. Để có được những kết quả ngày hôm nay là cả một chặng đường lao động miệt mài, không ngừng học hỏi và một niềm đam mê cháy bỏng đối với sân khấu, với những vai diễn trên sân khấu cải lương cũng như các bài ca vọng cổ.
- Khi sân khấu cải lương đang gặp khó khăn, chị có buồn về điều đó? Có bao giờ chị muốn từ bỏ để chuyển sang một hướng đi mới? (Nguyễn Vũ - Kỹ sư đóng tàu, Nhà máy đóng tàu Ba Son - TP.HCM)
Theo tôi, điều quan trọng của người nghệ sĩ muốn được đứng vững với nghề nghiệp trước tiên là phải có sự đam mê, ham học hỏi, không sợ bị chê dở và đừng bào giờ tự bằng lòng với mình. Thương nghề hết lòng, tổ nghiệp sẽ không phụ.Mặc dù hiện nay, nghệ sĩ ít được diễn những vở tuồng dài trên sân khấu cải lương, nhưng với tôi, tình yêu đối với sân khấu lúc nào cũng là nguyên vẹn.
Nếu ai đó tin rằng, trong cõi đời con người ta có nghiệp dĩ, nghĩa là dù khó khăn thử thách thế nào, họ vẫn không thể rời xa cái nghề mà họ đam mê, thì cải lương là cái nghiệp mà tôi sẽ theo suốt cuộc đời này. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ quay lưng với nghề.
- Những vai diễn trên sân khấu của chị rất đa dạng, thế còn ngoài đời, chị thấy mình là người phụ nữ như thế nào? (Phạm Quang - Phụ trách kinh doanh của metfone)
Trên 30 năm theo nghề hát, tôi đã từng khóc và cười theo các số phận của nhân vật nên trong cuộc sống gia đình, tôi yêu thích sự bình an.Tôi luôn cố gắng để mọi thứ trở nên đơn giản, để những tiếng cười bên bữa cơm gia đình được thường trực, và với tôi, gia đình là mái ấm không thể thiếu trong cuộc đời.
Tôi cũng bình thường như bao người phụ nữ có gia đình, có khác chăng là tôi cố gắng vun vén cho công việc và gia đình đừng chênh lệch nhau quá. Tôi cũng may mắn có được chồng và các con ủng hộ. Gia đình êm ấm luôn là hậu phương vững chắc nhất đối với người nghệ sĩ.
- Cảm xúc của chị khi nhận giải nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất Giải thưởng Truyền hình HTV? (Phương Dung - Giáo viên trường THPT Trần Văn Ơn, Bình Dương)
Đó là niềm hạnh phúc, là vinh dự lớn lao dành cho một nghệ sĩ. Còn gì hạnh phúc hơn khi giọng hát của mình được khán giả yêu quý. Tình yêu khán giả dành cho tôi trở thành động lức to lớn để tôi yêu nghề, để sống trọn từng phút từng giây, để cống hiến hết mình, mang giọng ca đến với khán giả.
Khoảnh khắc đó, tôi chỉ muốn được mang tất cả những tình cảm của mình để tri ân đến quý khán giả đã ủng hộ mình. Và trong lòng tôi đã thốt lên câu; "Con cám ơn Tổ nghiệp".
(Bảo Châu - trích Tạp chí HTV)