Thời gian trôi qua đi cũng nhanh thật, ấy vậy mà đã tám “Chuông vàng” đi qua. Mỗi “mùa chuông vàng” như thế, sân khấu cải lương lại có thêm những bông hoa với những hương sắc khác nhau, góp phần tạo nên vẻ phong phú, tô điểm thêm nét đẹp của vườn hoa nghệ thuật sân khấu cải lương.
Các giọng ca đến từ mọi nơi của đất nước Việt Nam, mỗi bạn mang một phong cách khác nhau, nhưng đều có chung niềm đam mê với sân khấu cải lương và tha thiết được gắn bó với sàn diễn, được làm nghệ sĩ hàng đêm đứng sân khấu đem lời ca, tiếng hát gởi đến người mộ điệu. Nhưng nghệ sĩ trưởng thành từ cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”, mỗi người sẽ có một phong cách riêng tạo nên dấu ấn trong lòng người thưởng thức.
Có người được vào những vai chính, có người hợp với vai phản diện, có người chuyên vào những vai diễn chân chất “hai lúa”. Tôi muốn nhắc đến một nghệ sĩ mà có lẽ theo cảm nhận của riêng tôi thì tôi đặt cho anh với biệt danh “hai lúa”, đó là nghệ sĩ Bình Trọng, giải ba Chuông vàng vọng cổ năm 2010.
Bình Trọng đến với sân khấu cải lương với một sự ngẫu nhiên bởi anh cũng không cũng không dám mơ ước mình sẽ theo con đường ca hát. Nhưng có lẽ, dường như số trời đã định sẵn khi mà anh sở hữu giọng ca không phải ai muốn cũng có được. Một giọng ca mang âm hưởng từ nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương – NSƯT Minh Vương.
Điều này cũng là một thuận lợi cho anh, khi mà lần đầu tiên người ta nghe qua giọng ca của anh người ta sẽ ấm tượng ngay, nhưng đôi khi cũng hơi bất lợi khi anh bị hiểu lầm là anh cố tình bắt chước để cho giống giọng ca thần tượng của mình. Sinh ra và lớn lên từ vùng Hà Tiên, Kiên Giang, một nơi thuộc miền Tây Nam Bộ.
Những câu vọng cổ từ chiếc radio đã đi vào lòng anh từ những ngày còn thơ bé. Ở quê anh, phong trào đờn ca tài tử rất lớn mạnh nên anh đã tham gia ca hát từ nhỏ dù anh chưa rành về nhịp nhàng, bài bản. Qua những lần giao lưu trong các buổi đờn ca, Bình Trọng đã ca hát một cách tự nhiên, anh không may mắn được một người thầy nào dạy cho mình một cách bài bản.
Cứ thế, anh vẫn tham gia nhiệt tình và dần dần sự dạn dĩ đã có trong anh, cũng như việc cọ sát thực tế đã cho anh những kĩ năng cần có của một nghệ sĩ khi đứng sân khấu biểu diễn. Bình Trọng đã lớn lên từ phong trào đờn ca tài tử ấy.Thấy anh có chất giọng và đã có một quá trình lâu dài với phong trào đờn ca tài tử, bạn bè, người thân đã động viên anh nên tham gia các cuộc thi.
Trước hết là để học hỏi kinh nghiệm sau đó thử sức của mình. Đối với một anh thợ cơ khí như Bình Trọng thì việc ca hát như để thỏa niềm vui chớ anh không dám ước mơ là sẽ đat giải hay sẽ bước đi trên con đường nghệ thuật. Bạn bè động viên rất nhiều, anh đã đăng ký dự thi trong Cuộc thi “Tiếng hát Phát thanh Truyền hình tỉnh Kiên Giang” năm 2008.
Kết quả năm ấy thật xứng đáng với chất giọng của anh, anh đã đạt giải nhì. Đó như là sự công nhận của giới chuyên môn đối với giọng ca của anh, để anh biết rằng anh có khả năng có tiềm năng để trở thành nghệ sĩ cải lương. Đến năm 2010, Bình Trọng đi cùng với một người bạn để cổ vũ bạn anh dự tuyển trong cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”.
Ở vòng sơ tuyển, nhìn thấy các bạn thi thố nên Bình Trọng không kìm lòng được, đã đăng ký thử sức của mình. Với chất giọng của anh, ban giám khảo đã hài lòng và anh đã vượt qua vòng sơ tuyển và vô đến vòng bán kết, sau đó vô chung kết xếp hạng với giải Ba. Kỉ niệm trong đợt thi ấy đọng lại trong lòng anh là tình cảm hết sức quý báu mà khán giả khắp nơi đã dành cho anh.
Và một điều làm anh nhớ nhất chính là sự quan tâm của các anh chị trong Ban tổ chức, cũng như các chị nghệ sĩ Họ đã tận tình giúp đỡ trong lúc anh đang bệnh. Trong lúc chuẩn bị cho đêm chung kết 1, buổi sáng chạy chương trình để tối diễn thì anh đã bị bệnh, nên khan tiếng và định bỏ cuộc. Biên tập viên Hiền Phương đã khuyên anh không nên bỏ cuộc.
Và sau đó đạo diễn Kim Phương đã dẫn anh đến nhà của NSƯT Thanh Điền – NSƯT Thanh Kim Huệ dưỡng sức, uống thuốc để buổi tối thể hiện phần thi của mình. Có lẽ, nhờ tình cảm chân thành của các anh chị nên Bình Trọng đã không phụ lòng họ, đã thể hiện hết mình phần thi của mình và có được kết quả đúng như mong đợi.
Sau khi đạt giải trong cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”, giọng ca của Bình Trọng đã được khán thính giả nhiều nơi biết đến qua sóng phát thanh, truyền hình. Trong những buổi thu âm, Bình Trọng đã được nhạc sĩ Trương Minh Châu chỉ dẫn thêm về cách ca, luyến láy, hay những kĩ thuật cần thiết trong quá trình thể hiện bài ca.
Qua những buổi tham gia biểu diễn cùng các đồng nghiệp, Bình Trọng đã học hỏi rất nhiều để tích lũy thêm cho mình những bài học đáng quý trên bước đường làm nghệ thuật.Sau đó, Bình Trọng cùng với Thu Vân (Chuông vàng vọng cổ 2009), cùng với Bùi Trung Đẳng (Chuông vàng vọng cổ 2010) về Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang công tác.
Với công việc ở đoàn, Bình Trọng cùng các bạn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tham gia các buổi biểu diễn phục vụ các sự kiện quan trọng tại địa phương. NSƯT Thanh Nam cùng ban lãnh đạo đoàn rất ưu ái cho các bạn, tạo điều kiện cho các bạn tham gia các show diễn ở các nơi.
Đó chính là điều kiện học hỏi tốt để các bạn có điều kiện học hỏi thêm kinh nghiệm và một phần cũng làm rạng danh cho đoàn khi có những nghệ sĩ trẻ yêu nghề. Với những gì học hỏi được từ các chị đồng nghiệp, cũng như sự phân công của đoàn, Bình Trọng đã có vai diễn Chờ trong vở “Dòng nhớ” trong đợt Liên quan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.
Vai diễn này hợp với bản chất của anh ngoài đời, sự hướng dẫn của các anh em trong đoàn, cũng như sự cố gắng của anh đã mang về cho anh chiếc huy chương bạc. Đó là niềm vui động viên hết sức to lớn để anh phấn đấu hơn nữa trên con đường nghệ thuật còn dài phía trước.
Giờ đã trở thành nghệ sĩ thực thụ, Bình Trọng luôn giữ trong lòng mình hình ảnh thần tượng, mà anh yêu kính. Nhắc đến nghệ sĩ thần tượng của mình, anh chia sẻ niềm vui khi anh có diễm phúc ca chung với chú được vài lần trong những đợt biểu diễn cho các sự kiện ở Rạch giá, Kiên Giang. Sau những lần ca chung, nghe chất giọng của anh.
NSƯT Minh Vương rất vui khi Bình Trọng sở hữu giọng ca mang âm hưởng, mang nét giống mình đến thế và khuyên anh cố gắng gìn giữ và phát huy hơn nữa, tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật. Lời động viên của nghệ sĩ thần tượng đối với Bình Trọng chính là kỉ niệm đẹp, là bài học quý để anh càng phát huy hơn nữa những gì mình đã có và không ngừng học hỏi.
Đã bốn năm trôi qua, kể khi anh vinh dự nhận giải Ba của cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”. Ngần ấy năm, Bình Trọng đã gặt hái được chính là những bài học quý giá trong nghệ thuật, và tình cảm mà khán thính giả đã dành cho anh, Anh hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm những vai diễn để ghi dấu trong lòng khán giả.
Hiện tại anh đang ấp ủ ra một album DVD đầu tay. Do công việc hơi bận rộn nên anh dự kiến cuối năm nay mới xong. Bật mí về “đứa con tinh thần” đầu tiên của mình, Bình Trọng cho biết anh sẽ sử dụng những bài ca với chủ đề về quê hương, về tình yêu đôi lứa như.
Xin trả tôi về, Chuyện loài hoa dang dở, Lời nhớ lời thương, ... Anh cũng dự định mời những nữ nghệ sĩ đang được mến mộ hiện nay như: NSƯT Thoại Mỹ, NAƯT Thanh Ngân, NSƯT Quế Trân, Hồ Ngọc Trinh, Thu Vân, ... Khán giả đang chờ đợi và luôn ủng hộ cho Bình Trọng.
Chia sẻ về gia đình của mình, Bình Trọng đang rất hạnh phúc cùng với mái ấm yêu thương của mình cùng vợ và hai bé: một bé gái 9 tuổi và một bé trai 4 tuổi. Các con lại rất thích cải lương, khi những bài ca nào ba Trọng hát thì bé đều thuộc. Một mái ấm gia đình hạnh phúc cũng chính là nguồn động viên rất lớn để anh có thêm sức mạnh, có thêm niềm tin để bước tiếp trên con đường nghệ thuật.