GẦN 30 NĂM LUI VỀ Ở ẨN, NGAY CẢ NHỮNG NGƯỜI TRONG GIỚI SÂN KHẤU CŨNG MƠ HỒ KHÔNG RÕ “VUA VỌNG CỔ HÀI” VĂN HƯỜNG CÓ CÒN ĐƯỢC KHANG KIỆN, Ở TUỔI NGOÀI 80, ÔNG ĐANG SỐNG AN NHÀN CÙNG GIA ĐÌNH TRÊN MẢNH ĐẤT QUÊ NHÀ – LONG THẠNH MỸ - THỦ ĐỨC (NAY LÀ QUẬN 9, TP.HCM)
Trong đợt xét tặng NSƯT, NSND gần đây, Văn Hường cũng có tên trong danh sách đặc cách phong tặng danh hiệu ban đầu nhưng ông đã từ chối với lý do: “Tui đã về quê cắm câu lâu rồi, có còn hát hò, cống hiến gì cho nghệ thuật nữa đâu. Nếu có danh hiệu “NSND về quê cắm câu” thì tui mới dám nhận”. Sự hóm hỉnh rất đúng phong cách Văn Hường.
Cũng với quan niệm đã rời xa ánh đèn sân khấu là chấp nhận từ bỏ hào quang, không nuối tiếc, không níu kéo nên mặc dù nhận được rất nhiều lời mời đi diễn các nơi, nhất là Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) thường xuyên mời ông thu tuồng, tham gia Vầng trăng cổ nhạc… nhưng ông đều một mực từ chối.
Với ông, những gì hay nhất, đẹp đẽ nhất của mình đã cống hiến hết trên sân khấu ngày trước và chỉ muốn khán giả lưu giữ mãi trọn vẹn những hình ảnh, ấn tượng về Văn Hường của cái thời rực rỡ ấy. Một Văn Hường tuổi về già, hơi ca sa sút, cái rung “ư…hự” không còn “thiệt độc” như xưa thì dù khán giả có thương, bản thân ông cũng khó chấp nhận.
“Thôi thì như bây giờ cũng vui. Ở nhà vui vầy với con cháu. Có cái quán, cũng không đắc khách gì, chỉ lai rai, để mình lâu lâu ca bậy vài câu cho đỡ nhớ nghề. Đời nghệ sĩ về chiều của tui may mắn là được khán giả, bạn bè, đồng nghiệp… vẫn còn thương lắm, thường xuyên ghé thăm. Có những người ở tỉnh xa, hay ở cả nước ngoài, có dịp là ghé chơi với mình.
Vòng vòng quận 9 này cũng có nhiều khách hàng – khán giả ủng hộ quán, lãnh đạo cũng quan tâm. Thỉnh thoảng lại chạy ra thành phố, tụ tập cà phê cà pháo ôn kỷ niệm xưa với mấy người của công ty Kim Chung cũ, như: Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Hải, Thanh Phú…”, “vua vọng cổ hài” hài lòng cho biết.
Sinh ra trong thời gian của những danh ca, mặc dù sở hữu một làn hơi, chất giọng thiên bẩm nhưng nếu không tạo dấu ấn đặc biệt (chưa kể việc “thất tướng”, thiếu sức hút ngoại hình) thì rất dể bị chìm vào quên lãng. Văn Hường đã sáng tạo cách ngân “ư… hự” độc đáo khi xuống vọng cổ. Từ phong cách ca lạ và duyên dáng này, Văn Hường đã “lt vào mắt xanh” của “ông vua” viết vọng cổ, soạn giả Viễn Châu.
Bài vọng cổ hài đầu tiên Đêm tân hôn trình làng giọng ca Văn Hường với làng đĩa nhựa đã trở thành một “hit” lớn và đặt viên gạch đầu tiên cho Văn Hường tiến tới danh hiệu “vua vọng cổ hài”. Soạn giả Viễn Châu coi như là thầy tui rồi. Ổng là người sáng tạo ra trường phái vọng cổ hài, viết cho tui thâu đâu cả mấy trăm bài.
Ổng tài lắm, viết nhanh lắm, đi đâu, thấy bất cứ cái gì, kể cả chuyện thường ngày như đi chợ, đi chơi, đi hớt tóc… cũng trở thành đề tài viết vông cổ”, Văn Hường luôn nhắc đến NSND soạn giả Viễn Châu với tất cả sự trân trọng. Ngược lại, cũng có thể nói, giọng ca “độc” của Văn Hường cũng đã khơi nguồn cảm hứng cho soạn giả Viễn Châu, và với những: Tư Ếch đi chợ, Tư Ếch đi hội chợ, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch – Ba Râu đi xem đại nhạc hội…
Tư Ếch bỗng trở thành nhân vật được khán giả yêu thích sánh ngang với nhiều nhân vật bước ra từ các vở tuồng hoàn chỉnh. Sau Văn Hường nối tiếp có Hề Sa, Hề An Danh, Hề Thanh Nam, cùng phát triển trường phái vọng cổ hài. Nhưng sự điêu luyện trong kỹ thuật nhả chữ cũng như phong cách “ca như giỡn chơi”, tự nhiên tung tẩy nhẹ nhàng như không thì vẫn chưa ai có thể “soán ngôi” Văn Hường.
Vì thế,nghe Văn Hường ca vọng cổ hài luôn khiến người nghe bật cười thật tự nhiên, sảng khoái và càng nghe lại càng mê. “Cũng có mấy đứa trẻ đến nhờ tui dạy cho ca vọng cổ hài. Nhưng mình ca có còn nổi đâu mà dạy”, ông chia sẻ. Hơn ai hết, ông cảm nhận rõ rằng trường phái vọng cổ hài gắn liền với tên tuổi của mình có nguy cơ sẽ không còn nữa.
Sau NSƯT – danh hài Thanh Nam (giờ quá bận rộn với các dự án phim ảnh) có còn ai ca vọng cổ hài? Có lẽ vẫn còn đâu đó ở những câu lạc bộ đờn ca tài tử, thỉnh thoảng lại vang lên giữa các quán cổ nhạc, nhưng để giữ nó như một trường phái nghệ thuật được mọi người ngưỡng vọng như thuở Tư Ếch Văn Hường tung hoành làng đĩa nhựa thì… khó quá (hay đúng hơn là không thể)!
“Có lẽ do tui hát hề nên tâm trí nó thoải mái lắm. Hồi đi hát thì hạnh phúc vì được làm nghề mình mê, lại tạo được danh tiếng, dấu ấn để đời. Bây giờ về quê cắm câu thì khán giả, đồng nghiệp vẫn không quên, vẫn nhắc đến mình. Như vậy đã là quá may mắn rồi, đời nghệ sĩ còn đòi gì hơn?”, “vua vọng cổ hài” cười móm mém – ông trẻ trung và khỏe khoắn so với cái tuổi “cổ lai hy” của mình quá!