(CATP) Cả cuộc đời sáu bảy chục năm lênh đênh theo nghiệp cầm ca, họ đã dành trọn cả tuổi hoa niên để vui buồn theo ánh đèn sân khấu chớp tắt trong từng đêm diễn. Chở theo cả hạnh phúc gia đình lẫn những niềm đau riêng theo mỗi chuyến đò, chuyến xe lưu diễn, họ “gồng gánh” những tuồng cải lương từ sân khấu rực rỡ chốn thị thành đến từng sân khấu “ngàn sao” ở khắp nơi xa tít tắp. Là những chứng nhân cuối cùng của nghệ thuật sân khấu và đờn ca tài tử thời kỳ đầu tiên, những nghệ sĩ già vẫn tiếp tục cống hiến và viết nên trang sách cuối đời trong âm thầm lặng lẽ.
Trước khi thế hệ các ngôi sao của sân khấu cải lương như Minh Cảnh, Minh Vương, Lệ Thủy... trở thành thần tượng của công chúng, danh tiếng nổi như cồn, khán giả miền Nam thập niên 60 trở về trước đã từng được thưởng thức nhiều vở tuồng và đó chính là thời của các nghệ sĩ mà hiện giờ đã trở thành “bửu bối” của lịch sử cải lương.
Bởi không chỉ gắn nghiệp cầm ca của mình với buổi bình minh và thời kỳ hoàng kim của bộ môn nghệ thuật này, họ còn là đào chánh, kép chánh của các gánh hát, là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Rạp hát cải lương xưa Ảnh tư liệu
Chiều dài gần 30 năm hưng thịnh của cải lương đã vinh danh nhiều gánh, đoàn hát: Thanh Minh, Thống Nhứt, Tiếng Chuông Vàng, Năm Châu, Thủ Đô, Kim Chung... Bây giờ muốn tìm lại những ngôi sao, ban nhạc hay các nhân viên hậu đài của các đoàn hát ngày xưa ư?
Không dễ, bởi cùng với lớp bụi thời gian, hầu hết nghệ nhân đã qua đời. Và một nơi may mắn còn tập trung khá nhiều gương mặt nghệ sĩ sân khấu lão thành là Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8.
Một buổi sáng đầu hè, khi những chùm phượng đỏ bắt đầu chớm nở trên đường phố Sài Gòn, lần theo cái nắng gay gắt, chúng tôi bước vào mái nhà chung của những nghệ sĩ già. Thoạt nhìn, họ cũng là những “người cao tuổi” bình dị như bao ông già, bà lão khác, nhưng họ lại là các nghệ sĩ từng có những năm tháng sống ngập tràn dưới ánh hào quang sân khấu, nay họ chọn nơi đây để “buông neo” như “bến đậu” cuối đời mình.
Nhìn những bóng người già nua, lụm cụm ngồi trên ghế đá hay chậm chạp quét sân vườn... mấy ai biết họ chính là những cô đào chánh Hoài Dung, Hoài Mỹ, Lệ Thẩm, Thiên Kim, Mỵ Lan, Hồng Hoa, Mộng Lành; kép chánh Hải Quang... lẫy lừng một thuở!
“Cô gặp nghệ sĩ Hoài Dung đi. Bà ấy không chỉ là đào chánh đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ nhiều năm hát với Hùng Cường, mà còn có cả một gia đình nghệ sĩ rất nổi tiếng và là vợ của tác giả Nguyễn Huỳnh, người viết vở Tướng cướp Bạch Hải Đường, ông Tần Nguyên - Phó Ban ái hữu nghệ sĩ TPHCM, người phụ trách Viện dưỡng lão nghệ sĩ - nói với tôi.
Nổi danh từ khi còn rất trẻ, Hoài Dung là nghệ sĩ đầu tiên thủ vai Nhung trong tuồng cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường. Hoài Dung, Hoài Mỹ cũng nổi như cồn với tuồng cải lương Hương xa được phóng tác từ phim Ấn Độ ăn khách. Nghệ sĩ Mỵ Lan cũng từng là cô đào chánh của nhiều đoàn.
Ở viện này còn nhiều tên tuổi như Hồng Hoa (đoàn Phước Chung, Kim Chung), cô đào hồ quảng Mộng Lành, nghệ sĩ Lệ Thẩm (đào chánh đoàn Năm Châu, đoàn Nhụy Hương Tuấn Sỹ, Tiếng Chuông Vàng, Sài Gòn 3)...
“Nguyên một gánh cải lương Kim Thoa ngày đó với mấy chục người, giờ đã qua đời hết chỉ còn lại có ba người là tui, bà Bê và ông Tám Lang. Và cả ba tụi tui đều ở lại trong này” - chỉ tay về phía một căn phòng nhỏ, nghệ sĩ Thiên Kim nói trong bùi ngùi tiếc nhớ. Bất chợt tôi hình dung một đoạn phim nhanh: từ một gánh hát đông vui đi đến đâu cũng như trẩy hội, rồi lúc từng nghệ sĩ lần lượt ra đi, cảnh kết cuối phim chỉ còn lại ba người!
Bà Bê, người được nhắc đến, là nghệ nhân đàn dương cầm. “Dương cầm sân khấu cải lương. Cô Bê xứng đáng nữ vương trong làng” là câu thơ được dành tặng riêng cho người phụ nữ cũng đã mấy mươi năm theo nghiệp đàn. Trong căn phòng nhỏ của nghệ sĩ này, cùng với những hình ảnh dán trên tường là các nghệ sĩ nổi tiếng một thời, là tiếng nhạc buồn buồn phát ra từ một chiếc máy hát cũ.
Trong khi đó, ở phía xa xa, tay trống hào hoa Tám Lang, “cặp dùi chấn động Nam Vang Sài Gòn”, cũng đang thảnh thơi trên chiếc ghế đá. Năm nay đã 94 tuổi, ông Tám Lang là em ruột của bà bầu gánh Kim Thoa. Với ông bây giờ, sau hàng ngàn đêm trên sân khấu, lặng lẽ nghe thời gian trôi đi dường như là việc đem lại ít nhiều thảnh thơi.
Không chỉ đào chánh kép chánh, chọn Viện dưỡng lão là nơi nương tựa tuổi già có cả những bầu gánh tên tuổi lẫy lừng như bà bầu Bạch Yến, bà bầu Ngọc Đán, bầu Lam Sơn, nghệ nhân như ông Chín Đèn, họa sĩ sân khấu Hoài Nam, thậm chí là nghệ sĩ múa như bà Thu Cúc hay người hát dàn bao Hoàng Lương...
Không than van, không đòi hỏi quyền lợi hay danh hiệu, những nghệ sĩ già của bộ môn nghệ thuật cải lương xem việc trải qua mấy mươi năm trong nghề là niềm vui, là hồi ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời dâu bể bôn ba. Dù chủ đề câu chuyện là gì, dù tôi nói gì thì nói, chỉ một lát sau, câu chuyện về hào quang xưa, về những ngày đi diễn với tấp nập khán giả đông vui cũng quay trở lại trong tâm trí họ.
Mắt sáng lấp lánh, miệng cười mãn nguyện, trí óc những nghệ sĩ già dường như chỉ “chịu” nhớ về thời vàng son nhất. Nhìn những nghệ sĩ thong thả tuổi già trong buổi chiều chếch bóng hoàng hôn sau cả đời phiêu bạt theo gánh hát, tôi chợt nhớ những câu mở đầu bản vọng cổ nổi tiếng Kiếp cầm ca của soạn giả Viễn Châu:
Khi bức màn buông, danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cởi áo lau son phấn
Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường...
(CATP) Đời cải lương lênh đênh theo gánh hát khiến người nghệ sĩ khi đến tuổi xế chiều mới giật mình nhận ra mình chẳng có một mái nhà. Không tài sản, không mái ấm riêng, nhưng họ hài lòng với một mái nhà chung, vui với những gì mình đang có.
83 NĂM KHÔNG CÓ... THẺ CĂN CƯỚC, CHỨNG MINH NHÂN DÂN
Câu chuyện cuộc đời của họa sĩ thiết kế sân khấu Hoài Nam có nhiều chi tiết “không tưởng”, nhưng lại là chuyện thực 100%! Ở tuổi 85, ông chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Trò chuyện với ông, phải hét thật to bên tai mới mong ông nghe rõ.
Sinh ra ở tận Bat-tam-băng (tỉnh biên giới của Campuchia giáp Thái Lan), bảy tuổi cậu bé Hoài Nam được ba má gửi về Sài Gòn học lớp 1. Vì gia đình ở tuốt gần biên giới Thái Lan nên hàng năm cậu học trò Hoài Nam phải chờ dịp bãi trường mới được nghỉ chừng hai tháng về thăm gia đình.
Xa nhà từ nhỏ nên tính tự lập và thích tự do, rong ruổi rày đây mai đó đã trở thành cố hữu. Ở Sài Gòn, năm 20 tuổi chàng thanh niên Hoài Nam có những tiếp xúc đầu tiên với nghệ thuật sân khấu khi lân la chơi cùng con ông bầu Năm Châu. “Đầu tiên tôi theo gánh Năm Châu.
Vừa theo chơi vừa học nghề vẽ”. Rồi bỗng thấy nghề này được đi đây đi đó đúng ý nguyện, ông theo luôn. “Khi vào trường dạy vẽ thì người học có thể vẽ bất cứ thể loại gì. Nhưng tôi đi qua điện ảnh và cải lương vì bên đây được theo đoàn hát đi khắp nơi” - ông nhớ lại.
Họa sĩ sân khấu Hoài Nam Cô đào Lệ Thẩm
Rồi từ đoàn Thủ Đô sang đoàn Út Bạch Lan - Thành Được, qua Kim Chung. “Đó đều là những đoàn lớn. Tôi cũng lãnh phần vẽ dựng cảnh cho nhiều đoàn cùng lúc, rồi chỉ vẽ phân việc lại cho anh em khác làm thêm” - ông Hoài Nam nói. Sau năm 1975, Hoài Nam vẽ cho đoàn Sài Gòn 1, Sài Gòn 2.
Ông bảo hồi đó đi theo gánh hát vui lắm. Hát trong rạp thì có chừng 800 đến 1.200 khán giả. Nhưng sau năm 1975 hát ở sân bãi có đến 5.000 - 7.000 người xem. Cứ bắt đầu có tuồng mới là ngồi nhà vẽ. Nhưng một tuồng vẽ xong rồi hát tới mấy tháng.
Nên khi vẽ xong là đi theo đoàn chơi thôi! Cũng vì vui vậy, nên ông tối ngày cứ long nhong đi theo cải lương. Ông nói hồi đó không có cái nhà trọ nào mình ở quá sáu tháng, bôn ba suốt. Mà đặc biệt là “nhà mình mướn mà toàn đứa nào đâu tới ở”, vì “mình đâu có ở nhà”!
Mải mê rong ruổi theo đoàn hát, thời gian như bóng câu qua cửa sổ, rồi đến ngày ông nhìn lại sau lưng mới chợt nhận ra mình bơ vơ chẳng còn người thân thích. Ba má nơi xứ người xa xôi đã qua đời ở tuổi mới ngoài 40. Anh em ruột thì “ba má đẻ nhiều nhưng đều mất sớm”. Ông thành người đơn côi giữa cuộc đời. Không nhà cửa. Không họ hàng. Không cả vợ con.
Tất cả những cái “không” trên đây đã là lạ đời rồi, nhưng ở người họa sĩ sân khấu già yếu gầy còm này còn có một cái “không” xứng danh là “độc nhất vô nhị”: 83 năm không có thẻ căn cước lẫn chứng minh nhân dân! “Ờ lạ vậy đó, từ hồi chế độ cũ tôi cũng không có giấy tờ gì, mà ngộ cái là chưa từng bị bắt lại xét hỏi gì ráo.
Vào đây rồi có cô Hà (bà Nguyễn Thị Thu Hà, lúc giữ chức Phó chủ tịch UBND TPHCM) đến thăm, thấy tôi vậy nên bảo mấy ông ở quận cấp giấy CMND cho tôi” - ông hóm hỉnh kể. Rồi khoe giấy CMND giờ đi đâu cũng nhớ đút trong túi áo, có lẽ đó cũng là “tài sản” duy nhất và quý giá nhất của ông!
CHUYỆN “CÔ TẤM” HÔM NAY
“Nói về cải lương thì tôi ở trong đó hơn 60 năm”, nghệ sĩ Lệ Thẩm mở đầu câu chuyện. Nhưng, sau hơn 60 năm tặng cho cải lương... cả tuổi xuân, sau đỉnh cao hào quang với vô vàn hoa tươi và sự hâm mộ cuồng nhiệt của công chúng, khi màn nhung khép lại, ở tuổi 78 nghệ sĩ Lệ Thẩm vẫn không có tài sản gì đáng giá.
Ba đờn trong đoàn hát, má cùng ba đi theo đoàn. Cô bé Lệ Thẩm được hoài thai và sinh ra ngay trong đoàn hát. Ba tuổi, đêm đêm cô bé ngồi cánh gà xem vở diễn rồi lẩm nhẩm theo học thuộc. Đến khi gánh hát đột xuất cần người thế vai đào con, Lệ Thẩm xung phong. Cứ thế cô lớn lên, định hình rõ sắc vóc và giọng ca.
18 tuổi, cô theo đoàn Năm Châu diễn tuồng Tấm Cám. Đến đoạn Tấm bị dì ghẻ đánh tới tấp trên sân khấu, khán giả ở dưới xuýt xoa. Rồi “cô Tấm” Lệ Thẩm đi ra chợ, khán giả chen nhau níu lại hỏi con bị đánh có đau không?
“Lo đi hát chứ không quan tâm tình tự”, nên dù nhiều khán giả hâm mộ mà Lệ Thẩm vẫn một mình. Năm 19 tuổi, Lệ Thẩm mới gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với nghệ sĩ Tuấn Sỹ. Từ lập gánh hát riêng đến giai đoạn khó khăn của cải lương phải rã đoàn, hai vợ chồng bà kiên trì theo nghiệp cầm ca. Đoàn này rã thì đi đoàn khác.
Mãi đến một ngày, ông đột ngột qua đời khi đang lưu diễn ở vùng sâu vùng xa tỉnh Bến Tre. Quá đột ngột, bà gần như không thể khóc. Mãi đến sau này, nhớ lại giây phút đau đớn ấy, bà mới có thể diễn tả: “Muốn khùng luôn, ai biểu làm sao làm đó” vì “mới trước đó chút xíu ông vẫn còn khỏe mạnh”.
Bơ vơ quay lại Sài Gòn năm 1998, Lệ Thẩm không có nhà cửa. “Vốn liếng” duy nhất của bà là một cô con gái cũng quá nghèo. Con gái bà có chồng làm nghề chạy xe ôm, đang gánh vác 5 đứa con nhỏ. Vậy là Lệ Thẩm trở thành một thành viên của Viện dưỡng lão nghệ sĩ.
“Nếu ở bên ngoài mà bệnh thì khó sống lâu. Nhưng vô trong này không khí trong lành, mình yên tâm nhiều bề. Được gặp gỡ đồng nghiệp nên cũng khỏe hơn. Nếu có Mạnh Thường Quân cho ít tiền thì dành mua thuốc uống.
Mình biết bệnh của mình để tiền mua thêm thuốc nào mà bệnh viện không có” - cô đào chánh xinh đẹp năm xưa chia sẻ. “Nửa khoảng đường chiều”, trong đôi mắt của người nghệ sĩ không hề có chút tiếc nuối nào khi dành trọn cuộc đời cho nghiệp cầm ca.