KHI NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ (ĐCTT) ĐƯỢC VINH DANH, HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI VUI MỪNG SUNG SƯỚNG BỞI CON ĐƯỜNG HỌ CHỌN ĐÃ TỎA SÁNG THÊM HÀO QUANG, TẠO THÊM CHÂT MEN ĐỂ LAN TỎA ĐẾN CẢ THẾ GIỚI. ĐIỀU HỌ TÂM NGUYỆN LÀ LỜI THỀ GẮN BÓ VỚI ĐCTT CHO ĐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG VÀ TRUYỀN LẠI CHO THẾ HỆ TRẺ NIỀM ĐAM MÊ CHÁY BỔNG CHỮ TÀI KHÔNG GẮN CHỮ TAI
NSƯT nhạc sĩ Ba Tu thường ví von cuộc đời của ông không mấy thăng trầm dâu bể, song niềm đam mê thì cứ bị thách thức. Bởi khi mới bắt đầu biết ĐCTT, ông hiểu hai chữ tài tử là chỉ rõ công việc mình đeo đuổi không dùng làm kế sinh nhai. Chính vì thế mà cứ là cho bị phí công, rỗi nghề, nhưng mấy ai biết không phải vì lời mỉa mai đó mà trình độ của người tài tử như ông lại thấp đi.
“Để trở thành người tài tử đúng nghĩa phải trãi qua thời gian luyện tập rất công phu, học từ chữ nhấn, chữ chuyền, ngón đờn từ chữ “rao” sao cho mùi mẫn, cách “sắp chữ” khi ca sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng của dân ĐCTT – ông chia sẻ và hào hứng khi nói về sự trải nghiệm.
“Tôi học chơi đàn từ nhỏ. Biết tôi sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc, cha tôi đã tìm thầy để tôi theo học. May mắn thay ban ngày tôi học chữ, đêm đến làm quen với cây đờn kìm dưới sự hướng dẫn của thầy Chín Phàn. Những thanh âm khi trầm bổng, lúc réo rắt nhặt khoan từ loại nhạc cụ ít phím hiếm dây này (2 dây, 9 phím) đã mê hoặc và thấm đẫm vào hồn tôi.
Đam mê là một chuyện nhưng phải sáng dạ, đó là lời dạy của thầy tôi. Và từ đó tôi biết lắng nghe, quan sát những buổi cha tôi, thầy tôi mời các nghệ nhân đến nhà chơi ĐCTT. Hồn tôi bị chiếm bởi những ngón đờn tranh của thầy Bảy Quế và lối chơi đờn cò độc đáo của thầy Hai Võ. Những âm thanh đó đã mê đắm tôi, theo tôi vào giấc ngủ, nó da diết, vỗ về như những mạch ngầm phù sa quyện vào lòng sông vun bồi cho một chặng đường 11 năm học ĐCTT”.
Với NSƯT Ba Tu, người có máu đam mê ĐCTT thì phải xác định chính chắn việc “chữ Tài không gắn với chữ Tai”, nghĩa là không ỷ tài mà gây sự, làm mờ nhạt ý nghĩa vô giá của nghệ thuật ĐCTT . Ông kể: “Năm đã nằm lòng 20 bài bản cổ của ĐCTT, cha tôi dạy phải luyện ngón đờn kìm ngày thêm già dặn ở cả ba trường phái nhạc lễ, tài tử và cải lương. Và phải tu tâm, tu dưỡng nghề dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào”.
LĂN LỘN NHƯNG KHÔNG BIẾN CHẤT
Là người gắn bó máu thịt với ĐCTT, NSƯT Ba Tu đã từng trãi qua nhiều đoàn hát. Ông gia nhập Đoàn Tiếng Vàng Thủ Đô đi lưu diễn khắp nơi trong cả nước, mà nói theo nhận xét của soạn giả Kiên Giang: ”Từ ĐCTT đến với sân khấu cải lương, Ba Tu là điểm tực vững chắc cho dàn nhạc cổ thời đó, để ứng biến thăng hoa của ĐCTT đi vào niêm luật, qui cũ của dàn nhạc cổ cải lương.
Chính thời gian này đã giúp Ba Tu có thêm nhiều kiến thức để đi đến con đường nghệ thuật. Những năm 60, Ba Tu tham gia Đoàn cải lương Phước Thành, sau đó về Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ . Sau năm 1975, ông lần lượt tham gia các Đoàn cải lương Sài Gòn 3 và Nhà hát Trần Hữu Trang cho đến khi nghỉ hưu.
Thông thường, mỗi người có một sở trường diễn tấu, thể Bắc, Nam hay Oán chỉ giỏi có một, còn với danh cầm Ba Tu coi như thể nào trong nhạc tài tử, cải lương cũng đều là sở trường”.Lăn lộn với nhiều gánh hát nhưng NSƯT Ba Tu không để chất ĐCTT trong ông biến dạng. Theo ông, khi cầm đờn đòi hỏi người nghệ nhân phải có tâm, coi là tâm tấu.
Không chỉ thuộc lòng bản, người nghệ nhân phải nhấn nhá từng chữ nhạc sao cho thật chuẩn xác, phải chuyển được dòng máu chảy thật âm ỉ vào cảm xúc của bản thân và truyền đến người ca, người nghe. NSƯT Ba Tu kể: ”Ngày xưa, dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc) hay ngũ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc, sáo), đờn kìm vẫn giữ vai trò lĩnh xướng.
trong nhạc tài tử cải lương, bài bản được dựa vào chữ nhạc chính từ cung bậc của đờn kìm; người học ca, các loại nhạc cụ khác cũng dựa vào nền tảng âm nhạc của đờn kìm. Cây đờn kìm (nguyệt cầm) được tôn vinh là “thầy” của các loại nhạc cụ. Tôi mê đờn kìm, đam mê càng thêm cháy bổng khi có giai đoạn các con định cư ở Mỹ, bảo lãnh sang đoàn tụ gia đình, nhưng rồi tôi quyết định quay về, vì không thể sống xa ĐCTT”.
Được giới ĐCTT và sân khấu cải lương gọi là đệ nhất nguyệt cầm, tên tuổi của NSƯT Ba Tu đã gắn liền với tiếng đờn kìm. Tư thế ngồi đờn của ông cũng khác biệt, lúc nào tâm trạng cũng đĩnh đạc như người quân tử. Với ông không có chuyện đờn cho có lệ, “chỗ nào không ưng thì khó mà miễn cưỡng” ông cười, cho nên tiếng đờn kìm của ông còn là tiếng lòng của “quân tử cầm”.
NSND Viễn Châu nhận xét: ”Người đờn phải khổ luyện cho thành phong cách thù mới có được mệnh danh này. Ba Tu nhấn chữ xang nức nở đến đổ hột như người đang có tâm sự kể lên nổi lòng mình. Còn khi Ba Tu đờn vọng cổ, nét nhấn nhá có nhiều chữ mới, luyến láy duyên dáng, các thể điệu Bắc thì Ba Tu đờn rất hùng tráng, các bài Nam – Oán thì rất mùi mẫn.
Kỹ thuật nhấn nhá, chạy chữ, chẻ, xốc nhịp thì vô cùng sinh động”. NSND Ngọc Giàu thán phục: ”Ca vọng cổ hoặc bài bản cải lương, mà nghe tiếng đờn của anh Ba Tu thì đầy kịch tính, làm cho người nghệ sĩ cảm thấy có sự cảm thông, chia sẻ với nỗi niềm bài hát”.
Với các phong trào ĐCTT, NSƯT Ba Tu có nhiều công lao. Ông đã đứng lớp giảng dạy cho nhiều thế hệ nhạc sĩ trẻ. Với những ai đam mê học đờn kìm, ông đều phân tích cặn kẽ, chỉ dẫn hết sức chu đáo, để người học có được những kiến thức và lĩnh hội nơi ông niềm đam mê cháy bổng.
THANH HIỆP
TPHCM có gần 400 nghệ nhân tài tử đờn, tài tử ca thuộc 27 CLB ĐCTT thuộc các trung tâm văn hóa quận, huyện và nhà văn hóa…. Năm qua, TPHCM đã tổ chức Liên hoan ĐCTT lần 1-2013, trình diễn hơn 1.000 tiết mục dự thi trong suốt năm tháng tranh tài (từ tháng 8 đến tháng 12-2013).
Kết quả, CLB đờn ca tài tử thuộc Trung tâm văn hóa Quận 3 đã nhận được giải thưởng cao nhất – giải Hoa sen vàng, Giải Hoa sen bạc được trao cho CLB ĐCTT thuộc TTVH Quận Tân Bình và Nhà văn hóa Sinh viên TPHCM. Các CLB đờn ca tài tử thuộc Quận Tân Phú, Quận 11, huyện Bình Chánh và Cần Giờ đoạt giải Hoa sen hồng.
Và năm Hoa sen trắng được trao cho các CLB thuộc huyện Hóc Môn, Quận 5, Quận 1, Quận Thủ Đức và Quận Phú Nhuận. Các nghệ nhân đi theo con đường của NSƯT Ba Tu, truyền đạt kinh nghiệm ĐCTT cho thế hệ trẻ, phải nhắc đến nghệ nhân Hoàng Tấn, Lê Khắc Tùng (Thanh Tùng), Phương Thảo, Tấn Chương, Út Khị…