Đoàn Kim Chung hay Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt
Khoảng gần cuối năm 1954, nghĩa là sau khi Hiệp Ðịnh Genève ký kết, người ở Thủ Ðô Sài Gòn, nhứt là khán giả ái mộ cải lương bổng thấy một đoàn hát mới từ miền Bắc xuất hiện tại Hòn Ngọc Viễn Ðông
Nghệ sĩ Kim Chung (bìa phải)
Ðó là đoàn Kim Chung theo làn sóng di cư của gần một triệu đồng bào xuôi về miền Nam Việt Nam. Thoạt đầu, đoàn Kim Chung vẫn lưu diễn nơi nay nơi nọ, nhưng sau một thời gian rồi về rạp Trung Ương Hí Viện Aristo (về sau là nhà hàng Lê Lai) hát thường trực tại đây.
Ðây chỉ là lần “đóng đô” thứ nhứt của đoàn Kim chung, vì sau đó năm 1968 đoàn lại dời đô lần nữa về rạp Olympic ở đường Hồng Thập Tự và “trụ bộ” ở đây cho đến ngày rã gánh (1975). Cũng nên biết lúc đầu mới vào Nam đoàn “Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt” hơi kén khách. Vì sao? Phải nhìn nhận rằng khán thính giả ở miền Nam đi xem cải lương phần đông đều ưa thích nghe bản vọng cổ, một bản ca nhạc bình dân xuất xứ từ nơi đồng áng nông thôn thuộc miền Nam, sông Hậu. Chính cha đẻ của bản nhạc này là người ở Bạc Liêu, nên bản nhạc còn có tên gốc rễ là “Vọng Cổ Bạc Liêu,” là một bản ca nhạc độc tôn ngự trị trong lòng khán thính giả miền Nam hàng chục năm qua, hiện tại và trong tương lai lâu dài nữa.
Trong khi đó thì các nam nữ nghệ sĩ dưới bảng hiệu kim Chung lúc bấy giờ toàn là người miền Bắc, cố nhiên, không thể nào sử dụng được bản vọng cổ có âm hưởng du dương đúng mức đi sâu vào tâm hồn khán thính giả như nghệ sĩ miền Nam được. Vì như đã nói, bản nầy ra đời tại miền Nam, dường như chỉ đặc biệt dành cho người miền này sử dụng. Chính nghệ sĩ đoàn Kim Chung cũng nhận rõ điều đó nên về sau các cô Kim Chung, Bích Hợp, Bích Sơn v.v... đều cố gắng ca vọng cổ theo giọng Nam.
Vậy có thể nói sở dĩ lúc đầu bảng hiệu Kim Chung hay Tiếng Chuông vàng Bắc Việt hơi kén khán giả (miền Nam) là do chưa ca được bản vọng cổ đúng giọng miền Nam vậy.
Thế nhưng, nhờ đâu Kim Chung được đông khách tại rạp Aristo? Ðây là một sự ngẫu nhiên, vì như ai nấy đều biết, sau khi Hiệp Ðịnh Genève được ký kết tại Thụy Sĩ thì hàng loạt đồng bào từ miền Bắc di cư vào Nam. Mỗi ngày có hàng ngàn người với mọi phương tiện thủy, bộ và hàng không đổ về miền Nam tản mát khắp nơi, nhứt là vùng Sài Gòn phải tiếp nhận đông đảo đồng bào di cư nhiều hơn hết. Cho đến đỗi không đủ nơi cho đồng bào tạm trú, vì lúc đó chưa có những khu dinh điền dành cho đồng bào tị nạn, nhiều nơi trong thành phố và ngay cả các công thự cơ sở của chánh phủ lúc ấy, cũng được đồng bào chiếu cố làm chỗ ăn ở tạm thời. Quang cảnh Thủ Ðô Sài Gòn lúc bấy giờ chẳng khác gì các tỉnh lỵ miền Nam đã tiếp đồng bào tạm cư vào những năm chiến tranh trước 1975.
Dĩ nhiên, tất cả đồng bào di cư hồi ấy đều “thất nghiệp 100/100” cứ ăn rồi đi “bát phố,” song đi mãi thì cũng mỏi chân mà mắt nhìn phố phường riết rồi cũng chán. Người ta liền nghĩ đến chuyện vào rạp hát để vừa nghỉ chân vừa đưa mắt lên sân khấu xem hát cho đỡ buồn. Bảng hiệu Kim Chung được đồng bào di cư kéo đến ủng hộ đông đảo hằng đêm tại Trung Ương Hí Viện là như thế.
Theo Ngành Mai